1. Đặt vấn đề
Định hướng thúc đẩy giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học nói chung và ngành luật nói riêng là một xu hướng quốc tế hóa trong đào tạo hiện nay. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục, việc nghiên cứu và giảng dạy môn quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học ngành luật cần được thiết kế cả về nội dung lẫn hình thức theo cách tiếp cận liên ngành. Tuy nhiên, thực trạng thúc đẩy giáo dục về quyền con người trong các cơ sở đào tạo đại học ngành luật vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Chưa có giáo trình chung, thống nhất cho việc giáo dục quyền con người theo từng nhóm đối tượng riêng biệt; thời lượng cho môn học còn ít nên phương pháp tiếp cận vấn đề còn nặng tính lý thuyết... Trên cơ sở phân tích tầm quan trọng của việc thúc đẩy giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học ngành luật, bài viết chỉ ra những hạn chế trong việc đào tạo môn quyền con người, cũng như đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giáo dục cho sinh viên về quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
2. Thực trạng thúc đẩy giáo dục về quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học ngành luật hiện nay và giải pháp hoàn thiện
Hiện nay, ở Việt Nam, có nhiều cơ sở đào tạo cử nhân luật. Trong đó, tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Khoa Luật (nay là Trường Đại học Luật), Đại học Quốc gia Hà Nội[1]; Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ; Trường Đại học An Giang... đã có một môn học riêng về quyền con người. Ở một số cơ sở đào tạo khác, môn học này lại được truyền tải thông qua phương thức lồng ghép ở một số môn học như: Luật Hiến pháp; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Tố tụng hành chính… Bên cạnh những thuận lợi trong công tác thúc đẩy giáo dục về quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học ngành luật, vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được quan tâm, tháo gỡ. Cụ thể như:
2.1. Về vấn đề biên soạn giáo trình, sách và tài liệu phục vụ cho môn học
Với tư cách là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn chú trọng thực hiện những cam kết đã đề ra. Dù có nhiều thuận lợi, song việc đào tạo môn học về quyền con người vẫn chưa có giáo trình chung, thống nhất giữa các cơ sở đào tạo; chưa biên soạn đầy đủ tài liệu giáo dục theo từng nhóm đối tượng cụ thể, chuyên biệt. Bởi suy cho cùng, mục tiêu giáo dục về quyền con người ở cấp độ đại học tại các trường chuyên ngành luật hướng đến đào tạo các chuyên gia trên mỗi lĩnh vực pháp luật, theo đó mỗi ngành luật sẽ có những đặc thù chuyên biệt[2]. Ở các cơ sở đào tạo đại học ngành luật tại Việt Nam có những chuyên ngành khác nhau như: Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh tế… Với mỗi ngành, cơ sở đào tạo đại học ngành luật sẽ thiết kế khung chương trình với những môn học đặc trưng gắn liền với ngành. Có thể thấy, nếu vận dụng đưa môn học quyền con người đào tạo cho sinh viên ngành luật, cần xây dựng các tài liệu chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, trên cơ sở tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu và bảo đảm gắn kết cả nội dung giáo dục quyền con người, quyền công dân với ngành đào tạo. Theo đó, trong giáo dục đại học cần thiết phải Việt hóa các tài liệu giáo dục quyền con người theo nhóm đối tượng như: (i) Hệ thống giáo trình, tài liệu giáo dục quyền con người, quyền công dân cho sinh viên trường luật; (ii) Hệ thống giáo trình, tài liệu giáo dục quyền con người, quyền công dân cho sinh viên các trường quân đội; (iii) Hệ thống giáo trình, tài liệu cho sinh viên các trường công an, đại học an ninh, đại học cảnh sát; (iv) Hệ thống giáo trình, tài liệu cho sinh viên các học viện tư pháp, Tòa án; (v) Hệ thống giáo trình, tài liệu cho các nhóm ngành kỹ thuật…
Để môn học quyền con người phù hợp với đặc tính ngành nghề đào tạo tại các trường quân đội, khi triển khai Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường quân đội đã biên soạn các tài liệu chuyên biệt dùng trong nhà trường. Với đặc tính này, mỗi đối tượng sẽ có những tài liệu riêng như: Quyển “Những vấn đề cơ bản về quyền con người” dùng cho đào tạo hạ sỹ quan chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong nhà trường quân đội; quyển “Những vấn đề cơ bản về quyền con người” sẽ áp dụng đào tạo với đối tượng đào tạo sỹ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong nhà trường; Giáo trình “Lý luận và pháp luật về quyền con người” dùng cho đối tượng đào tạo và hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị trong quân đội[3]. Điều này là cần thiết, bởi lẽ, quyền con người là một phạm trù rộng lớn. Do đó, khi tiến hành biên soạn tài liệu, cần tập trung vào quyền gắn liền với ngành nghề, tránh việc dàn trải, bởi đây là môn học không được thiết kế thời lượng tín chỉ quá nhiều, việc xác định đúng mục tiêu nhóm quyền cần đào tạo với nhóm ngành nghề là cần thiết trong xu hướng hội nhập.
2.2. Xây dựng chương trình thống nhất đào tạo về quyền con người
Hiện nay, cả nước có khoảng 93 cơ sở đào tạo luật. Trong đó, Khoa Luật (nay là Trường Đại học Luật), Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đã sớm xây dựng các môn học về quyền con người như: “Lý luận về quyền con người”, “Bảo vệ quyền con người trong Tư pháp hình sự”, “Quyền con người trong Luật Quốc tế”. Đáng chú ý, hầu hết các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân đã lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo ở nhiều môn học khác nhau, phù hợp với đối tượng sinh viên và nội dung giáo dục, đào tạo của nhà trường[4].
Vấn đề cần đặt ra, nếu môn học về quyền con người được đưa vào chương trình đào tạo của 93 cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, thì môn học này sẽ được thiết kế ở chương trình học kỳ nào, thống nhất tên gọi môn học là gì và thời lượng tín chỉ là bao nhiêu? Khi so sánh kinh nghiệm đào tạo môn học quyền con người tại các quốc gia như Đức hay Pháp, đây là môn học nhập môn, làm nền tảng cho các đạo luật chuyên ngành khác. Thông qua môn học quyền con người, sinh viên sẽ có sự đối sánh các quyền được quy định trong Hiến pháp, công ước…, cùng các đạo luật chuyên ngành, qua đó, rèn luyện khả năng tư duy của mỗi sinh viên. Tuy nhiên, khi thiết kế chương trình đào tạo, một số cơ sở đã đặt môn học về quyền con người ở khung chương trình tại học kỳ 04, học kỳ 07…, điều này thiết nghĩ chưa thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình đào tạo về quyền con người, cần có sự thống nhất tên gọi môn học về quyền con người tại các cơ sở đào tạo. Mặc dù, tên môn học sẽ không thể lột tả hết được cốt lõi của vấn đề, nhưng ở một góc độ nào đó, điều này thể hiện tầm quan trọng của môn học trong bối cảnh hội nhập. Thực tế, cần nhận thức môn học về quyền con người đóng vai trò quan trọng, chủ đạo trong chương trình đào tạo, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước và phù hợp với công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở đào tạo. Việc triển khai lồng ghép nội dung quyền con người tại một số cơ sở đào tạo ngành luật đang triển khai hiện nay chỉ nên xem là phương pháp tình thế, khi cơ sở chưa có đủ nhân lực chuyên sâu về mảng này, cũng như chưa đủ tư liệu phục vụ cho giảng dạy… Về lâu dài, quyền con người nên được thiết kế là môn học, một học phần riêng biệt trong chương trình đào tạo. Khi đó, không nên xây dựng môn học quyền con người với một đạo luật riêng biệt nào đó (ví dụ, quyền con người trong lĩnh vực môi trường…), bởi có thể dẫn đến việc sinh viên chưa bao quát tổng thể vấn đề và với tư cách là người chia sẻ, giảng viên rất có thể sẽ tập trung làm rõ các quy định pháp luật về Luật Môi trường nhiều hơn khi hướng dẫn tầm quan trọng liên quan đến quyền con người[5].
Đơn cử, tại Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân…, các nội dung về quyền con người đã được lồng ghép vào các môn học như: Nhà nước và Pháp luật đại cương, Luật Quốc tế, Pháp luật đại cương…, mặc dù kiến thức về quyền con người là rất cần thiết, tuy nhiên, mức độ tiếp cận về quyền con người tại các cơ sở này khi tiến hành khảo sát vẫn còn những hạn chế nhất định. Khi tiến hành khảo sát với quy mô 244 sinh viên trên tổng số 2.000 sinh viên tại Học viện An ninh nhân dân liên quan đến vấn đề môn học quyền con người, kết quả cho thấy, chỉ có 39% sinh viên được tiếp cận quyền con người thông qua lồng ghép trong các môn học pháp luật được thiết kế trong chương trình đào tạo, 32% được tiếp cận qua các phương tiện thông tin đại chúng, 40% tiếp cận qua môn học chính trị và pháp luật. Đáng lưu ý, khi tiến hành khảo sát các quyền con người đã được công nhận tại Việt Nam, kết quả cho thấy, có 67% sinh viên cho rằng pháp luật không công nhận quyền biểu tình, 33% số phiếu cho rằng, nước ta chưa công nhận quyền hội họp, 19% cho rằng, Việt Nam vẫn chưa công nhận quyền tự do ngôn luận. Khi tiến hành khảo sát mức độ am hiểu quyền con người của bản thân, 19% tự đánh giá khả năng am hiểu tốt, 29% trung bình, 18% đánh giá yếu, 11% không tự đánh giá[6]. Có thể thấy, để môn học quyền con người thể hiện đúng tầm quan trọng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là đưa môn học về quyền con người thuộc môn học nhập môn, được hướng dẫn trước khi tiến hành giảng dạy các môn pháp luật chuyên ngành; ngoài ra, cần xúc tiến thiết kế đây là môn học độc lập thay vì chỉ được lồng ghép vào chương trình đào tạo ở nhiều môn học khác nhau.
2.3. Xác định hình thức, phương pháp đào tạo phù hợp với từng đối tượng
Việc đưa môn học về quyền con người vào chương trình đào tạo với sinh viên ngành luật được nhận định là khó khăn tại các cơ sở đào tạo đại học, bởi phần lớn đội ngũ giảng viên ở cơ sở đào tạo đại học ngành luật chưa thực sự được đào tạo bài bản, chuyên sâu về quyền con người. Việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giáo dục quyền con người chỉ mới dừng lại ở giới hạn cơ bản, chưa thực sự được chú trọng và tổ chức triển khai bài bản, thường xuyên[7].
Để giải quyết yêu cầu cấp bách, cần thiết phải có kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn đội ngũ chuyên trách giảng dạy quyền con người. Bên cạnh đó, cần triển khai thiết kế bài giảng theo hướng hiện đại; lồng ghép nhiều ví dụ minh họa thực tế cho bài học; tránh kiểu truyền thụ kiến thức một chiều, thiên về lý thuyết, gây tâm lý tẻ nhạt cho người học. Vì vậy, giảng viên nên chủ động sử dụng phương pháp phân tích tình huống bảo vệ quyền con người trên thực tế sẽ tránh được sự nhàm chán cho môn học.
Về mặt pháp lý, hiện nay, nội dung của quyền con người nằm tản mát trong nhiều văn bản. Vì vậy, giảng viên cần định hướng cho sinh viên tư duy tổng hợp, tích hợp việc phân tích, nghiên cứu các văn bản pháp lý trong và ngoài nước, tránh việc cùng một lúc truyền thụ cho sinh viên một khối lượng lớn kiến thức lý thuyết[8]. Theo đó, cần thường xuyên cho sinh viên trao đổi, thảo luận về quyền con người trên lớp thông qua việc làm bài tập lớn theo nhóm, hoặc người học sẽ hóa thân vào vai luật sư tư vấn, diễn thuyết vấn đề cần nghiên cứu... Với vai trò là người định hướng, giảng viên cần tích hợp giữa giảng dạy, cũng như định hướng cho sinh viên có tinh thần chủ động nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra năng lực, có thể đánh giá thông qua bài nghiên cứu theo chủ đề đã thảo luận, hay phân tích các tình huống có liên quan đến quyền con người theo pháp luật quốc tế…
Châu Âu là nơi đầu tiên tuyên bố về quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng là chiếc nôi đầu tiên đưa môn học quyền con người vào chương trình đào tạo. Một trong những kinh nghiệm giáo dục quyền con người là thông qua các hoạt động thực tiễn như tổ chức những buổi triển lãm về quyền con người trong khuôn khổ nhà trường hoặc tại các điểm công cộng ở địa phương, hình thức này giúp cho sinh viên có được thói quen trình bày tư liệu và thể hiện chính kiến của mình thông qua hình ảnh, tư liệu trong các buổi triển lãm[9]. Theo đó, phương thức giáo dục quyền con người sau nhiều năm đã được đúc kết, phát triển trên cơ sở kinh nghiệm kết nối các thành tố cơ bản và có thể hiệu chỉnh theo từng đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau. Các kỹ thuật hướng đến thu hút sự tham gia của người học đối với môn quyền con người bao gồm: Thuyết trình và thảo luận, thảo luận chuyên gia (pane discussion), làm việc trong nhóm (working group), nghiên cứu tình huống (case studies), giải quyết tình huống/sử dụng trí tuệ tập thể (problem - solving/brainstorming), mô phỏng/đóng vai (simulation/role-playing), khảo sát (field trip), bài tập thực hành (practical exercise - including drafting), thảo luận bàn tròn (round - table discussion), phương tiện dạy học (visual aid), địa điểm tiến hành đào tạo[10]. Thiết nghĩ, đây sẽ là cơ sở, kinh nghiệm quan trọng có thể được áp dụng tại nước ta khi triển khai đưa môn học quyền con người tại các cơ sở đào tạo trong thời gian tới.
Giáo dục về quyền con người xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn phụ thuộc nhiều vào mục tiêu, đối tượng, nội dung và phương pháp giảng dạy được xác định trong từng giai đoạn phát triển và chính sách của mỗi quốc gia. “Có thể xác định mục tiêu tổng quát giáo dục quyền con người bao gồm: Tăng cường sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người; thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; nâng cao năng lực của mọi người trong xã hội tự do dân chủ”[11]… Tại Việt Nam, khi tiến hành đưa môn học quyền con người vào giảng dạy vẫn còn những vấn đề cần sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo. Đó có thể là thống nhất sử dụng giáo trình đặc thù với môn học, thống nhất về thời lượng cũng như bố trí thời điểm giáo dục môn học, phương pháp tiếp cận vấn đề… Bởi đặc thù môn học còn khá mới mẻ, đòi hỏi cần có sự vận dụng, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong việc đào tạo pháp luật về quyền con người, hướng đến mục tiêu cơ bản là đến năm 2025, 100% các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân có đào tạo liên quan đến quyền con người.
ThS. Trần Lê Đăng Phương
Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[1]. Giáo dục quyền con người cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/2901-giao-duc-quyen-con-nguoi-cho-sinh-vien-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.html, truy cập ngày 17/7/2022.
[2]. Võ Khánh Minh, Các giải pháp đổi mới giáo dục quyền con người ở nước ta hiện nay, https://tapchitoaan.vn/cac-giai-phap-doi-moi-giao-duc-quyen-con-nguoi-o-nuoc-ta-hien-nay5488.html, truy cập ngày 17/9/2022.
[3]. Nguyễn Văn Thái, Thực trạng và giải pháp giáo dục quyền con người trong các nhà trường quân đội hiện nay, http://qcn.ciks.vn/Content/thuc-trang-va-giai-phap-giao-duc-quyen-con-nguoi-trong-cac-nha-truong-quan-doi-hien-nay-485621, truy cập ngày 17/9/2022.
[4]. Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học “Nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người trong giáo dục đại học ở Việt Nam”, https://hcma.vn/vanban/Pages/van-ban-quan-ly.aspx?ItemId=31782&CateID=0, truy cập ngày 16/9/2022.
[5]. Nguyễn Văn Mạnh & Nguyễn Thị Báo, Giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo không chuyên ngành luật- Vấn đề giải đáp, Tạp chí Khoa giáo, số 7/2007.
[6]. Phùng Thế Vắc & Đinh Thị Mai, Nghiên cứu giảng dạy quyền con người, quyền công dân ở học viện an ninh, Giáo dục quyền con người những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, năm 2011, tr. 87.
[7]. Lê Thị Châu, Giảng dạy về quyền con người: thực tiễn tại Khoa Luật, Trường Đại học Duy Tân, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Số 1 (22), 2022, tr. 91.
[8]. Sherlawa., W, Hudebine., H, The United Nations Convention on the rights of persons with disabilities: Opportunities and tensions within the social inclusion and participation of persons with disabilities, ALTER European Journal of Disiability Reasearch 9 (2015) 9 - 21.
[9]. Brander, P., Keen, E. Lemineur, & M.-L. (Eds.) (2002). Compass. A manual on Human Rights education with young people. Strasbourg: Council of Europe Publishing.
[10]. Bùi Nguyên Khánh, Phương pháp giáo dục quyền con người - Kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục quyền con người của Liên Hợp quốc, Nxb. Khoa học xã hội, năm 2011, tr. 67.
[11]. Võ Khánh Minh, Các giải pháp đổi mới giáo dục quyền con người ở nước ta hiện nay, https://tapchitoaan.vn/cac-giai-phap-doi-moi-giao-duc-quyen-con-nguoi-o-nuoc-ta-hien-nay5488.html, truy cập ngày 15/9/2022.