1. Đặt vấn đề
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO), Ấn Độ, là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất trên thế giới với 2.006 vụ việc trên tổng số 7.133 vụ việc trên toàn thế giới[1]. Ở Úc, tính từ năm 1995 đến nay, Úc đã khởi xướng điều tra (KXĐT) hơn 400 vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu từ nước ngoài[2]. Ở Việt Nam, những năm gần đây, Bộ Công thương cũng đã tăng cường điều tra áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với quy định của WTO và các cam kết quốc tế. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã tiến hành điều tra được tổng cộng 23 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ[3].
So sánh thực tiễn điều tra PVTM của Việt Nam thời gian qua với Ấn Độ hay Úc, nhận thấy kết quả này khá “khiêm tốn”. Trong khi đó, Ấn Độ hiện là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD[4]. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là 5,2 tỷ USD năm 2020[5] và thời gian qua, Ấn Độ cũng đã tiến hành điều tra PVTM gần 30 vụ việc với Việt Nam[6]. Bên cạnh Ấn Độ, Úc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 1 của Việt Nam với kim ngạch thương mại Việt Nam - Úc đạt 15,7 tỷ USD vào năm 2022[7]. Bên cạnh đó, trong số 231 vụ kiện PVTM thì Úc đã tiến hành điều tra 18 vụ việc đối với hàng hóa Việt Nam[8]. Vì thế, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại tính hiệu quả trong thực tiễn điều tra PVTM, trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm của Ấn Độ và Úc nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi.
2. Thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của một số quốc gia ở châu Á
2.1. Thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của Ấn Độ
Là thành viên của WTO, đồng thời cũng là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), Ấn Độ đã sớm quy định và áp dụng các biện pháp PVTM với mục tiêu bảo vệ các ngành sản xuất nội địa. Ở Ấn Độ, các biện pháp PVTM được quy định chủ yếu trong Luật thuế Hải quan năm 1975 được sửa đổi, bổ sung năm 1995 (sau đây gọi Luật thuế Hải quan năm 1975), Bộ quy tắc về Thuế quan năm 1995, Luật Ngoại thương năm 1992, Bộ quy tắc về thuế quan năm 1997, các Quy tắc về Biện pháp Tự vệ (Hạn chế Định lượng) năm 2012.
Thực thi các quy định nêu trên, chỉ tính từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2021, Ấn Độ đã khởi xướng tổng cộng 1.175 cuộc điều tra PVTM. Trong số các vụ điều tra khởi xướng, Ấn Độ đã áp dụng chính thức 767 biện pháp chống bán phá giá, 13 biện pháp chống trợ cấp và 22 biện pháp tự vệ[9].
Đối với Việt Nam, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn, đồng thời cũng là quốc gia thường xuyên tiến hành các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa của nước ta[10]. Để giúp doanh nghiệp Việt Nam có am hiểu về pháp luật PVTM và nhận diện đầy đủ về quy trình điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của Ấn Độ, phân tích kinh nghiệm của quốc gia này cho thấy:
Thứ nhất, Ấn Độ đã sớm hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bảo đảm tính độc lập, khách quan.
Theo quy định của pháp luật Ấn Độ, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (General Department of Trade Defense - DGTR) thuộc Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền điều tra và đưa ra đề xuất về việc áp dụng biện pháp PVTM tạm thời hoặc chính thức[11]. Trên cơ sở đề xuất của DGTR, Bộ Tài chính sẽ xem xét để ra quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp PVTM. Bộ Tài chính thường sẽ ra quyết định theo hướng mà DGTR đề xuất. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặc biệt[12].
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền điều tra và đề xuất áp dụng biện pháp PVTM là DGTR, thuộc nhánh hành pháp và trực thuộc Bộ Công thương. DGTR có hai nhiệm vụ: (i) Tiến hành điều tra vụ việc PVTM; (ii) Đề xuất áp dụng biện pháp PVTM. Trên cơ sở đề xuất của DGTR, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng.
Như vậy, để điều tra và áp dụng biện pháp PVTM, pháp luật của Ấn Độ giao cho hai cơ quan, một cơ quan điều tra (CQĐT) là DGTR thuộc Bộ Công thương và một cơ quan ra quyết định là Bộ Tài chính. Đây chính là điểm quyết định đến tính khách quan, độc lập của kết quả điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của Ấn Độ. Mặc dù, là cơ quan quản lý trực tiếp DGTR, nhưng Bộ Công thương của Ấn Độ lại không có quyền xem xét ra quyết định cuối cùng, mà thuộc về thẩm quyền của Bộ Tài chính. Điều này giúp tránh được sự tác động từ Bộ Tài chính làm sai lệch kết quả điều tra của DGTR vì Bộ Tài chính là cơ quan ra quyết định sau cùng. Ngược lại, Bộ Tài chính cũng không có “cơ hội” để tác động lên kết quả điều tra của DGTR vì đây là hai cơ quan tách biệt nhau về mặt quản lý.
Thứ hai, Ấn Độ đã quy định quy trình điều tra vụ việc phòng vệ thương mại một cách chặt chẽ.
Theo quy định của WTO, một biện pháp PVTM ở Ấn Độ chỉ có thể được áp dụng sau khi cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện việc điều tra theo đúng quy trình quy định và kết luận có đủ các điều kiện để áp dụng[13]. Vì thế, ở Ấn Độ, vụ việc bị điều tra PVTM được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ:
Bước 1 - Tiền khởi xướng điều tra: Một cuộc điều tra PVTM sẽ được khởi xướng khi DGTR nhận được đơn kiện từ ngành sản xuất nội địa yêu cầu điều tra[14]. Sau đó, DGTR sẽ xem xét đơn yêu cầu để bảo đảm rằng đơn yêu cầu đáp ứng các điều kiện quy định để khởi xướng một cuộc điều tra[15]. Hoặc GDTR cũng có thể tự KXĐT vụ việc PVTM nếu có đủ các bằng chứng cơ bản theo quy định[16].
Bước 2 - Khởi xướng điều tra: Sau khi xem xét, nếu xác minh đơn yêu cầu đã bảo đảm đủ 02 điều kiện dưới đây thì DGTR sẽ ra một thông báo KXĐT: (i) Đơn yêu cầu được làm bởi hoặc thay mặt cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ; (ii) Các bằng chứng liên quan đến việc bán phá giá; trợ cấp; hành vi nhập khẩu ồ ạt thiệt hại[17].
Bước 3 - Thông báo công khai và thư mục kiểm tra: DGTR gửi Bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để trả lời phản hồi. Đơn yêu cầu/bản trả lời/phản hồi của các bên liên quan có thể nộp dưới dạng bảo mật hoặc không bảo mật[18].
Bước 4 - Kết luận sơ bộ: Trên cơ sở điều tra sơ bộ các thông tin, bằng chứng cần thiết, trong trường hợp thích hợp, DGTR sẽ đưa ra kết luận sơ bộ về vụ việc[19].
Bước 5 - Biện pháp thuế PVTM tạm thời: Trên cơ sở kết luận sơ bộ và khuyến nghị của DGTR, Cục Thuế - Bộ Tài chính có thể ra quyết định áp dụng thuế tạm thời[20].
Bước 6 - Phiên điều trần: Trong quá trình điều tra, nếu thấy cần thiết DGTR có thể tổ chức phiên điều trần để các bên có thể trực tiếp cung cấp thông tin, lập luận của mình cũng như phản hồi các lập luận của đối phương[21].
Bước 7 - Công bố thông tin: Trên cơ sở kết quả điều tra và xác minh, DGTR sẽ xác định các căn cứ cho kết luận cuối cùng về vụ việc. Sau đó, DGTR sẽ công bố cho tất cả các bên liên quan về các thông tin cốt yếu mà cơ quan này dự kiến sẽ sử dụng làm căn cứ để ra kết luận cuối cùng[22].
Bước 8 - Kết luận cuối cùng: Sau khi các bên liên quan đã gửi bình luận/ý kiến/phản hồi với dự kiến của DGTR về các thông tin cốt yếu, Giám đốc DGTR sẽ xem xét, cân nhắc các bình luận này và đưa ra kết luận cuối cùng về vụ điều tra[23].
Bước 9 - Thông báo về thuế: Kết luận cuối cùng của DGTR sẽ được gửi đến Cục Thuế - Bộ Tài chính. Cục Thuế - Bộ Tài chính sẽ xem xét và báo cáo xin phê chuẩn của Bộ trưởng Tài chính và nếu được phê chuẩn và sẽ ra Thông báo áp thuế trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành kết luận cuối cùng[24].
Như vậy, Ấn Độ đã sớm xây dựng và hoàn thiện mô hình CQĐT, áp dụng biện pháp PVTM với hệ thống hai cơ quan, một CQĐT là DGTR và một cơ quan ra quyết định cuối cùng là Bộ Tài chính. Điểm tiến bộ của việc bố trí mô hình này chính là tính độc lập, khách quan, tránh được sự chi phối bởi các mệnh lệnh hành chính từ cơ quan thứ ba tác động đến kết quả trong quá trình điều tra. Để hiện thực hóa ưu điểm của mô hình CQĐT, một quy trình điều tra chặt chẽ đã được Ấn Độ quy định và thực thi trong thực tiễn, bắt đầu từ việc KXĐT, tiếp đó, DGTR sẽ tiến hành các cuộc điều tra, nhưng DGTR không hoàn toàn quyết định, mà kết quả điều tra của DGTR sẽ được gửi đến Bộ Tài chính và báo cáo xin phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2.2. Thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của Úc
Về quan điểm PVTM, tại vòng đàm phán Uruguay, Úc là một trong những thành viên đàm phán ủng hộ việc đưa các quy định PVTM. Vì thế, Úc đã sớm ban hành Đạo luật Thuế quan năm 1975, được sửa đổi lần gần nhất vào năm 2013 (sau đây gọi là Đạo luật Thuế quan năm 1975) và Đạo luật Hải quan 1901, được sửa đổi lần gần nhất vào năm 2013 (sau đây gọi là Đạo luật Hải quan), đây là cơ sở pháp lý cho điều tra, áp dụng biện pháp PVTM.
Thực thi các quy định của Đạo luật này, từ năm 1995 đến nay, Úc đã KXĐT hơn 400 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước ngoài[25]. Trong số đó, có 18 vụ việc do Úc KXĐT đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam[26]. Có thể thấy, so với Ấn Độ, Úc là quốc gia có số vụ việc điều tra PVTM đối với doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài ít hơn. Tuy nhiên, qua phân tích kết quả điều tra cho thấy, Úc cũng là quốc gia khá thành công trong việc thực thi các quy định về PVTM, thực tiễn này xuất phát từ một số yếu tố sau:
Thứ nhất, Úc đã sớm hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra phòng vệ thương mại:
- Đối với hành vi bán phá giá và trợ cấp: Úc giao thẩm quyền khởi xướng và tiến hành điều tra cho Bộ Hải quan và Ủy ban Chống bán phá giá[27]. Trong đó: (i) Bộ Hải quan có trách nhiệm bắt đầu và điều tra sơ bộ tiếp theo; áp dụng các biện pháp sơ bộ; xem xét mức độ của các biện pháp hiện có[28]. Trong quá trình điều tra, Bộ trưởng Bộ Hải quan là người đưa ra các quyết định[29]; (ii) Ủy ban Chống bán phá giá có trách nhiệm tiến hành cuộc điều tra cuối cùng và đề xuất xem có nên áp dụng các biện pháp cuối cùng hay không[30]…
- Đối với hành vi nhập khẩu ồ ạt gây thiết hại thì Ủy ban Năng suất được giao thẩm quyền điều tra trên cơ sở khởi xướng của Bộ Tài chính[31]. Ủy ban Năng suất được thành lập vào tháng 4 năm 1998. Đây là một cơ quan độc lập theo luật định và là cơ quan tư vấn chính của Chính phủ về mọi khía cạnh của cải cách kinh tế vi mô[32].
Thứ hai, Úc đã quy định quy trình để tiến hành điều tra phòng vệ thương mại khá chặt chẽ:
Bước 1 - Đơn kiện và quyết định khởi xướng điều tra: Người đại diện tất cả hoặc một phần ngành sản xuất trong nước của Úc có thể nộp đơn đề nghị Bộ Hải quan (đối với hành vi bán phá giá và trợ cấp thương mại) và Ủy ban Năng suất (đối với hành vi nhập khẩu ồ ạt, gây thiệt hại) bắt đầu cuộc điều tra PVTM. Đơn kiện phải đưa ra được các căn cứ pháp lý[33]. Bộ Hải quan và Bộ Tài chính của Úc cũng có thể tự KXĐT[34].
Bước 2 - Tiến hành điều tra và đệ trình thông tin: Sau khi có quyết định KXĐT, Bộ Hải quan và Ủy ban Năng suất sẽ tiến hành điều tra. Kết quả điều tra sẽ được đệ trình lên Quốc hội đối với vụ việc tự vệ thương mại, đối với vụ việc bán phá giá và trợ cấp sẽ được đệ trình lên Ủy ban Chống bán phá giá[35]. Thời hạn đệ trình thông tin là 40 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện đối với hành vi bán phá giá[36] và 60 ngày đối với điều tra hành vi trợ cấp[37].
Bước 3 - Kết luận sơ bộ (Biện pháp tạm thời): Kết luận sơ bộ sẽ được đưa ra không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày KXĐT đối với hành vi bán phá giá và hành vi trợ cấp thương mại[38].
Bước 4 - Kết luận cuối cùng: Ủy ban Năng suất và Ủy ban Chống bán phá giá phải đưa ra kết luận cuối cùng trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày KXĐT[39].
Bước 5 - Nộp đơn yêu cầu rà soát: Sau khi có quyết định cuối cùng, các bên liên quan có quyền yêu cầu ra soát lại trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có quyết định có thể rà soát. Thời hạn rà soát là 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu rà soát[40].
Như vậy, cũng như Ấn Độ, Úc đã sớm xây dựng và hoàn thiện mô hình CQĐT PVTM, đồng thời, đã quy định và tiến hành một quy trình điều tra chặt chẽ. Điểm đặc biệt là cả Ấn Độ và Úc đều đã thiết kế mô hình CQĐT PVTM bảo đảm tính độc lập, khách quan, tránh được sự chi phối bởi chủ thể thứ ba. Nếu ở Ấn Độ, DGTR là cơ quan tiến hành các cuộc điều tra, nhưng quyết định cuối cùng thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì tại Úc, đối với hành vi bán phá giá và trợ cấp thì Bộ Hải quan là cơ quan khởi xướng và điều tra sơ bộ, trên cơ sở đó Ủy ban Chống bán phá giá là CQĐT chính thức; đối với biện pháp tự vệ thương mại do Bộ Tài chính KXĐT và Ủy ban Năng suất với tư cách là cơ quan độc lập tiến hành các bước điều tra và tư vấn cho Chính phủ xem xét.
3. Một số gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại ở Việt Nam
Thứ nhất, cần quy định cơ quan điều tra có vị trí pháp lý độc lập, khách quan.
Có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình điều tra PVTM, trong đó yếu tố căn cơ chính là năng lực của CQĐT. Bởi lẽ, xét đến cùng, các hành vi thương mại không công bằng hoặc cạnh tranh không lành mạnh đến từ doanh nghiệp nước ngoài có được phát hiện, xử lý kịp thời cũng phụ thuộc vào kết quả điều tra của CQĐT. Sớm nhận thức được vấn đề này, Ấn Độ và Úc đã sớm xây dựng và thiết lập mô hình cơ quan hệ thống CQĐT, áp dụng biện pháp PVTM độc lập, khách quan. Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Điều 1 Quyết định số 3752/2018/QĐ-BCT ngày 02/10/2017 của Bộ Công thương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại (Quyết định số 3752/2018/QĐ-BCT). Cục Phòng vệ thương mại trực thuộc Bộ Công thương là cơ quan tiến hành điều tra PVTM và Bộ trưởng Bộ Công thương là chủ thể quyết định cuối cùng[41]. Để thực hiện chức năng điều tra, Cục Phòng vệ thương mại giao cho cơ quan cấp phòng tiến hành. Với vị trí pháp lý là cấp phòng nằm trong Cục Phòng vệ thương mại trực thuộc Bộ Công thương, sẽ rất khó tạo ra sự độc lập, khách quan trong quá trình điều tra PVTM. Điều mà doanh nghiệp “lo ngại” nhất đó là sự tác động, chi phối của các mệnh lệnh hành chính làm “méo mó” kết quả điều tra PVTM. Vì lẽ rằng, điều tra PVTM không đơn thuần là áp dụng chế tài kinh tế để trừng phạt đối với hành vi vi phạm, lúc này vai trò răn đe đã vượt qua giới hạn của một biện pháp kinh tế đơn thuần khi nó tác động tới mối tương quan về vị thế kinh tế, chính trị, đối ngoại giữa các quốc gia với nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà quan hệ đối tác giữa các quốc gia được thiết lập dựa trên sự so sánh về vị thế kinh tế, chính trị và quan hệ ngoại giao, dẫn đến các quốc gia có vị thế kinh tế yếu hơn như Việt Nam phải có những chính sách “khoan nhượng” và kết quả các mệnh lệnh hành chính sẽ được “dội xuống” nếu đối tượng bị điều tra PVTM là doanh nghiệp của các nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản[42]. Cảnh báo điều này, trong nghiên cứu của mình, tác giả Đoàn Trung Kiên đã viết: “Quyền hạn của CQĐT là rất lớn, trong khi không có cơ quan nào giám sát hay tư vấn độc lập cho quá trình điều tra, có thể sẽ dẫn tới lạm dụng quyền lực”[43]. Hay một nghiên cứu khác cũng đã nhận định, vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đúng là đã có dấu hiệu bị tác động bởi những áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ, các phán quyết về chống bán phá giá nhằm tới bảo hộ cho ngành công nghiệp trong nước[44].
Để khắc phục các hạn chế trên, chúng tôi cho rằng mô hình CQĐT PVTM của Việt Nam cần được tổ chức lại trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Ấn Độ và Úc để thiết lập một CQĐT PVTM có vị trí độc lập với các thiết chế khác trong bộ máy Chính phủ và có thể là một đơn vị trực thuộc Chính phủ, độc lập với các bộ, điều này sẽ cho phép: (i) Bảo đảm cho CQĐT một vị thế đủ để yêu cầu các bộ, Ủy ban nhân dân cùng phối hợp điều tra, cung cấp thông tin, số liệu để làm rõ có hay không hành vi vi phạm; (ii) Với vị trí là cơ quan trực thuộc Chính phủ, các công văn phục vụ cho quá trình điều tra sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, điều đó hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để buộc các cơ quan chuyên ngành như: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phải có nghĩa vụ cùng phối hợp điều tra; (iii) Giúp CQĐT hoàn toàn đầy đủ thẩm quyền để chủ động phối hợp điều tra, tiếp xúc, đối chiếu với CQĐT và chính phủ nước ngoài; (iv) Tạo tính chủ động, hiệu quả cho CQĐT trong việc phúc đáp các công hàm từ cơ quan ngoại giao nước ngoài, giúp nhanh chóng giải quyết được sự việc, phù hợp với cấp hàm ngoại giao, vừa bảo vệ kịp thời quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng một quy trình điều tra chặt chẽ và có sự giám sát, rà soát của cơ quan nhà nước.
Một quy trình điều tra chặt chẽ cũng được pháp luật của Ấn Độ và Úc sớm thiết lập, đặc biệt trong quy trình điều tra, các quốc gia này luôn bố trí hai cơ quan độc lập thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhằm bảo đảm tính khách quan, đặc biệt có sự giám sát hoạt động lẫn nhau. Ví dụ như, Ấn Độ, DGTR là CQĐT, nhưng Bộ Tài chính là cơ quan ra quyết định cuối cùng. Hay tại Úc, KXĐT tự vệ thương mại thuộc Bộ Tài chính, nhưng điều tra lại thuộc Ủy ban Năng suất. Ở Việt Nam, theo điểm b khoản 4 Điều 2 Quyết định số 3752/2018/QĐ-BCT, Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan tự khởi xướng hoặc thụ lý đơn khiếu kiện và đồng thời cũng là cơ quan tiến hành điều tra các vụ việc PVTM. Điều này, đã không tạo được tính khách quan và có sự giám sát độc lập giữa các cơ quan trong hoạt động điều tra PVTM. Vì thế, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ và Úc, cần rà soát để hoàn thiện quy trình điều tra, đồng thời cần thiết phải nghiên cứu xây dựng mô hình một CQĐT, một cơ quan khởi xướng để bảo đảm tính khách quan trong các quyết định, đặc biệt có sự hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong suốt quá trình tiến hành hoạt động điều tra PVTM.
Kết luận: Hoạt động điều tra đóng vai trò quyết định đến hiệu quả thực thi pháp luật về PVTM. Vì lẽ đó, Ấn Độ và Úc đã sớm xây dựng mô hình CQĐT với một vị trí pháp lý độc lập và một quy trình điều tra với hai cơ quan độc lập, có sự giám sát, tham vấn lẫn nhau nhằm tránh những tác động từ các mệnh lệnh hành chính hay quan hệ ngoại giao làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Trong khi đó ở Việt Nam, mô hình CQĐT chưa thực sự bảo đảm vị trí pháp lý độc lập. Hơn nữa, quy trình điều tra được thực hiện bởi một cơ quan là Cục Phòng vệ thương mại trực thuộc Bộ Công thương nên thiếu đi sự hỗ trợ, tham vấn lẫn nhau giữa các bên. Điều này, đã gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả điều tra PVTM. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của Ấn Độ, Úc, để bảo đảm vị trí độc lập thì CQĐT PVTM nên bố trí là đơn vị trực thuộc Chính phủ, quy trình điều tra cần bố trí hai cơ quan độc lập để cùng tiến hành điều tra, đồng thời có sự giám sát và tham vấn lẫn nhau trong suốt quá trình điều tra PVTM./.
TS. Mai Xuân Hợi & Trần Thị Phương Ly
Trường Đại học Luật - Đại học Huế
[1]. Bộ Công thương (2021), Ấn Độ gia tăng phòng vệ thương mại: Trở ngại xuất khẩu với doanh nghiệp Việt Nam, https://congthuong.vn/an-do-gia-tang-phong-ve-thuong-mai-tro-ngai-xuat-khau-voi-doanh-nghiep-viet-nam-162333.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[2]. Bảo Thoa (2023), Giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc cho các doanh nghiệp xuất khẩu, https://congthuong.vn/gioi-thieu-co-che-phong-ve-thuong-mai-cua-viet-nam-va-uc-cho-cac-doanh-nghiep-xuat-khau-259904.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[3]. Bộ Công thương, Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam, https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoi-nghi-tong-ket-20-nam-cong-tac-phong-ve-thuong-mai-cua-viet-nam.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[4] - [6]. Bộ Công thương (2021), Ấn Độ gia tăng phòng vệ thương mại: Trở ngại xuất khẩu với doanh nghiệp Việt Nam, https://congthuong.vn/an-do-gia-tang-phong-ve-thuong-mai-tro-ngai-xuat-khau-voi-doanh-nghiep-viet-nam-162333.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[7] - [8]. Bộ Công thương (2023), Giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc, https://taichinh.kinhtechungkhoan.vn/gioi-thieu-co-che-phong-ve-thuong-mai-cua-viet-nam-va-uc-189691.html.
[9]. Trung tâm WTO và Hội nhập, Tổng quan về tình hình điều tra Phòng vệ thương mại của Ấn Độ, https://chongbanphagia.vn/tong-quan-ve-tinh-hinh-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-cua-an-do-n26273.html.
[10]. Bảo Thoa (2022), Phòng vệ thương mại: Ứng phó rào cản thương mại từ Ấn Độ, https://congthuong.vn/phong-ve-thuong-mai-ung-pho-rao-can-thuong-mai-tu-an-do-180062.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[11] - [24]. Trung tâm WTO và Hội nhập (2023), Sổ tay Phòng vệ thương mại tại Ấn Độ, Nxb. Công thương, tr. 13 - tr. 69.
[25] - [26]. Báo Công thương, Giới thiệu cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam và Úc cho các doanh nghiệp xuất khẩu, https://chongbanphagia.vn/gioi-thieu-co-che-phong-ve-thuong-mai-cua-viet-nam-va-uc-cho-cac-doanh-nghiep-xuat-khau-n26638.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[27]. Xem: Mục 7 của Thông báo Luật, quy định theo Điều 18.5 và 32.6 của thỏa thuận châu Úc của Quốc hội Úc ban hành này 21/3/1995, https://www.trav.gov.vn/?page=legal&category_id=0255c368-49da-429e-a3d3-7d073bbe5319, truy cập ngày 01/6/2024.
[28]. Xem: Mục 8 của Thông báo Luật, quy định theo Điều 18.5 và 32.6 của thỏa thuận châu Úc của Quốc Hội Úc ban hành này 21/3/1995, https://www.trav.gov.vn/?page=legal&category_id=0255c368-49da-429e-a3d3-7d073bbe5319, truy cập ngày 01/6/2024.
[29]. Theo: https://chongbanphagia.vn/australia-n721.html và https://chongbanphagia.vn/australia-n184.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[30]. Xem: Mục 9 của Thông báo Luật, quy định theo Điều 18.5 và 32.6 của thỏa thuận châu Úc của Quốc hội Úc ban hành này 21/3/1995, https://www.trav.gov.vn/?page=legal&category_id=0255c368-49da-429e-a3d3-7d073bbe531, truy cập ngày 01/6/2024.
[31]. Theo: https://chongbanphagia.vn/australia-n739.html, truy cập ngày 01/6/2014.
[32]. Xem: Phần 2 Đạo luật Ủy ban Năng suất năm 1998.
[33]. Xem tại: https://chongbanphagia.vn/australia-n184.html và https://chongbanphagia.vn/australia-n721.html, truy cập ngày 01/6/2024.
[34]. Theo: https://chongbanphagia.vn/australia-n739.html và mục 8 của Thông báo Luật, quy định theo Điều 18.5 và 32.6 của thỏa thuận châu Úc của Quốc hội Úc ban hành ngày 21/3/1995, https://www.trav.gov.vn/?page=legal&category_id=0255c368-49da-429e-a3d3-7d073bbe5319, truy cập ngày 01/6/2024.
[35]. Xem: Phần 2 Đạo luật Ủy ban Năng suất năm 1998 và mục 8 của Thông báo Luật, quy định theo Điều 18.5 và 32.6 của thỏa thuận châu Úc của Quốc hội Úc ban hành này 21/3/1995, https://www.trav.gov.vn/?page=legal&category_id=0255c368-49da-429e-a3d3-7d073bbe5319, truy cập ngày 01/6/2024.
[36] - [40]. Xem: https://chongbanphagia.vn/australia-n721.html và https://chongbanphagia.vn/australia-n721.html, truy cập ngày 01/6/2014.
[41]. Xem: Điểm d khoản 4 Điều 2 của Quyết định số 3752/2018/QĐ-BCT. mại..
[42]. Mai Xuân Hợi (2023), Chủ thể thực thi pháp luật phòng vệ thương mại ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án Tiến sĩ, thực hiện tại Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 99.
[43]. Đoàn Trung Kiên, (2010), “Pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Luận án Tiến sĩ Luật học, cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội, mục 4.2.2.11.
[44]. R.Baldwin and J. Steagall (1991), “An analysis of factors influencing ITC decisions in antidumping, countervailing and safeguards cases”, Carleton University - University of Wiscosin, Ohawa, Canada.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 406), tháng 6/2024)