1. Những thành tựu trong bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng
Thứ nhất, về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân: Hiện nay, những mối nguy đối với dữ liệu cá nhân ngày càng cao khi con người dần chuyển nhiều hoạt động của bản thân, trong đó có nhiều thông tin cần bảo mật lên mạng, do đó xuất hiện nguy cơ những thông tin này bị đánh cắp, quấy rối, lừa đảo, tống tiền. Đã có nhiều chính sách bảo mật được thực hiện nhằm bảo đảm quyền này được bảo vệ tốt nhất, giúp người dùng hiểu rõ các nguy cơ tiềm ẩn khi tải dữ liệu cá nhân lên không gian mạng.
Thứ hai, về quyền bảo đảm sức khỏe: Chuyển đổi số về y tế đã thể hiện một số lợi ích như cải thiện hệ thống hành chính y tế, xây dựng hồ sơ bệnh án mềm dễ truy cập, theo dõi và cho phép các cơ quan khám bệnh, chữa bệnh quản lý. Phụ nữ là đối tượng cần được thăm khám sức khỏe sinh sản thường xuyên, nhưng còn tâm lý e ngại, không đi khám khi gặp bệnh lý được cho là “vấn đề nhạy cảm” như: Ung thư vú, bệnh phụ khoa, các bệnh lây qua đường tình dục. Y tế số có thể khắc phục được đặc điểm tâm lý này vì khoảng cách thăm khám bước đầu được thu hẹp, loại bỏ nhiều hạn chế như bệnh viện quá tải, thiếu nguồn lực y bác sĩ có tay nghề, thời gian di chuyển chờ thăm khám dài, bác sĩ không tiếp cận được hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Thứ ba, về quyền lao động: Để quyền lao động của phụ nữ trên không gian mạng được bảo đảm, phụ nữ trước hết cần được bình đẳng trong tham gia lao động trong chuyển đổi số. Các việc làm mới được tạo ra sẽ chủ yếu là các ngành nghề STEM[2] (là viết tắt của 04 khối ngành: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematic (Toán học)). Các bậc giáo dục phổ thông luôn chú trọng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, chương trình học không phân biệt đối xử giới, bậc đại học, cao đẳng cũng khuyến khích, có nhiều hỗ trợ đối với sinh viên nữ tham gia Ngành Khoa học và Công nghệ. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2020 cho biết, tỷ lệ phụ nữ trong các ngành STEM đạt 37% và tiếp tục tăng[3].
Thứ tư, về quyền tự do kinh doanh: Phụ nữ Việt Nam không phân biệt vùng, miền đều tích cực chủ động tham gia vào nền kinh tế, đặc trưng với các loại hình doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nay được tổ chức trên không gian mạng. Họ cũng được tự mình lựa chọn làm việc cho những đơn vị sử dụng lao động đối xử tốt với họ và đầu tư vào những công ty có lãnh đạo là phụ nữ. Phát triển quyền năng kinh tế của phụ nữ và bình đẳng giới ở nơi làm việc giúp duy trì sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận nhanh cho doanh nghiệp[4].
Thứ năm, về quyền tiếp cận thông tin: Ở Việt Nam, phụ nữ không gặp phải rào cản về giới trong việc tiếp cận thông tin, mọi người đều được tự do, bình đẳng khai thác, thu thập thông tin trên không gian mạng. 91,1% phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam sử dụng điện thoại di động làm công cụ phổ biến tiếp cận không gian mạng. Theo Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc công bố năm 2018, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với trên 50 triệu người dùng internet và cho đến nay có đến 80% người dân sử dụng mạng internet[5]. Việc này đã tạo điều kiện cho mọi người được thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin trong khuôn khổ pháp luật.
Nhà nước đã thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng như tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thông qua các hoạt động như tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn về bình đẳng giới và an toàn thông tin, phát hành các tài liệu tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này, xây dựng và triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền của phụ nữ trên không gian mạng, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền của phụ nữ trên không gian mạng, phát triển các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị xâm hại. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan khác nhằm tuyên truyền về an toàn cho phụ nữ trên không gian mạng, hỗ trợ phụ nữ khi bạo lực mạng, lừa đảo, quấy rối,... UN Women, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) hợp tác tổ chức hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực trên không gian mạng, truyền tải những thông điệp về an toàn, bình đẳng và không bạo lực[6].
2. Những hạn chế trong bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng
Thời gian qua, xuất hiện khá nhiều loại tội phạm trên không gian mạng mà đối tượng là phụ nữ như xâm nhập trái phép, bất hợp pháp hoặc đánh sập mạng máy tính, ăn cắp thông tin, cướp, chiếm đoạt tài sản số hóa hoặc tài sản thực tế qua công cụ số, lừa đảo, phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy, gửi nội dung khiêu dâm, lừa đảo tình dục, tống tiền bằng nội dung riêng tư nhạy cảm, chăn dắt tình dục, buôn bán người vào mục đích tình dục. Hành vi bắt nạt có thể diễn ra ở bất kỳ đâu và với nhiều hình thức khác nhau như xúc phạm, lăng mạ; gây rối, đeo bám; phao tin bịa đặt; giả danh; xâm phạm, xuyên tạc đời tư; lừa dối; cô lập, tẩy chay.
Tình trạng xâm hại trẻ em gái nói riêng, trẻ em nói chung vẫn diễn ra hết sức phức tạp trên không gian mạng. Theo Báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững năm 2022, tại Việt Nam, các em nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng internet, đặc biệt là bị nghiện internet (60,9%)[7]. Theo Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF năm 2019, có 170.000 người tại 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực; 21% thiếu niên Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng[8] hoặc các dịch vụ hỗ trợ, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng.
Chương trình y tế số của Nhà nước chưa quy định chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số cho hỗ trợ sức khỏe sinh sản và cho đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa. Những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ sở có khả năng tài chính và kỹ thuật hạn chế thì mức độ sẵn sàng và chấp nhận ứng dụng y tế số thấp hơn[9].
Việc làm của phụ nữ dần bị thu hẹp khi các việc làm truyền thống có tỷ lệ tham gia của lao động nữ lớn như ngành dịch vụ dần thay thế nhân lực bằng các dịch vụ trực tuyến hiệu quả hơn. Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương năm 2022, tại Việt Nam, tính chung có tới 58% số tổ chức, doanh nghiệp có lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi số. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tỷ lệ doanh nghiệp có lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi số lên tới 83%[10]. Lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải - logistics có 50 - 60% số đơn vị có lao động nữ bị ảnh hưởng. Thấp nhất là trong lĩnh vực y tế với 33% số cơ sở y tế bị giảm số lượng lao động nữ[11].
Làn sóng khởi nghiệp của phụ nữ trẻ tạo nhu cầu huy động vốn lớn mà việc tiếp cận tài chính và tín dụng vẫn là một thách thức đối với phụ nữ dù đã có chính sách không phân biệt đối xử[12]. Việc thiếu các dịch vụ tài chính có thể chi trả là một vấn đề đối với hầu hết các hộ sản xuất nhỏ, nhưng lại mang tính chất đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ vì họ thường thiếu tài sản thế chấp nhằm tiếp cận được các khoản vay. Việc tăng cường minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lập kế hoạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà cung cấp tiềm năng và gia tăng chất lượng của hồ sơ dự thầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ.
3. Nguyên nhân của hạn chế
Ý thức của phụ nữ về bảo vệ thông tin, dữ liệu trong nền tảng số chưa được sâu sắc, còn tâm lý chủ quan và hạn chế trong tiếp cận truyền thông và thông tin. Phụ nữ ở vùng cao gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận công nghệ số do thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Ở miền núi, hạ tầng internet cũng chưa toàn diện, kỹ năng thực hành trên nền tảng số ít nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Điều này cũng là rào cản phụ nữ truy cập vào các tổng đài trợ giúp, bao gồm cả các tổng đài trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng. Thực trạng phổ cập kiến thức tới trẻ em, phụ nữ hiện nay chưa toàn diện khi cấp học càng cao, tỷ lệ hoàn thành cấp học càng giảm. Cả nước có 98,3% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học. Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, có 89,6% trẻ em gái hoàn thành chương trình học, trong khi đó ở cấp trung học phổ thông chỉ có 65,0% ở trẻ em gái hoàn thành chương trình học. Tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực[13].
Nhiều thành kiến cố hữu trong việc phát triển các công cụ kỹ thuật số và sự tham gia của phụ nữ vào các ngành nghề này, cũng như quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ “chỉ gắn với những công việc gia đình và chăm sóc con cái” gây nên bất bình đẳng giới về quyền lao động của phụ nữ[14], khiến cho phụ nữ có “xu hướng rời bỏ ngành sớm hơn nam giới”[15]. Điều này dẫn đến lực lượng lao động nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số thấp. Chênh lệch về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực an ninh mạng đã dẫn đến việc thiếu quan điểm giới khi cung cấp thông tin về an ninh mạng và xây dựng các khuôn khổ an ninh mạng không thể xác định và ứng phó với các mối đe dọa trên mạng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt[16]. An ninh mạng đối với phụ nữ không được thiết kế phù hợp với giới vì cơ chế an ninh mạng thường được dự đoán dựa trên trí tuệ nhân tạo và các thuật toán, với sự hạn chế trong giám sát dân sự và đến 78% chuyên gia trí tuệ nhân tạo là nam giới, kinh nghiệm của nam giới chiếm phần lớn trong việc tạo ra thuật toán.
Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế. Chế tài xử phạt chưa đủ tính giáo dục, răn đe phù hợp khi hình phạt chủ yếu là phạt tiền, phạt tù và cải tạo không giam giữ với mức xử phạt hành chính cao nhất là 30 triệu đồng và mức phạt tù cao nhất từ 03 tháng đến 02 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, mà các biện pháp khắc phục đối với nạn nhân chưa phù hợp. Mặc dù đã có các hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiếu biện pháp bảo vệ dữ liệu một cách chặt chẽ, ổn định, bắt kịp công nghệ cao trong quá trình thu thập, khai thác, chuyển giao dữ liệu của người dùng mạng. Vẫn còn các nhiều công ty nước ngoài đang cung cấp dịch vụ quản lý, bảo vệ thông tin, dữ liệu người sử dụng mạng, bởi không có giới hạn về không gian của không gian mạng, tạo sự phụ thuộc vào trang thiết bị công nghệ thông tin xuất xứ từ nước ngoài là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng nếu xảy ra xung đột, đặc biệt là an ninh quốc gia. Điều này cũng dẫn đến tình trạng khó kiểm soát các hành vi thu thập, khai thác trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam bằng cách sử dụng phần mềm, công cụ chuyên dụng nước ngoài.
Cách thức tìm kiếm việc làm của phụ nữ, đặc biệt với người có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số, di cư thường thông qua người quen biết, nhưng việc tiếp cận thông qua giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội trên mạng trở nên dễ dàng hơn. Việc này tạo ra điều kiện thuận lợi cho mạng lưới và tổ chức tội phạm sử dụng làm chiến thuật đăng tin giả dưới vỏ bọc tuyển dụng, xuất khẩu lao động, kết hôn để lấy quốc tịch nước ngoài nhằm che đậy hành vi buôn người, nhập cư ra nước ngoài, xuất khẩu lao động trái phép, kết hôn ép buộc.
4. Giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng
4.1. Hoàn thiện pháp luật về nội dung bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng
Một là, hệ thống pháp luật cần quy định chi tiết, cụ thể và thống nhất đồng bộ về hành vi xâm phạm quyền phụ nữ trên không gian mạng.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng đáp ứng yêu cầu, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm quyền con người của phụ nữ. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các quy định về mở rộng nội hàm nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng.
Ba là, để bảo đảm quyền riêng tư của phụ nữ, đòi hỏi cần được pháp điển hóa bằng quy định pháp luật liên quan đến việc quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền được lãng quên trên internet,...
Bốn là, bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng cần phải được xác định là một trong những nội dung cốt lõi của hoạt động bảo đảm quyền phụ nữ. Tính ràng buộc của pháp luật sẽ là cơ sở để an toàn xã hội vì phụ nữ. Các quy định pháp luật cần được hướng đến sự đầy đủ thể hiện các trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến vấn đề bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng. Đồng thời, cần có những chế tài bảo đảm quyền lợi này trên thực tế.
4.2. Hoàn thiện pháp luật về chủ thể bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng
Một là, cơ quan nhà nước chuyên trách có vai trò quyết định đối với bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng. Pháp luật cần quy định rõ cơ quan nhà nước nào có trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Hiện nay, theo quy định pháp luật Cục Trẻ em trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dụng cơ chế, chính sách, giải pháp về bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Trong cơ cấu tổ chức có Phòng Bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, chức năng nhiệm vụ Phòng này còn chưa được quan tâm, chú trọng đến bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Hai là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội khác như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các tổ chức cần xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác hướng dẫn kĩ năng sống, kĩ năng sử dụng không gian mạng an toàn cho trẻ em; kết hợp hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền.
4.3. Bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng. Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về bảo đảm quyền trên không gian mạng cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả việc bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng; giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện chức năng một cách đầy đủ nhất đối với từng nhiệm vụ được giao của các chủ thể thực thi pháp luật. Hoạt động này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để việc thi hành pháp luật về bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng được bảo đảm thực hiện tốt hơn cũng như hạn chế tình trạng kiểm tra, giám sát “hình thức”.
4.4. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội về bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng
Phụ nữ là chủ thể trực tiếp thụ hưởng quyền, vì vậy, họ phải tự ý thức và tìm hiểu rõ các quyền của mình cũng như có trách nhiệm bảo vệ quyền khỏi các hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cá nhân phụ nữ, gia đình, chính quyền địa phương và các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội,... Sự phối hợp này không chỉ trong việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm quyền mà còn thúc đẩy ý thức của cả cộng đồng vào công cuộc bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng. Hoạt động giáo dục, tuyên truyền vận động có thể dưới các hình thức: Lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật cho phụ nữ về những quyền bản thân được thụ hưởng, cách phòng tránh, bảo vệ mình trước những hành vi xâm phạm quyền vào các buổi tập huấn, buổi giao lưu tại nơi làm việc, trường học,... Đồng thời, mở rộng hình thức tuyên truyền vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo chí, truyền hình, băng rôn,... hoặc phân công cán bộ đến địa phương phổ biến pháp luật tới cộng đồng dân cư nhằm tác động tích cực đến nhận thức của người dân về việc bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng. Các chương trình, chiến dịch do các tổ chức xã hội, chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế hoặc cán bộ các Hội thực hiện cũng là một cách thức hiệu quả góp phần tăng cường khả năng ứng phó của hệ thống trợ giúp xã hội nhằm nâng cao năng lực nhận thức của trẻ em gái và phụ nữ Việt Nam.
4.5. Đẩy mạnh công tác truyền thông trong bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng
- Để thực hiện được điều này, trước tiên cần tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nghiêm túc, sâu sắc về quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của con người nói chung. Phụ nữ cũng có đầy đủ những quyền năng được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, các quyền này là bất khả xâm phạm, được bảo vệ một cách trọn vẹn và không ai có thể xâm phạm bởi bất kỳ yếu tố tác động nào. Đó là các quyền về kinh tế, chính trị, lao động, đặc biệt là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Chỉ khi nhận thức được vấn đề này, khi có hành vi xâm phạm quyền phụ nữ trên không gian mạng, những người xâm phạm và cộng đồng mạng mới có những hành động và lời nói đúng đắn, để đứng về phía người phụ nữ, xem xét và phân tích tình hình đúng sai.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật An ninh mạng năm 2018 nói riêng, pháp luật về quyền con người để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân về bảo vệ quyền, bảo đảm quyền của mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng trên không gian mạng. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức về hậu quả của việc xâm phạm quyền con người, quyền phụ nữ trên không gian mạng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý một cách nghiêm túc. Quan tâm giáo dục cho phụ nữ để nâng cao nhận thức giúp họ có khả năng tự bảo vệ mình để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, bị xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Đồng thời, cần có cơ chế để giúp đỡ, giải cứu nạn nhân là phụ nữ khi bị xâm phạm quyền trên không gian mạng. Tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng năm 2018, nhất là những hành vi bị cấm trong Luật. Các hình thức giáo dục cần được vận dụng đa dạng, phong phú và linh hoạt.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng, xây dựng các nền tảng trực tuyến, phát sóng các chương trình truyền hình tập trung giáo dục cho phụ nữ, sản xuất phim tài liệu, phóng sự về bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng.
4.6. Nâng cao ý thức của người dân về vấn đề bảo đảm quyền phụ nữ trên không gian mạng
Cần tập trung vào phổ biến kỹ năng số để mọi người dân tự nâng cao nhận thức và đưa ra một số chuẩn mực, giá trị cốt lõi về phụ nữ khi tham gia mạng xã hội, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép và các hành vi vi phạm khác gây ảnh hưởng xấu đến phụ nữ. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, phụ nữ khi sử dụng mạng cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; có ý thức cập nhật thông tin, kiến thức về an ninh mạng; đồng thời, không nên chia sẻ những thông tin cá nhân nhạy cảm, cẩn trọng khi sử dụng thiết bị internet vạn vật (Internet of Things - IoT) hoặc các tập tin lạ. Bên cạnh đó, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em gái cũng cần được chú trọng để nâng cao cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh như hiện nay./.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên & Nhóm sinh viên
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học: “Bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng” của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023 - 2024, nhóm sinh viên thực hiện: Cao Ngọc Yến Chi, Nguyễn Hà Giang, Đường Ngọc Hà Anh.
[2]. World Economic Forum (2023), Future of Jobs Report 2023, tr. 30, https://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs_2023.pdf, truy cập ngày 25/02/2024.
[3]. ILO (2020), Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam (Báo cáo tóm tắt), https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_761061/lang--vi/index.htm.
[4]. Hiên Nguyễn (2018), “Bình đẳng giới ở nơi làm việc - điều kiện cần để phát triển bền vững”, Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ, https://vbcwe.com/tin-tuc/binh-dang-gioi-o-noi-lam-viec-dieu-kien-can-de-phat-trien-ben-vung/2, truy cập ngày 25/02/2024.
[5]. Kim Lân (2019), “Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền được thông tin của người dân”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/viet-nam-luon-ton-trong-va-bao-dam-quyen-duoc-thong-tin-cua-nguoi-dan-579751, truy cập ngày 25/02/2024.
[6]. V.Đ (2023), “Nỗ lực chấm dứt bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái trên không gian trực tuyến”, Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam, https://thainguyen.gov.vn/tro-giup-xa-hoi/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/no-luc-cham-dut-bao-luc-voi-phu-nu-tre-em-gai-tren-khong-gian-truc-tuyen?inheritRedirect=true, truy cập ngày 25/02/2024.
[7]. Nguyễn Thị Đắc Hương, Đỗ Tiến Trường (2023), “Bảo vệ quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng ở Việt Nam - thành tựu không thể phủ nhận”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-bao-ve-vung-chac-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bao-ve-quyen-cua-nguoi-chua-thanh-nien-tren-khong-gian-mang-o-viet-nam-thanh-tuu-khong-the-phu-nhan-20905.html, truy cập ngày 25/02/2024.
[8]. Hiện nay, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em có đường dây nóng là 111 (do Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý), https://tongdai111.vn/tin/so-dien-thoai-bao-ve-tre-em.
[9]. TS. Võ Tất Thắng, Trần Thị Phú Duyên, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Minh Hương, Lâm Đặng Song Nguyên (2021), Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, http://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/62509, truy cập ngày 25/02/2024.
[10]. Lương Thu Hà, Cao Thu Hương, Nguyễn Thanh Huyền, Trịnh Khánh Linh, Phạm Thùy Dương, Lê Thị Phương Linh (2021), “Sinh viên nữ trong khối ngành STEM trên thế giới và Việt Nam - thực trạng và bài học”, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/sinh-vien-nu-trong-khoi-nganh-stem-tren-the-gioi-va-viet-nam-thuc-trang-va-bai-hoc-83675.htm, truy cập ngày 25/02/2024.
[11]. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2022), Báo cáo vấn đề lao động trong chuyển đổi số, thách thức và giải pháp 2022, https://vienthongke.vn/wp-content/uploads/2022/03/Bao-cao.pdf, truy cập ngày 25/02/2024.
[12]. Đặng Hoài Linh, Hồ Thị Phương Anh (2023), Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và một số khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/cong-tac-binh-dang-gioi-nganh-ngan-hang-viet-nam-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-va-mot-so-khuyen-nghi.htm, truy cập ngày 25/02/2024.
[13]. Tổng cục Thống kê Việt Nam, UNICEF, Điều tra SDGCW Việt Nam 2020 - 2021, Multiple Indicator Cluster Surveys, 2021, https://www.unicef.org/vietnam/media/8761/file/Gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c.pdf, truy cập ngày 25/02/2024.
[14]. Đỗ Hữu (2022), “Phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số”, Báo Phụ nữ Thủ đô, https://baophunuthudo.vn/phu-nu-va-hoi-nhap/phu-nu-va-tre-em-gai-dong-vai-tro-quan-trong-trong-chuyen-doi-so-107329.html, truy cập ngày 21/02/2024.
[15]. “Bảo đảm bình đẳng giới trong thụ hưởng thành quả của kinh tế số”, VietnamPlus - Thông tấn xã Việt Nam, 2021, https://www.vietnamplus.vn/dam-bao-binh-dang-gioi-trong-thu-huong-thanh-qua-cua-kinh-te-so-post736408.vnp, truy cập ngày 25/02/2024.
[16]. UN Women (2020), Tóm tắt hành động: Phụ nữ, hòa bình & an ninh (mạng) ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tr. 2, https://asiapacific.unwomen.org/en/digital-library/publications/2020/06/action-brief-women-peace-and-cyber-security-in-asia-and-the-pacific, truy cập ngày 25/02/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 400), tháng 3/2024)