Bảo đảm tính độc lập của thẩm phán có tác động tích cực tới hoạt động bảo vệ nguyên tắc pháp quyền và góp phần bảo vệ quyền con người. Việc bảo đảm tính độc lập của các thẩm phán tại Việt Nam mang lại nhiều tác động tích cực và đó cũng là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, quy định của pháp luật cũng như việc thực hiện trong thực tế có một số bất cập, đặt ra vấn đề cấp thiết là phải tham khảo kinh nghiệm từ quốc tế, đặc biệt là pháp luật Hoa Kỳ, từ đó có những giải pháp để khắc phục và hoàn thiện.
1. Về tuyển chọn và bổ nhiệm
Hiến pháp Hoa Kỳ quy định, với thỏa thuận và sự đồng ý của Thượng viện, Tổng thống có quyền bổ nhiệm các thẩm phán liên bang (khoản 2 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787). Thẩm phán liên bang được bổ nhiệm cơ bản theo cơ chế kết hợp của hai chế định dân cử đầy quyền lực là chế định Tổng thống và chế định Nghị viện - giữa hành pháp và lập pháp[1]. Việc được bổ nhiệm, không phải được bầu, đã giúp các thẩm phán tự do hơn khi không phải “chạy đua” tranh cử, kêu gọi tài chính.
Trên thực tế, Nghị viện không ban hành bất kỳ đạo luật nào để điều chỉnh cả về mặt nội dung và hình thức của quy trình bổ nhiệm này. Đồng thời, quy trình lựa chọn và bổ nhiệm cũng khác nhau giữa các thời Tổng thống[2]. Tổng thống có thể có những cách khác nhau để đi tìm ứng cử viên và dĩ nhiên, các Tổng thống có khuynh hướng lựa chọn người có quan điểm triết lý hợp với mình[3]. Thượng viện có thẩm quyền quyết định cuối cùng là có phê chuẩn việc một ứng cử viên có thể trở thành thẩm phán liên bang hay không và có thể sẵn sàng tranh chấp với Tổng thống ngay khi có bất đồng ý kiến về sự phù hợp của một ứng cử viên.
Quy trình bổ nhiệm có cả những yếu tố tích cực lẫn những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính độc lập của thẩm phán liên bang. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vận dụng triệt để thuyết tam quyền phân lập trong quy trình bổ nhiệm, cho phép nhánh hành pháp và lập pháp bổ nhiệm các thẩm phán, cũng đồng thời kiềm chế, đối trọng lẫn nhau trong quá trình đó. Điều này hạn chế việc một trong hai nhánh hành pháp hoặc lập pháp lôi kéo nhánh tư pháp làm sụp đổ mô hình phân quyền. Quy trình này đã tạo nên sự độc lập theo chiều ngang cho thẩm phán đối với những chức danh ở các nhánh quyền lực khác. Thực tiễn cho thấy, việc Tổng thống bổ nhiệm không ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, việc được bổ nhiệm bởi Tổng thống và Thượng viện có nguy cơ làm mất đi tính độc lập của thẩm phán khi hai chế định trên bị ảnh hưởng bởi yếu tố đảng phái chính trị. Khi cả Tổng thống và đa số “ghế” trong Thượng viện đều cùng trong một đảng tham gia vào việc bổ nhiệm một thẩm phán liên bang thì việc thẩm phán đó không độc lập là điều rất có thể xảy ra. Ứng cử viên cho vị trí thẩm phán có thể lệ thuộc vào những người tạo ra cơ hội bổ nhiệm cho mình. Lường trước được nguy cơ này, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng có những biện pháp như trao cho thẩm phán liên bang nhiệm kỳ trọn đời hoặc cơ chế luận tội.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác bảo đảm cho tính độc lập của thẩm phán như áp lực dư luận, tư tưởng cá nhân của người thẩm phán đó. Trong trường hợp Tổng thống và đa số “ghế” trong Thượng viện có đảng chính trị khác nhau thì mục tiêu của các nhà lập pháp được thực hiện một cách thuận lợi. Quy trình tuyển chọn thẩm phán sẽ khắt khe khi người đề cử và người phê chuẩn có sự đối trọng với nhau. Tổng thống và Nghị viện sẽ không để cho ứng cử viên có quan hệ lợi ích với bên còn lại được bổ nhiệm một cách thuận lợi, bởi vì, khi một thẩm phán - đại diện cho nhánh tư pháp có sự “ưu ái” với một trong hai nhánh hành pháp hoặc lập pháp thì nhánh quyền lực còn lại sẽ có nguy cơ bị suy yếu. Vì vậy, ở trường hợp này, thẩm phán trung lập, thiên hướng chính trị ôn hòa sẽ được ưu tiên[4].
Quy trình bổ nhiệm thẩm phán dưới sự tham gia của Tổng thống và Thượng viện còn tạo nên tính độc lập theo chiều dọc cho thẩm phán liên bang Hoa Kỳ. Nếu như tại các quốc gia khác, người đứng đầu Ngành Tư pháp sau khi được bổ nhiệm sẽ đảm nhận vai trò bổ nhiệm các thẩm phán cấp dưới, thì tại Hoa Kỳ, mọi thẩm phán của các Tòa án liên bang đều được Tổng thống đề cử và Thượng viện phê chuẩn. Hoa Kỳ thực hiện tổ chức, quản lý theo phương thức: Người bổ nhiệm thì không quản lý và ngược lại, người quản lý thì không bổ nhiệm[5]. Thực tế cho thấy, Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ không có quyền bổ nhiệm, không có quyền đào tạo cán bộ, không có thẩm quyền xác định cấp bậc của thẩm phán và cũng không phải là thủ trưởng của bất kỳ ai. Không có một trật tự cao thấp nào được tạo ra giữa các thẩm phán mà các thẩm phán chỉ liên hệ với nhau bởi trật tự phân cấp xét xử. Cho nên, vị thế chính trị của tất cả các thẩm phán liên bang là ngang bằng với nhau, tạo nên tính độc lập với những thẩm phán của cấp Tòa án khác.
Một yếu tố khác cũng tác động đến tính độc lập của thẩm phán liên bang, đó là “con đường thăng tiến”. Đối với những thẩm phán của Tòa án tối cao, chức vụ của họ đã là chức vụ tư pháp cao nhất trong hệ thống Tòa án ở Hoa Kỳ,
vì vậy, mức độ ảnh hưởng bởi cơ hội đề bạt đối với họ là rất thấp[6]. Do đó, họ cũng có một mức độ độc lập cá nhân cao nhất. Đối với các thẩm phán liên bang còn lại, vị trí hiện tại có thể không phải là vị trí cuối cùng mà họ hướng tới. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có các phương thức để chọn ra Chánh án - người quản lý về mặt hành chính của các Tòa án. Người được bổ nhiệm làm Chánh án trong các Tòa án liên bang (ngoại trừ Tòa án tối cao liên bang Hoa Kỳ) thường là thẩm phán hoạt động thường xuyên, có thâm niên dài nhất và phải đáp ứng các điều kiện: (i) Từ 64 tuổi trở xuống; (ii) Đã làm thẩm phán từ một năm trở lên; (iii) Trước đây chưa từng là Chánh án.
Nhìn chung, vấn đề tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán liên bang có những điều kiện thuận lợi cũng như hạn chế đối với tính độc lập của thẩm phán. Có nhiều chủ thể có thể tác động vào quá trình tuyển chọn và bổ nhiệm, làm sai lệch đi mục đích ban đầu là bảo vệ tối đa tính độc lập của thẩm phán. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thông qua cơ chế bổ nhiệm của thẩm phán liên bang Hoa Kỳ thì mức độ độc lập của các thẩm phán vẫn được bảo vệ rất vững chắc. Bởi vì, không chỉ có cơ chế bổ nhiệm được đặt ra với mục đích bảo vệ tính độc lập cho thẩm phán mà còn nhiều quy định khác cũng được đặt ra với mục đích tương tự.
2. Về nhiệm kỳ
Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ tối đa sự độc lập của thẩm phán liên bang bằng chế độ nhiệm kỳ trọn đời. Không có một công chức nhà nước nào khác có được chế độ đặc biệt này. Nhiệm kỳ trọn đời được ghi nhận: “Các thẩm phán, cả Tòa án tối cao và cấp dưới, sẽ giữ chức vụ của mình khi có hành vi tốt” (khoản 1 Điều III Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787). Có nghĩa là, đối với bất kỳ thẩm phán nào không phạm tội (hoặc làm điều gì đó tồi tệ tương tự) đều có “nhiệm kỳ suốt đời” và sẽ tại vị cho đến khi người đó qua đời hoặc tự nguyện từ chức, miễn là họ còn có “hành vi tốt”[7].
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều và những đề xuất bác bỏ nhiệm kỳ trọn đời, tuy nhiên, vì tác dụng thực tế của nó trong việc tạo ra sự độc lập cho các thẩm phán liên bang cho nên quy định nhiệm kỳ trọn đời vẫn tồn tại qua hàng trăm năm và trở thành đặc trưng cơ bản khi nhắc đến thẩm phán liên bang Hoa Kỳ. Thẩm phán được bổ nhiệm trong một nhiệm kỳ kéo dài mười lăm năm và khả năng tái bổ nhiệm luôn được để “ngỏ”. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính độc lập của thẩm phán. Ở Hoa Kỳ, nhiệm kỳ của Tổng thống kéo dài không quá bốn năm và theo Tu chính án XXII thì mỗi người chỉ được làm Tổng thống tối đa là hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ của thẩm phán dài hơn nhiều so với nhiệm kỳ của Tổng thống. Tuy nhiên, thẩm phán không thể hoàn toàn độc lập nhờ nhiệm kỳ bởi vì khả năng được tái bổ nhiệm không có sự chắc chắn. Quãng thời gian này không thể bảo vệ thẩm phán trước sự ảnh hưởng của vị Tổng thống có quyền quyết định việc tái bổ nhiệm.
Có thể đánh giá, nhiệm kỳ của thẩm phán tác động rất lớn tới tính độc lập của các thẩm phán. Vì vậy, nhiệm kỳ suốt đời bảo đảm vững chắc sự độc lập của nhánh quyền lực tư pháp so với hai nhánh quyền lực còn lại là hành pháp và lập pháp, đồng thời củng cố tính chất phân quyền rạch ròi của cấu trúc quyền lực nhà nước.
3. Về hoạt động xét xử
Quyền lực rất lớn của nhánh quyền lực tư pháp nói chung và các thẩm phán liên bang nói riêng là chức năng bảo hiến hay còn gọi là giám sát tư pháp. Bảo hiến không được quy định cụ thể trong Hiến pháp mà chỉ được thừa nhận rộng rãi trong giới thẩm phán Hoa Kỳ sau vụ kiện Marbury v. Madison[8]. Vụ kiện này đã tạo ra tiền lệ cho Tòa án tối cao liên bang có quyền xem xét lại và tuyên bố đạo luật nào đó do Nghị viện ban hành là vi hiến và làm vô hiệu hóa đạo luật đó[9]. Sau này, chức năng bảo hiến được mở rộng hơn, được hiểu là việc xác định tính hợp hiến trong các hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp[10].
Hoa Kỳ cũng lựa chọn mô hình bảo hiến phi tập trung, thẩm quyền này được trao cho tất cả các Tòa án, từ Tòa án của các tiểu bang, Tòa án của liên bang cho đến Tòa án tối cao. Điều kiện để thực hiện quyền bảo hiến của các thẩm phán tại Hoa Kỳ là chỉ được xem xét tính vi hiến khi một đạo luật đã có hiệu lực trên thực tế (các đạo luật khi đang là dự luật sẽ bị loại trừ), việc xem xét đó phải gắn liền với một vụ kiện cụ thể. Phán quyết cuối cùng cũng chỉ được áp dụng cho vụ việc cụ thể đã yêu cầu xem xét tính hợp hiến, trừ khi áp dụng Nguyên tắc Stare Decisis[11]. Một thẩm phán liên bang có thể tự quyết định tính đúng sai trong mọi vụ việc mà không cần phụ thuộc vào ý chí của cơ quan lập pháp hoặc hành pháp, miễn là họ dựa trên những quy định của Hiến pháp. Nghị viện cũng không thể thay đổi các phán quyết mà thẩm phán đã đưa ra, cách duy nhất là phải thông qua việc sửa đổi Hiến pháp mà điều này là vô cùng khó khăn. Chức năng bảo hiến đã đưa đến cho các thẩm phán công cụ hữu hiệu để bảo vệ cho tính độc lập của mình. Chức năng giải thích Hiến pháp được phái sinh từ chức năng bảo vệ Hiến pháp. Bất kỳ thẩm phán nào cũng có thể phán quyết về tính hợp hiến của văn bản luật. Tuy nhiên, thẩm quyền này chủ yếu do các thẩm phán của Tòa án tối cao thực hiện vì quyết định của họ là quyết định cuối cùng và có giá trị bắt buộc đối với các thẩm phán khác trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Các thẩm phán sẽ giải thích Hiến pháp để đưa ra cách hiểu chính xác nhất. Các chủ thể khác như Nghị viện và Chính phủ sẽ dựa vào đó để áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
Đặc biệt, các thẩm phán Hoa Kỳ còn nắm giữ quyền lực giải thích Hiến pháp, cho nên sự linh hoạt và độc lập của các thẩm phán trong hoạt động xét xử được mở rộng một cách tối đa. Thẩm phán Tòa án cấp dưới phải tuân thủ tiền lệ của thẩm phán thuộc Tòa án cấp trên, mọi thẩm phán Tòa án cấp dưới phải tuân thủ tiền lệ xét xử của thẩm phán Tòa án tối cao[12]. Mục đích của Nghị viện khi ban hành luật thành văn là hạn chế sự ảnh hưởng và quyền lực quá lớn của các thẩm phán. Tuy nhiên, các thẩm phán thông qua việc giải thích pháp luật đã giành lại được sự độc lập cho mình. Ngoài ra, sự linh hoạt khi áp dụng án lệ đã góp phần củng cố tính độc lập của các thẩm phán đối với những thẩm phán khác ở cấp Tòa cao hơn hoặc ngay cả đối với tiền lệ của chính mình.
Nhìn chung, Hiến pháp, pháp luật và văn hóa pháp lý tại Hoa Kỳ đã tạo ra điều kiện rất tự do để thẩm phán có thể độc lập đưa ra phán quyết của mình. Vì vậy, thẩm quyền xét xử độc lập của các thẩm phán tạo ra vị thế đối trọng và kiềm chế các nhánh quyền lực còn lại.
4. Về tiền lương
Hiến pháp quy định các thẩm phán liên bang “sẽ nhận được một khoản thù lao cho công việc của họ, điều này sẽ không được giảm bớt trong thời gian họ tiếp tục tại vị” (khoản 1 Điều III Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787). Mục đích của quy định này là để những thành viên của mỗi nhánh chính quyền càng ít phụ thuộc vào những thành viên của các nhánh quyền lực khác càng tốt, như các khoản lương bổng được cấp cho họ không thể để nhánh quyền lực khác quyết định. Điều đó ngăn cản việc họ dùng lợi thế của mình tác động đến các thẩm phán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguyên tắc không giảm lương không khiến thẩm phán liên bang hoàn toàn độc lập với sự can thiệp từ bên ngoài. Nghị viện có toàn quyền quyết định đối với vấn đề lương của cả khối Nhà nước.
Hiến pháp quy định lương của thẩm phán không được giảm trong suốt nhiệm kỳ của họ nhưng không có nghĩa là Nghị viện phải tăng lương cho họ, thậm chí khi lạm phát tăng thì Nghị viện cũng không có nghĩa vụ bù đắp phần chênh lệch. Dù có mục đích để nâng cao tính độc lập của thẩm phán nhưng quy định tiền lương không bị giảm đi trong suốt nhiệm kỳ vẫn để lại cho Nghị viện cơ hội để “khống chế” các thẩm phán liên bang. Như đã đề cập ở trên, thẩm phán cũng có những nhu cầu cá nhân, vì vậy, họ khó có thể chối từ được những đề nghị về tiền lương đến từ phía Nghị viện để đổi lấy việc phải thực hiện một mục tiêu chính trị nào đó. Mặc dù có nguy cơ làm mất đi tính độc lập của thẩm phán nhưng do đặc điểm Nghị viện gồm rất nhiều Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ, mỗi cấp Tòa án liên bang lại có nhiều thẩm phán cho nên sự trao đổi này khó có thể thành công trên thực tế.
Nhìn chung, vấn đề tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các thẩm phán. Mặc dù các nhà lập pháp đã rất quan tâm đến vấn đề tiền lương của các thẩm phán, tuy nhiên, vẫn có những hạn chế và cơ hội để các chủ thể khác tác động tới tính độc lập của thẩm phán thông qua yếu tố này.
5. Về trách nhiệm, cơ chế kỷ luật đối với thẩm phán
Cơ chế luận tội hay còn gọi là đàn hạch (impeachment) và những cơ chế không được quy định trong Hiến pháp sẽ bảo đảm rằng, khi trao cho một thẩm phán quyền lực to lớn thì cũng kiềm chế được người đó, họ có thể độc lập nhưng không thể trở nên quá độc đoán, độc tài. Học thuyết phân chia quyền lực cản trở bất kỳ việc bãi nhiệm nào của cơ quan lập pháp đối với các quan chức hành pháp và tư pháp, trừ khi việc bãi nhiệm đó được cho phép rõ ràng dưới một hình thức luận tội.
Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng, thẩm phán liên bang có thể bị cách chức bởi quy trình luận tội trong trường hợp phạm tội phản quốc, đưa, nhận hối lộ hoặc các tội vi phạm nghiêm trọng do Nghị viện tiến hành mà trong đó Hạ viện đóng vai trò buộc tội một thẩm phán và Thượng viện sẽ tiến hành luận tội. Thẩm phán sau khi bị luận tội và kết luận là có tội thì sẽ bị cách chức. Chỉ có 15 thẩm phán từng bị luận tội. Tuy nhiên, quy trình luận tội dường như lại gia tăng sự bảo vệ cho tính độc lập của các thẩm phán liên bang. Không có bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp liên bang của Hoa Kỳ quy định rõ rằng việc Nghị viện luận tội là cách thức duy nhất để cách chức một thẩm phán.
Quy trình luận tội có sự tham gia của cả Thượng viện và Hạ viện với hai thủ tục riêng biệt. Với thực tiễn là hai viện của Nghị viện thường có sự độc lập riêng thì quy định luận tội trở nên rất khó để thực hiện. Mặc dù vậy, Nghị viện cũng không có toàn quyền trong vấn đề này. Nghị viện không thể luận tội một thẩm phán liên bang vì lý do thẩm phán đó đưa ra những phán quyết không phù hợp với quan điểm của Nghị viện. Cho nên, các biện pháp kỷ luật vẫn bảo đảm được tính độc lập cho các thẩm phán liên bang.
Lý thuyết về sự miễn trừ trách nhiệm vật chất cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới tính độc lập của thẩm phán. Vì tính độc lập của Tòa án ở Hoa Kỳ, việc mở rộng áp dụng lý thuyết này rất được ủng hộ. Nó cho phép các thẩm phán có sự tự do rất lớn khi ra phán quyết. Sự tự do này kết hợp với những quy định về luận tội và cơ chế kỷ luật khiến cho các công dân Hoa Kỳ gần như không có cơ hội để quy kết trách nhiệm cho các thẩm phán. Cơ chế kỷ luật này bảo vệ được tính độc lập của các thẩm phán vì nó ngăn chặn được sự can thiệp từ phía hành pháp và ngay cả chính các Tòa án khác. Đối với các thẩm phán Tòa án Thuế liên bang thì Tổng thống sẽ toàn quyền thực hiện việc cách chức họ.
Nhìn chung, các hình thức xử lý trách nhiệm áp dụng cho thẩm phán liên bang Hoa Kỳ được quy định khá phức tạp, nhiều thủ tục và khó áp dụng, từ đó tạo ra sự độc lập cho các thẩm phán. Một thẩm phán sẽ không phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm trừ khi người đó phạm phải những sai lầm quá nghiêm trọng. Điều này cũng góp phần bảo đảm tâm lý tự tin và độc lập cho thẩm phán trong quá trình công tác.
ThS. Nguyễn Thanh Quyên
Khoa Luật Hành chính - Nhà nước,
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. James E. Moliterno (2006), The Administrative Judiciary’s Independence Myth, https://scholarship.law.wm.edu/cgi/viewcontent.cgi?referer=&httpsredir=1&article=2042&context=facpubs, truy cập ngày 10/10/2023.
[2]. Đinh Thanh Phương (2022), Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ - Giá trị tham khảo cho Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nguyen-tac-to-chuc-va-hoat-dong-cua-toa-an-hoa-ky-gia-tritham-khao-cho-viet-nam-98027.htm, truy cập ngày 10/10/2023.
[3]. Mira Gur-Arie and Russell Wheeler (2002), Judical Independence in the United States: Current Issues and Revelant Background Information, U.S Agency for International Development, Guidance for Promoting Judical Independence and Impartiality, Washington, DC, pp. 138.
[4]. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2004), Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, Chương trình Thông tin Quốc tế, http://thuvien.due.udn.vn:8080/dspace/bitstream/TVDHKT/529/1/LTH0061.pdf, truy cập ngày 10/10/2023.
[5]. TS. Trương Thị Thu Trang (chủ biên) (2022), Kinh nghiệm các nước trên thế giới về sự độc lập của Tòa án, một số gợi mở cho Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 122.
[6]. Tô Văn Hòa (2007), Tính độc lập của Tòa án: Nghiên cứu pháp lý về các khía cạnh lý luận, thực tiễn ở Đức, Mỹ, Pháp, Việt Nam và các kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb. Lao Động, Hà Nội, tr. 289.
[7]. Richard W. Garnett, David A. Strauss, Common Interpretation, https:// constitutioncenter.org/theconstitution/articles/article-iii/clauses/45, truy cập ngày 10/10/2023.
[8]. Nguyễn Văn Cương (2016), Vài nét về giải thích Hiến pháp ở Hoa Kỳ, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17 (321).
[9]. Melvin I. Urofsky, Marbury v. Madison, https://www.britannica.com/event/Marbury-v-Madison, truy cập ngày 10/10/2023.
[10]. RK Sapru (2004), Public Policy Formulation, Imlementation and Evaluation, Sterling Publishers Private, tr. 127.
[11]. Thứ nhất, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp quốc gia: Là thẩm quyền của tất cả các Tòa án có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật của Nghị viện dựa theo Hiến pháp liên bang của Hoa Kỳ. Thứ hai, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp liên bang: Là thẩm quyền và trách nhiệm của tất cả các Tòa án xem xét tính hợp hiến của các Hiến pháp và các đạo luật của tiểu bang dựa trên cơ sở của Hiến pháp liên bang của Hoa Kỳ. Thứ ba, thẩm quyền giám sát tư pháp cấp tiểu bang: Là thẩm quyền của tất cả các Tòa án xem xét tính hợp hiến của các đạo luật của tiểu bang dựa trên các Hiến pháp tiểu bang.
[12]. Đặng Minh Tuấn (2001), Mô hình giám sát chính quyền bằng tư pháp ở Mỹ, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, (1/2001), tr. 64.