Tội ra bản án trái pháp luật được quy định tại Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tội ra bản án trái pháp luật bao gồm các dấu hiệu pháp lý sau đây:
1.1. Các dấu hiệu định tội
Thứ nhất, về dấu hiệu thuộc khách thể của tội phạm
Tội ra bản án trái pháp luật năm trong các tội xâm phạm hoạt động tư pháp cho nên khách thể của tội phạm này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Tội ra bản án trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến hoạt động xét xử của Tòa án. Tức là xâm phạm đến uy tín của Tòa án trong hoạt động bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Từ đó, gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời, tội ra bản án trái pháp luật còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng; quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Bản án là một văn bản tố tụng do Hội đồng xét xử ban hành, bao gồm bản án hình sự, bản án dân sự, bản án hôn nhân gia đình, bản án kinh doanh thương mại, bản án hành chính và bản án lao động. Đối với bản án hình sự, đây là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án về việc xác định một người là có tội hoặc không có tội. Trong khi đó đối với vụ án hành chính và dân sự, bản án thể hiện việc chấp nhận hay không chấp nhận, cho hưởng hoặc không cho hưởng một quyền nào đó của đương sự, buộc đương sự thực hiện các nghĩa vụ nếu các đương sự không thỏa thuận được toàn bộ vấn đề của vụ án.
Thứ hai, về dấu hiệu chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này được quy định là chủ thể đặc biệt. Theo đó, chủ thể của tội này là thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân. Theo nguyên tắc, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán. Do đó, mỗi thành viên trong Hội đồng xét xử đều có trách nhiệm hình sự khi cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật. Nhưng qua thực tiễn, cần xem xét sự việc cụ thể và thái độ của từng thành viên trong Hội đồng xét xử khi biểu quyết để xác định trách nhiệm cụ thể của từng người (như đối với một bản án hoặc quyết định được cố ý ra trái pháp luật được biểu quyết theo đa số, một thành viên của Hội đồng xét xử đã biểu quyết ngược lại, thì không thể bị xử lý về tội này).
Theo nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” Hội đồng xét xử trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xét xử vụ án. Khi cần thiết hoặc khi Tòa án cấp dưới hỏi, Tòa án cấp trên có thể cho những ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật, nhưng không đề ra mức xử lý cụ thể và không có tính chất ra mệnh lệnh. Do đó, nếu các thành viên của Hội đồng xét xử, theo sự hướng dẫn của cấp trên, ra bản án hoặc quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật vẫn bị xử lý theo Điều 370 Bộ luật Hình sự. Cấp trên hướng dẫn Hội đồng xét xử ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật có thể bị xử lý hành chính; nếu cho ý kiến có tính chất cố ý ép buộc Hội đồng xét xử ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật thì cũng bị xử lý về tội ra bản án hoặc trái pháp luật[1].
Thứ ba, về các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội này là hành vi ra bản án trái pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và lao động trong các giai đoạn tố tụng về sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thi hành án.
Hành vi ra bản án trái pháp luật ở đây được hiểu là hành vi của thành viên Hội đồng xét xử biểu quyết đồng ý với quyết định của bản án và tuyên bản án trái pháp luật. Theo đó, có thể có trường hợp tất cả các thành viên Hội đồng xét xử đều có hành vi ra bản án trái pháp luật và cũng có có thể chỉ có một số thành viên hội đồng xét xử có hành vi này vì thành viên khác không biểu quyết đồng ý với quyết định của bản án[2].
Bản án được ví như là sản phẩm cuối cùng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng đó là kết quả trực tiếp của hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử. Do đó, trách nhiệm trực tiếp đối với bản án là của các thành viên của Hội đồng xét xử. Vì là kết quả của quá trình tố tụng nên bản án phải là một văn bản có giá trị thi hành, nếu mới viết ra (soạn thảo) mà chưa tuyên đọc hoặc chưa ban hành thì chưa coi là đã “ra bản án”, mà đó chỉ là dự thảo bản án[3].
Tội ra bản án trái pháp luật là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, cho nên hậu quả của tội phạm không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ là căn cứ để định khung hình phạt, đồng thời làm căn cứ để xác định tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, qua đó quyết định hình phạt. Tội ra bản án trái pháp luật được coi là hoàn thành nếu người phạm tội có hành vi tuyên án. Trường hợp thẩm phán đã tuyên đọc bản án trái pháp luật nhưng sau khi tuyên án, vì sợ bị trách nhiệm nên đã sửa chữa bản án (bản án được phát hành) theo hướng không trái pháp luật thì người thẩm phán đó vẫn phạm tội ra bản án trái pháp luật, bởi lẽ bản án tuy chưa ban hành nhưng đã công bố (tuyên án) là đã hoàn thành hành vi ra bản án trái pháp luật.
Thứ tư, về dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội ra bản án trái pháp luật là lỗi cố ý trực tiếp. Điều 370 Bộ luật Hình sự quy định “biết rõ là trái pháp luật”, tức là người phạm tội biết rõ bản án mà mình ban hành là trái pháp luật thì mới phạm tội. Còn trong trường hợp bản án được tuyên trái pháp luật vì lý do khách quan hoặc do trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế mà không biết rõ bản án là trái luật thì không coi là phạm tội ra bản án trái pháp luật. Khi thực hiện hành vi ra bản án trái pháp luật, người phạm tội có thể có động cơ, mục đích khác nhau. Tuy nhiên, động cơ, mục đích phạm tội không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa trong việc lượng hình.
1.2. Các dấu hiệu định khung hình phạt
Trước đây, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, tội ra bản án trái pháp luật chỉ bao gồm ba tình tiết định khung hình phạt tăng nặng “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Đây là những tình tiết định khung hình phạt xác định dựa trên hậu quả của tội phạm, tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” đối với tội ra bản án trái pháp luật dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
Khắc phục nhược điểm trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết định khung trên thành các tình tiết cụ thể: “Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng”, “bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng”; “gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%”; “gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng”; “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; “kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”; “bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc hoặc người phạm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”; “gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên”, “dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát”; “gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên”. Các tình tiết này đều được xác định là hậu quả của hành vi ra bản án trái pháp luật gây ra nên khi áp dụng các tình tiết này cần phải chứng minh giữa hành vi ra bản án trái pháp luật và các hậu quả này phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Bên cạnh việc cụ thể hóa các tình tiết định khung mang tính chất định tính, để đảm bảo phân hóa trách nhiệm hình sự và cơ sở để quyết định hình phạt, Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định thêm tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” “đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu”. Đây là các tình tiết tăng nặng được xác định dựa trên số lần phạm tội hoặc các đối tượng đặc biệt cần ưu tiên đặc biệt.
2. Một số vấn đề về tội ra bản án trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Mặc dù quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục được phần lớn những bất cập, hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng sẽ có những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này. Qua nghiên cứu về quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tác giả nhận thấy bất cập, vướng mắc tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về vấn đề xác định giai đoạn thực hiện tội phạm đối với tội ra bản án trái pháp luật
Về mặt lý luận, tội phạm hoàn thành khi hành vi phạm tội thỏa mãn tất cả các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm. Đối với cấu thành tội phạm vật chất, tội phạm được xác định là hoàn thành khi hậu quả của tội phạm đã xảy ra. Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, tội phạm hoàn thành khi hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm đã được thực hiện. Tội ra bản án trái pháp luật hình sự là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức. Do vậy, việc xác định hành vi ra bản án trái pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành, phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.
Hành vi khách quan của tội phạm theo quy định của điều luật là hành vi “ra bản án trái pháp luật”. Ra bản án là một trong hoạt động tố tụng, do vậy việc ra bản án phải tuân thủ các trình tự thủ tục quy định trong luật tố tụng. Theo đó, về thủ tục ra bản án, bản án sẽ được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phiên tòa. Trước khi tiến hành ra bản án, Tòa án sẽ nghị án và biểu quyết từng nội dung của vụ án, các nội dung biểu quyết phải được ghi nhận trong biên bản nghị án. Sau khi kết thúc nghị án, bản án sẽ được ban hành và tuyên án ngay tại phiên tòa. Vậy nếu như hành vi phạm tội chỉ dừng ở việc nghị án, chưa ban hành bản án và chưa tuyên án thì hành vi phạm tội được xác định ở giai đoạn nào?
Có ý kiến cho rằng, hành vi nghị án không phải là hành vi ra bản án trái pháp luật và người phạm tội trong trường hợp này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật mà tùy trường hợp, Hội đồng xét xử có thể bị xử lý về tội ra quyết định trái pháp luật[4].
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng hành ra bản án trái pháp luật không chỉ là ra bản án mà còn là việc thành viên Hội đồng xét xử biểu quyết đồng ý với quyết định của bản án (sẽ tuyên)[5]. Như vậy thì với quan điểm này, hành vi nghị án cũng được hiểu là ra bản án trái pháp luật và mặc dù chưa có bản án, chưa tuyên án thì người phạm tội cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật.
Theo quan điểm của tác giả, hành vi nghị án không phải là hành vi ra bản án trái pháp luật nhưng đây là hành vi có mối quan hệ mật thiết với hành vi ra bản án trái pháp luật, ngay sau khi nghị án Hội đồng xét xử phải ra bản án và tuyên án. Do vậy, hành vi này được xác định là hành vi liền trước hành vi ra bản án trái pháp luật. Người phạm tội nếu chỉ dừng lại ở hành vi nghị án thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Thứ hai, về việc xác định bản án trái pháp luật
Đối với tội ra bản án trái pháp luật thì tính chất trái pháp luật của bản án được ban hành là dấu hiệu quan trọng để định tội. Theo Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì tính chất trái pháp luật được thể hiện ở nội dung bản án (như kết án người rõ ràng không có tội; tuyên không có tội đối với người rõ ràng có tội, truất quyền thừa kế, quyền sở hữu của công dân không có căn cứ hợp pháp…). Như vậy, theo Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ thì một bản án được coi là trái pháp luật khi nội dung của bản án trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu một bản được ban hành không đúng về trình tự, thủ tục; có sai phạm nghiêm trọng trong thủ tục khi xét xử, ra bản án thì bản án đó có được coi là trái pháp luật hay không. Ví dụ như trường hợp thẩm phán, hội thẩm biết rõ mình thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thẩm phán hội thẩm theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng vẫn tham gia xét xử và ra bản án. Bản án trong trường hợp này có thể không sai về mặt nội dung nhưng có căn cứ để tiến hành giám đốc thẩm, hủy bản án để xét xử lại. Bản án trong trường hợp này được coi là trái pháp luật, nhưng nó có được coi là đối tượng tác động của tội ra bản án trái pháp luật hay không, cần có văn bản hướng dẫn để thống nhất xử lý trong trường hợp này.
Thứ ba, về dấu hiệu “biết rõ là trái pháp luật” trong cấu thành tội phạm ra bản án trái pháp luật
Một trong những dấu hiệu định tội của tội này là “biết rõ là trái pháp luật”, tức là người phạm tội phải nhận thức rõ được việc ra bản án là trái pháp luật thì mới cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc quy định dấu hiệu này dẫn đến khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh người đã ra bản án trái pháp luật có phạm tội hay không. Thông thường, người phạm tội thường cho là do chủ quan nóng vội, do chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật, chứ ít ai cho rằng mình biết rõ pháp luật. Hơn nữa người phạm tội là thẩm phán, hội thẩm, là những người có hiểu biết pháp luật nên trước và sau khi ra bản án trái pháp luật đã có nhiều thủ đoạn hoặc hành vi gian đối để hợp thức hóa việc ra bản án trái pháp luật của mình. Vì vậy mà khi cơ quan tiến hành tố tụng điều tra vào cuộc thì các tài liệu chứng cứ có thể đã không còn hoặc không thể xác định được. Thông thường chỉ trong trường hợp bản án rõ ràng là trái pháp luật như không xét xử mà ra bản án, biên bản nghị án ghi áp dụng hình phạt tù có thời hạn nhưng bản án lại phạt tù nhưng cho hưởng án treo... hoặc trước khi ra bản án xác định thẩm phán hoặc hội thẩm có hành vi nhận hối lộ để ra bản án trái pháp luật thì mới có thể xử lý hình sự những trường hợp này. Do vậy, có ý kiến cho rằng cần sửa đổi dấu hiệu “biết rõ là trái pháp luật” thành “cố ý ra bản án trái pháp luật”[6].
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc quy định dấu hiệu “biết rõ là trái pháp luật” ở tội ra bản án trái pháp luật là cần thiết, bởi vì đấy là ranh giới phân biệt giữa hành vi ra bản án trái pháp luật là tội phạm và không phải là tội phạm. Việc ra bản án trái pháp luật có thể do khách quan, cũng có thể do những nguyên nhân về chủ quan. Về chủ quan, có thể do bản thân thẩm phán, hội thẩm năng lực còn hạn chế, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ nên ra bản án trái pháp luật, nhưng cũng sẽ có những trường hợp cố tình ra bản án trái pháp luật. Cho nên, chỉ khi người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là ra bản án trái pháp luật thì khi đó hành vi ra bản án trái pháp luật mới thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Thứ tư, về tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”
Một trong những định hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 đó là hạn chế quy định các tình tiết mang tính chất định tính trong quy định của Bộ luật Hình sự. Do vậy, các tình tiết mang tính chất định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng” của tội ra bản án trái pháp luật đã được cụ thể hóa bằng các tình tiết định khung cụ thể. Tuy nhiên, trong Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định tình tiết định khung mới “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”. Đây cũng là một tình tiết mang tính chất định tính và hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là ra bản án trái pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, có thể có cách hiểu và vận dụng không thống nhất về tình tiết này, dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác và bỏ lọt tội phạm. Do vậy, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nói chung và trong quy định của tội ra bản án trái pháp luật nói riêng./.
Khoa Pháp luật hình sự, Đại học Luật Hà Nội