1. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1.1. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Đây là những quy định mang tính tiên quyết trong việc xem xét trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi hành vi phạm tội thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 75 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015), cụ thể:
Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, có nghĩa pháp nhân là chủ thể của vi phạm. Pháp nhân là một thực thể xã hội khác với cá nhân, bản thân pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện được tội phạm mà phải thông qua hành vi của các chủ thể hoạt động trong pháp nhân (như người lãnh đạo, đại diện của pháp nhân, người điều hành pháp nhân, người được pháp nhân ủy quyền...). Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là cá nhân đại diện cho pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của pháp nhân, đại diện cho pháp nhân với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều đó cũng đồng nghĩa hành vi của những người này được coi là hành vi và ý chí của pháp nhân, tạo ra các quyền và nghĩa vụ đối với pháp nhân. Đồng thời, thông qua các hành vi này pháp nhân xâm hại đến các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.
Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, tức là việc người đại diện thực hiện hành vi nhằm mang lại lợi ích chung cho pháp nhân, cũng có nghĩa pháp nhân phải là chủ thể được hưởng lợi từ hành vi phạm tội, các cá nhân nhân danh pháp nhân thực hiện các hành vi vì mục đích, lợi ích chung của pháp nhân (những lợi ích này có thể là tài sản, tiền bạc hoặc cũng có thể là những dạng lợi ích vật chất khác...). Nếu cá nhân của pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội không phải vì lợi ích của pháp nhân mà xuất phát từ lợi ích cá nhân thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải pháp nhân thương mại.
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại: Pháp nhân là một tổ chức có cơ cấu tổ chức rõ ràng, có tư cách độc lập khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Chính vì vậy, pháp nhân thông qua chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để đưa ra đường lối hoạt động, phân công vai trò, vị trí cho các cá nhân (là thành viên của tổ chức) thực hiện hành vi phạm tội. Vậy nên, pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về hành vi của các thành viên của mình. Trường hợp hành vi phạm tội xảy ra nhưng không có sự chỉ đạo, điều hành hay phân công của pháp nhân thì không đặt ra vấn đề TNHS đối với pháp nhân. Sự chỉ đạo hoặc chấp thuận của pháp nhân được thể hiện qua việc ký quyết định của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự: Dù là người phạm tội hay pháp nhân thương mại phạm tội thì bao giờ Bộ luật Hình sự cũng quy định thời hiệu truy cứu TNHS.
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tùy thuộc vào tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại khoản 2 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cũng như đối với người phạm tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với người phạm tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Bên cạnh đó, việc pháp nhân thương mại chịu TNHS đương nhiên không loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xem xét, đánh giá để áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại. Bởi lẽ, nếu không được xem xét một cách cụ thể và đầy đủ các điều kiện nói trên thì có thể dẫn đến trường hợp kết án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại cũng như các cá nhân có liên quan.
1.2. Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 2015, hệ thống các hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: Phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78), đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79).
Các hình phạt bổ sung được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80); cấm huy động vốn, phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định cụ thể về các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82); căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 83); các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 84); các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 85); quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86); tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 87); miễn hình phạt (Điều 88); xóa án tích (Điều 89).
2. Thực tiễn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, thì nền kinh tế thị trường đã phát sinh những mặt trái, trong đó, tình hình và tỷ lệ tội phạm gia tăng cả về mức độ lẫn tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nổi lên là tội phạm do pháp nhân thực hiện như tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tội phạm môi trường... gây ra những thiệt hại lớn cho đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự - an ninh xã hội nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Trên thực tế, ở điều kiện kinh tế thị trường, không ít pháp nhân thương mại chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng như buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán… Đa số những trường hợp trên là do cơ quan lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân thực hiện vì lợi ích của pháp nhân hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức cao và có những trường hợp mang tính quốc tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và cho đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh.
Điển hình vào tháng 3 năm 2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh có hành vi hủy hoại môi trường biển Việt Nam. Qua thu thập và phân tích dữ liệu đã xác định, bằng việc xả nước thải có chứa độc tố ra môi trường khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh đã làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Hiện tượng thủy sản chết lan trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế[1].
Vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã xả những cột khói đen liên tục từ nhà máy gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở phía Bắc huyện Tuy Phong, nhà máy còn cho xe vận chuyển xỉ than ra đổ dọc đường và đổ tràn lan ở bãi tập kết. Bãi xỉ không được xử lý theo đúng quy định, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, vụ việc này đã xảy ra từ năm 2015[2]. Mặc dù gây ô nhiễm môi trường như vậy nhưng nhà máy vẫn không có biện pháp khắc phục, đến năm 2018 nhà máy này lại tiếp tục hành vi vi phạm của mình. Cụ thể, bãi chứa tro, xỉ của Trung tâm nhiệt điện này chỉ chứa được khoảng 9,3 triệu mét khối, nhưng hiện đã có khoảng 4,5 triệu mét khối tro, xỉ và dự kiến sẽ đầy trong 02 năm tới. Bên cạnh đó, số tro xỉ này không được xử lý an toàn nên đã khuếch tán ra các khu dân cư, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân. Sự việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo đến dư luận về vấn nạn ô nhiễm môi trường do tro, xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.
Bắt đầu từ năm 2018, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành tố tụng xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nhưng cho đến nay, những quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội vẫn còn trên lý thuyết và chưa áp dụng vào thực tế. Vẫn chưa có bất kỳ một vụ việc về pháp nhân thương mại phạm tội nào được xử lý từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân vi phạm tỏ ra bất cập, kém hiệu quả. Mặc dù quy trình xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân có ưu điểm là nhanh, kịp thời, nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, minh bạch và không giải quyết được triệt để quyền lợi của người dân bị thiệt hại mà họ phải tự chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường.
Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính không có đội ngũ cán bộ chuyên trách để điều tra, chứng minh vi phạm cũng như hậu quả của vi phạm. Như xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bị truy thu thuế với số tiền từ vài triệu đến hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, những sai phạm về thuế này xảy ra ngay tại những doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm trong cả nước. Điển hình như doanh nghiệp ghi nhận số tiền truy thu thuế cao nhất ở thời điểm hiện nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG). Theo nội dung thông tin vừa được công bố, LTG đã phải nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế sau kỳ thanh tra thuế tại công ty giai đoạn 2014 - 2017, với tổng số tiền hơn 51 tỷ đồng. Cụ thể, LTG bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân hơn 39,71 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp hơn 3,54 tỷ đồng; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế gần 7,95 tỷ đồng[3].
Có thể thấy, liên quan đến chế định TNHS của pháp nhân là một chuỗi các vấn đề cần được quy định từ chủ thể chịu trách nhiệm bao gồm những loại pháp nhân nào, tổ chức không phải là pháp nhân có phải chịu trách nhiệm, tội phạm cụ thể có thể quy kết, điều kiện quy kết trách nhiệm đến hệ thống hình phạt áp dụng. Do đó, việc bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân vào BLHS sẽ làm thay đổi hoàn toàn các quan niệm trước đây về cơ sở TNHS, năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi, hình phạt. Đồng thời, việc quy định TNHS đối với pháp nhân sẽ đáp ứng được tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện, thể hiện thông qua 02 Nghị quyết quan trọng, đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Qua nghiên cứu có thể thấy rằng, vấn đề áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại mặc dù có tính răn đe cao, mang lại nhiều hiệu quả nhưng công tác thực thi thì chưa chặt chẽ và thiếu liên kết. Để góp phần hoàn thiện pháp luật về chế định hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, cần phải có quy định rõ ràng để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của pháp nhân thương mại phạm tội (mức độ nguy hiểm có thể xác định qua sự ảnh hưởng của hành vi phạm tội đối với môi trường, lợi ích quốc gia và cộng đồng,…) nhằm để phân loại mức độ phạm tội đối với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Vì nếu không phân loại mức độ phạm tội, việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn sẽ không áp dụng được.
Hai là, kiến nghị pháp luật cần hoàn chỉnh hơn tại khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện để khi áp dụng pháp luật trên thực tế của cơ quan xét xử thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; các quyết định của Tòa án khi ban hành phù hợp với các nguyên tắc pháp luật, là cơ sở để cơ quan xét xử tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, giúp cho chủ thể vi phạm có thể biết được thời điểm bắt đầu bị đình chỉ hoạt động là khi nào và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phía Tòa án cũng quản lý được chủ thể vi phạm có thực hiện đủ và đúng thời hạn bị đình chỉ hoạt động hay không.
Ba là, từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay vẫn chưa áp dụng hình phạt đối với một vụ án nào của pháp nhân cả. Điều này không phải vì không có vi phạm nên không xử lý mà là vì cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào hướng dẫn thi hành các Điều luật quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội cả. Điều này gây bất lợi rất lớn cho việc thực thi pháp luật. Người viết cho rằng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số Điều luật về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là một vấn đề hết sức cấp thiết. Như vậy, sẽ dễ dàng hơn cho các cơ quan thi hành án, công lý được thực thi.
Bốn là, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, nhưng từ khi có hiệu lực đến nay vẫn chưa áp dụng vào thực tiễn được vì còn thiếu quy định về thi hành án hình sự. Chính vì vậy, nên quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội vẫn mãi còn trên lý thuyết chứ chưa vận hành vào thực tiễn. Vì vậy, cần phải sớm bổ sung nội dung này vào Luật Thi hành án hình sự để quy định một cách đầy đủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục… thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, tạo cơ sở pháp lý cho việc thi hành nghiêm minh các bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án tuyên đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Đào Ngân
Khoa Luật, Đại học Nguyễn Tất Thành
[1]. Xuân Long, “Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016”, https://tuoitre.vn/formosa-dung-dau-cac-vu-gay-o-nhiem-nam-2016-1351267.htm (truy cập ngày 28/02/2019).
[2]. Ngô Đồng, “Hiểm họa tự nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân”, https://viettan.org/hiem-hoa-tu-nha-may-nhiet-dien-vinh-tan/ (truy cập ngày 28/02/2019).
[3]. Kim Giang, “Báo động tình trạng vi phạm thuế”, http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/bao-dong-tinh-trang-vi-pham-thue-64771.html (truy cập ngày 17/3/2019).