Trên thực tế, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, quan hệ hợp tác chính thức giữa Bộ Tư pháp với Văn phòng Tổng chưởng lý Ma-lai-xi-a nói riêng và các cơ quan pháp luật và tư pháp của Ma-lai-xi-a nói chung mới chỉ được thực hiện theo từng vụ việc cụ thể, chủ yếu thông qua các hoạt động trao đổi Đoàn và chuyên gia thăm và làm việc để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm. Để thiết lập cơ sở pháp lý và đẩy mạnh quan hệ hợp tác chính thức giữa hai Bên, Bộ Tư pháp Việt Nam và Văn phòng Tổng chưởng lý Ma-lai-xi-a đã trải qua nhiều vòng đàm phán để đi tới thống nhất về nội dung và hoàn tất thủ tục nội bộ theo quy định pháp luật mỗi Bên để có thể ký Bản Ghi nhớ.
Nội dung chính về hợp tác giữa hai Bên theo quy định của Bản Ghi nhớ bao gồm: (i) Trao đổi ấn phẩm pháp luật đã được công bố về những vấn đề mà các Bên cùng quan tâm; (ii) Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt về các lĩnh vực mà các Bên cùng quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách pháp luật; (iii) Trao đổi chuyên gia pháp luật của các Bên với mục đích tham gia các chương trình đào tạo, hội nghị, hội thảo và nghiên cứu pháp luật các Bên cùng thống nhất; (iv) Tăng cường và phát triển đầu mối liên hệ giữa các cán bộ pháp luật nhằm thúc đẩy và trao đổi kinh nghiệm; (v) Hợp tác về các vấn đề pháp luật khu vực và quốc tế, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ cộng đồng ASEAN.
Ma-lai-xi-a là quốc gia theo truyền thống thông luật (common law). Việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa hai nước lần này là cơ hội tốt, tranh thủ thế mạnh của Bạn, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)