Abstract: The paper focuses on analyzing the theory of “right in rem” expressed in the regulations on property and possession in the Civil Code 2015. Through this, the author pointed out some limitations in the rules, and proposed to complete these legal provisions.
1. Tư duy vật quyền trong các quy định về tài sản
Vật quyền là quyền chi phối trực tiếp của chủ thể đối với vật, không phụ thuộc hay cần sự hỗ trợ của chủ thể khác. Trong quá trình xây dựng chế định liên quan đến tài sản và quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015, lý thuyết vật quyền là một trong những nội dung được các nhà làm luật quan tâm nghiên cứu vận dụng để xây dựng các quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam[1]. Bộ luật đã xác định các vật quyền hay “các quyền khác đối với tài sản” được hiểu là quyền chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác. Theo đó, các vật quyền đã được liệt kê rõ, ngoài quyền sở hữu, Bộ luật đã xác định các quyền khác đối với tài sản (vật quyền) tại khoản 2 Điều 159, bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề[2]; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt. Đây là một quy định dù không hoàn toàn mới vì các quyền khác đối với tài sản đã được quy định rải rác trong Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng sự sắp xếp lại của Bộ luật Dân sự năm 2015 thể hiện việc đánh giá đúng mức vị trí, vai trò của các quyền này. Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã xây dựng quy chế pháp lý cụ thể đối với ba quyền tài sản trên (từ Điều 257 đến Điều 273). Tuy nhiên, Bộ luật chỉ giới hạn ở ba quyền được thừa nhận như là “các quyền khác đối với tài sản”, một số quyền khác cũng có yếu tố vật quyền nhưng không được xem là quyền khác đối với tài sản trong luật thực định Việt Nam mặc dù bản chất đó là một loại quyền đối vật như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với tài sản (quyền sử dụng nhà thuê, quyền sử dụng tài sản mượn, quyền sử dụng đất[3]…) cũng là “quyền đối với tài sản” vì chủ thể của các quyền này cũng có thể nắm giữ, chi phối tài sản thuộc sở hữu của người khác, có thể do sự chuyển giao của chủ sở hữu hoặc do luật định. Như vậy, khái niệm “các quyền khác đối với tài sản” ở đây có thể nói đã không vận dụng triệt để lý thuyết vật quyền. Điều này là do sự lựa chọn của các nhà lập pháp. Tuy nhiên, vì ý nghĩa tự thân của thuật ngữ và ý nghĩa được giới hạn của luật thực định không đồng nhất nên trong một số quy định có thể không nhất quán nếu không có sự rà soát kỹ. Bởi lẽ, cùng một cụm từ “quyền khác đối với tài sản” nhưng có thể mang ý nghĩa rộng, hẹp khác nhau, hiểu theo luật thực định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mang nghĩa hẹp, còn theo tính chất của quyền thì mang nghĩa rộng hơn. Nhìn tổng thể về Bộ luật Dân sự năm 2015, trong xây dựng các quy định liên quan đến chế định tài sản, các nhà lập pháp đã thiết kế bên cạnh quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản được giới hạn ở ba quyền đã nêu, những quyền không thuộc phạm vi giới hạn sẽ được tách để điều chỉnh riêng như “chiếm hữu”, “quyền sử dụng đất”, “quyền sử dụng như là một quyền năng trong quyền sở hữu” và cả vật quyền bảo đảm như “quyền truy đòi” và “quyền ưu tiên” đối với tài sản được dùng bảo đảm nghĩa vụ. Như vậy, có thể thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã thừa nhận “các quyền khác đối với tài sản” theo nghĩa rộng. Do đó, nếu Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung tại Điều 159 nội dung các quyền khác đối với tài sản theo quy định pháp luật sẽ hợp lý hơn. Thêm vào đó, một số quyền vốn đã được thừa nhận từ lâu trong thực tiễn cũng cần được thể hiện rõ trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (chẳng hạn như quyền được sử dụng nhà thuê).
Mặc dù có những đột phá trong việc quy định rõ ràng, cụ thể các vật quyền (quyền khác đối với tài sản) trong một điều luật, tuy nhiên, đối với khái niệm tài sản và quyền tài sản thì Bộ luật Dân sự năm 2015 không thay đổi đáng kể so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định tài sản theo hướng liệt kê mà không đưa ra phạm trù về tài sản, theo đó, tài sản bảo gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” và được phân thành hai loại là “bất động sản và động sản” (Điều 105). Đồng thời, cách định nghĩa quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn thể hiện quyền tài sản như một loại tài sản và để làm rõ “quyền tài sản” trong định nghĩa này, tại Điều 115 định nghĩa “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, quyền tài sản được xem như một dạng tài sản tồn tại bên cạnh các tài sản khác. Khái niệm quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam có lẽ có nguồn gốc từ luật học nước ngoài được vận dụng vào Việt Nam trong quá trình xây dựng pháp luật dân sự. Khái niệm quyền tài sản có thể được phát triển từ khái niệm vật quyền cổ điển của Luật La Mã nhưng lại mang nội hàm khác[4]. Với các định nghĩa tài sản và quyền tài sản được nêu trong Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 172, Điều 188), Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 163, Điều 182) và cả trong Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền tài sản mang một phạm trù khác hơn so với pháp luật La-tinh, theo đó, Việt Nam xem quyền tài sản là một loại tài sản, trong khi theo pháp luật La-tinh, quyền tài sản được hiểu là những quan niệm khác nhau, cách hình dung khác nhau về tài sản[5]. Bởi quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được xây dựng như một khái niệm đối lập trong hệ thống phân loại cơ bản, xem quyền tài sản là những tài sản không phải là vật. Trong đó, vật được hiểu là vật hữu hình; đối lập với vật hữu hình, quyền tài sản được hiểu là các vật vô hình. Từ đó dẫn đến hệ quả không có khái niệm bất động sản vô hình và không có khái niệm quyền đối vật[6]. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khẳng định các quyền đối vật nhưng việc tiếp tục định nghĩa theo cách cũ đã làm cho quy định này có vẻ thiếu nhất quán. Luật thực định ở các nước trên thế giới không đưa ra khái niệm tài sản, căn cứ vào cách phân loại tài sản để hình dung phạm trù tài sản[7]. Ngoài ra, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã mở rộng phạm trù quyền tài sản, theo đó, quyền tài sản được đồng nhất với tài sản. “Tài sản (property) không phải là một vật mà là một quyền hoặc một loạt quyền được cưỡng chế thực hiện trong quan hệ với những người khác”[8]. Quyền tài sản được hiểu là một tập hợp rất nhiều quyền và lợi ích, được gọi là “bundle of right”[9]. Như vậy, quyền tài sản được mở rộng bao gồm quyền sở hữu và các quyền khác, tất nhiên các quyền này phải có giá trị kinh tế. Cách hiểu này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật La Mã cổ đại, phù hợp với lý thuyết sản nghiệp của người La Mã về tài sản, theo đó, tài sản (tài sản có) thuộc một sản nghiệp là tập hợp những quyền về tài sản cùng một chủ thể (hoặc được xác lập trong khuôn khổ một mục đích nào đó). Quyền này được chia làm hai loại cơ bản là quyền đối vật và quyền đối nhân. Quyền được xác lập trên một vật cụ thể được gọi là quyền đối vật, quyền đối nhân là quyền được xác lập tương ứng với nghĩa vụ tài sản mà người khác phải thực hiện vì lợi ích của người có quyền. Trong đó, quyền sở hữu là một loại vật quyền tuyệt đối[10]. Tuy nhiên, với quy định như Bộ luật Dân sự năm 2015, xây dựng khái niệm tài sản như một loại tài sản, dù có bổ sung những quy định về vật quyền đối với tài sản thì vẫn làm cho cách hiểu về tài sản ở Việt Nam không giống như các nước trên thế giới và cũng đã tạo nên sự thiếu nhất quán khi xem xét một cách tổng thể các quy định về tài sản.
2. Tư duy vật quyền trong các quy định về chiếm hữu
Mặc dù không xác định quyền chiếm hữu đối với tài sản là “quyền khác đối với tài sản”, tuy nhiên, quyền chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được tiếp cận theo hướng vật quyền, được xem là quyền đối với vật và được bảo vệ chứ không còn đơn thuần chỉ là một quyền năng trong quyền sở hữu. Theo Bộ luật Dân sự năm 1995 và cả Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền chiếm hữu được định nghĩa chính thức là một quyền năng trong quyền sở hữu và nội hàm của quyền sở hữu cũng có nét tương đồng với các nước tiên tiến, đặc biệt là các nước theo hệ thống dân luật như Pháp, Đức, Nhật. Tuy nhiên, Luật cổ La Mã cũng như luật của các nước Châu Âu trên cơ sở quán triệt của Luật La Mã không sử dụng cụm từ “quyền chiếm hữu” trực tiếp trong khái niệm quyền sở hữu[11]. Chẳng hạn, theo Điều 544 Bộ luật Dân sự năm 2005 của Pháp thì “quyền sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không sử dụng tài sản vào những việc pháp luật cấm”. Việc sử dụng thuật ngữ quyền chiếm hữu bó hẹp trong quyền sở hữu đã làm cho làm cho luật Việt Nam khó hiểu so với các nước và khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện các quy định liên quan đến quyền sở hữu, chiếm hữu.
Việt Nam không tiếp nhận hoàn toàn quy định này từ các nước Châu Âu khi Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn tiếp tục giữ lại cụm từ “quyền chiếm hữu” trong khái niệm, nội dung quyền sở hữu (Điều 158). Tuy nhiên, điểm tiến bộ là nhận thức được tính chất đặc biệt của việc chiếm hữu, nên quy định về chiếm hữu còn được thiết kế trong một phần riêng với những quy chế pháp lý cụ thể (từ Điều 179 đến Điều 185). Theo đó, chiếm hữu là việc chủ thể “nắm giữ, chi phối” tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. So với với Bộ luật Dân sự năm 2005, nội dung của việc chiếm hữu được hiểu rộng hơn từ việc thay đổi từ “quản lý” bởi từ “chi phối”. Bộ luật Dân sự năm 2015 không nêu định nghĩa quyền chiếm hữu, nhưng thông qua định nghĩa chiếm hữu, quyền chiếm hữu có thể hiểu là quyền nắm giữ, chi phối tài sản có căn cứ pháp luật. Người có quyền chiếm hữu có thể là chủ sở hữu hoặc chủ thể khác không là chủ sở hữu tài sản. Bảo vệ việc chiếm hữu thực chất là bảo vệ quyền của chủ thể được suy đoán là đang chiếm hữu hợp pháp tài sản, tức chiếm hữu có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại hạn chế trong quy định liên quan việc chiếm hữu. Trên cơ sở tiếp nhận pháp luật Châu Âu lục địa, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sử dụng cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” trong định nghĩa chiếm hữu. Thuật ngữ này đã tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau và mâu thuẫn với một số quy định liên quan. Theo đó, có tác giả cho rằng, cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” đang làm cho các điều luật không thống nhất với nhau. Bởi lẽ, cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” đương nhiên bao gồm chủ sở hữu và những người có “quyền khác đối với tài sản” được quy định tại khoản 2 Điều 159 (tức người có quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt và quyền hưởng dụng), nhưng vấn đề đặt ra là người thuê, người mượn tài sản người khác đều là người được sử dụng tài sản có được xem là chủ thể có quyền trong khái niệm này không?[12]. Rõ ràng, ở khía cạnh sử dụng cụm từ “quyền khác đối với tài sản” trong điều luật này khi đối chiếu với Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ dẫn đến bất hợp lý. Ở đây đã dẫn đến hai cách hiểu khác nhau, cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” đã từng có tác giả hiểu theo kiểu “của chủ thể có quyền đối với tài sản”. Điều này dẫn đến hệ quả định nghĩa chiếm hữu đồng nhất với chiếm hữu có căn cứ pháp luật, từ đó sẽ bất hợp lý trong mối tương quan với khái niệm chiếm hữu trái pháp luật, vì bản thân chiếm hữu trái pháp luật trước hết phải là chiếm hữu. Do vậy, phải chăng cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” được xây dựng với cách hiểu khác, đó là biểu hiện cách ứng xử của người đang chiếm giữ, chi phối vật theo “kiểu” của người có quyền chiếm hữu đối với tài sản, họ tỏ ra là người có quyền, mặc dù thực tế chưa hẳn là người thực sự có quyền đối với tài sản[13]. Nói cách khác, theo cách hiểu này, khái niệm chiếm hữu thể hiện được nội hàm chiếm hữu có thể là chiếm hữu có căn cứ pháp luật hoặc không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách thứ hai thì cụm từ “chủ thể có quyền đối với tài sản” trong điều luật này cần hiểu theo nghĩa rộng nhằm bảo đảm được tính bao quát và hợp lý, tức bao gồm cả quyền của những người chiếm hữu đối với tài sản thuê, mượn và cả đối với quyền sử dụng đất… Đây có thể là hệ quả của sự giới hạn các quyền đối vật nhưng thiếu sự rà soát các điều luật liên quan. Do đó, trong trường hợp pháp luật đã giới hạn ba quyền đối với tài sản nêu trên thì đòi hỏi phải có sự rà soát, hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng không rõ ràng trong quy định.
Pháp luật dân sự hiện hành thể hiện rõ hơn về việc bảo vệ quyền chiếm hữu với tư cách là vật quyền. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về bảo vệ quyền sở hữu, theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp “có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại” (Điều 255), đồng thời có quyền yêu cầu người xâm hại “trả lại tài sản” (Điều 256). Khác với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng quy định về bảo vệ việc chiếm hữu độc lập với chế định quyền sở hữu như một sự khẳng định bảo vệ việc chiếm hữu không chỉ là bảo vệ một trong ba quyền năng của chủ sở hữu mà chính là bảo vệ một dạng quyền đối với tài sản (quyền đối vật). Đồng thời, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bảo vệ việc chiếm hữu mà không chọn đề mục là bảo vệ quyền chiếm hữu. Bởi vì trước khi có cơ sở chứng minh việc chiếm hữu là bất hợp pháp thì người chiếm hữu được suy đoán là chiếm hữu hợp pháp, ngay tình và được bảo vệ. Đây cũng là một điểm nổi bật thông qua quy định suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu tại điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, “người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh” và “trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền”. Điều này cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong điều chỉnh hành vi ứng xử của những người xung quanh đối với người đang chiếm hữu tài sản[14]. Việc bảo vệ người chiếm hữu được ghi nhận riêng tại Điều 185 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, “trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại”. Như vậy, khi việc chiếm hữu bị xâm hại thì người được suy đoán là chiếm hữu ngay tình hoặc có quyền chiếm hữu có thể tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho mình.
Quy định trên cho thấy, cả chủ sở hữu và người chiếm hữu có căn cứ pháp luật đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ đòi lại tài sản từ sự xâm phạm của chủ thể khác. Quy định này có lẽ bắt nguồn từ hệ thống pháp luật Anh-Mỹ[15]. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định rõ hướng giải quyết khi tài sản được chủ sở hữu chuyển giao cho chủ thể khác nhưng bị chủ thể thứ ba chiếm hữu bất hợp pháp; với quy định hiện hành, nếu cả hai chủ thể có quyền đều đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp đòi lại tài sản thì Tòa án thụ lý và giải quyết như thế nào, tài sản sẽ được giao trả cho ai, pháp luật cần có được hướng dẫn cụ thể hơn.
Ngoài ra, cùng với việc tách mục chiếm hữu ra khỏi quyền sở hữu, quyền đòi lại tài sản do hành vi xâm hại đến việc chiếm hữu cũng được tách theo tương ứng (Điều 185 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, tên đề mục tại Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 là “Quyền đòi lại tài sản” không thay đổi so với Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005, tên gọi vẫn mang tính khái quát nhưng nội hàm đã bị giới hạn nên không còn tương thích, không đảm bảo tính khoa học. Khi đọc Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đọc sẽ hình dung các trường hợp thể hiện quyền đòi lại tài sản đều được thể hiện trong điều luật này. Do vậy, nếu đã chọn quan điểm quy định hai nội dung tách biệt như hiện nay thì để đảm bảo nhất quán, logic, lẽ ra đề mục của Điều 166 cần điều chỉnh thành “Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” sẽ hợp lý hơn. Đây có lẽ là một lỗi rà soát trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngược lại, nếu Điều 166 này vẫn giữ đề mục như Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì sẽ hợp lý hơn khi ghi nhận trong điều luật cả quyền đòi lại tài sản của người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình hoặc có quyền chiếm hữu.
Đại học An Giang