Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phát sinh, từ đó, tiềm ẩn các tranh chấp pháp lý làm nảy sinh các vụ việc trước cơ quan tư pháp của các nước. Tại đây, tương trợ tư pháp ra đời có vai trò hỗ trợ các quốc gia nhanh chóng giải quyết vụ việc. Bài viết này sẽ đưa ra bức tranh về hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với các quốc gia ASEAN trong đó làm rõ cơ sở pháp lý thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với các quốc gia ASEAN; thực trạng công tác tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với các quốc gia ASEAN, các khó khăn, vướng mắc và gợi mở các giải pháp để mở rộng, nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong thời gian tới.
1. Cơ sở pháp lý thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN
1.1. Các điều ước quốc tế
- Điều ước đa phương toàn cầu: Trong khuôn khổ toàn cầu, hiện có hai công ước đa phương của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế là Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt)[1] và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ)[2] có nội dung điều chỉnh về hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Việt Nam có các bước đi khá sớm khi đã là thành viên của cả hai công ước nói trên[3]. Tuy nhiên, đây lại không phải là kênh hợp tác trong khu vực ASEAN về hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự do các quốc gia trong khu vực hầu hết chưa gia nhập các Công ước này. Đến nay, ngoài Việt Nam, mới có Philipines là thành viên của Công ước tống đạt và Singapore là thành viên Công ước thu thập chứng cứ. Do đó, giữa Việt Nam và Philipines, các yêu cầu tống đạt giấy tờ được thực hiện theo khuôn khổ của Công ước tống đạt; giữa Việt Nam và Singapore, các yêu cầu thu thập chứng cứ được thực hiện theo Công ước thu thập chứng cứ.
- Hiệp định song phương: Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều điều ước quốc tế song phương với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Ngoài Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự ngày 06/7/1998 ký với Lào (có hiệu lực từ ngày 19/02/2000) và Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự ngày 21/01/2013 ký với Campuchia (có hiệu lực từ ngày 09/10/2014), Việt Nam mới đang cùng Thái Lan đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (kết thúc đàm phán vòng 01 vào tháng 12/2020).
+ Về hợp tác tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước ASEAN theo nguyên tắc có đi có lại: Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định nguyên tắc trong tương trợ tư pháp nói chung và tương trợ tư pháp về dân sự nói riêng. Theo đó, tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Do Việt Nam không có quan hệ điều ước quốc tế với nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN nên phần lớn các yêu cầu nhận được hoặc gửi ra nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. Hiệu quả của việc thực hiện các yêu cầu theo nguyên tắc này sẽ phụ thuộc nhiều vào thiện chí của các quốc gia. Quy trình thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại cũng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Cụ thể, yêu cầu tương trợ tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu lập, sau đó, cơ quan trung ương nước mình gửi đến Bộ Ngoại giao nước mình để gửi tới cơ quan đại diện ngoại giao của nước mình ở nước ngoài, rồi cơ quan đại diện ngoại giao sẽ gửi đến Bộ Ngoại giao của nước nhận và Bộ Ngoại giao nước nhận sẽ gửi đến cơ quan có thẩm quyền của nước nhận. Kết quả thực hiện cũng sẽ được gửi về nước yêu cầu theo quy trình tương tự. Với quy trình qua nhiều khâu trung gian như vậy tất yếu sẽ làm chậm quá trình xử lý các yêu cầu, từ đó, làm chậm quá trình giải quyết các vụ việc.
+ Pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự:
(i) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Từ những yêu cầu và đòi hỏi riêng trong việc xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã dành một phần riêng quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài (Phần thứ tám). Phần này có các quy định đặc thù trong việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài: Về các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài; về thu thập chứng cứ ở nước ngoài; việc xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ; việc công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam; quy định riêng về thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài…
(ii) Luật Tương trợ tư pháp năm 2007: Với tư cách là luật chuyên ngành, Luật này có các quy định chuyên sâu hơn về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự. Luật có 01 chương quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, cụ thể: Phạm vi, văn bản ủy thác tư pháp, thành phần, số lượng hồ sơ; quy trình tiếp nhận, xử lý ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi đi nước ngoài và ủy thác tư pháp của nước ngoài gửi tới Việt Nam; chi phí ủy thác tư pháp về dân sự; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong tương trợ tư pháp.
Các văn bản hướng dẫn thi hành: Ngoài Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, một số văn bản dưới luật có quy định chi tiết hơn về thẩm quyền, quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự: Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
1.2. Tình hình tiếp nhận và chuyển thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN
Tình hình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự trong giai đoạn 2016 đến nay[4] cho thấy:
- Về ủy thác tư pháp Việt Nam gửi đến các nước ASEAN: Trong những năm vừa qua, yêu cầu tương trợ tư pháp từ Việt Nam đến các quốc gia ASEAN không đồng đều. Các nước Việt Nam có nhiều yêu cầu gửi đi là Singapore, Indonesia và Campuchia. Có nước hầu như Việt Nam không có yêu cầu nào gửi đi như Đông Timo, Myanmar và Brunay. Các yêu cầu mà Việt Nam gửi đến các nước là các yêu cầu về tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ, trong đó, phần lớn là các yêu cầu về tống đạt giấy tờ. Kết quả thực hiện các yêu cầu rất thấp, khó có thể đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vụ việc trong nước. Trong số các quốc gia ASEAN mà Việt Nam có yêu cầu gửi đến, không nước nào có kết quả phản hồi cho Việt Nam đạt trên 50%, cao nhất là Malaysia với 39%, có quốc gia, Việt Nam gửi đi rất nhiều nhưng không nhận được phản hồi nào (Indonesia). Đáng lưu ý là, Campuchia và Lào là hai quốc gia Việt Nam có Hiệp định Tương trợ tư pháp nhưng kết quả thực hiện các yêu cầu này từ các nước cho Việt Nam cũng rất thấp, tỷ lệ này chỉ đạt lần lượt là 32% và 6%.
- Về ủy thác tư pháp các nước ASEAN đến Việt Nam: Từ 2016 đến nay, các quốc gia ASEAN có rất ít các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự gửi đến Việt Nam (Singapore 03 yêu cầu, Thái Lan 03 yêu cầu và Indonesia 01 yêu cầu). Do chưa có điều ước quốc tế với Việt Nam nên các yêu cầu của các nước nói trên được gửi đến Việt Nam qua kênh ngoại giao để thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại.
Có thể nhận thấy, việc hợp tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước ASEAN phần nào mang lại các kết quả tích cực, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong nước giải quyết các vụ việc về dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có liên quan. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để nâng cao hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Philipines có Công hàm đề nghị Việt Nam hỗ trợ thu thập chứng cứ qua cầu truyền hình.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Mặc dù đạt được các kết quả nhất định trong hợp tác khu vực ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hoạt động này vẫn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hỗ trợ tố tụng dân sự cho các nước thành viên, cụ thể:
Thứ nhất, khuôn khổ điều ước quốc tế làm cơ sở quốc tế cho việc hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia ASEAN trong tương trợ tư pháp về dân sự còn yếu
Các quốc gia trong khu vực dường như không mấy quan tâm đến việc gia nhập các Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế khi ngoài Việt Nam thì chỉ có duy nhất Philippines là thành viên Công ước tống đạt và Singapore là thành viên Công ước thu thập chứng cứ. Về khuôn khổ pháp lý khu vực, trong khi hợp tác về phòng chống tội phạm được quan tâm dành nhiều sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, kết quả là các quốc gia đã có Hiệp định về Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN ký năm 2004. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đã có Hiệp định mẫu về dẫn độ và đang dự kiến đàm phán Hiệp định ASEAN về dẫn độ. Việc thiếu vắng một hiệp định trong khu vực về tương trợ tư pháp về dân sự và việc chỉ có lác đác hiệp định song phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực đã làm giảm hiệu quả của công tác tương trợ tư pháp về dân sự đến các nước này. Việt Nam có nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp thì đều chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện nên kết quả thực hiện rất thấp, thậm chí không có kết quả[5]. Hơn nữa, do thiếu vắng các điều ước quốc tế nên việc thực hiện được gửi qua nhiều khâu trung gian.
Thứ hai, với các quốc gia có điều ước, việc rà soát định kỳ giữa các cơ quan trung ương trong thực hiện hiệp định song phương còn hạn chế
Thực tiễn thực hiện công tác tương trợ tư pháp cho thấy, việc rà soát tình hình thực thi hiệp định có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và giải đáp các vướng mắc. Trong những năm qua, Việt Nam và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã thường xuyên tiến hành các hội nghị thường niên giữa hai cơ quan trung ương để đánh giá tình hình thực thi hiệp định, đến nay, hai bên đã tổ chức được 09 hội nghị thường niên, đưa kết quả thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp giữa hai bên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong khu vực, Việt Nam mới có hiệp định song phương với Lào và Campuchia và đã tổ chức một số đợt rà soát. Tuy vậy, việc rà soát tình hình thực thi hiệp định mới được thực hiện lồng ghép tại các hội nghị đường biên các cơ quan tư pháp mà chưa tiến hành được các hội nghị riêng biệt để rà soát tình hình thực hiện hiệp định. Điều này làm cho các vướng mắc giữa hai bên không được cùng xem xét, thảo luận và tháo gỡ kịp thời, vì vậy, làm giảm hiệu quá trình thực hiện các yêu cầu tương trợ.
Thứ ba, chưa thành lập được kênh liên lạc giữa các cơ quan trung ương về thực hiện công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
Thông thường, thực hiện nhiệm vụ cơ quan trung ương của hiệp định do một đơn vị đầu mối của cơ quan đó thực hiện. Do vậy, việc trao đổi các vấn đề kỹ thuật của việc thực hiện các yêu cầu tương trợ, việc giải đáp các vướng mắc và cập nhật về tình hình thực hiện mỗi yêu cầu sẽ do các đơn vị cụ thể và các cán bộ đầu mối của mỗi bên xử lý. Tuy vậy, việc thiếu cơ chế liên lạc chặt chẽ giữa các đơn vị này đã tạo ra rào cản kỹ thuật làm chậm quá trình thực hiện các hồ sơ ủy thác.
Thứ tư, việc chia sẻ thông tin về pháp luật và thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn hạn chế
Mặc dù có quan hệ gần gũi và gắn bó với các quốc gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn thiếu các thông tin về pháp luật và cũng như cơ chế thực thi về tương trợ tư pháp về dân sự của các nước ASEAN. Việc thiếu các thông tin về cơ sở pháp lý, về cơ quan trung ương, về ngôn ngữ, về chi phí thực hiện, về quy trình chuyển hồ sơ, biểu mẫu… làm cho việc lập và gửi hồ sơ đến các quốc gia khó có thể chính xác và hợp lệ đòi hỏi phải trả đi trả lại. Đây cũng là một khó khăn trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp làm giảm hiệu quả của việc thực hiện các yêu cầu khi thiếu vắng các cam kết tại điều ước, khi không có được mối liên hệ gắn bó giữa các cơ quan trung ương hoặc đơn vị đầu mối.
3. Một vài đề xuất
Với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, để công tác tương trợ tư pháp về dân sự trong khu vực ASEAN được cải thiện hơn nữa, tác giả cho rằng, cần xem xét áp dụng một số giải pháp như sau:
Một là, cần tăng cường ký kết các điều ước quốc tế với các quốc gia còn lại trong khu vực làm cơ sở cho việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự. Việc Việt Nam và các quốc gia có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự sẽ tạo ra cơ sở để thực hiện tốt hơn các yêu cầu của nhau. Việc tăng cường ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dân sự với các nước ASEAN cũng phù hợp với chủ trương của Đảng ta được nêu tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống” và Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc thúc đẩy ký kết các điều ước quốc tế có thể thông qua việc đề xuất với từng nước riêng biệt để đàm phán hiệp định song phương hoặc thuyết phục các nước gia nhập các Công ước của Hội nghị La Hay về Tương trợ tư pháp hoặc cân nhắc tính đến việc đề xuất ký kết một điều ước quốc tế trong khu vực.
Hai là, cần thắt chặt hơn quan hệ của các cơ quan trung ương của các quốc gia đã có điều ước quốc tế. Với các nước đã có hiệp định song phương từ lâu, cần tăng cường hơn nữa đánh giá định kỳ. Việc tăng cường rà soát có thể được thực hiện linh hoạt thông qua việc tổ chức hội nghị đường biên các cơ quan tư pháp như hiện nay hoặc có thể được tiến hành trực tiếp giữa các cơ quan trung ương của hiệp định hoặc thậm chí thông qua trao đổi thư điện tử hoặc điện thoại giữa các đơn vị đầu mối. Việc trao đổi thường xuyên, liên tục sẽ giúp xử lý nhanh chóng các yêu cầu, tháo gỡ sớm các vướng mắc (nếu có) và làm bền chặt quan hệ giữa các cơ quan đầu mối.
Ba là, đối với các quốc gia chưa thể ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, Việt Nam nên tìm hiểu cặn kẽ quy định pháp luật và cơ chế thi hành của các nước ASEAN và chia sẻ pháp luật về tương trợ tư pháp của nước mình. Ngoài ra, thông qua các kênh chính thức hoặc không chính thức, các cơ quan có thẩm quyền cần đề nghị các nước quan tâm xử lý sớm các yêu cầu của Việt Nam.
Bốn là, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam nên cân nhắc cho phép ứng dụng công nghệ thông tin triệt để trong xem xét, tiếp nhận và xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp. Việc cho phép ứng dụng công nghệ thông tin sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý và gửi các yêu cầu và kết quả thực hiện các yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Chính phủ điện tử và là xu hướng chung của thế giới.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Với 79 quốc gia thành viên, cập nhật của Hội nghị đến ngày 17/6/2021
[2]. Với 64 quốc gia thành viên, cập nhật của Hội nghị đến ngày 17/6/2021
[3]. Công ước tống đạt có hiệu lực với Việt Nam ngày 01/10/2016, Công ước thu thập chứng cứ có hiệu lực với Việt Nam ngày 03/5/2020.
[4]. Số liệu được trích xuất từ phần mềm quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của Bộ Tư pháp.
[5]. Như Malaysia, Indonesia.