Gia đình là môi trường tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về bình đẳng giới. Gia đình đóng vai trò cơ bản trong việc định hình mối quan hệ giới ngay từ những buổi đầu của cuộc sống con người và truyền tải chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là nơi xã hội hóa vấn đề giới, truyền lại các kiến thức và kỹ năng về giới. Do vậy, nhận thức về bình đẳng giới của các thế hệ đi trước trong gia đình như ông bà, cha mẹ… tác động rất lớn đến nhận thức của các thế hệ kế tiếp. Trong gia đình, con người học những bài học đầu tiên về tôn ti trật tự, về sự tuân thủ, sự phân biệt đối xử. Con trai học cách quyết đoán và thống trị, con gái học sự phục tùng. Gia đình chính là nơi tạo ra tôn ti trật tự. Sự nhận thức không đúng đắn về giới và bình đẳng giới sẽ tạo ra những tôn ti trật tự trong đó làm giảm vị thế của nữ giới, dẫn đến bất bình đẳng giới ngay trong gia đình. Trong gia đình truyền thống, ông bà, cha mẹ truyền dạy cho cháu con những nguyên mẫu về các quan niệm và hành vi mong đợi được cho là thích hợp đối với mỗi giới và các kỳ vọng của xã hội đối với nam giới và nữ giới. Chẳng hạn, quan niệm chung về đặc điểm tính cách của nữ giới là dịu dàng, nam giới là mạnh mẽ, quyết đoán. Do vậy, phụ nữ được quan niệm là gắn liền với vai trò của người mẹ, người vợ, người nội trợ, là người phụ thuộc không quan tâm đến việc họ có thu nhập cao hay thấp; nam giới trở thành trụ cột về kinh tế, là tấm gương đạo đức, là chỗ dựa về tinh thần của phụ nữ và trẻ em, là người chủ gia đình, đại diện cho gia đình trong các quan hệ xã hội và cộng đồng. Những đặc tính trên của nữ giới hay nam giới thực chất là do xã hội gán cho hoặc mong đợi các cá nhân nam và nữ thực hiện. Quan niệm trên chính là những định kiến giới đã tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những định kiến giới đó đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới tồn tại phổ biến trong xã hội. Khi những định kiến giới tồn tại ở những người trực tiếp thường xuyên nuôi dạy trẻ như cha mẹ, ông bà… thì những quan niệm đó sẽ được thể hiện cụ thể thông qua các hành vi chăm sóc, giáo dục trẻ như: Trẻ em trai hay gái nên làm hoặc không nên làm gì, định hướng hoặc cho phép trẻ em trai và trẻ em gái được chơi các trò chơi theo giới, phân công lao động theo giới trong gia đình, đầu tư cho trẻ em trai và trẻ em gái khác nhau… Từ đó cho thấy, trẻ em có được đặc tính về giới mà đặc tính này sẽ xác định một loạt các hoạt động được xã hội chấp nhận cho nam và nữ cũng như mối quan hệ giữa chúng là từ gia đình. Do vậy, nhận thức của các thế hệ đi trước trong gia đình về giới và bình đẳng giới không đúng đắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của các thế hệ sau. Điều này sẽ làm chậm mục tiêu bình đẳng giới. Ngược lại, khi các thế hệ đi trước nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới thì họ sẽ truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp những nhận thức đúng đắn đó. Đồng thời, nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới của các thế hệ đi trước sẽ quyết định hành vi của họ trong việc chăm sóc, giáo dục, đầu tư… cho thế hệ tương lai. Sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho trẻ em trai và trẻ em gái là như nhau. Con trai, con gái đều được tôn trọng như nhau. Sự đầu tư của cha mẹ, ông bà trong việc phát triển đối với trẻ con trai, con gái phải trên cơ sở năng lực, sở thích và cơ hội của mỗi người con mà không dựa trên giới tính. Sự phân công lao động trong gia đình phải trên cơ sở khả năng của mỗi người con mà không phụ thuộc vào giới tính… Hành động cụ thể trên sẽ tác động tích cực đến nhận thức, hành vi, cơ hội của thế hệ kế tiếp. Điều đó góp phần rút ngắn khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới.
Vai trò tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới của gia đình không chỉ thể hiện trong việc truyền dạy của ông bà, cha mẹ và các thành viên khác của gia đình mà còn thể hiện trong việc làm gương của cha mẹ, ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Cách đối xử của cha mẹ, ông bà với nhau phải thể hiện sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, bởi hành vi của cha mẹ, ông bà sẽ là nguyên mẫu cho con cháu. Khi trong gia đình cha mẹ, ông bà tôn trọng nhau, chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau bàn bạc và giải quyết các vấn đề… sẽ là tấm gương sáng cho con cháu học tập. Ngược lại, các hành vi thể hiện sự phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình trên cơ sở giới, hình phạt cho các hành vi không đúng đắn, các mẫu người đàn ông và phụ nữ trong gia đình… sẽ tác động tiêu cực đến hành vi và nhận thức về bình đẳng giới đối với thế hệ trẻ.
Như vậy, để có được bình đẳng giới, trước hết trong gia đình cha mẹ, ông bà cần phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vì chính họ là tác nhân quan trọng nhất trong trong việc tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ. Khi các thành viên gia đình nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới thì trẻ em trai và trẻ em gái ngay từ khi chào đời đã được cha mẹ, những người lớn tuổi đối xử bình đẳng. Khi lớn lên, được chứng kiến quyền bình đẳng giữa cha mẹ, ông bà; được hưởng quyền và thực hiện trách nhiệm bình đẳng với nhau. Gia đình mà trong đó nam giới và nữ giới được bình đẳng với nhau sẽ tiếp tục là môi trường tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất về bình đẳng giới.
2. Vai trò của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới
2.1. Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên có thể xóa bỏ phân công lao động theo giới
Phân công lao động theo giới là việc phân công các công việc, các trách nhiệm khác nhau giữa nam và nữ. Sự phân công này là do xã hội gán cho mỗi giới và được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác nên được mọi thành viên của từng cộng đồng nắm vững.
Với tư cách là một thiết chế của xã hội, gia đình là một xã hội thu nhỏ, gia đình phản ánh đầy đủ các vấn đề của xã hội, trong đó nổi bật nhất là vấn đề bất bình đẳng giới. Gia đình – pháo đài kiên cố nhất của sự bất bình đẳng nam nữ. Mọi sự bất bình đẳng giữa nam và nữ đều bắt nguồn từ gia đình. Sự bất bình đẳng giới được bắt nguồn từ gia đình, được bao bọc bởi các quan hệ gia đình, tôn ti trật tự, nề nếp gia phong… nên bất bình đẳng giới diễn ra êm ái, dễ dàng và ít gặp sự phản kháng mãnh liệt từ phụ nữ. Địa vị của phụ nữ tác động tới sự phát triển nhận thức, sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục của con cái họ. Nếu địa vị của người phụ nữ thấp kém thì không chỉ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục của con cái họ mà còn ảnh hưởng xấu đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thiên chức của phụ nữ là mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, do nhận thức về vai trò giới và giới tính còn hạn chế nên nhiều người cho rằng công việc nội trợ cũng là thiên chức của phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ luôn phải gánh vác công việc trong gia đình như: Chăm sóc con nhỏ, người già, người đau ốm; giặt giũ, đi chợ, nấu ăn; dọn dẹp nhà cửa… Chính những công việc này đã chiếm rất nhiều thời gian, sức lực của phụ nữ. Do đó, cơ hội tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ rất thấp. Điều này dẫn đến thực tế là phụ nữ không trực tiếp lao động tạo thu nhập cho gia đình. Hệ quả là địa vị thấp kém và không có tiếng nói ngay trong gia đình của mình. Những phụ nữ được tham gia vào thị trường lao động thì tình hình cũng ít được thay đổi. Họ luôn phải đối mặt với áp lực công việc ngoài xã hội và công việc gia đình. Việc kết hợp hài hòa giữa chăm sóc gia đình, nuôi dạy con với nâng cao địa vị xã hội – nghề nghiệp là khó khăn lớn mà phụ nữ ngày nay phải đối mặt.
Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên có thể làm thay đổi tập quán phân công lao động theo giới. Khi trong gia đình nam giới sẵn sàng chia sẻ việc nhà, thì phụ nữ có cơ hội tham gia vào thị trường lao động, phát huy khả năng và sở thích của mình, trực tiếp tạo thu nhập. Từ đó, phụ nữ có khả năng tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, có tiếng nói trong gia đình. Điều đó, mang lại cho phụ nữ sự tự tin và địa vị của họ trong gia đình được nâng cao.
Như vậy, xóa bỏ tập quán phân công lao động theo giới là tiền đề quan trọng để giải phóng phụ nữ, phát huy khả năng của phụ nữ cho sự phát triển kinh tế gia đình, nâng cao địa vị của phụ nữ. Gia đình có vai trò quyết định trong việc xóa bỏ tập quán phân công lao động theo giới, góp phần xóa bỏ phân công lao động theo giới, tạo điều kiện thực hiện bình đẳng giới một cách hiệu quả.
2.2. Gia đình có thể quyết định đầu tư các nguồn lực trên cơ sở bình đẳng giữa nam và nữ
Con người đưa ra hầu hết những quyết định cơ bản của cuộc sống trong phạm vi gia đình, trong đó có việc đầu tư cho tương lai. Nguồn lực được phân bổ như thế nào giữa con trai và con gái, giữa vợ và chồng, mỗi người tùy thuộc vào giới tính của mình được trao quyền đến đâu, kỳ vọng của cha mẹ đối với con trai, con gái, của vợ, chồng đối với nhau có khác nhau hay không… Tất cả những điều này sẽ tạo ra và khoét sâu hay sẽ giảm bớt sự phân biệt giới. Định kiến giới đã dẫn đến người vợ và trẻ em gái ít có cơ hội được đầu tư cho sự phát triển con người hơn. Đa số các gia đình cho rằng, đầu tư cho người vợ và trẻ em gái thu được ít lợi suất cho gia đình hơn là đầu tư cho người chồng và trẻ em trai. Do vậy, tình trạng thất học, không được chăm sóc sức khỏe ở trẻ em gái cao hơn so với trẻ em trai. Trong quan hệ vợ chồng cũng tương tự, người vợ ít được đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe hơn so với người chồng. Gia đình là nơi đầu tiên xóa bỏ định kiến giới, làm thay đổi các quyết định đầu tư bất bình đẳng giữa nam và nữ. Việc đầu tư các nguồn lực của gia đình bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái sẽ tạo cơ hội cho nam giới và nữ giới cùng được học tập nâng cao trình độ (văn hóa, nghề nghiệp), tiếp cận thông tin và khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe. Từ đó, tạo điều kiện cho nữ giới có đủ khả năng về tri thức, sức khỏe tham gia thị trường lao động, kể cả thị trường lao động đòi hỏi trình độ cao.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu xã hội học cho thấy, người vợ có học vấn cao và hiểu biết xã hội rộng sẽ tác động tốt đến việc nuôi dạy con. Học vấn của người mẹ sẽ làm cải thiện chế độ dinh dưỡng của con cái, thông qua chất lượng chăm sóc mà người mẹ dành cho con. Nghiên cứu các nước đang phát triển cho thấy, mối quan hệ ngược chiều mạnh giữa số năm đi học bình quân của người mẹ với tỷ lệ tử vong của trẻ. Điều tra về nhân khẩu và sức khỏe mới nhất tại hơn 40 nước đang phát triển cho thấy tử vong của trẻ dưới 5 tuổi thấp hơn tại các gia đình mà người mẹ có đi học tiểu học so với gia đình mà người mẹ không đi học, và còn thấp hơn nữa ở các gia đình mà người mẹ học đến trung học. Phụ nữ có học vấn cao hơn dường như sử dụng các dịch vụ chăm sóc con cái chính quy và đưa con đi tiêm chủng đầy đủ(1). Các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới đều cho thấy trình độ của người mẹ quyết định đến sự thành công của con trong học vấn và sự nghiệp. Những người mẹ “thông minh” sẽ dạy con với những phương pháp thông minh nhất và kết quả là con của họ cũng thành những người “thông minh”. Bên cạnh đó, vai trò cá nhân của người mẹ trong những năm đầu đời của đứa trẻ là con đường chính để bất bình đẳng giới có thể làm ảnh hưởng tới các thế hệ sau. Dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ kém có thể có những tác hại lớn cho việc mang thai và khả năng nuôi dưỡng con của người mẹ. Sự thất học và phụ thuộc vào người khác của người mẹ sẽ lấy đi sự hiểu biết và sự tự tin, làm suy giảm khả năng nuôi dưỡng và bảo vệ con của người mẹ. Đối với đứa trẻ sống trong đói nghèo ít có khả năng tiếp cận tới sự chăm sóc và phòng bệnh chính quy, thì người mẹ trở thành người bảo vệ đầu tiên và duy nhất. Như vậy, sức khỏe, học vấn, khả năng quyết định của người mẹ, nhận thức của người mẹ về giới… có vai trò quan trọng đối với việc sinh con (số con, khoảng cách giữa các lần sinh), cách nuôi dạy con, nhận thức của các thành viên gia đình về giới và bình đẳng giới… Do vậy, phân bổ nguồn lực trên cơ sở bình đẳng giới góp phần đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình. Khi hiểu biết, học vấn, sức khỏe của phụ nữ được nâng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên gia đình, đặc biệt là con cái.
Như vậy, gia đình phân bổ các nguồn lực đầu tư cho nam giới và nữ giới như nhau chính là biện pháp đảm bảo công bằng giới. Công bằng giới sẽ tiến tới bình đẳng giới. Tuy nhiên, quyết định đầu tư của các gia đình bình đẳng giữa nam và nữ lại được đặt trong khuôn khổ cộng đồng, phản ánh tác động của những động cơ khuyến khích mà thể chế và chính sách đã xác lập. Nền kinh tế quyết định rất nhiều cơ hội mà con người có thể nâng cao mức sống của mình, do đó chính sách và sự phát triển kinh tế có tác động mạnh mẽ đến bình đẳng giới. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thì cha mẹ sẽ phải cân nhắc xem đầu tư cho con trai hay cho con gái đem lại hiệu quả kinh tế hơn; con trai hay con gái có cơ hội tham gia vào quá trình lao động trình độ cao để tăng thu nhập hơn… Do vậy, gia đình có thể đưa ra các quyết định đầu tư nguồn lực bình đẳng giữa nam và nữ cần phải có nhận thức đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược và vì lợi ích chiến lược của cá nhân, gia đình và xã hội.
2.3. Gia đình không có bạo lực – tiền đề quan trọng tiến tới bình đẳng giới
“Gần như tất cả hành động bạo lực ngoài chiến tranh có thể được coi liên quan tới giới”(2). Vai trò giới và những kỳ vọng về giới tạo ra sự tương tác và hành vi dẫn đến bạo lực. Sự kỳ vọng vào vai trò trụ cột của đàn ông trong việc đảm bảo cuộc sống của các thành viên gia đình và là người quyết định các vấn đề trong gia đình đã gây áp lực lớn cho người đàn ông. Khi nền kinh tế chuyển đổi hoặc có sự thay đổi trực tiếp trong công việc dẫn đến không còn khả năng kiếm tiền thì nhiều người cảm thấy bất lực, rơi vào tình trạng nghiện rượu, hành hạ vợ con, ly hôn… Đồng thời, quan niệm về vai trò là người “nối dõi” của nam giới ở các nước phương Đông đã dẫn đến tình trạng “trọng nam, khinh nữ” tồn tại dai dẳng. Điều đó dẫn đến hệ quả là lựa chọn giới tính thai nhi; phân biệt đối xử giữa con trai, con gái; hành hạ, ngược đãi con gái; con gái không được đi học… Trong bối cảnh mà nạn bạo lực gia đình diễn ra trên toàn cầu mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ thì có thể thấy gia đình là nơi tập trung chủ yếu nhất của sự áp bức đối với phụ nữ. Do vậy, hướng tới gia đình không có bạo lực là một trong những mục tiêu của bình đẳng giới. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi thành viên gia đình phải tôn trọng các quyền cá nhân của các thành viên khác đã được pháp luật công nhận. Mặt khác, mỗi thành viên gia đình phải được đối xử công bằng. Mọi hành vi phân biệt dựa trên cơ sở giới đều được xóa bỏ.
3. Kết luận
Vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta đánh giá là có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Do đó, bình đẳng giới trở thành trung tâm của phát triển, là một mục tiêu phát triển, là một yếu tố để nâng cao khả năng tăng trưởng của quốc gia, xóa đói giảm nghèo và quản lý nhà nước có hiệu quả. Thiên vị và bất bình đẳng giới gây tổn hại đến thế hệ tương lai và làm cho sự chênh lệch giữa nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội trở nên dai dẳng. Bất bình đẳng giới ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cá nhân và của đất nước. Theo các kết quả nghiên cứu, ba yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến bình đẳng giới là: Các thể chế (gồm các chuẩn mực xã hội, luật pháp và thị trường); gia đình; nền kinh tế. Trong ba yếu tố đó thì yếu tố gia đình tác động trực tiếp và thường xuyên nhất. Vì vậy, gia đình là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc cách mạng về giới. Con đường nhận thức và hành động vì sự bình đẳng giới phải bắt đầu từ gia đình và ngay trong gia đình. Bất bình đẳng giới là nguồn gốc cơ bản về lịch sử, xã hội của những mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu trong quan hệ vợ chồng. Những nhu cầu, lợi ích cá nhân không được đáp ứng trong hôn nhân dần trở thành xung đột và kéo theo hậu quả tiêu cực về mặt xã hội và gia đình. Do vậy, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là giải phóng phụ nữ - giải phóng một nửa của xã hội và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững. Bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng không phải chỉ vì phụ nữ, cũng không phải chỉ là vấn đề của phụ nữ mà còn là vì nam giới, là vấn đề của cả nam giới. Để có sự bình đẳng giới một cách thiết thực, đòi hỏi phải có sự tham gia của cả nam giới và nữ giới.
Tài liệu tham khảo:
(1). Đưa vấn đề giới vào phát triển. NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2001, tr. 83, 84
(2). Đưa vấn đề giới vào phát triển. NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2001, tr. 81
(3) Luật Bình đẳng giới năm 2007
(4) Ngân hàng Thế giới – Liên Hợp Quốc tại Việt Nam “Chuẩn bị cho tương lai: Các chiến lược ưu tiên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam”. Hà Nội, 2005
TS. Ngô Thị Hường
Đại học Luật Hà Nội