1. Các ưu điểm của công ty cổ phần
Thứ nhất, chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao.
Thứ hai, khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lịch vực, ngành nghề (thực tế hiện nay thì ưu điểm này không phải là tuyệt đối vì các loại hình công ty đều có quyền kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực gần như nhau, thậm chí công ty trách nhiệm hữu hạn còn có nhiều lợi thế hơn trong việc kinh doanh các ngành nghề có tính chất đối nhân - không đối vốn như dịch vụ kế toán, tư vấn luật...).
Thứ ba, cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty.
Thứ tư, khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần.
Thứ năm, việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy, phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần (đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán thì chỉ có công ty cổ phần mới có quyền này).
2. Những thay đổi trong quy định về tổ chức, quản lý công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và vấn đề thực thi
Thứ nhất, bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông và quyền cổ đông nhỏ lẻ được bảo đảm trong công ty cổ phần
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:
- Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp;
- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết;
- Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty.
Thứ hai, vai trò công ty cổ phần trong việc mở rộng cửa cho thị trường vốn
Luật Doanh nghiệp năm 2020 với nhiều thay đổi về khuôn khổ quản trị công ty cũng như tăng khả năng bảo vệ quyền cổ đông và nhà đầu tư, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và huy động vốn của doanh nghiệp. Có 05 điểm cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp năm 2020 góp phần tác động tích cực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư. Trong đó, những thay đổi của khung pháp lý về quản trị công ty có ý nghĩa rất lớn, giúp nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, qua đó đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và nhờ vậy, thúc đẩy và huy vốn động đầu tư.
Thực tiễn hoạt động kinh doanh những năm qua ở Việt Nam cho thấy, vấn đề quản trị công ty đã trở nên đáng báo động cả về nhận thức, thực tiễn và hậu quả mà nó đang diễn ra. Những vụ việc tranh chấp nội bộ trong ngành cà phê, hay một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính thời gian gần đây đều có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Việc thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp. Quản trị công ty yếu kém dẫn đến không kiểm soát được xung đột lợi ích, một cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu; cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích. Những điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của doanh nghiệp.
Một số thay đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2020 hướng trực tiếp tới thúc đẩy quản trị doanh nghiệp. Tác động của Luật Doanh nghiệp ở nội dung này được kỳ vọng là điểm đột phá, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần xây dựng lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh về chất thông qua những sửa đổi khung khổ pháp lý theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 2020 mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Đồng thời, bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế. Quản trị tốt sẽ nâng mức độ an toàn và gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp rộng cửa huy động vốn một cách thuận lợi, do đó, nhìn tổng thể thì đây còn là bước tiến góp phần phát triển thị trường vốn Việt Nam.
Một trong những công cụ rất đáng quan tâm chính thức được luật hóa trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 sau nhiều tranh luận về tính khả thi cũng như sự cần thiết trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn, đó là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được phát hành tại Việt Nam bởi cổ đông là tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết tương ứng với cổ phần phổ thông được lưu ký làm tài sản cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có đầy đủ lợi ích, quyền và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. Việc bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này, mục tiêu quản lý nhà nước vẫn được bảo đảm, nhưng doanh nghiệp có thể huy động thêm vốn từ nhà đầu tư bằng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn có các nội dung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn trách nhiệm hữu hạn như quy định hiện hành. Nội dung này tương thích với Luật Cạnh tranh năm 2018. Như vậy, xét cả trực tiếp và gián tiếp thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ có tác động rất lớn đến phát triển thị trường vốn, giúp doanh nghiệp cơ hội lớn hơn trong huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng truyền thống.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện và thực thi luật pháp chỉ hướng tới tạo lập môi trường, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp. Việc tận dụng thành công cơ hội sẽ phụ thuộc phần lớn, nếu không nói chủ yếu, vào chính doanh nghiệp: các doanh nghiệp có nhận thức và nỗ lực tích cực thì sẽ có nhiều điều kiện để thành công lớn hơn hoặc nhanh hơn.
Thứ ba, nâng cấp quản trị doanh nghiệp công ty cổ phần
Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là tạo nên sự thay đổi trong quản trị công ty. Các vấn đề này rất kỹ thuật, nhưng sẽ làm thay đổi bản chất hoạt động của doanh nghiệp.
Một cách tổng quan nhất, các điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 liên quan đến quản trị doanh nghiệp tập trung vào mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty. Cụ thể, giảm bớt yêu cầu, điều kiện để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng như đề cử, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Luật Doanh nghiệp năm 2020 giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần, bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục từ trên 06 tháng, bỏ yêu cầu sử dụng mẫu đại diện ủy quyền của cổ đông do công ty phát hành. Có thể nói, thông qua những sửa đổi có tính đột phá đối với khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ chuẩn mực mới quản trị công ty, tuân thủ yêu cầu về công khai, minh bạch. Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, đối tác mới... Doanh nghiệp sẽ lớn lên chính từ sự chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp.
Thực tế, lâu nay, quản trị doanh nghiệp vẫn được coi là điều “xa xỉ” ở doanh nghiệp Việt Nam. Những vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong ngành cà phê một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đều có một nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Không những thế, thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp
Các lần tham gia đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN cho thấy, điểm của Việt Nam luôn dưới trung bình. Lần gần nhất là 42/100 điểm. Đây là điểm trung bình của 100 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, có thông tin bằng tiếng Anh trên trang web. Nếu nhìn rộng ra các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, không niêm yết, có thể điểm số còn thấp hơn rất nhiều. Đây là lý do chúng ta kỳ vọng Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ nâng cấp chất lượng doanh nghiệp của Việt Nam. Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là chuyển từ mở cửa thị trường, tự do kinh doanh sang nâng cấp quản trị doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp ý thức rõ về quản trị doanh nghiệp, bài toán doanh nghiệp Việt khó lớn sẽ được giải. Những thay đổi yêu cầu về quản trị doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, hy vọng rằng, điểm số của các doanh nghiệp Việt Nam trong Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN lần công bố tới sẽ tăng lên khi Luật này chính thức có hiệu lực.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam