Đây là di tích tồn tại hơn 05 thế kỷ và đã 03 lần được các triều đại Nhà nước Việt Nam sắc phong, công nhận: Lần thứ nhất là dưới triều vua Lê Thánh Tông (1428 - 1527), nhà vua đã sai giám quốc sư lên Hạ Hòa phong thần và cấp tiền cho nhân dân tôn tạo đền Mẫu Âu Cơ; lần thứ hai là dưới triều Nguyễn, năm 1874 vua Tự Đức sắc phong là đền thờ Quốc Mẫu và lần thứ ba vào ngày 03/8/1991 đền Mẫu Âu Cơ được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Tục xưa truyền rằng, nàng Âu Cơ là “Tiên nữ giáng trần”, không chỉ rất xinh đẹp “so hoa hoa biết nói, so ngọc ngọc ngát hương” mà nàng Âu Cơ còn chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật nên thường được gọi là “Đệ nhất tiên thiên công chúa”. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm con. Một ngày, thấy các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói rồi, bèn chia 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển, chia nước ra để cai trị lưu truyền dài lâu.
Trong 50 người con theo mẹ thì người con cả lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, 49 người con tiếp tục theo Mẹ lên rừng, đến trang Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, trấn Tây Sơn, thấy ba bề sông nước uốn quanh lung linh bóng núi, đất đai màu mỡ, cỏ cây hoa lá tốt tươi, là nơi hội tụ của cá chim, muông thú Mẹ liền chọn nơi này làm chốn dừng chân và cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Thế rồi từ đó vùng đất này trở nên trù phú, vạn vật tốt tươi. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ lại cùng các con đi mở mang vùng đất mới. Đến khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng bà lại trở về Hiền Lương - nơi bà đã chọn gắn bó cuộc đời mình. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, sau khi thay xiêm áo Mẹ giữ lại dải khăn đào và theo các Tiên nữ bay về trời, Mẹ cố bay thật thấp để nhìn thấy con cháu và nơi ở lần cuối, rồi thả dải lụa đào vương trên cây đa cổ thụ. Chỗ Mẹ thả dải lụa, sau này đã được người dân trong vùng dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói - đó là miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Năm 1456, Vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức sai Giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong sắc và cấp 30 quan tiền tôn tạo miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Cũng chính từ thời gian này tên gọi đền Mẫu Âu Cơ đã thay thế miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Từ đây, nhân dân Hiền Lương, nhân dân Hạ Hòa giữ gìn, trùng tu Đền đời đời phụng thờ hương khói.
Đền Mẫu Âu Cơ là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với thiết kế gồm 5 gian. Cột trụ làm bằng gỗ lim và mái ngói lợp hình vảy rồng. Trong đền thờ có bức tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0.95 m được bố trí đặt lên ngai vị, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, hai tay đặt lên đầu gối và chân đi hài mũi nhọn. Xung quanh bức tượng được trạm trổ tỉ mỉ đầy tính trang nghiêm, nghệ thuật.
Ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận và tôn vinh giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền xã Hiền Lương nói riêng và nhân dân Hạ Hòa nói chung. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ mang những nét đặc trưng của văn hóa người Việt với đầy đủ các biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Được ra đời và tồn tại trên vùng Đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng thể hiện niềm tin của người dân nước Việt vào cội nguồn linh thiêng, cao quý của dân tộc đã hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Đây là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta./.
Quỳnh Vũ