Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển đã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản quốc gia, góp phần định vị sản phẩm của các quốc gia trên thị trường quốc tế, thể hiện được ưu thế về chất lượng, uy tín và những giá trị về văn hóa; bảo vệ tài sản trí tuệ trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quyết liệt như hiện nay; nâng cao trách nhiệm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nông sản trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản. Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản đã có bước phát triển nhanh, xuất khẩu tới trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng, đăng ký bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xác định là một trong những vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp trên thị trường quốc tế.
Mặc dù có những thuận lợi như vậy nhưng vấn đề về xây dựng và đăng ký bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản của nước ta cũng còn không ít khó khăn, bất cập. Hiện nay, Việt Nam chưa có thương hiệu nông sản mạnh cho dù đã có những chính sách về xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa bao gồm cả nông sản nhưng nhìn chung, các văn bản chỉ đạo, chính sách pháp luật hiện hành về vấn đề này còn chung chung, phân tán, chưa phù hợp với đặc thù của sản phẩm nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó ổn định chất lượng. Đồng thời, trên thực tế, nhiều sản phẩm nông sản sau khi có nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được khai thác sử dụng, chưa phát huy được giá trị để phát triển thành thương hiệu.
Chính vì vậy, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhãn hiệu và thương hiệu nông sản tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, bảo đảm thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, từ đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông lâm thủy sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xây dựng Nghị định xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam với các chính sách được đề xuất như sau:
1. Chính sách 1 - Hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản
Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu đủ mạnh cho các mặt hàng nông sản do một số nguyên nhân chính như: chưa chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản, bày bán đặc thù làm cơ sở định hình và duy trì lâu dài phẩm cấp xác định của sản phẩm theo các tiêu chí nhận diện thương hiệu; chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguồn nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng gắn với mã số vùng nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc làm cơ sở cung ứng hàng hóa thường xuyên, ổn định về khối lượng, chất lượng cho người tiêu dùng;... Do đó, Bộ Nông nghiệp và Pháp triển nông thôn đề xuất Chính sách Hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản.
Để thực hiện được Chính sách này, cần thực hiện các giải pháp như sau:
Một là, nghiên cứu, xây dựng, đưa tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nông sản được chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam, vùng miền, địa phương.
Hai là, bổ sung sản xuất sản phẩm nông sản đạt nhãn hiệu nông sản Việt Nam; vùng miền là lĩnh vực được ưu tiên đối với các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp và nông thôn đã ban hành (kinh phí khoa học, khuyến nông; tín dụng, đất đai; các chính sách khác liên quan).
Ba là, bổ sung chính sách riêng, đặc thù cho đối tượng hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình: quy định hỗ trợ 100% xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được phép sử dụng).
Khi Chính sách Hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản được thực hiện sẽ có những tác động tích cực là tạo thuận lợi cho các tổ chức, cơ sở sản xuất ổn định về chất lượng, truy suất được nguồn gốc, xuất xứ; giảm chi phí giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính sách cũng có tác động không mong muốn như có thể xảy ra tình trạng một số bộ phận, tổ chức lợi dụng chính sách để trục lợi; tạo áp lực đối với công tác tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.
2. Chính sách 2 - Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước
Có thể thấy thực trạng ở Việt Nam hiện nay là nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp, kể cả nhà quản lý các cấp về luật pháp quốc tế cũng như của từng quốc gia, nhất là tại các quốc gia phát triển về sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ, chính xác, dẫn đến tình trạng chưa đăng ký bảo hộ cho các nhãn hiệu, thương hiệu ở trong nước, đặc biệt là thị trường quốc tế, dẫn đến “sơ hở” bị doanh nghiệp tại nước ngoài lợi dụng, xâm phạm.
Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính sách Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ các tổ chức, cơ sở kinh doanh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, tránh bị xâm phạm, tranh chấp. Theo đó, kinh phí thực hiện chính sách được bảo đảm từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ phân bổ hàng năm; mức hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ dưới hình thức đề xuất thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm.
Thực hiện giải pháp này sẽ khuyến khích, thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa phương); tránh bị xâm phạm, tranh chấp trên thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vấn đề bất lợi có thể phát sinh, đó là một số bộ phận tổ chức, cá nhân trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như giảm sự chủ động của chủ sở hữu trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ đã tạo dựng.
3. Chính sách 3 - Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản
Trên thực tế, nhiều sản phẩm nông sản sau khi có nhãn hiệu, thương hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý và duy trì, gia hạn đăng ký bảo hộ tại thị trường trong nước và quốc tế còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực và tài chính, dẫn đến chưa phát huy được giá trị để phát triển thành nhãn hiệu, thương hiệu nông sản mạnh. Do đó, nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức, hiệp hội, đơn vị quản lý và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được duy trì, sử dụng hiệu quả trong thực tiễn; phát huy giá trị của nhãn hiệu và thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giải pháp khắc phục như sau: ngân sách trung ương, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và địa phương bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các chủ sở hữu kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu nông sản ở trong nước; hỗ trợ cho các chủ sở hữu kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu nông sản tại nước ngoài; hỗ trợ, bố trí kinh phí các chương trình tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn, tuyên truyền, phổ biến.
Thực hiện điều này sẽ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị được giao quản lý và sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; duy trì và sử dụng hiệu quả tài sản trí tuệ đã được bảo hộ. Tuy nhiên, cũng có thể phát sinh tiêu cực như một số bộ phận tổ chức, cá nhân trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; không tự khai thác, huy động, phát triển nguồn lực nội tại.
4. Chính sách 4 - Hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường
Một trong những nguyên nhân cản trở việc xây dựng thương hiệu mạnh của Việt Nam là chúng ta chưa tổ chức thường xuyên, bảo đảm cả về quy mô và tần suất; chưa có nguồn ngân sách được bố trí riêng, đặc thù cho các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường cho các sản phẩm mang nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam và vùng, miền, địa phương. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính sách Hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường. Theo đó, hàng năm, ngân sách trung ương, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và địa phương cần phải ưu tiên bố trí kinh phí tổ chức các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ, bố trí kinh phí các chương trình tư vấn, kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Uyên Nhi