Abstract: The article focuses on studying the handling of administrative violations in the field of road traffic by the Traffic Police of Hanoi City Police, thereby making proposals to amend and supplement the regulations that are still shortcomings in handling road traffic violations in practice.
1. Dẫn nhập
Trong những năm qua, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đã ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 đã tăng mức phạt tiền tối đa ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông nhằm tăng tính răn đe, cảnh tỉnh đối với người dân, tuy nhiên, cũng cần có cơ chế giám sát lực lượng thi hành công vụ để hạn chế tiêu cực trong xử lý vi phạm. Điều này đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội: Tổ chức giao thông đã có những chuyển biến rõ rệt; ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ được nâng lên, trật tự lòng đường, vỉa hè thông thoáng hơn, hạn chế ùn tắc giao thông; công tác quản lý của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được tăng cường, trang bị các phương tiện kỹ thuật thuận lợi cho sự chỉ huy thống nhất và nhanh chóng ở các đô thị. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được quan tâm, đa dạng hóa với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực.
Việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ cũng như của toàn bộ hệ thống chính trị trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước. Vì thế, nghiên cứu về xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) nói chung và lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.
2. Tình hình vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội thời gian qua
2.1. Kết quả đạt được về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội
Trong 05 năm qua (2017 - 2021), với sự nỗ lực của lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội và các lực lượng khác tham gia, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông và Công an Thành phố Hà Nội, có thể nhận thấy, tình hình TTATGT nói chung, an toàn giao thông đường bộ nói riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ đã giảm dần qua các năm từ trên 500 người chết/năm xuống dưới 400 người/năm; bị thương từ trên 1000 người/năm xuống trên 500 người/năm (giảm một nửa)[1]. Trong bối cảnh sự gia tăng của phương tiện giao thông đường bộ thì việc đạt được những kết quả như trên là sự khích lệ to lớn đối với các lực lượng chức năng. Cũng trong thời gian từ năm 2017 đến 2021, lực lượng CSGT đường bộ, Công an Thành phố Hà Nội (PC08) đã tiến hành lập biên bản xử lý 1.164.009 trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ với vi phạm chủ yếu như: Đi sai phần đường; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm, ngược chiều; dừng, đỗ sai quy định; vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vi phạm về mũ bảo hiểm; chở hàng cồng kềnh; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không chạy đúng thời gian quy định; chở quá tải…[2]. Trong thời gian qua (2017 - 2021), có 10.658 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi đi sai phần đường; 86.782 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; 34.587 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi đi vào đường cấm, ngược chiều; 150.116 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi dừng, đỗ sai quy định; 16.402 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi vi phạm nồng độ cồn; 15.402 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi vi phạm tốc độ; 684.989 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi vi phạm về mũ bảo hiểm; 19.938 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi chở hàng cồng kềnh; 1.004 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi đón, trả khách không đúng nơi quy định; 624 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi không chạy đúng thời gian quy định; 3.020 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi chở quá tải; 7.275 trường hợp bị xử lý VPHC do lỗi chở vật liệu rơi vãi… Đặc biệt, có 26.271 trường hợp bị xử lý VPHC do phát hiện vi phạm qua hệ thống camera[3]. Tổng số tiền phạt mà lực lượng CSGT đường bộ, Công an Thành phố Hà Nội đã tiến hành xử phạt trong 05 năm qua là 517.568.430.000 đồng; tước 285.948 giấy phép lái xe các loại; tạm giữ 54.401 phương tiện các loại; tạm giữ 395.514 bộ giấy tờ[4].
- Trong công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ… của lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội: Từ năm 2017 đến năm 2021, lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội đã cung cấp 50.984 tin cho các cơ quan báo, đài; xây dựng 1.864 phóng sự và 3.760 bài viết tuyên truyền; tuyên truyền trực tiếp 1.499 buổi với 808.227 người tham dự; phối hợp tuyên truyền 69.549 lượt trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức tuyên truyền lưu động 62.954 lượt bằng xe loa CSGT; trưng bày 3.859 pa nô ảnh tuyên truyền; phát 33.638 tờ rơi tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông; tổ chức cho 725 hộ gia đình ký cam kết không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt; tuyên truyền, nhắc nhở 11.975 lượt chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa; phối hợp với Tổng Công ty vận tải Hà Nội tổ chức dán 250 đề can tuyên truyền trên 500 xe buýt hoạt động trên địa bàn Thành phố; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai giáo trình chuyên đề giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT trong các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố năm học 2019 - 2020[5].
Với những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội, nhất là trong hoạt động bảo đảm giữ gìn TTATGT, xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhiều năm qua, Phòng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, thư khen… từ các cấp Lãnh đạo. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất khẳng định kết quả đã đạt được của lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội.
2.2. Hạn chế về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội
Thời gian qua, tình trạng VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng diễn ra phổ biến, đa dạng, thường xuyên, liên tục như: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè; họp chợ, buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng đường; tình trạng không sang tên, đổi chủ phương tiện giao thông, tình trạng vi phạm pháp luật giao thông đường bộ... Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do: Cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp kém, số lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn, đặc biệt là xe máy và ý thức chưa tốt của người dân; việc quản lý nhà nước và tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, luôn thay đổi. Bên cạnh đó, hiệu quả xử lý VPHC của các cơ quan nhà nước, trong đó có lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội thực hiện chưa thực sự triệt để, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và còn chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm; công tác kiểm tra, đôn đốc của chỉ huy một số đơn vị còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong công tác; tình trạng cán bộ, chiến sỹ vi phạm quy trình, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT Thủ đô; công tác quản lý nhà nước về sát hạch giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện có những tồn tại, hạn chế, dẫn tới ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao, chưa kiểm soát được chất lượng phương tiện và bảo đảm các yếu tố về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường…
3. Một số giải pháp bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội trong thời gian tới
Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong những năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên vẫn còn một số bất cập, gây khó khăn cho hoạt động xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng CSGT và cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể như sau:
- Cần quy định rõ ràng, cụ thể những trường hợp phải chứng minh VPHC của người có thẩm quyền xử phạt; quy định rõ các loại tài liệu, giấy tờ và thủ tục, trình tự chứng minh VPHC của người có thẩm quyền xử phạt.
Theo pháp luật hiện hành, quy định về người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC được quy định ở điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, Luật này lại không quy định rõ về các loại tài liệu, giấy tờ và trình tự, thủ tục để chứng minh. Trong khi đó, đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ do người có thẩm quyền trực tiếp phát hiện, nhưng không có hình ảnh, tài liệu ghi nhận về hành vi vi phạm do việc trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ cho CSGT hiện nay chưa đầy đủ trên tất cả các tuyến đường giao thông và ở tất cả các điểm, nút giao thông cần thiết. Nhiều loại hành vi vi phạm như hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hành vi đi sai phần đường, làn đường, hành vi không thắt dây an toàn của người sử dụng phương tiện ô tô... không được ghi hình nên CSGT gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc để chứng minh về hành vi vi phạm.
- Theo khoản 3 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, hiện nay, một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy… có tính chất, mức độ nguy hiểm cao, khả năng gây tai nạn giao thông lớn nên việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 24 tháng là chưa đủ sức răn đe.
- Về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của trạm trưởng, đội trưởng, chiến sỹ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong thực tiễn thực hiện quy định này cho thấy, khi phát hiện hành vi vi phạm, thì trạm trưởng, đội trưởng, chiến sỹ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ không thể ra quyết định để khắc phục hậu quả như: Buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ… Do đó, sau khi Trạm trưởng, Đội trưởng, chiến sỹ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ lập biên bản về hành vi vi phạm xong thì các đối tượng vi phạm vẫn chở quá tải hoặc quá khổ. Như vậy, việc xử lý hành vi vi phạm không triệt để, dẫn đến không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
- Về thẩm quyền xử phạt trong công an nhân dân được quy định tại Điều 39, Trưởng phòng CSGT không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt một số loại hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế có một số hành vi vi phạm mà mức tiền phạt thuộc thẩm quyền của cán bộ và chiến sỹ, chỉ huy đội, trạm CSGT (như: Xe ô tô không có còi; lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, ô tô không có đủ thiết bị chữa cháy, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, gương chiếu hậu…) và có CSGT phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì mới giải quyết triệt để đối với hành vi vi phạm. Theo pháp luật hiện hành, đối với những trường hợp này, cán bộ và chiến sỹ hoặc đội trưởng, trạm trưởng CSGT chỉ được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại không được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Đây là một vấn đề bất cập đang gây khó khăn cho CSGT trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, bất cập này dẫn đến tình trạng có những vi phạm đơn giản nhưng không được khắc phục hậu quả ngay.
- Về thẩm quyền tịch thu tang vật được quy định tại Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó, pháp luật hiện hành chỉ quy định thẩm quyền tịch thu tang vật đối với cá nhân nhưng chưa quy định thẩm quyền tịch thu tang vật đối với tổ chức. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định thẩm quyền tịch thu tang vật đối với tổ chức để bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
- Quy định về hình thức và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm. Trên thực tế hiện nay, tình trạng tồn đọng rất nhiều giấy phép lái xe và phương tiện giao thông bị lưu giữ ở các đơn vị CSGT trên địa bàn tỉnh. Có tời hàng trăm phương tiện giao thông vi phạm đang bị lưu giữ tại các kho bãi tạm, có tới hàng nghìn giấy phép lái xe của người vi phạm lưu giữ trong các hồ sơ xử phạt vi phạm do CSGT quản lý đã quá thời hạn tạm giữ, nhưng người có hành vi vi phạm cố tình không đến cơ quan chức năng để nộp phạt. Thực tế đó buộc lực lượng chức năng phải tiến hành các thủ tục thanh lý các phương tiện giao thông vi phạm.
- Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 01/01/2020 (Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngay từ khi ra đời, Nghị định này đã thực sự đi vào cuộc sống bởi những quy định nghiêm và chặt chẽ về hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm, là một giải pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập, gây ra nhiều khó khăn cho công tác xử lý.
Tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật”, tuy nhiên chưa có quy định rõ về việc đỗ, để xe ở hè phố như thế nào là trái, là không đúng quy định.
Tại điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định này quy định xử phạt đối với hành vi “đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển…”. Thực tế, nhiều tuyến đường trong thành phố chỉ cắm biển cấm cấm theo giờ. Vậy ngoài giờ cấm, họ đi vào trong thành phố và để xe ở chỗ nào đó, đến giờ cấm họ lại đi thì rất khó xử phạt do “không có biển báo hiệu nội dung cấm” ở đường họ đang đi.
Tại khoản 8 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định thủ tục xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: “Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm”.
Tuy nhiên, việc xác định chủ phương tiện trên thực tế gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều xe mua bán, sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số... Vì vậy, xác lập biên bản vi phạm hành chính (đối với một số hành vi phải tước giấy phép và tạm giữ phương tiện) thường rất khó thực hiện, mặt khác, một số người vi phạm ở địa phương khác tới trong khi giữa các địa phương lại chưa có cơ chế phối hợp với nhau.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả của quản lý của nhà nước, của chính quyền đối với hoạt động xử phạt VPHC của lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 04/CT-BCA ngày 19/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Ba là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, nâng cao ý thức chủ thể tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.
(i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường bộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; phải xác định tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn giao thông là một trong những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm TTATGT, trong thực tiễn hoạt động xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ của các lực lượng chức năng nhận thấy có nhiều vi phạm của người điều khiển phương tiện xuất phát từ việc nắm chưa rõ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông và cũng do chưa nắm vững các quy định về vấn đề này, nên khi bị các lực lượng chức năng tiến hành xử phạt, một số đối tượng có thái độ chưa hợp tác, thậm chí có xung đột, xô xát với lực lượng chức năng.
(ii) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu. Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về TTATGT.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội.
Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của các đơn vị. Gắn việc thực hiện chủ trương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đổi mới lề lối làm việc với ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, bố trí, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ theo sở trường và năng lực công tác. Từng bước tiến hành chuẩn hóa các tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác tuần tra và kiểm soát về giao thông đường bộ, bảo đảm đội ngũ cán bộ, chiến sỹ đủ phẩm chất, đạo đức lối sống tốt, bảo đảm sức khoẻ và năng lực công tác làm công tác tuần tra, kiểm soát về giao thông, chú trọng việc bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ được đào tạo đúng chuyên ngành CSGT.
Năm là, tiếp tục quan tâm đổi mới chế độ chính sách đãi ngộ, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho lực lượng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội.
Các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm đầu tư, cung cấp trang thiết bị và các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính chính xác và hiệu quả các phương thức kiểm soát, tuần tra về an toàn giao thông, đổi mới chiến thuật kiểm soát các hoạt động giao thông, bảo đảm các thiết bị hiện đại để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gắn với phòng, chống tội phạm của lực lượng CSGT. Tiếp tục triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính (Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”). Tiếp tục xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; kết nối, chia sẻ dữ liệu của CSGT với các đơn vị trong và ngoài Ngành Công an để phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nguyễn Văn Quyết
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an
[1]. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, Báo cáo tổng kết công tác các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021.
[2]. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, Tlđd.
[3]. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, Tlđd.
[4]. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, Tlđd.
[5]. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, Tlđd.