Tóm tắt: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với nhiều nội dung phong phú, toàn diện, mang tầm chiến lược, trong đó có nhiều điểm mới quan trọng so với các kỳ đại hội trước. Do đó, việc nghiên cứu để kịp thời thể chế hóa nhằm sớm hiện thực hóa các chủ trương đúng đắn của Đảng áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Bài viết này nghiên cứu sơ lược về sự ra đời của thuật ngữ “pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền” và những yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII.
Abstract: The 13th National Congress of the Party mentioned the issue of building and completing the socialist rule of law State of Vietnam by 2030, with a vision to 2045 with abundant and comprehensive contents of strategic importance, in which there are many important new points compared to previous congresses. Therefore, the research to timely institutionalize in order to soon realize the correct policies of the Party and apply effectively in practice is an urgent requirement today. This article briefly studies the birth of the terms "rule of law", "State of the rule of law" and requirements for building and completing the socialist rule of law State of Vietnam in the spirit of the XIII National Congress.
Không ngừng đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước nói riêng là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và trong quy định của Hiến pháp. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) đã nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiều điểm mới so với các kỳ Đại hội trước. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu sơ lược về sự ra đời của thuật ngữ “pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền” và một số yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII.
1. Sơ lược về sự ra đời thuật ngữ “pháp quyền” và “Nhà nước pháp quyền”
Kết quả nghiên cứu gần đây cho rằng, tư tưởng về công bằng và dân chủ là mơ ước ngàn đời của con người và là mục tiêu phấn đấu của nhân loại để không ngừng đề cao, hoàn thiện, trong đó, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền giữ vị trí trung tâm. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã hình thành từ rất sớm nhưng Nhà nước pháp quyền với tư cách là học thuyết chính trị - pháp lý và triết học chỉ xuất hiện ở Tây Âu vào thế kỷ XVII - XVIII. Ở thế kỷ XIX, Nhà nước pháp quyền mới chỉ có ý nghĩa về hình thức, sang thế kỷ XX, Nhà nước pháp quyền mới thực sự đi vào nội dung thực chất[1].
Ở Việt Nam, khái niệm “pháp quyền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đề cập đến từ năm 1919. Cụ thể, vào ngày 18/6/1919, trong bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” gồm 08 điểm gửi Hội nghị Véc-xây tổ chức tại Pháp, trong đó, tại điểm thứ 7, Người đã đề nghị Chính phủ Pháp phải: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” ở Đông Dương[2]. Sau này, yêu sách đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thành lời ca: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[3] (Yêu cầu ca, Báo Nhân dân, ngày 30/01/1977). Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không đưa ra yêu sách về một “Nhà nước pháp quyền”, mà chỉ về “pháp quyền”. Vì vậy, việc xây dựng một nền pháp quyền hay một Nhà nước pháp quyền là chủ đề được đặt ra đối với một số nhà nghiên cứu[4]. Thuật ngữ “thần linh pháp quyền” tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945, đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Lúc này, khái niệm “pháp quyền” hay “thần linh pháp quyền” theo tư tưởng của Bác đã chuyển hóa và hòa lẫn vào khái niệm “pháp luật của tự nhiên” hay “pháp luật của tạo hóa”. Trước Hiến pháp năm 1946, tư tưởng pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thúc đẩy trong hoạt động cách mạng của mình thì đến Hiến pháp năm 1946, Người đã xem Hiến pháp là “linh hồn của pháp quyền”, là công cụ quan trọng nhất để xác lập và phân định các quyền và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ. Bởi thế, Hiến pháp năm 1946 là văn bản “thấm đẫm” tư tưởng pháp quyền của Người. Nếu pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ thì Hiến pháp năm 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó[5].
Kể từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (năm 1945), tư tưởng xây dựng một Nhà nước dân chủ, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; có nền dân chủ lập hiến, quản lý đất nước bằng pháp luật là tư tưởng nhất quán, được hình thành và phát triển ngày một hoàn thiện qua các thời kỳ. Đến Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng ta, lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[6] chính thức được đưa vào Văn kiện. Từ đó đến nay, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội VIII, IX, X, XI và XII, các nghị quyết trung ương của Đảng tiếp tục phát triển và hoàn thiện tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
2. Một số yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới đây là một số yêu cầu nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII:
Một là, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị[7], đó là: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[8]. Đại hội XIII đã xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt[9], theo đó, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới như: Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước[10]. Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và cũng là nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong thời gian tới, là phải tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[11].
Hai là, tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân[12]. Trên cơ sở đánh giá chung về 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội XIII đã khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”[13].
Để làm rõ bản chất của Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Văn kiện Đại hội XIII xác định việc ban hành luật pháp phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quy trình làm luật của Quốc hội phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; phải tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân; xây dựng nền tư pháp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước[14]; tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân[15].
Ba là, nhất quán tư tưởng thượng tôn pháp luật. Một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật, gương mẫu tuân theo pháp luật”[16]. Đây là tư tưởng chỉ đạo nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc chấp hành, tuân thủ pháp luật đã được tổng kết từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết Đại hội XII như: “Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”[17]. Chính tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất sẽ là động lực mạnh mẽ để xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mới được hiện thực hóa. Tinh thần thượng tôn pháp luật được Văn kiện Đại hội XIII thể hiện ở nhiều nội dung, ví dụ trong định hướng phát triển đất nước (định hướng thứ 12), so với Đại hội XII thì Đại hội XIII đã bổ sung một mối quan hệ lớn cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt, đó là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội[18]. Ngoài ra, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII cũng hai lần đề cập đến thuật ngữ “nguyên tắc pháp quyền”[19] trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của các cơ quan nhà nước và trong xây dựng nền hành chính nhà nước.
Nguyên tắc pháp quyền là tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước, cơ quan nhà nước, các nhân viên nhà nước, của mọi tổ chức, cá nhân và của toàn xã hội; là một trong những tư tưởng chủ đạo trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền, trong quản lý và phát triển xã hội. Nguyên tắc pháp quyền được thể hiện ở các phương diện như: (i) Trên phương diện pháp luật, nguyên tắc pháp quyền là cơ sở để xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, dân chủ, tiến bộ, trong đó, Hiến pháp có vị trí tối thượng trong hệ thống pháp luật; (ii) Trên phương diện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nguyên tắc pháp quyền là một trong những nguyên tắc cơ bản, tư tưởng chủ đạo trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền; (iii) Trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, với mọi tổ chức và cá nhân thì nguyên tắc pháp quyền còn là biểu hiện sự cam kết của Nhà nước với họ trong việc Nhà nước phải làm đúng, làm đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thuật ngữ “nguyên tắc pháp quyền” lần đầu được đề cập trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đến năm 2016, Đại hội XII của Đảng xác định: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền”[20]. Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, thuật ngữ “nguyên tắc pháp quyền” chưa được ghi nhận chính thức, song, tư tưởng và nội dung của nguyên tắc này ít nhiều đã được thể hiện ở các mức độ khác nhau trong các bản Hiến pháp và trong cả hệ thống pháp luật[21].
So với Văn kiện Đại hội XII thì Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục kế thừa và hoàn thiện “nguyên tắc pháp quyền”, tạo cơ sở chính trị quan trọng để nguyên tắc này tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và trong các đạo luật quan trọng của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước, cụ thể:
Đối với cơ quan lập pháp, Đại hội XIII nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng: Tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền trong tổ chức và hoạt động, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điểm mới trong tổ chức Quốc hội là tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp[22]. Điều này sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp hơn, nhất là trong thực hiện quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật. Đối với thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội, Đại hội XIII xác định, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế[23].
Đối với cơ quan hành pháp, Đại hội XIII chủ trương: Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách dựa trên luận cứ khoa học và thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Nâng cao chất lượng dịch vụ công; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả[24].
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030[25], Đại hội XIII cũng khẳng định: Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số.
Đối với cơ quan tư pháp, Đại hội XIII chủ trương: Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; coi đây là nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Văn kiện Đại hội XIII đã có sự phát triển mới, nhất là nhấn mạnh yếu tố chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính. Văn kiện Đại hội XIII cũng đặt ra các yêu cầu đối với cơ quan tư pháp, đó là: Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đối với chính quyền địa phương, Đại hội XIII bổ sung, làm rõ hơn nội dung: Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phân định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương[26].
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030[27], Đại hội XIII cũng khẳng định: Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương. Đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương.
Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước. Do đó, Đại hội XIII đã yêu cầu: Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững[28]. Đồng thời, Đại hội XIII cũng đề ra mục tiêu có tính chiến lược, đó là: Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp. Có thể nói, đây là định hướng có tính chiến lược nhằm tiếp tục đề ra chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp mới đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật, gương mẫu tuân theo pháp luật[29]... cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
[1]. GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, tr. 88 - 89.
[2]. PGS.TS. Trần Viết Lưu, Bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” của Nguyễn Ái Quốc: Tầm nhìn vượt thời đại, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1003079/tam-nhin-vuot-thoi-dai; GS.TS. Hoàng Thế Liên, Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành (năm 2013), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, tr. 47.
[3]. Thùy Dương, Việt Nam yêu cầu ca - áng thơ dịch tài tình của Bác Hồ, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/viet-nam-yeu-cau-ca-ang-tho-dich-tai-tinh-cua-bac-ho-2435.
[4]. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” của Hồ Chí Minh, Tài liệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2020, tr. 64.
[5]. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Tư tưởng nhà nước pháp quyền trong Hiến pháp năm 1946, https://nhandan.vn/thoi-su-chinh-tri/tu-tuong-nha-nuoc-phap-quyen-trong-hien-phap-nam-1946-613640.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, Phần I, tr. 515.
[7]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục I.1.
[8]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục XIII.
[9]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục II.2.
[10]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục XIV.10.
[11]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 192.
[12]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục I.2.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 99 - 100.
[14]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục XIII.
[15]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 172 - 173.
[16]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục XV.1.
[17]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 89.
[18]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 119.
[19]. Mục I.1 và mục XIII.
[20]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr. 175.
[21]. PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo & PGS.TS. Nguyễn Viết Thống, Một số vấn đề lý luận - thực tiễn cấp thiết liên quan trực tiếp đến đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước (Chuyên đề: Nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, TS. Uông Chu Lưu), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2018, tr. 738 - 739.
[22]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 176.
[23]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 285.
[24]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục XIII.
[25]. Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, mục V.1.
[26]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII, mục XIII.
[27]. Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, mục V.1.
[28]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 175.
[29]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, tr. 202.