Abstract: The paper analyzes provisions of the Law on intellectual property of Vietnam on copyright, copyright ownership of school materials, transfer of copyright of school materials and at the same time it raises the real situation of transfer of copyright ownership of school materials between teacher and school in some universities and proposes some recommendations for completing this issue.
Việc xác định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với học liệu tại trường đại học là cần thiết nhằm giúp mọi người, nhà trường, giảng viên, sinh viên nhận biết được ai là chủ thể quyền đối với các loại tài liệu học tập, tránh tình trạng phát sinh những tranh chấp không đáng có giữa nhà trường và giảng viên, hạn chế việc xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu đối với học liệu và tích cực bảo vệ tác quyền của tác giả và quyền của chủ sở hữu, kích thích hoạt động sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng để phục vụ sinh viên, mọi người.
Chủ thể sáng tạo ra học liệu chính là tác giả của học liệu đó nhưng không phải bất kỳ lúc nào tác giả cũng đồng thời là chủ sở hữu đối với tác phẩm của mình. Nếu trong trường hợp giảng viên là chủ thể được trường đại học thuê để biên soạn ra học liệu thì giảng viên là tác giả của học liệu nhưng không đồng thời là chủ sở hữu, mà chính trường đại học là chủ sở hữu đối với học liệu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác nhau, không phải lúc nào tất cả các học liệu do giảng viên viết ra nhà trường đều làm chủ sở hữu đối với chúng.
1. Quyền tác giả, sở hữu quyền tác giả đối với học liệu, chuyển nhượng quyền tác giả đối với học liệu
Quyền tác giả là quyền của giảng viên đối với học liệu do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Vậy học liệu được hiểu như thế nào? Theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, thì học liệu là một dạng cụ thể của tác phẩm văn học, khoa học được Nhà nước bảo hộ thể hiện dưới hình thức như giáo trình hoặc bài giảng thể hiện bằng hình thức viết, bài phát biểu, bài giảng, bài nói khác nhau, dưới dạng ngôn ngữ nói và được định hình dưới dạng vật chất nhất định.
Các trường đại học thường có các loại học liệu như giáo trình, tài liệu học tập, tài liệu lưu hành nội bộ, tài liệu hướng dẫn học, tài liệu ôn tập, bài giảng, bài giảng phát thanh, bài giảng trực tuyến, bài giảng LMS, sách tham khảo, bài giảng đa phương tiện… Bên cạnh đó, những bài giảng trực tuyến được ghi âm lẫn ghi hình của giảng viên cũng là học liệu thể hiện dưới hình thức ghi hình.
Căn cứ vào quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, thì những học liệu này do giảng viên biên soạn ra thì giảng viên là tác giả đối với học liệu hoặc giảng viên là tác giả cũng đồng thời là chủ sở hữu đối với học liệu. Tuy nhiên, không phải lúc nào giảng viên cũng là tác giả và đồng thời là chủ sở hữu đối với các loại học liệu này mà trường đại học lại là chủ sở hữu đối với chúng vì học liệu này được hình thành là do nhà trường thuê, giao nhiệm vụ cho giảng viên biên soạn thì nhà trường sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với học liệu. Hoặc nhà trường được giảng viên chuyển giao quyền tác giả cũng là chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, trường đại học có phải là tác giả của học liệu mà do giảng viên biên soạn ra hay không và nếu trường đại học là tác giả của học liệu thì trường đại học mà cụ thể là ban giám hiệu sẽ được quyền chỉ đạo đặt tên, sửa tên, sửa đổi, bổ sung những nội dung vào trong học liệu. Bên cạnh đó, hội đồng mà do ban giám hiệu chỉ định để xem xét sửa đổi, bổ sung học liệu nếu không có giảng viên biên soạn tham gia ban đầu trong hội đồng này thì hội đồng mới (hội đồng sửa đổi, bổ sung học liệu) có được tự ý sửa đổi những nội dung trong học liệu hay không.
Để trả lời cho vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu quy định của pháp luật về tác giả theo đó, tác giả là người nắm giữ các quyền nhân thân bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Bên cạnh đó, tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả, thì họ còn được sử dụng các quyền tài sản theo quy định pháp luật. Tác giả có thể chuyển giao quyền công bố tác phẩm cho cá nhân khác theo quy định pháp luật. Như vậy, trường đại học không thể là tác giả của học liệu mà giảng viên, người biên soạn ra học liệu mới chính là tác giả của tác phẩm.
Căn cứ vào quy định trên, trường đại học không thể là tác giả của học liệu mà chỉ có thể là chủ sở hữu của học liệu trong trường hợp trường giao việc hoặc được chuyển giao quyền sở hữu đối với học liệu. Luật Sở hữu trí tuệ phân biệt các dạng chủ sở hữu bao gồm: Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế; chủ sở hữu quyền tác giả là người nhận chuyển nhượng quyền tác giả. Như vậy, trường đại học có thể là chủ sở hữu của học liệu trong trường hợp trường đại học giao nhiệm vụ cho giảng viên biên soạn học liệu hoặc giao kết hợp đồng với giảng viên hoặc nhận chuyển nhượng quyền tác giả đối với học liệu từ giảng viên. Như vậy, nếu trường đại học là chủ sở hữu quyền tác giả đối với học liệu thì nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản sau: Làm học liệu phái sinh; sao chép học liệu; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao học liệu; truyền đạt học liệu đến mọi người bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Ngoài ra, nhà trường là chủ sở hữu quyền tác giả cũng có quyền công bố học liệu hoặc cho phép người khác công bố học liệu nếu được giảng viên chuyển giao quyền. Trong khi đó, giảng viên là tác giả của học liệu, giảng viên sẽ được sử dụng các quyền nhân thân đối với học liệu mà không được là chủ sở hữu đối với học liệu vì giảng viên đã chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho nhà trường.
2. Thực trạng chuyển giao, sở hữu quyền tác giả đối với học liệu giữa giảng viên và nhà trường ở một số trường đại học
Thực tế về quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với học liệu tại các trường đại học hiện nay cho thấy hầu hết các trường là chủ sở hữu đối với học liệu nếu học liệu này do giảng viên biên soạn và giảng viên được nhà trường giao việc đối với giảng viên cơ hữu tại trường, còn đối với giảng viên không cơ hữu thì sẽ được nhà trường giao kết hợp đồng với giảng viên để biên soạn học liệu.
- Nếu các học liệu được ghi tên trường đại học trên học liệu thì học liệu này do trường làm chủ sở hữu nhưng nhóm giảng viên biên soạn vẫn là tác giả của học liệu.
- Nhà trường quy định vào trong quy chế giảng rằng những học liệu do giảng viên biên soạn trong thời gian làm việc cho nhà trường thông qua hợp đồng làm việc có thời hạn hoặc không xác định thời hạn, làm việc theo biên chế của nhà trường thì những học liệu biên soạn trong thời gian này thuộc quyền sở hữu của nhà trường.
- Tùy theo học liệu, như bài giảng trực tuyến thì mỗi môn học nhà trường sẽ ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng của học liệu này giữa nhà trường và giảng viên.
- Những giáo trình, sách tham khảo được giảng viên biên soạn không ghi tên của nhà trường thì nhà trường sẽ ký hợp đồng thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu cho nhà trường và trả tiền mua quyền sở hữu cho giảng viên một lần.
Ở hai trường hợp này, thông thường nhà trường sẽ trả tiền một lần sau khi nghiệm thu xong học liệu nhưng trong quá trình có tái bản thì giảng viên sẽ được một khoản tiền trên số lượng tái bản đó.
- Những sách tham khảo được viết trong thời gian làm việc tại nhà trường nhưng không ghi tên nhà trường trên học liệu, nhà trường cũng không yêu cầu chuyển giao thì những tác phẩm này nhà trường không sở hữu mà giảng viên vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu đối với học liệu.
Khi chuyển giao sở hữu quyền tác giả đối với học liệu giữa giảng viên và nhà trường thông qua hợp đồng chuyển giao thì thông thường sẽ thực hiện bằng hai hình thức sau đây: (i) Nhà trường có quyền sở hữu học liệu thì nhà trường có quyền làm học liệu phái sinh; sao chép học liệu; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao học liệu; truyền đạt học liệu đến mọi người bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Ngoài ra, nhà trường là chủ sở hữu quyền tác giả cũng có quyền công bố học liệu hoặc cho phép người khác công bố học liệu nếu được giảng viên chuyển giao quyền. (ii) Nhà trường có quyền sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ quyền đối với học liệu như hình thức (i). Theo đó, giữa hai hình thức chuyển giao thông qua hợp đồng chuyển giao giữa giảng viên và nhà trường là khác nhau nhưng về nội dung là giống nhau vì dù đó là chuyển giao quyền sở hữu quyền tác giả hay chuyển giao quyền sử dụng thì nhà trường cũng không có quyền định đoạt đối với học liệu. Chúng ta dựa vào quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự để áp dụng vào thực tiễn thì trong trường hợp này có hai cách hiểu khác nhau: Nếu như chuyển giao quyền sở hữu theo như quy định của Bộ luật Dân sự thì nhà trường phải có quyền định đoạt học liệu nghĩa là được quyền chỉnh sửa nội dung của học liệu, còn chuyển giao quyền sử dụng thì không được, nhưng theo Luật Sở hữu trí tuệ thì cả hai hình thức chuyển giao nhà trường đều không được quyền chỉnh sửa nội dung đối với học liệu. Ở đây, nhà trường và giảng viên cho rằng nếu hai thuật ngữ này là khác nhau nhưng có nghĩa giống nhau thì nên dùng một thuật ngữ, còn nếu để hai thuật ngữ khác nhau thì phải có nghĩa khác nhau để tránh sự nhầm lẫn. Ngoài ra, nếu nhà trường và giảng viên ký hợp đồng chuyển giao nhưng sau đó giảng viên không cộng tác với trường nữa thì trường thông qua hội đồng khoa học có được phép chỉnh sửa nội dung trong học liệu của giảng viên là tác giả của học liệu đó hay không. Tiếp theo, đối với hình thức giao việc cho giảng viên cơ hữu thì khi giảng viên thôi việc tại trường, nhà trường có được phép tự ý chỉnh sửa nội dung của học liệu này không. Theo quy định về quyền nhân thân thì nhà trường không được phép chỉnh sửa nội dung học liệu. Vậy, nếu hai bên thỏa thuận về quyền được chỉnh sửa nội dung học liệu nghĩa là chuyển giao một số quyền nhân thân của tác giả có được hay không. Đây là điểm vướng mắc mà giảng viên và nhà trường quan tâm, theo quan điểm của tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ cần phải quy định các bên được quyền thỏa thuận chuyển giao một số quyền nhân thân trong những trường hợp cần thiết. Vì đây là quyền dân sự cho nên nếu các bên có thỏa thuận thì tôn trọng sự thỏa thuận này.
3. Kết luận
Việc chuyển giao quyền sở hữu quyền tác giả, quyền sử dụng quyền tác giả cần quy định thống nhất thành một thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ theo cách hiểu là các bên được chuyển giao quyền sử dụng đối với tác phẩm (học liệu). Ngoài ra nên quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ là nếu các bên có quyền thỏa thuận chuyển giao một số quyền nhân thân của tác giả thì vẫn cho phép chuyển nhượng. Với quy định bổ sung này sẽ tránh trường hợp giảng viên thôi việc, không làm việc theo hợp đồng làm việc thì nhà trường có thể chỉnh sửa học liệu linh động theo quy định chi tiết trong hợp đồng thỏa thuận chuyển giao quyền sử dụng đối với học liệu mà không vi phạm quyền tác giả của giảng viên.
Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh