Tòa phúc thẩm (Court of Appeal) và Tòa án tối cao (Supreme Court) hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án[1].
Ở Việt Nam, định hướng thừa nhận án lệ là một loại nguồn bổ sung cho hệ thống pháp luật Việt Nam đã thể hiện rõ trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”, sau đó đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn và công bố áp dụng án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành (Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP).
1. Lịch sử hình thành án lệ Thông luật Anh
Hệ thống pháp luật Thông luật (Common law) hay còn gọi là hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, là hệ thống pháp luật ra đời ở Anh, sau này phát triển ở Mỹ và những nước là thuộc địa của Anh, Mỹ trước đây. Đây là hệ thống pháp luật phát triển từ những tập quán (Customs), còn được gọi là hệ thống pháp luật tập quán, hay hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ (Precedents/Judge made law)[2].
Thuật ngữ Common law không chỉ mang ý nghĩa là một hệ thống pháp luật lớn trên thế giới, dựa trên truyền thống hệ thống pháp luật Anh, thuật ngữ này còn được hiểu để nói đến các bản án, quyết định của Tòa án trong hệ thống mà các bản án, quyết định đó có giá trị như là án lệ và mang tính áp dụng bắt buộc song song với các đạo luật thành văn (Statutes).
Như vậy, án lệ là một trong những loại nguồn quan trọng và đặc trưng của hệ thống pháp luật Thông luật nói chung và của pháp luật nước Anh nói riêng để phân biệt đặc trưng về nguồn trong mỗi hệ thống pháp luật như luật thành văn của hệ thống pháp luật Cilvil law, tập quán ở các nước châu Phi hay là Kinh Koran ở hệ thống pháp luật pháp luật Hồi giáo...
Trước thế kỷ thứ X (giai đoạn năm 600 - 1066), mặc dù Anh quốc đã có luật thành văn, ngôn ngữ sử dụng là ngôn ngữ Ăng-lô-Xắc-xông, tuy nhiên, thời kỳ này nước Anh không chỉ bước vào giai đoạn phân quyền cát cứ, các lãnh chúa thâu tóm quyền lực về tay mình, mà giai đoạn này nước Anh còn bị người Giéc Manh và người Xcandinave xâm lược nên pháp luật nước Anh thời kỳ này còn manh mún, tản mạn, chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tập quán địa phương, giai đoạn này vẫn chưa tồn tại một nền pháp luật chung cho toàn nước Anh3.
Bước sang giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XV, án lệ mới chính thức ra đời, cụ thể, năm 1154, Vua Henry II đã tạo ra một hệ thống luật chung và sáng tạo ra một hệ thống Tòa án thống nhất đầy quyền năng, ông đưa các thẩm phán từ Tòa án Hoàng gia đi khắp nơi trong nước để sưu tầm và chọn lọc cách thức giải quyết các tranh chấp. Những thẩm phán sau đó trở về thành Luân Đôn và thảo luận về các vụ tranh chấp này với các thẩm phán khác. Những phán quyết sẽ được ghi lại và dần trở thành án lệ (Precedent). Thuật ngữ “Common Law” chính thức xuất hiện. Theo đó, khi xét xử thẩm phán sẽ chịu sự ràng buộc bởi những phán quyết đã có từ trước đó, nguyên tắc này được gọi là stare decisis. Nguyên tắc stare decisis yêu cầu thẩm phán phải dựa theo các phán quyết trước đây khi xét xử các vụ án có những nét tương đồng. Mặt khác, nguyên tắc này cũng giúp các thẩm phán đưa ra những phán quyết đối với các vụ án phức tạp khi không có cơ sở pháp lý rõ ràng, dựa vào đó để ra phán quyết. Trong những trường hợp này, thẩm phán thường trích dẫn những phán quyết trước đây đối với các vụ án tương tự4.
Như vậy, thuật ngữ Common law hay Thông luật có nghĩa là thống nhất pháp luật, thống nhất tình trạng pháp luật manh mún, tản mạn, chịu ảnh hưởng bởi tập quán địa phương của các lãnh chúa phong kiến từ thời kỳ phong kiến thành một hệ thống pháp luật chung thống nhất trên toàn lãnh thổ nước Anh, công cụ giúp thống nhất pháp luật nước Anh là hệ thống tuyển tập án lệ gần như hoàn thiện của Tòa án Hoàng gia được áp dụng chung cho toàn lãnh thổ nước Anh vào giai đoạn này.
2. Các nguyên tắc áp dụng án lệ Thông luật Anh
Một là, nguyên tắc chung của án lệ thông luật Anh
Khi xem xét vụ việc, Tòa án phải làm sáng tỏ có vụ việc tương tự như vậy đã trở thành đối tượng của việc xét xử trước đây hay chưa và trong trường hợp đã có vụ việc như vậy thì cần phải tuân thủ quyết định đã có. Nói cách khác, quyết định đã được đưa ra một lần trước đó trở thành quy phạm bắt buộc chung đối với các vụ việc tương tự tiếp theo đó. Quy tắc chung đó cần phải được cụ thể hóa, bởi mức độ của tính bắt buộc các án lệ tùy thuộc vào vị trí trong cấp xét xử của Tòa án xem xét vụ việc đó và của Tòa án mà quyết định của nó có thể trở thành án lệ trong trường hợp đó[5].
Hai là, nguyên tắc án lệ được hình thành từ Tòa án và có tính bắt buộc
Có thể khẳng định hầu hết án lệ các quốc gia đều được hành thành từ cơ quan tư pháp, tức đều do Tòa án sáng tạo ra. Ở Anh cũng không ngoại lệ, Hạ nghị viện là cơ quan lập pháp có chức năng trong việc làm luật, thì Thượng nghị viện là cơ quan tư pháp, có chức năng xét xử và mọi án lệ của Thông luật Anh đều được hình thành từ cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, nguyên tắc bắt buộc áp dụng án lệ của hầu hết các quốc gia thừa nhận án lệ là một loại nguồn trong hệ thống pháp luật thì không phải quốc gia nào cũng tương đồng nhau. Một minh chứng là án lệ của các quốc gia Cilvil law hay án lệ của một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Nhật Bản… thì án lệ chỉ đóng vai trò là nguồn bổ sung cho những thiếu sót của luật thành văn và nó không có quy định bắt buộc đối với mọi Tòa án. Ví dụ, án lệ trong Luật Hành chính của Pháp được sử dụng rất linh hoạt để nó thích hợp với sự phát triển của các quan hệ pháp luật hành chính, tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù án lệ được thừa nhận là một nguồn của luật hành chính, nhưng nó không có giá trị bắt buộc[6]. Điều này khác hẳn với Thông luật Anh, để đảm bảo sự thống nhất trong việc xét xử, đảm bảo tính đúng đắn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như thể hiện sự tôn trọng phán quyết của Tòa án cấp trên, Tòa án cấp dưới có nghĩa vụ áp dụng những bản án đã được tuyên của Tòa án cấp trên, căn cứ vào đó để đưa ra quyết định cho vụ án cụ thể của mình. Vì vậy, tất cả mọi phán quyết của Tòa thượng nghị viện, Tòa phúc thẩm và Tòa cấp cao khi được xuất bản và trở thành án lệ thì nó có giá trị ràng buộc đối với mọi Tòa án cấp dưới trong quá trình xét xử các vụ việc tương tự.
Ba là, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử có yêu cầu rất nghiêm ngặt
Ở Anh, việc bám sát vào tiền lệ pháp trong hoạt động xét xử là yêu cầu nghiêm ngặt: Trong nhiều năm, Thượng nghị viện, Tòa án cao nhất ở Anh đã cho rằng mình phải tuyệt đối tuân thủ các phán quyết trong quá khứ của chính mình. Mức độ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “stare decisis” (tuân thủ phán quyết trước đây và không phá vỡ những quy phạm đã được thiết lập) của các Tòa án ở Anh không chỉ thể hiện ở sự miễn cưỡng trong việc phân biệt tình tiết vụ việc hiện tại với những vụ việc trong quá khứ[7], cụ thể, trước cải cách tư pháp án lệ được hình thành và áp dụng theo nguyên tắc nghiêm ngặt sau:
- Quyết định trở thành án lệ của cấp xét xử cao nhất - Tòa án cấp cao (Thượng nghị viện) có giá trị bắt buộc đối với các Tòa án cấp dưới và bắt buộc với chính Tòa thượng nghị viện.
- Quyết định được xuất bản thành án lệ của Tòa án cao cấp có thẩm quyền chung (Tòa án phúc thẩm; Tòa hình sự cao cấp; Tòa cao cấp có thẩm quyền chung) có giá trị bắt buộc đối với hệ thống Tòa án sơ cấp, đồng thời có giá trị bắt buộc với chính nó.
- Phán quyết của hệ thống Tòa án sơ cấp (Tòa án cấp quận; Tòa án cấp cơ sở) chỉ có thể là kinh nghiệm, ví dụ, tham khảo nhưng không tạo ra án lệ bắt buộc.
3. Giá trị pháp lý của án lệ so với luật thành văn
Hiện nay, hầu hết các nước có nền luật pháp tiên tiến, đều bắt đầu thừa nhận án lệ là một loại nguồn của hệ thống pháp luật quốc gia, có sự vận dụng án lệ trong xét xử ở hệ thống Tòa án, bởi xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xét xử, với nguyên tắc Tòa án không được quyền từ chối thụ lý bất cứ yêu cầu khởi kiện nào của công dân và đồng thời cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của các nước. Do vậy, không chỉ hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới là Common law và Cilvil law, hệ thống pháp luật đang hoàn thiện như pháp luật của các nước xã hội chủ nghĩa… đã chính thức thừa nhận án lệ là một nguồn luật. Tuy nhiên, dù là quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Thông luật với truyền thống án lệ hay những quốc gia không theo truyền thống án lệ thì án lệ vẫn có vị trị pháp lý thấp hơn trong góc nhìn với luật thành văn: Pháp luật Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng của Luật La Mã vẫn coi án lệ như một nguồn luật, có giá trị bổ sung trật tự pháp lý thông qua luận thuyết được Tòa án tối cao áp dụng trong quá trình giải thích và áp dụng luật, tập quán, kể cả các nguyên tắc chung của luật pháp[8]. Ở Việt Nam, án lệ đã được thừa nhận là một loại nguồn bên cạnh văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất[9]. Án lệ vẫn đóng vai trò là nguồn bổ sung trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ví dụ Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: (i) Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; (ii) Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng[10]. ở nước Anh, quốc gia phát triển nên nguồn luật án lệ, đặt nền tảng cho sự ra đời của hệ thống Thông luật, án lệ không chỉ đóng vai trò là loại nguồn đặc trưng của hệ thống pháp luật này mà còn là một loại nguồn quan trọng bên cạnh pháp luật thành văn của Nghị viện. Tuy nhiên, so với án lệ thì giá trị pháp lý của luật do Nghị viện ban hành vẫn có hiệu lực cao hơn án lệ do thẩm phán làm ra. Luật được ban hành để bổ sung hoặc thay thế cho án lệ. Luật có thể phủ nhận hiệu lực trong tương lai của một án lệ nào đó và thậm chí luật còn có hiệu lực hồi tố, có thể làm cho án lệ nào đó đã tuyên trong quá khứ trở nên vô hiệu[11].
Tuy vậy, điểm tạo nên sự khác biệt về giá trị pháp lý của án lệ so với luật thành văn giữa nước Anh và các quốc gia khác được thể hiện như sau: Mặc dù luật thành văn có giá trị pháp lý cao hơn án lệ do thẩm phán sáng tạo ra, tuy nhiên, trên thực tế, án lệ ở nước Anh luôn được các cơ quan, tổ chức và công dân rất tôn trọng và nhiều khi nó còn có giá trị pháp lý như đạo luật thành văn, đặc biệt đối với những vụ án liên quan đến giải thích Hiến pháp.
4. Tích cực và hạn chế của án lệ nước Anh
4.1. Tính tích cực
Thứ nhất, pháp luật được cụ thể hóa thông qua thực tiễn xét xử
Điểm đặc thù trong hệ thống pháp luật Anh là bộ phận quan trọng của luật thực định Anh là do cơ quan tư pháp, tức Tòa án sáng tạo ra dựa trên cơ sở áp dụng và phát triển án lệ hay tiền lệ pháp. Những lĩnh vực như luật hợp đồng, bồi thường trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cũng như hành vi phạm tội nghiêm trọng như giết người và hành hung tập thể (Conmon assault) đều là sản phẩm của cơ quan tư pháp chứ không phải của cơ quan lập pháp[12]. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hệ thống pháp luật Anh với các hệ thống pháp luật pháp điển hóa ở châu Âu lục địa và những hệ thống pháp luật khác chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật ở châu Âu lục địa. Với ưu điểm điểm này, phần lớn quy phạm trong luật thực định Anh mang tính thực tiễn cao hơn, dễ áp dụng, dễ đi vào cuộc sống, ít tính trừu tượng, khó hiểu như quy phạm trong luật thực định của pháp luật các nước châu Âu, nơi mà tư duy pháp luật được hình thành từ các giảng đường đại học chứ không phải bằng con đường quyền lực nhà nước.
Thứ hai, nguyên tắc áp dụng án lệ chặt chẽ, rõ ràng
Nước Anh là quốc gia đặt nền tảng cho sự ra đời của án lệ nên quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ ở đây rất cụ thể, chặt chẽ và rõ ràng. Điều này mang tới những lợi thế trong thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật như sau: (i) Giúp cho hệ thống tuyển tập án lệ đã xuất bản dễ dàng phát huy tính hiệu quả trên thực tế; (ii) Tạo thuận lợi cho hệ thống Tòa án cấp dưới dễ dàng áp dụng các bản án là án lệ; (iii) Giá trị về mặt thời gian của án lệ.
4.2. Điểm hạn chế của án lệ Thông luật Anh
Một là, tính nghiêm ngặt
Có thể thấy rõ tính nghiêm ngặt của án lệ Anh là rập khuôn, máy móc, trong các bản án hầu như không có chỗ cho quan điểm của thẩm phán về chính sách chung, đặc biệt những vụ việc mà Tòa án coi là quan trọng. So với thẩm phán ở Mỹ, vai trò của thẩm phán ở Anh trong sáng tạo ra các án lệ bị gò bó hơn ở Mỹ, mặc dù án lệ bắt buộc áp dụng ở Anh tuy cũng có những ưu điểm nhưng trong một góc nhìn khác cũng chính nguyên tắc này đã trở thành lực cản đối với sự sáng tạo của các thẩm phán khi xét xử bởi họ phải tuân thủ án lệ một cách nghiêm ngặt.
Thứ hai, áp dụng phức tạp
Án lệ xét xử là nguồn cơ bản của pháp luật nước Anh. Hiện nay, nước Anh có khoảng 800 ngàn án lệ xét xử và mỗi năm bổ sung thêm khoảng 20 ngàn án lệ xét xử mới. Tất cả các án lệ xét xử đó tạo thành 300 tuyển tập theo pháp luật bên trong quốc gia và theo pháp luật châu Âu[13]. Với khối lượng lớn án lệ và sự phức tạp trong việc tra cứu án lệ là vấn đề khó khăn đối với thẩm phán và luật sư trong việc tìm ra các án lệ phù hợp bản chất của các vụ việc đang thụ lý.
5. Kinh nghiệm cho việc hoàn thiện án lệ ở Việt Nam
Sau một thời gian triển khai Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra mục đích xây dựng và hoàn thiện từng bước hoạt động của Tòa án nhân dân là “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm”, ngày 06/4/2016, 06 án lệ đầu tiên của Việt Nam đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 220/QĐ-CA; các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử kể từ ngày 01/6/2016.
Mặc dù Việt Nam đã chính thức thừa nhận án lệ là một loại nguồn trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, án lệ ở Việt Nam hiện hành hay xu hướng cải cách tư pháp đến năm 2020 sẽ hướng đến việc phát triển án lệ ở Việt Nam theo mô hình nào? Mô hình các nước Thông luật như Anh, Mỹ hay mô hình án lệ ở các nước châu Âu như Pháp, Đức? Đây thực sự là một thách thức cho việc phát triển án lệ ở Việt Nam. Xét về hình thức pháp lý như tiêu chí về nguồn luật, phương pháp pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hệ thống pháp luật các nước dân luật thành văn như Pháp và Đức của châu Âu lục địa hơn là hệ thống Thông luật Anh - Mỹ. Tuy nhiên, trong vấn đề về án lệ, cũng giống như nhiều chủ đề nghiên cứu dưới góc độ luật so sánh, sẽ không có một giải pháp duy nhất nhằm tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài vào Việt Nam. Những nhân tố hợp lý của án lệ trong thông luật cũng sẽ rất có giá trị khi nó được tiếp nhận phù hợp vào môi trường văn hóa pháp lý Việt Nam[14], đặc biệt tiếp thu có chọn lọc án lệ nước Anh - quốc gia có bề dày lịch sử về nghiên cứu và phát triển án lệ sẽ là một lựa chọn hữu ích cho việc hoàn thiện mô hình án lệ ở Việt Nam trong giai đoạn án lệ vừa mới được thừa nhận và chưa định hình rõ mô hình án lệ mà Việt sẽ phải theo như hiện nay, tác giả xin đưa ra quan điểm cá nhân hoàn thiện một số quy định về án lệ Việt Nam theo hình thức án lệ nước Anh như sau:
Một là, làm rõ quy định về khái niệm án lệ
Điều 1 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP định nghĩa: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Với định nghĩa này thì khái niệm án lệ chưa đủ rõ về mặt nội dung. Bởi lẽ, trong đa số các bản án, quyết định thì Tòa án thường có nhiều lập luận về những vấn đề cần giải quyết của vụ việc đó. Đó có thể là lập luận về các tình tiết khách quan của vụ việc; tính hợp pháp; tính liên quan của chứng cứ do đương sự xuất trình, cung cấp hoặc lập luận về việc áp dụng quy định cụ thể của pháp luật. Vì vậy, với định nghĩa trên, có thể dẫn tới cách hiểu không đúng về án lệ[15].
Vì vậy, để thừa nhận án lệ là một loại nguồn của hệ thống pháp luật Việt Nam, muốn Tòa án các cấp hiểu đúng với bản chất, hình thức của án lệ và áp dụng thống nhất trong hệ thống cơ quan tư pháp thì tất yếu phải hoàn thiện khái niệm về án lệ. Chúng ta có thể tham khảo định nghĩa về án lệ theo Thông luật Anh - quốc gia đặt nền tảng cho sự ra đời hình thức án lệ, với một định nghĩa rõ ràng, chặt chẽ và đúng với bản chất của hình thức án lệ[16], một loại nguồn quan trọng trong việc củng cố hoàn thiện luật thực định của quốc gia là một giải pháp tốt cho định nghĩa án lệ ở Việt Nam lúc này. Với định nghĩa này, chúng ta có thể bỏ cụm từ “án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án của Tòa án tối cao để nghiên cứu, áp dụng” thay bằng cụm từ “án lệ là nguyên tắc bắt buộc” để hoàn thiện thêm định nghĩa về án lệ ở Việt Nam. Bởi lẽ, án lệ là loại nguồn ra đời là để bổ sung cho những thiếu sót của luật thành văn, làm rõ quy định của pháp luật còn có nhiều cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể[17]. Như vậy lúc này án lệ đóng vai trò quan trọng không kém luật thực định, nếu chỉ quy định án lệ là những lập luận, phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng thì rất có thể án lệ ban hành chỉ mang tính hình thức, các Tòa án sẽ không đồng nhất áp dụng, hậu quả dẫn đến một quan hệ xã hội nào đó sẽ không được điều chỉnh đúng với một quy phạm tương ứng. Nếu bổ sung thêm cụm từ này sẽ giúp hình thức án lệ có tính thực tiễn cao hơn, Tòa án các cấp thống nhất trong xét xử.
Thứ hai, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của án lệ
Giá trị pháp lý của án lệ trong hệ thống nguồn luật đóng vai trò rất quan trọng, quyết định vị trí tồn tại của nó bên cạnh các loại nguồn khác cho dù án lệ đó là của quốc gia Thông luật với truyền thống án lệ hay những quốc gia chú trọng vai trò của luật thực định trong hệ thống pháp luật quốc gia như Civil law thì tất cả những quốc gia thuộc hệ thống pháp luật này khi đã thừa nhận án lệ đều giành những điều khoản để làm sáng rõ vị trí pháp lý của án lệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, quy định về vị trí pháp lý của án lệ chỉ được tìm thấy ở một nội dung nhỏ về áp dụng pháp luật tương tự khi giải quyết các vụ án, vụ việc về dân sự[18], còn với hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể, rõ ràng về giá trị pháp lý của án lệ trong bất kỳ một văn bản nào, ngay cả Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP mới chỉ có một quy định nhỏ về giá trị pháp lý của án lệ tại khoản 3 Điều 2, khi quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ. Thiết nghĩ đây là một thiếu sót cần bổ sung quy định về giá trí pháp lý của án lệ bên cạnh các loại nguồn khác tại một văn bản thống nhất, để hướng dẫn Tòa án các cấp thống nhất thực hiện, cụ thể là cần bổ sung quy định của pháp luật tố tụng về giá trị pháp lý và nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động, hành chính.
Thứ ba, hoàn thiện thêm nguyên tắc áp dụng án lệ ở Việt Nam
Cần tham khảo 02 nguyên tắc áp dụng án lệ của Anh để bổ sung và hoàn thiện cho quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ của Việt Nam được quy định tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP như sau:
(i) Nguyên tắc án lệ sử dụng phải có tính bắt buộc: Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP quy định: “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau”. Với quy định này, dù không sử dụng thuật ngữ “án lệ bắt buộc áp dụng” nhưng có thể hiểu nó có cùng bản chất. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa quy định chi tiết nguyên tắc này, bởi đây là nguyên tắc cần thiết với bất kỳ án lệ trong pháp luật của quốc gia nào để đảm bảo án lệ chặt chẽ và hiệu quả không kém gì luật thành văn. Để thực hiện được nguyên tắc này, Việt Nam phải quy định một trình tự, thủ tục hay một quy trình cụ thể của việc công nhận một án lệ là bắt buộc.
(ii) Tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của Tòa án cấp trên: Vì hệ thống Tòa án Việt Nam được tổ chức thành các cấp nên cũng có thể áp dụng nguyên tắc này. Ban đầu có thể quy định chỉ có Tòa án nhân dân tối cao mới được quyền tạo ra án lệ và các Tòa án cấp dưới phải tuân thủ, sau này, khi số lượng án lệ đã tăng lên và việc áp dụng dần đi vào ổn định thì có thể mở rộng khả năng tạo ra án lệ cho các Tòa án cấp dưới trực tiếp của Tòa án nhân dân tối cao.
Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Lê Văn Sua (2015), Án lệ và vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/ Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1867, ngày 03/11/2015.
[2]. Xem: Lưu Tiến Dũng (2014), Các trường phái án lệ trên thế giới - mô hình nào cho Việt Nam?, http://lsvn.vn/news/Nghien-cuu/Cac-truong-phai-an-le-tren-the-gioi-Mo-hinh-nao-cho-Viet-Nam-Ky-I-An-le-mang-tinh-rang-buoc-ap-dung-170/, ngày 18/09/2014.
[3]. Xem: Lê Thị Nga (2015), Tập bài giảng Luật học so sánh, tr.58, Nxb. Đại học Huế.
[4]. Xem: Lưu Tiến Dũng (2014), Các trường phái án lệ trên thế giới - mô hình nào cho Việt Nam?, http://lsvn.vn/news/Nghien-cuu/Cac-truong-phai-an-le-tren-the-gioi-Mo-hinh-nao-cho-Viet-Nam-Ky-I-An-le-mang-tinh-rang-buoc-ap-dung-170/, ngày 18/09/2014.
[5]. Xem: Võ Khánh Vinh (2013), Luật học so sánh, tr.284, Nxb. Khoa học xã hội.
[6]. Xem: Nguyễn Văn Nam, án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự của Pháp, Đức và việc sử dụng án lệ ở Việt Nam, www.toaan.gov.vn.
[7]. Xem: Nguyễn Quốc Hoàn (2010), Chương 3 - Giáo trình Luật học so sánh, tr.261, Nxb. Công an nhân dân.
[8]. Xem: Lê Văn Sua, án lệ và vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/ Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1867, ngày 03/11/2015.
[9]. Xem: Điều 119 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
[10]. Xem: Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[11]. Xem: Nguyễn Quốc Hoàn (2010), Chương 3 - Giáo trình Luật so sánh, tr.263, Nxb. Công an nhân dân.
[12]. Xem: Nguyễn Quốc Hoàn (2010), Chương 3 - Giáo trình Luật so sánh, tr.259, Nxb. Công an nhân dân.
[13]. Xem: Võ Khánh Vinh (2013), Luật học so sánh, tr.284, Nxb. Khoa học xã hội
[14]. Xem: Nguyễn Văn Nam, án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự Pháp, Đức, và việc sử dụng án lệ ở Việt Nam, https://luatminhkhue.vn/kien-thuc-luat-dan-su/an-le-trong-he-thong-phap-luat-dan-su-cac-nuoc-phap-duc-va-viec-su-dung-an-le-o-viet-nam.aspx.
[15]. Xem: Lê Mạnh Hùng (2016), Án lệ và việc áp dụng án lệ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân kỳ I, tháng 4/2016 (số 7).
[16]. Theo đó, án lệ Anh được định nghĩa như sau: “Án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Tòa án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao (Hight Court), Tòa phúc thẩm (Court of Appeal) và Tòa án tối cao (Supreme Court) hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án”.
[17]. Xem: Điều 3 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HDTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố áp dụng án lệ.
[18]. Xem: Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015.