Tóm tắt: Hương ước là một công cụ hữu hiệu trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội ở thôn, làng Việt Nam. Hiểu rõ về những ảnh hưởng tích cực cũng như những tác động hạn chế của hương ước đối với xã hội ở thôn, làng sẽ giúp việc quản lý nhà nước ở thôn, làng trở nên hiệu quả hơn.
Abstract: The convention is an effective tool in regulating social relations in Vietnamese villages. Understanding the positive effects, as well as the limited effects of the convention on village and village society, will make village governance more effective.
Làng Việt Nam xuất hiện cùng với quá trình tan rã của công xã thị tộc, hình thành công xã nông thôn. Công xã nông thôn Việt Nam ra đời và tồn tại phổ biến trong thời kỳ hình thành Nhà nước đầu tiên. Vì thế, ở thời kỳ công xã nông thôn phát triển điển hình, tuy có sự quản lý ở mức độ nhất định của Nhà nước nhưng làng Việt Nam về cơ bản vẫn là những đơn vị tự trị, tự quản. Sự tự trị của làng xã được tiếp tục duy trì trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, cho đến tận thế kỷ thứ X. Đến đầu thế kỷ thứ X, với chính quyền tự chủ của họ Khúc, xã bắt đầu được đặt chồng lên làng trở thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước[1]. Bắt đầu từ đây, ở nông thôn Việt Nam xuất hiện thêm hệ thống quản lý hành chính. Cả hai hệ thống hành chính và tự trị cùng tồn tại trong một đơn vị làng xã. Tuy nhiên, không phải lúc nào hai hệ thống quản lý này cũng thống nhất với nhau. Nếu Nhà nước chỉ quan tâm đến quyền thống trị của riêng mình mà không chấp nhận nhu cầu tự trị của làng xã - tức là đã đẩy làng xã về phía đối lập thì cuối cùng, Nhà nước không nắm được quyền quản lý làng xã đó. Trái lại, nếu Nhà nước phó mặc cho làng xã tùy tiện vận hành theo tục thì cũng có nghĩa là Nhà nước đã tự mình bỏ mất quyền quản lý làng xã. Như vậy, việc can thiệp của Nhà nước vào đời sống làng xã đòi hỏi phải được thực hiện một cách khéo léo và hợp lý, sao cho Nhà nước một mặt vẫn để một sự “nhân nhượng” nhất định với làng xã nhưng một mặt vẫn hạn chế và thu hẹp được quyền tự trị của làng xã. Và hương ước ra đời đã đáp ứng được yêu cầu đó bởi hương ước là một sự chấp nhận các tục lệ, các tập quán riêng của mỗi làng xã trên nguyên tắc không được trái với phép nước, không được gây phương hại đến pháp luật hiện hành. Như vậy, hương ước vừa đáp ứng được nhu cầu tự trị, tự quản của làng, vừa khẳng định được quyền quản lý làng xã của bản thân Nhà nước. Một cách tự phát, xu hướng tái lập hương ước để tạo thành “cơ sở pháp lý” để quản lý, điều chỉnh mọi mặt sinh hoạt của cộng đồng làng xã đã phát triển ở nhiều làng thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Ví dụ như, đến cuối năm 1992, ở huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh (Hà Bắc cũ) đã có 127/144 làng có quy ước làng[2]. Sự xuất hiện trở lại của hương ước đã đóng góp vào quá trình quản lý và dân chủ hóa ở nông thôn nước ta thời kỳ này.
1. Những ảnh hưởng tích cực của hương ước đối với việc quản lý nhà nước ở thôn, làng
1.1. Hương ước là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ở thôn, làng
Khi đánh giá về vai trò của hương ước trong việc quản lý thôn, làng, một số tác giả đã nhận xét như sau: Theo tác giả Bùi Thanh Ba thì “các xã thường lập ra những bản hương ước, vừa có tính chất như nội quy sinh hoạt, vừa có giá trị như luật pháp, mà những người trong xã cũng như khách từ xa đến đều có bổn phận phải tuân theo”[3]. Còn tác giả Trần Từ, trong khi nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền Bắc Bộ đã rút ra kết luận rằng, “dù không phải là một bộ luật hoàn chỉnh, hương ước với những quy định về một số nét sinh hoạt riêng biệt của làng xã, vẫn đóng vai trò một cương lĩnh, có thể còn khá chung chung, nhưng dù sao vẫn đáng được xem là một cương lĩnh về nếp sống hàng ngày của làng xã, mà mọi cá nhân, mọi tổ chức trong làng, trong xã phải tuân thủ”[4]. Như vậy, ta có thể thấy, hương ước gắn với cộng đồng của từng thôn, làng, được coi như “cương lĩnh tinh thần”, “cương lĩnh nếp sống phong tục tập quán” của làng Việt. Nội dung của hương ước một mặt phản ánh quy chuẩn của phong tục tập quán, một mặt thể hiện ý chí của cộng đồng dân cư trong việc quản lý các mặt đời sống xã hội, bảo vệ trật tự trị an và các sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với đời sống hàng ngày của cộng đồng. Do đó, có thể ví hương ước như một “bộ luật” của thôn, làng. “Trong làng có khoán lệ để tuân theo cũng như Nhà nước có bộ luật để cai trị”[5]. Thực tế, Nhà nước có luật nước thì thôn, làng có lệ làng. Điều này thường được ghi trong các bài tựa của mỗi tục lệ hay hương ước, như theo hương ước xã Mộ Trạch (Hải Dương): “Nhà nước giữ đạo trị bình ắt phải nêu rõ kỷ cương, xóm làng giữ tục thuần hậu cần phải làm rõ quy ước, theo khuôn mẫu một điều mà lập ra các điều”[6]. Với ý nghĩa đó, hương ước là một loại quy tắc xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ở thôn, làng. Hương ước trực tiếp điều chỉnh hầu hết các quan hệ giữa cá nhân với nhau, giữa các gia đình, dòng họ trong nội bộ làng, thậm chí cả những quan hệ với các cộng đồng làng khác và với Nhà nước. Hương ước mang một vai trò tích cực trong việc gắn kết mọi thành viên trong thôn, làng thành một cộng đồng chặt chẽ, tổ chức và quản lý có hiệu quả các mặt của đời sống làng xã; duy trì trật tự kỷ cương, tạo ra môi trường sống ổn định và an toàn cho cộng đồng; duy trì và phát huy thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa cộng đồng; củng cố các giá trị đạo lý và nhân bản, gắn cá nhân với cộng đồng, xây dựng ý thức cộng đồng làng xã gắn với ý thức quốc gia…
1.2. Hương ước là công cụ để Nhà nước can thiệp vào thôn, làng, quản lý thôn, làng và điều hòa lợi ích giữa làng với Nhà nước
Với phương châm “dùng hương ước để lệ làng hóa phép nước”, Nhà nước đã thông qua hương ước để can thiệp vào đời sống của làng và tìm cách quản lý thôn, làng. Quá trình phát triển của hương ước đã cho thấy điều đó. Hương ước của khá nhiều làng, buổi đầu mới chỉ là những quy ước phản ánh các mặt đời sống của làng xã, dần dần có khá nhiều điều liên quan đến Nhà nước. Ví dụ như, những điều quy định việc bầu cử bộ máy chức dịch ở làng, việc nộp sưu, thuế, điều động phu lính… Những điều này trong hương ước cải lương được ghi lên trên đầu và đứng thành mục riêng là “mục chính trị”, đứng trước “mục phong tục”. Ở nhiều làng, những điều này chiếm một tỷ lệ khá lớn trong nội dung của hương ước và được các làng rất coi trọng trong cả thực tế thực hiện hương ước. Ngày nay, trong nội dung hương ước thời kỳ mới cũng có rất nhiều những nội dung phù hợp với quy định của quản lý nhà nước, cụ thể hóa các quy định của pháp luật trong việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc, giúp Nhà nước có thể hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng làng xã với mục đích quản lý của Nhà nước.
1.3. Hương ước là công cụ đảm bảo tính dân chủ ở thôn, làng
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Công cụ để quản lý xã hội của chúng ta là quyền làm chủ của nhân dân lao động với hai hình thức làm chủ, đó là làm chủ trong khuôn khổ các thiết chế nhà nước và làm chủ ngoài phạm vi Nhà nước. Trên thực tế, không thể và cũng không cần thiết phải Nhà nước hóa mọi quan hệ xã hội, đặc biệt là những quan hệ điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên của các cộng đồng dân cư ở các cơ sở. Và hương ước chính là thể chế thể hiện sự làm chủ của nhân dân lao động ở các thôn, làng nước ta. Hương ước chính là các chuẩn mực, các quy phạm về việc làm chủ ở cơ sở, đặt ra nguyên tắc tự quản ở nông thôn trên cơ sở quyền làm chủ rộng rãi của nhân dân mà phạm vi tự quản là trong khuôn khổ những gì mà pháp luật không điều chỉnh.
Hương ước là văn bản do dân làng cùng nhau ước định ra. Trong thực tế, phương thức xây dựng hương ước ở các làng Việt cổ truyền đã tạo điều kiện cho từng người dân đều được tham gia vào quá trình soạn thảo ra hương ước, góp phần tạo lập một cuộc sống dân chủ ở thôn, làng. Ở Việt Nam, trước khi có sự ra đời của Nhà nước Dân chủ cộng hòa, chưa có một thể chế dân chủ nào tồn tại trong lịch sử. Có chăng chỉ tồn tại những giá trị dân chủ mang tính thỏa thuận của cộng đồng như lệ làng, hương ước.
2. Những hạn chế của hương ước và ảnh hưởng tiêu cực của hương ước đối với hoạt động quản lý thôn, làng
Ngoài những vai trò tích cực góp phần giúp Nhà nước quản lý thôn, làng một cách hiệu quả thì hương ước vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể như:
Một là, tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái hình thành trên cơ sở “tâm lý làng” đã cản trở sự quản lý của Nhà nước đối với thôn, làng. Với những điều khoản chỉ liên quan tới các công việc, tới tập tục của từng làng, hương ước đã khiến người nông dân chỉ quan tâm tới lợi ích của làng mình, “trống làng nào đánh làng ấy, thánh làng nào làng ấy thờ”, ít quan tâm tới quyền lợi của làng khác và của cả đất nước. Tâm lý này đã khiến cho mỗi làng như có một tính cách riêng mà bất cứ thành viên nào cũng mang trong mình “cái ta làng”[7], với tâm lý cục bộ địa phương, làm nảy sinh sự đối lập giữa “giá trị làng” với “giá trị ngoài làng”. Tính tự trị, tự quản tương đối hoàn chỉnh của thôn, làng nhiều khi đã cản trở sự quản lý của Nhà nước đối với thôn, làng, bởi người dân dễ dàng phản ứng mỗi khi Nhà nước thi hành một chính sách có “đụng chạm” tới lợi ích của thôn, làng.
Hai là, người dân chỉ có thói quen sống theo “lệ làng”, ít quan tâm đến “phép nước”. Khi Nhà nước chấp nhận sử dụng hương ước là một công cụ để quản lý thôn, làng, cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ sở để hình thành lối sống theo “lệ làng”. Việc mỗi làng có một hương ước riêng, chỉ liên quan tới tục lệ của thôn, làng, với cuộc sống theo “nhịp điệu”, theo chu kỳ của nền nông nghiệp lúa nước, với các mối quan hệ xóm giềng, họ hàng còn khá bền chặt, với thiết chế tự quản khá chặt chẽ… đã tạo ra sự hạn chế và tiêu cực trong lối sống của người nông dân. Đó là lối sống chỉ theo lệ làng, theo tục lệ, ít quen “sống với pháp luật” - đây là một cản trở lớn đối với công cuộc xây dựng xã hội mới.
Tuy nhiên, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Thực hiện tốt các cơ chế làm chủ của nhân dân, làm chủ thông qua đại diện là các cơ quan dân cử và các đoàn thể, làm chủ trực tiếp bằng các hình thức nhân dân tự quản, bằng các quy ước, hương ước tại cơ sở phù hợp với luật pháp nhà nước”. Như vậy, dưới góc độ pháp lý và quản lý, hương ước được coi là công cụ tự quản tại cơ sở, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống lịch sử và quyền làm chủ trực tiếp của cộng đồng dân cư, có ý nghĩa hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội nông thôn ngày nay. Sự cần thiết hay không cần thiết xây dựng hương ước đã không còn là chủ đề tranh luận hiện nay. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu để xây dựng một tương quan hợp lý giữa hương ước với pháp luật, giữa hương ước với các quy phạm xã hội khác để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, phù hợp với nhu cầu dân chủ hóa nông thôn ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. PGS.TS. Đào Trí Úc (chủ biên), Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2003, tr. 63.
[2]. Bùi Xuân Đính, “Hương ước và quản lý làng xã”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1988, tr. 155.
[3]. Viện sử học, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, Tập 1, tr. 328.
[4]. Trần Từ, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 103.
[5]. Lời nói đầu của Thụy Phương xã hương ước, Văn bản Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu HUN 0642.
[6]. Đinh Khắc Thuân (chủ biên), Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 19, 20.
[7]. Bùi Xuân Đính, Sđd, tr. 138.