Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP “về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ” (Nghị quyết số 03/2015). Việc ban hành Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về sử dụng án lệ như là một phương thức mới của Tòa án trong việc áp dụng thống nhất pháp luật khi xét xử. Quy trình lựa chọn, công bố án lệ nêu trên là những vấn đề mới cần được phân tích, đánh giá làm sáng tỏ để có nhận thức thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích, đánh giá một số vấn đề của Nghị quyết số 03/2015 về khái niệm án lệ; áp dụng án lệ dưới góc độ xét xử, giải quyết vụ việc dân sự.
1. Về khái niệm án lệ trong Nghị quyết số 03/2015
Khái niệm án lệ được định nghĩa tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết số 03/2015. Điều 1 Nghị quyết số 03/2015 định nghĩa: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể”. Với định nghĩa này, thì khái niệm án lệ là chưa đủ rõ về mặt nội dung. Do đó, Điều 2 Nghị quyết số 03/2015 đã tiếp tục cụ thể hóa nội dung của án lệ, theo đó án lệ là “những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng”1.
1.1. Án lệ là những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau
Loại án lệ này được xác lập để Tòa án bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong trường hợp nội dung văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Hiện nay, trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp không có sự thống nhất về nhận thức giữa cơ quan tiến hành tố tụng với nhau hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với đương sự về việc áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật về tố tụng hoặc pháp luật về nội dung để xét xử, giải quyết vụ việc dân sự. Đó là các trường hợp một số quy định còn thiếu chi tiết, cụ thể, mới dừng lại ở những nguyên tắc chung; một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhưng vẫn còn thiếu chi tiết, chưa phù hợp với quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn2. Vì vậy, việc phân tích, diễn giải nội dung, phạm vi, đối tượng áp dụng của một hoặc một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nêu trên cho vấn đề pháp lý cụ thể trong vụ việc dân sự là hết sức khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán, Hội đồng xét xử sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp (phương pháp phân tích nghĩa của từ; phân tích khái niệm trong bối cảnh của quy định hoặc theo mục đích ban hành văn bản...) để đưa ra lập luận, lý giải về nội dung, phạm vi, đối tượng áp dụng của quy định còn có cách hiểu khác nhau hoặc luận giải về lý do lựa chọn, áp dụng một hoặc một số điều luật cụ thể để đưa ra phán quyết giải quyết vụ việc dân sự. Vì vậy, trong trường hợp bản án, quyết định đó được lựa chọn, thông qua để phát triển án lệ, thì những lập luận, lý giải nêu trên chính là án lệ. Những ví dụ sau đây sẽ làm rõ thêm nội dung án lệ loại này.
Ví dụ: Về việc xác định khái niệm “trở ngại khách quan” không tính vào thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 20053.
Trong một vụ án dân sự chia tài sản thừa kế theo pháp luật, nguyên đơn đề nghị chia tài sản do ông nội của nguyên đơn để lại sau khi chết và đang được bị đơn quản lý, sử dụng; bị đơn phản đối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn và các tài liệu có trong hồ sơ, Tòa án huyện A, tỉnh B đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Nguyên đơn kháng cáo cho rằng thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Hội đồng xét xử của Tòa án tỉnh B chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã đưa ra lý do hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm như sau:
“Tòa án xét thấy rằng việc nguyên đơn không liên lạc được với bị đơn và bị đơn từ chối không liên lạc, tiếp xúc với nguyên đơn trong thời gian nguyên đơn chấp hành án phạt tù là nguyên nhân dẫn đến việc nguyên đơn không biết được ông nội của mình đã chết. Đây chính là trở ngại khách quan làm nguyên đơn không nộp đơn khởi kiện chia di sản thừa kế mà ông nội của nguyên đơn để lại. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì thời gian nguyên đơn gặp trở ngại khách quan nêu trên không được tính vào thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế quy định tại Điều 645 của Bộ luật Dân sự năm 2005”.
Như vậy, lập luận nêu trên của Tòa án tỉnh B đã làm rõ thêm khái niệm “trở ngại khách quan” quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005 trong một trường hợp cụ thể. Lập luận này chính là án lệ để áp dụng cho các vụ việc dân sự có tình tiết khách quan tương tự mà Tòa án thụ lý giải quyết sau này. Có thể tóm tắt án lệ nói trên như sau: “Trường hợp trong thời gian chấp hành án phạt tù mà người chấp hành án không nộp đơn khởi kiện vụ án chia di sản thừa kế và họ chỉ nộp sau khi thời hiệu khởi kiện loại vụ án này đã hết, thì thời gian chấp hành án phạt tù đó được coi là thời gian xảy ra trở ngại khách quan nếu trong thời gian này mặc dù người chấp hành án đã nhiều lần liên lạc với người thân thích của họ nhưng vẫn không có kết quả và người chấp hành án không có nguồn thông tin khác để biết được người để lại tài sản cho họ đã chết”.
1.2. Án lệ là phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý làm cơ sở cho Tòa án chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng
Loại án lệ này được xác lập trong bối cảnh có những vụ việc dân sự mà vấn đề pháp lý cần được giải quyết chưa được pháp luật quy định hoặc các bên đương sự không có thỏa thuận. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ áp dụng Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết, theo đó tập quán, quy định tương tự của pháp luật sẽ được Tòa án lựa chọn, áp dụng làm cơ sở để đưa ra phán quyết trong bản án, quyết định. Cách thức giải quyết này cũng được khẳng định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, bao gồm Luật Thương mại, Bộ luật Hàng hải, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật Dân sự năm 20154 đã quy định cụ thể cách thức giải quyết trong trường hợp này theo thứ tự như sau: Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ và lẽ công bằng. Phù hợp với quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định. Như vậy, trong trường hợp mà Tòa án lập luận, biện giải về việc lựa chọn tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật hoặc phân tích, diễn giải về luận thuyết “lẽ công bằng” làm cơ sở cho việc đưa ra phán quyết trong bản án, quyết định, thì lập luận, biện giải hoặc phân tích, diễn giải nêu trên chính là án lệ nếu được lựa chọn, thông qua theo quy trình hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015. Sau đây là một ví dụ cụ thể về án lệ loại này.
Ông A và bà B là vợ chồng có đăng ký kết hôn hợp pháp, có một con chung là cháu C. Từ năm cháu C lên hai tuổi, bà B ra nước ngoài làm việc, để lại cháu C cho ông A nuôi dưỡng. Đến năm cháu C lên 7 tuổi, bà B trở về Việt Nam xin ly hôn với ông A và đề nghị được nuôi dưỡng cháu C. Tòa án thành phố H đã giải quyết cho hai người ly hôn, nhưng giao cháu C cho ông A nuôi dưỡng. Sau khi ly hôn, ông A phát hiện thấy bà B đang làm thủ tục đưa cháu C sang nước X cư trú theo diện thường trú với bà B, nên đã làm đơn đề nghị Tòa án quận D, thành phố H cấm bà B thực hiện các hành vi cản trở ông thực hiện quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp cháu C và thay đổi nơi cư trú của cháu C, bao gồm cấm bà B đưa cháu C ra nước ngoài. Tòa án quận D đã thụ lý đơn yêu cầu của ông A. Tại phiên họp giải quyết, Tòa án đã ra quyết định cấm bà B thực hiện các hành vi có mục đích làm thay đổi nơi cư trú của cháu C và cản trở ông A thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc trực tiếp cháu C, bao gồm hành vi đưa và giữ cháu C ở lại nước ngoài với các lý do sau đây:
“Xét yêu cầu của ông A, Hội đồng giải quyết thấy rằng quy định tại Điều 13 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nghiêm cấm việc cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ mình, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Đồng thời, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng đã quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con tôn trọng quyền được nuôi con của mình; cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Trên cơ sở các quy định này, Hội đồng giải quyết thấy rằng ông A là người được Tòa án quận C, tỉnh D giao trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu C theo bản án ly hôn giữa ông và bà B năm 2013. Do đó, ông A là người có quyền quyết định về nơi cư trú của cháu C. Nếu bà B muốn được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu C thì phải nộp đơn yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con và bà B chỉ có quyền này khi được Tòa án cho phép. Vì vậy, khi ông A đang là người được Tòa án giao trực tiếp nuôi dưỡng cháu C thì bà B phải thực hiện nghĩa vụ tôn trọng quyền của ông A và cháu C theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu trên.
Tuy nhiên, Hội đồng giải quyết xét thấy rằng bà B đã cố tình không cho ông A biết việc bà đang làm thủ tục đưa cháu C sang nước X sinh sống theo diện thường trú; không cung cấp địa chỉ nơi bà B cư trú tại nước X khi ông A yêu cầu. Do đó, có cơ sở để khẳng định việc làm nêu trên của bà B là nhằm cách ly cháu C với ông A trên các phương diện: Nơi cư trú, quyền được chăm sóc nuôi dưỡng; đồng thời, là hành vi vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền được nuôi cháu C, quyền cư trú cùng với cháu C của ông A. Để bà B phải tôn trọng quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu C của ông A và quyền được sống chung với ông A của cháu C, thì cần phải buộc bà B chấm dứt mọi hành vi có mục đích làm thay đổi nơi cư trú của cháu C, bao gồm hành vi đưa cháu C ra nước ngoài”.
Như vậy, sự phân tích, lý giải trên đây của Tòa án quận D, thành phố H làm căn cứ cho việc đưa ra phán quyết cấm bà B thực hiện các hành vi có mục đích làm thay đổi nơi cư trú của cháu C đã xác lập một án lệ về bảo vệ quyền của cha, mẹ được trực tiếp nuôi con và quyền của người con được sống chung với cha, mẹ trực tiếp nuôi dưỡng mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Có thể tóm tắt án lệ này như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con theo quyết định của Tòa án chỉ được phép đưa con ra nước ngoài khi có sự đồng ý của mẹ, cha là người trực tiếp nuôi con”.
2. Về việc áp dụng án lệ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015 thì: “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì... tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án”.
Như vậy, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015 nêu trên, để áp dụng án lệ, thì có hai vấn đề phải xác định cho được là các tình tiết khách quan và vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý có giống với các tình tiết khách quan và vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ hay không. Do đó, trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, nguồn gốc của sự giống nhau giữa vụ án dân sự này với vụ án dân sự khác hoặc giữa việc dân sự này với việc dân sự khác là xuất phát từ việc tranh chấp hoặc yêu cầu trong vụ việc dân sự đó phát sinh từ cùng một loại quan hệ dân sự. Tuy nhiên, cho dù phát sinh từ cùng một loại quan hệ dân sự, cần phải khẳng định rằng trên thực tế không có các vụ việc dân sự mà các tình tiết khách quan của vụ việc này lại giống hoàn toàn với vụ việc khác. Do đó, sẽ là phi thực tế nếu cho rằng án lệ chỉ được áp dụng khi và chỉ khi các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự đang giải quyết phải giống hoàn toàn các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ. Ở các nước mà Tòa án áp dụng án lệ để xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, thì theo kết quả nghiên cứu của các học giả nước ngoài, án lệ chỉ được áp dụng khi “các tình tiết khách quan cơ bản” của vụ việc dân sự đang được giải quyết được xác định là tương tự với “các tình tiết khách quan cơ bản” của vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ. Các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc dân sự là các tình tiết chính của vụ việc đó, phản ánh về nội dung mối quan hệ dân sự đang phát sinh tranh chấp hoặc có yêu cầu giải quyết. Nói cách khác, đây là những tình tiết quan trọng làm cơ sở cho yêu cầu của đương sự5. Như vậy, theo tác giả, đây là cách tiếp cận phù hợp nhất để vận dụng trong việc thống nhất nhận thức về hướng dẫn “những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau” tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015. Theo đó, việc áp dụng án lệ chỉ được thực hiện khi vụ việc dân sự đang được giải quyết và vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ được thẩm phán, hội thẩm, hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết thống nhất là có sự tương đồng về các tình tiết khách quan cơ bản. Nếu các tình tiết khách quan cơ bản này chỉ giống nhau một phần hoặc phần lớn thì không được áp dụng án lệ.
Thứ hai, trong mỗi vụ việc dân sự thì các vấn đề pháp lý mà các đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết là khác nhau, theo đó có vấn đề pháp lý thì đã được pháp luật quy định rõ, hướng dẫn chi tiết hoặc có vấn đề pháp lý lại chưa được pháp luật quy định hoặc quy định chưa đủ rõ và chi tiết để thực hiện. Do đó, tùy trường hợp cụ thể mà Tòa án xác định, lựa chọn các quy định cụ thể của pháp luật phù hợp để áp dụng hoặc đưa ra nguyên tắc, đường lối xử lý để giải quyết nếu vấn đề pháp lý trong vụ việc dân sự chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hoặc chưa được pháp luật quy định và các bên không có thỏa thuận. Theo định nghĩa về án lệ tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết số 03/2015, thì án lệ chỉ được xác lập để giải quyết vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến lựa chọn quy định cụ thể của pháp luật để áp dụng mà quy định của pháp luật đó còn có cách hiểu khách nhau hoặc lựa chọn, xác lập nguyên tắc, đường lối xử lý trong trường hợp pháp luật chưa có quy định. Như vậy, khi đã có án lệ, thì thẩm phán, hội thẩm phải xem xét, so sánh vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý với vấn đề pháp lý đã được giải quyết bằng án lệ nhằm tìm ra sự tương đồng hay khác biệt, làm cơ sở quyết định áp dụng hay không áp dụng án lệ đó. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng trên phương diện pháp luật áp dụng, thì án lệ bao gồm hai loại: án lệ về áp dụng pháp luật nội dung và án lệ về áp dụng pháp luật tố tụng. Do đó, tùy từng vụ việc dân sự mà Tòa án áp dụng một trong hai loại án lệ nêu trên để giải quyết. Tuy nhiên, việc phân loại án lệ này cũng chỉ mang tính chất tương đối; bởi lẽ, cũng có một số loại án lệ về áp dụng pháp luật tố tụng được xác lập trên nền tảng các quy định của pháp luật nội dung. Vì vậy, án lệ về pháp luật tố tụng cũng có thể được áp dụng cho các vụ việc dân sự mà quan hệ dân sự phát sinh tranh chấp hay phát sinh yêu cầu trong vụ việc dân sự đó khác với quan hệ dân sự trong vụ việc dân sự đã được giải quyết bằng án lệ nhưng yêu cầu pháp lý cần phải giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý là tương tự với yêu cầu pháp lý đã được giải quyết bằng án lệ.
Tóm lại, để áp dụng được án lệ, thì vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý cần đáp ứng được hai điều kiện: (i) Có sự tương đồng hoặc tương tự về các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc dân sự đang giải quyết với các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; (ii) Vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý cũng tương đồng hoặc tương tự như vấn đề pháp lý đã được giải quyết bằng án lệ.
Để thuận tiện cho việc chỉ ra cách tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng án lệ, tác giả tiếp tục sử dụng các ví dụ nêu tại Phần 1 bài viết này. Cụ thể như sau:
Ví dụ: Giả định rằng vụ án chia di sản thừa kế mà nguyên đơn chứng minh được yếu tố “trở ngại khách quan, không tính vào thời hiệu khởi kiện” nêu tại Phần 1 bài viết này được chọn làm án lệ (Sau đây gọi là án lệ số 1). Những tình tiết khách quan cơ bản của vụ án có án lệ số 1 này là:
a) Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện sau khi thời hiệu khởi kiện đã hết;
b) Thời hiệu mà nguyên đơn có quyền khởi kiện trùng với thời gian chấp hành hình phạt tù của nguyên đơn;
c) Ông nội của nguyên đơn chết trong thời gian mà nguyên đơn đang chấp hành án phạt tù nhưng nguyên đơn không biết được việc này;
d) Trong thời gian chấp hành án phạt tù nguyên đơn không liên lạc được với bị đơn và bị đơn không liên lạc, tiếp xúc với nguyên đơn.
Sau khi có án lệ số 1 nêu trên, giả định rằng có một số vụ án về chia thừa kế sau đây được Tòa án thụ lý để giải quyết:
- Vụ án số 1: Vụ án chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật mà có các tình tiết cơ bản tương tự như các tình tiết cơ bản (a, b, c và d) của vụ án có án lệ số 1.
- Vụ án số 2: Vụ án chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật mà có các tình tiết cơ bản tương tự như các tình tiết cơ bản (a, b và c) của vụ án có án lệ số 1, ngoại trừ các tình tiết nguyên đơn và bị đơn có liên lạc, tiếp xúc với nhau theo chế độ gặp thân nhân nhưng bị đơn thừa nhận không thông báo cho nguyên đơn về việc ông nội của hai người đã chết.
- Vụ án số 3: Vụ án chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật mà có các tình tiết cơ bản tương tự như các tình tiết cơ bản (a và b) của vụ án có án lệ số 1; ngoại trừ các tình tiết nguyên đơn và bị đơn có gặp nhau tại trại giam tỉnh B theo chế độ gặp thân nhân, nhưng nguyên đơn không công nhận là bị đơn có thông báo cho nguyên đơn biết về việc ông nội của hai người đã chết.
- Vụ án số 4: Nguyên đơn vốn là bị hại trong một vụ buôn bán người xuyên quốc gia. Sau một thời gian bị lưu giữ trái phép ở nước ngoài, nguyên đơn được giải cứu về Việt Nam. Trong cùng thời gian mà nguyên đơn bị lưu giữ trái phép ở nước ngoài thì ông nội của nguyên đơn ở Việt Nam chết. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông nội để lại nhưng bị đơn phản đối cho rằng thời hiệu mà nguyên đơn có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế đã hết.
Theo tác giả, trong 4 vụ án nói trên, thì vụ án số 1 áp dụng được án lệ số 1. Bởi lẽ, các tình tiết khách quan cơ bản và vấn đề pháp lý cần giải quyết của vụ án này với các tình tiết khách quan cơ bản và vấn đề pháp lý của vụ án có án lệ số 1 là tương tự như nhau. Theo đó, cả hai vụ án đều phát sinh từ quan hệ về thừa kế tài sản và vấn đề pháp lý cần phải giải quyết là vấn đề thời hiệu khởi kiện đã hết hay chưa.
Đối với vụ án số 2 và vụ án số 3, khả năng áp dụng được án lệ số 1 hay không phụ thuộc rất nhiều vào lý do tại sao bị đơn không thông báo cho nguyên đơn biết ông nội của hai người đã chết cũng như làm rõ được tình tiết bị đơn có thông báo cho nguyên đơn về việc ông nội của hai người đã chết hay không. Bởi lẽ, theo án lệ số 1 thì “trở ngại khách quan” dẫn đến nguyên đơn không biết ông nội của nguyên đơn đã chết là việc nguyên đơn không liên lạc, tiếp xúc được với người thân thích hoặc không có nguồn thông tin khác để biết được ông nội của nguyên đơn đã chết. Trong hai vụ án này (vụ án số 2 và vụ án số 3), nguyên đơn và bị đơn đã có sự liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với nhau. Do đó, về nguyên tắc, không có gì cản trở để nguyên đơn và bị đơn trao đổi với nhau về tình hình, tin tức gia đình và người thân thích.
Đối với vụ án số 4, theo tác giả thì không áp dụng được án lệ số 1. Bởi lẽ có sự khác biệt giữa tình tiết nguyên đơn thi hành án phạt tù và tình tiết nguyên đơn bị giữ bất hợp pháp ở nước ngoài. Tình tiết nguyên đơn bị giữ bất hợp pháp, không thể liên lạc được với người thân thích Việt Nam, với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hay của nước ngoài phải được coi là một ví dụ mới về khái niệm trở ngại khách quan, không tính vào thời kiện kiện quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Dân sự. Có thể nói đây là án lệ mới cho việc làm rõ khái niệm “trở ngại khách quan” quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005.
Trên đây là một số phân tích cơ bản của tác giả về án lệ, việc áp dụng án lệ được hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trên phương diện xét xử, giải quyết vụ việc dân sự. Việc áp dụng án lệ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta cũng như tạo điều kiện cho việc pháp luật được áp dụng thống nhất trong công tác xét xử tại Tòa án. Tuy nhiên, đây là một loại phương thức mới để thực hiện công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử nên trong thời gian tới việc nghiên cứu, áp dụng án lệ là phụ thuộc rất lớn vào kết quả lựa chọn, xác định án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và kỹ năng, kiến thức của thẩm phán, hội thẩm, hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết vụ việc dân sự trong việc áp dụng án lệ.
Vụ hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao
1. Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2015.
2. Nghị quyết số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội “Về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”.
3. Khái niệm trở ngại khách quan tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Dân sự năm 2005 vẫn được giữ nguyên tại khoản 1 Điều 156 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017). Do đó, tác giả viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Dân sự năm 2005 mà không viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 156 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
5. D. Neil MacCorMick and Robert S. Summers (eds), Interpreting Precedents: A Comparative Study (Ashgate Publishing, 1997); James Holland and Julian Webb, Learning Legal Rules (Oxford University Express, 7th 2010); John Carvan, Understanding the Australian Legal System (LBC Information Services, 3rd,1999); Catriona Cook et al (eds), Laying Down the Law (LexisNexis Butterworths, 6th 2005); W Twining and D Miers, How to Do Things with Rules (4th ed, 1999); R Cross and JW Harris, Precedent in English Law (Claredon Press, Oxford, 4th 1991); A MacAdam and J Pyke, Judicial Reasoning and the Doctrine of Precedent in Australia (1998); A Mason, ‘The Use and Abuse of Precedent’ (1988) 4 Australian Bar Review 93; J Lockhart, ‘The Doctrine of Precedent-Today and Tomorrow’ (1987) 2; M Kirby, ‘In Praise of Common Law Renewal’ (1992) 15 New South Wales Law Journal 462; ; Michael Kirby, ‘Precedent, Practice & Trends in Australia’ (2007) 28 Australian Bar Review; Sumner Lobingier C, ‘Precedent in Past and Present Legal Systems’ Michigan Law Review, 1946 (6), 955-996.