Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật).
Giới thiệu nội dung của Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Chỉ dùng một luật sửa nhiều luật khi thực sự cần thiết
Trước câu hỏi về việc áp dụng kỹ thuật lập pháp 1 luật sửa nhiều luật có nên áp dụng thường xuyên hay không, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết kỹ thuật lập pháp dùng 1 luật sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự
|
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, tới đây nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thì việc sử dụng một luật sửa nhiều luật cần cố gắng hạn chế tối đa, không nên lạm dụng, chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách và cũng chỉ nên sử dụng để sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể đã phát hiện, nhận diện đầy đủ, được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Sử dụng kỹ thuật này khá phức tạp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm.
Làm rõ cơ sở để áp dụng 1 luật sửa nhiều luật khi các lĩnh vực được điều chỉnh là khác nhau, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, đây là kỹ thuật lập pháp mới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Theo đó, chỉ sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết, với nhu cầu cấp bách, đặc biệt là sử dụng trong lĩnh vực có quan hệ xã hội gần với nhau.
Trước băn khoăn về việc một luật sửa đến 9 luật gây khó khăn trong việc theo dõi và áp dụng pháp luật của người dân và doanh nghiệp, khó bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ, sau khi Luật được công bố, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản theo đúng quy định của Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cần đọc văn bản hợp nhất. Ví dụ, Luật này sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, thì sau này sẽ tra cứu trong văn bản Luật hợp nhất của Luật Đầu tư, qua đó, dễ dàng phát hiện quy định nào đã được sửa đổi bổ sung và nội dung như thế nào để áp dụng đồng bộ, thống nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ cùng với các bộ quản lý nhà nước có liên quan sẽ tăng cường phổ biến pháp luật, cập nhật đầy đủ thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ các quy định được sửa đổi, bổ sung để từ đó áp dụng đồng bộ, thống nhất trong thực tế. Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan thống tấn báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí phối hợp trong việc thông tin, tuyên truyền để đưa các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật đi vào thực tiễn.
Các đại biểu, phóng viên, biên tập viên tham dự họp báo
|
Tăng cường kiểm soát để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách
Tại họp báo, có ý kiến cho rằng các chính sách được đưa vào trong luật này đều là những chính sách lớn như thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đất đai, thuế và bày tỏ văn khoăn về việc khi Luật được thông qua theo trình tự rút gọn liệu có đảm bảo đánh giá tác động đầy đủ và liệu có tình trạng tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng làm rõ, Luật này chỉ sửa đổi, bổ sung những vướng mắc bất cập lớn đã được phát hiện thời gian qua đã chín, không thể không sửa để khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo.
Luật được thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội nhưng trước đó, trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, là các bộ quản lý nhà nước về các lĩnh vực lớn được sửa đổi, bổ sung trong Luật, tiến hành đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát hiện các khó khăn, vướng mắc. Các chính sách lớn đều đã được các Bộ phụ trách các lĩnh vực đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ. Trước khi báo cáo Chính phủ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành thẩm định cụ thể, chi tiết. Các chính sách đều đã được lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động. Thực tế, Chính phủ đã trình Quốc hội từ tháng 6/2021 nhưng do chương trình kỳ họp cuối năm 2021 có nhiều việc nên Quốc hội đã đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các nội dung chính sách lớn của dự án Luật đã được đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến. Mặt khác, các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật đều nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng sẽ không có nguy cơ phát sinh trục lợi chính sách, bởi các vấn đề đã nhận diện kỹ và cụ thể. Việc áp dụng các quy định này sẽ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trao đổi một số vấn đề các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm liên quan đến Luật được công bố
|
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, việc chống tham nhũng chính sách phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Một quy định của pháp luật rất tốt, nhưng trong quá trình tổ chức thi hành không chặt chẽ, không có cơ chế kiểm soát thì vẫn có khả năng phát sinh tham nhũng chính sách. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ hết sức lưu ý vấn đề này, có biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách./.
Bảo Yến - Nghĩa Đức