Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định, Bộ Tư pháp là một trong những cơ quan đầu tiên chủ động tham gia từ sớm, từ xa vào quá trình chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Từ ngày 28/4/2025, Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ngày 05/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó tập trung vào sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ trưởng thông tin thêm, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã chính thức công bố tài liệu lấy ý kiến rộng rãi từ Nhân dân, các bộ, ngành và địa phương. Ngày 06/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 3883/VPCP-PL về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đối với và các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, Bộ Tư pháp được phân công thực hiện các nhiệm vụ như công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông; tổng hợp xây dựng báo cáo (trong đó có xây dựng Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp chung).
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị này là hết sức cần thiết nhằm triển khai đồng bộ Quyết định số 1355/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng thời quán triệt các đơn vị trong toàn Bộ sớm bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ và chất lượng của nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo về tình hình triển khai nhóm nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết, có 02 nhiệm vụ đã hoàn thành gồm: (i) tham mưu, trình Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ban hành văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai tổ chức lấy ý kiến; (ii) xây dựng văn bản của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, có 02 nhiệm vụ đang triển khai gồm: (i) tổ chức hội nghị (trực tiếp kết hợp trực tuyến) lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; (ii) hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương tổng hợp ý kiến và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp. Đồng thời, có 03 nhiệm vụ sẽ thực hiện tróng thời gian tới gồm: (i) tổng hợp các báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, trình Chính phủ xem xét, thông qua; (iii) tổng hợp các báo cáo của các cơ quan để xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; (iii) tham mưu, chuẩn bị ý kiến của Chính phủ, Đảng ủy Chính phủ về dự thảo Nghị quyết khi được yêu cầu.
Đối với nhóm nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh cho biết, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ (Công văn số 252/PLHSHC-TCBMNN&CV ngày 06/5/2025). Các nhiệm vụ khác sẽ tiếp tục triển khai gồm: (i) tham mưu văn bản của Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương hướng dẫn về công tác truyền thông các nội dung của dự thảo Nghị quyết; (ii) tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bằng các hình thức phù hợp; xây dựng chuyên mục phản ánh, đưa tin về quá trình lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí điện tử Dân chủ và Pháp luật; (iii) tổ chức cuộc họp/hội nghị lấy ý kiến của công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (iv) đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ, các ý kiến của tổ chức, cá nhân gửi về Bộ Tư pháp (nếu có); xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp; (v) tham mưu, chuẩn bị ý kiến cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp với vai trò là Ủy viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; chuẩn bị ý kiến của Bộ Tư pháp/Đảng ủy Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị quyết khi được yêu cầu.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1355/QĐ-BTP và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Đồng chí Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho biết, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã hoàn thành nhiệm vụ tham mưu văn bản của Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương hướng dẫn về công tác truyền thông các nội dung của Nghị quyết. Bên cạnh đó, ngay khi có kế hoạch triển khai lấy ý kiến Nhân dân, Cục đã khẩn trương đưa thông tin lên các cổng, trang thông tin điện tử và mạng xã hội của Cục; đồng thời cung cấp nội dung tới hệ thống trợ giúp pháp lý tại 63 tỉnh, thành phố để tăng cường hiệu quả truyền thông ở địa phương. Cục cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để triển khai các chương trình truyền thông trên diện rộng. Dự kiến sẽ có các hoạt động truyền thông trong chương trình “Quốc hội với cử tri”, các tọa đàm trên VOV Giao thông và VTV1 nhằm lan tỏa rộng rãi nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tới đông đảo người dân.
Về ý kiến đề xuất, đồng chí Tô Thị Thu Hà đề nghị đơn vị chủ trì sớm cung cấp các thông tin cốt lõi, thông điệp trọng tâm cần truyền thông để bảo đảm kịp thời, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Đồng thời, Cục cũng mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và các đơn vị liên quan trong Bộ để đẩy mạnh truyền thông trong phạm vi toàn ngành Tư pháp và các địa phương trên cả nước.
Đồng chí Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, Báo đã xác định rõ việc truyền thông về quá trình lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là một nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện sớm với tinh thần trách nhiệm cao. Chính vì vậy, chuyên mục “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013” đã được thiết lập và duy trì thường xuyên trên các ấn phẩm của Báo. Các hoạt động liên quan đến quá trình tham gia của Bộ Tư pháp cũng như nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp lý, được cập nhật liên tục, nhằm lan tỏa rộng rãi thông tin đến công chúng. Đối với nhiệm vụ phối hợp với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính tổ chức hội nghị (trực tiếp kết hợp trực tuyến) lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ngày 14/5/2025. Công tác chuẩn bị đang được Báo triển khai rất khẩn trương, bao gồm việc xây dựng nội dung truyền thông, lập danh sách đại biểu và tổ chức truyền thông sự kiện.
Về kiến nghị, đề xuất, đồng chí Vũ Hồng Thúy đề nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các đơn vị thuộc Bộ trong việc góp ý cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Trong bối cảnh thời gian lấy ý kiến ngắn, dư luận và giới chuyên môn đang đặc biệt quan tâm đến quan điểm, góc nhìn từ Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối về pháp luật của Chính phủ. Báo Pháp luật Việt Nam đề xuất mỗi đơn vị thuộc Bộ cử lãnh đạo đại diện trực tiếp gửi bài viết, trả lời phỏng vấn hoặc tham gia góp ý đối với các nội dung cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Những ý kiến này sẽ được biên tập, đăng tải trên các nền tảng của Báo để tăng tính lan tỏa, tạo nên không khí thảo luận sôi nổi trong ngành Tư pháp và toàn xã hội. Bên cạnh đó, Báo Pháp luật Việt Nam sẵn sàng làm đầu mối tiếp nhận, biên tập và chuyển tải các ý kiến đóng góp từ các đơn vị qua nhiều hình thức linh hoạt, nhằm đáp ứng tiến độ, yêu cầu về chất lượng và tính kịp thời trong công tác truyền thông của Bộ.
Đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, Tổng cục đã soạn thảo ban hành văn bản hướng dẫn để lấy ý kiến trong hệ thống Thi hành án dân sự, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ và kỳ vọng hoạt động của hệ thống Thi hành án sẽ góp phần lan tỏa công tác lấy ý kiến Nhân dân tại địa phương.
Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ phát biểu tại Hội nghị.
Trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, Văn phòng Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính trong triển khai Quyết định số 1355/QĐ-BTP. Đồng thời, Văn phòng Bộ cũng đã lập nhóm gồm lãnh đạo Văn phòng và đại diện các phòng, ban tham gia vào nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận tinh thần chủ động, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu toàn Bộ, ngành tiếp tục phát huy quyết tâm chính trị cao, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các cấp, các ngành về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị cần triển khai nhanh chóng, đồng bộ theo đúng Kế hoạch của Bộ, với phương châm dân chủ, công khai, minh bạch, tiết kiệm và phù hợp tình hình thực tiễn. Việc tổ chức lấy ý kiến cần đa dạng về hình thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt là khai thác hiệu quả nền tảng VNeID để công chức, viên chức có thể tham gia góp ý dưới cả hình thức tập thể và cá nhân.
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận Hội nghị.
Thứ trưởng lưu ý, hồ sơ lấy ý kiến đã được công bố. Khi triển khai tại đơn vị, các Thủ trưởng cần quán triệt rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu sửa đổi Hiến pháp đó là thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị, tổ chức chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào 08/120 điều, nhưng mang ý nghĩa nền tảng đối với cơ cấu tổ chức và vận hành hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh khối lượng công việc của Bộ Tư pháp trong giai đoạn này là rất lớn và có tính chất đặc biệt quan trọng. Bộ được Chính phủ giao chủ trì xây dựng 02 báo cáo trọng yếu gồm Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp chung phục vụ cho quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và các đơn vị liên quan dốc toàn tâm, toàn lực, làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác tổng hợp ý kiến góp ý vốn là căn cứ để Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Hiến pháp, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm trong từng khâu, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp./.
Hoàng Trung