Toàn cảnh buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, ngày 05/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Cùng ngày, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Ngày 06/05/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 3883/VPCP-PL về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Kế hoạch). Điều này phản ánh tinh thần tiên phong, tính chủ động, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác tổ chức triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và công tác tham mưu xây dựng Báo cáo tổng hợp về kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cần rà soát kỹ lưỡng 10 nhóm nhiệm vụ trong Kế hoạch, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để tháo gỡ, giải quyết nhằm bảo đảm triển khai Kế hoạch đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc các đơn vị gửi ý kiến, đặc biệt từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và toàn hệ thống chính trị, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng là một nội dung trọng tâm cần đặc biệt phải lưu ý. Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì xây dựng báo cáo chính thức trình Chính phủ và Văn phòng Bộ là đơn vị phối hợp tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu từ các cơ quan, các ngành, các cấp. Thứ trưởng nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa do thời gian tổng hợp rất ngắn, chỉ khoảng 02 - 03 ngày. Vì vậy, cần sớm huy động nhân lực, có sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa Kế hoạch của Bộ với Kế hoạch chung của Chính phủ.
Để triển khai cụ thể hơn, Thứ trưởng đề nghị tổ chức “Hội nghị triển khai Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013” do Lãnh đạo Bộ chủ trì với sự tham dự đầy đủ của thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ (dự kiến vào ngày 07/5/2025) nhằm quán triệt, đôn đốc và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ được yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, nêu rõ khó khăn, vướng mắc gặp phải và đề xuất giải pháp..
Công tác truyền thông được Thứ trưởng xác định là một nhiệm vụ then chốt. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý nội dung truyền thông cần rõ ràng, tập trung vào nội dung tổ chức lấy ý kiến.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị sử dụng tối đa hình thức trực tuyến để tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định vai trò chủ động, khẩn trương, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc tổ chức, đôn đốc và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là công việc mang tính chính trị sâu sắc, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong Bộ và các cơ quan ngoài Bộ để hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao./.
Hoàng Trung