Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo về nội dung dự thảo Nghị quyết, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống đường sắt với 08 nội dung cụ thể gồm: (i) huy động nguồn lực và bố trí vốn; (ii) điều chỉnh quy hoạch; (iii) trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt; (iv) quản lý hợp đồng; (v) quản lý chi phí đầu tư; (vi) công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bãi đổ thải và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; (vii) phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ; (viii) bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu tại phiên họp
Đa số các nội dung trong dự thảo Nghị quyết đã được quy định tại các luật như: Luật Quy hoạch; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Đất đai; Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Xây dựng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý nợ công; Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đường sắt; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 188/2025/QH15)... Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu huy động nguồn lực về vốn, tối ưu hóa trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn lớn của thực tiễn thời gian qua, dự thảo Nghị quyết cũng đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề chưa được pháp luật quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa phù hợp.
Về nội dung phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết đã tăng cường phân quyền từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng dự án đường sắt; phân quyền từ Hội đồng nhân dân cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để linh hoạt, chủ động và gắn với thực tiễn triển khai chỉ đạo của Chính phủ và từng địa phương đối với các dự án, đồng thời không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí các nội dung của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế phát triển đường sắt. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau:
(i) Về nội dung Tờ trình, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn để ban hành Nghị quyết, cụ thể: đối với cơ sở pháp lý, cần nêu rõ điều, khoản của các văn bản được sử dụng làm căn cứ pháp lý; nghiên cứu bỏ 03 nghị quyết của Quốc hội gồm Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Nghị quyết số 172/2024/QH15), Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/02/2025 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà nội - Hải phòng (Nghị quyết số 187/2025/QH15) và Nghị quyết số 188/2025/QH15 khỏi cơ sở pháp lý, bởi, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, căn cứ pháp lý của văn bản phải là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; cơ sở thực tiễn cần trình bày rõ hơn để làm nổi bật sự cần thiết về mặt thực tiễn và những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
(ii) Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở tổng hợp nội dung của 03 nghị quyết gồm Nghị quyết số 172/2024/QH15, Nghị quyết số 187/2025/QH15, Nghị quyết số 188/2025/QH15, do đó, để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định nội dung về việc ban hành dự thảo Nghị quyết này nhằm thay thế cho 03 nghị quyết trên.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
(iii) Nội dung khoản 4 Điều 24 dự thảo Nghị quyết chưa có sự thống nhất với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, cụ thể: điều luật này quy định: “trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của Nghị quyết này thì việc áp dụng do người quyết định đầu tư quyết định”, tuy nhiên, khoản 4 Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 lại quy định: “trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nội dung này.
(iv) Khoản 6 Điều 23 dự thảo Nghị quyết quy định về các trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự án được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng quy định về vấn đề tương tự. Mặt khác, 02 dự án luật, nghị quyết này đều sẽ được trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại quy định này, đồng thời giải quyết theo một trong 02 hướng sau: trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn cho rằng, nội dung của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã quy định đầy đủ thì viện dẫn vào Nghị quyết; trường hợp cho rằng phải bổ sung cụ thể hơn thì cần giải trình rõ tại hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, đồng thời thể hiện rõ những nội dung có điểm khác so với Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
(v) Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc “Ủy ban nhân dân thành phố được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan” đã được quy định tại Nghị quyết số 187/2025/QH15 do nội dung này liên quan đến phân quyền cho địa phương, đồng thời bảo đảm tính chủ động của thành phố.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết không chỉ bổ sung một số dự án nằm ngoài phạm vi 03 nghị quyết trước đó (Nghị quyết 172/2024/QH15; Nghị quyết số 187/2025/QH15; Nghị quyết số 188/2025/QH15) mà còn phải phản ánh đầy đủ các chính sách đặc thù, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng lớn của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý việc cập nhật đầy đủ các nội dung của Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 04/5/2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Về sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn sự liên hệ của dự thảo Nghị quyết với Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, bao gồm cả lĩnh vực đường sắt. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm tính kế thừa và đồng bộ với Nghị quyết số 188/2025/QH15.
Về các vấn đề phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nguồn lực tài chính và nhân lực, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải thể hiện, giải trình rõ trong dự thảo Nghị quyết, nhất là đối với các dự án đầu tư tư nhân; việc thiết kế cơ chế mới phải giúp rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục, phù hợp với yêu cầu tại Thông báo số 213/TB-VPCP.
Thùy Dung