Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tú và đồng chí Nguyễn Quang Thái, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, trưởng các tổ chức đoàn thể thuộc Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được ban hành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt sâu sắc đối với Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung.
Theo Bộ trưởng, việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị là kết quả của cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Tổng Bí thư và Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Tư pháp và các đơn vị trực thuộc như Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật... đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ, tham gia xây dựng, đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất quan trọng và tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị xem xét.
Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, cống hiến, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm qua các thời kỳ, những người đã đóng vai trò tiên phong, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Bộ, ngành Tư pháp trong suốt chiều dài lịch sử. Nhờ những nỗ lực và cống hiến đó, Bộ, ngành Tư pháp mới có được vị thế như ngày hôm nay và nhận được sự quan tâm của Đảng, Bộ Chính trị. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng vị thế hiện tại của Bộ, ngành Tư pháp là kết quả của cả một quá trình xây dựng và phát triển. Vì vậy, thế hệ hôm nay cần ý thức rõ sứ mệnh lịch sử của mình để tiếp nối và phát huy.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Về nội dung quán triệt, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo cốt lõi gồm:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Hai là, công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, xây dựng nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Bốn là, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Năm là, đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này.
Từ những quan điểm chỉ đạo này, Bộ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra 03 mốc mục tiêu cực kỳ thách thức: (i) năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật; (ii) năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; (iii) năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN.
Về giải pháp, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra 07 giải pháp cụ thể cần thực hiện gồm: (i) bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; (ii) đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; (iii) tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; (iv) nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; (v) xây dựng giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; (vi) tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (vii) thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, để triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập do đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm Trưởng ban. Thành phần tham gia có đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Đảng ủy Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật; chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Chính trị.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và dự kiến ban hành trước ngày 15/5/2025.
Việc triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ có nhiều thách thức, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách làm, vì vậy, Bộ trưởng đề nghị mỗi đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cần tích cực, chủ động rà soát công việc của mình và đổi mới mạnh mẽ để không bị tụt lại phía sau. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, đa dạng hóa phương thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và phối hợp với các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện. Với sự quan tâm và giao trách nhiệm của Đảng, Nhà nước cùng với truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp, Bộ trưởng kỳ vọng việc triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW sẽ thành công tốt đẹp, tạo ra sự thay đổi sâu sắc cho toàn Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và đất nước nói chung./.
Hoàng Trung