Toàn cảnh phiên họp
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã báo cáo sự cần thiết phải xây dựng chính sách. Theo đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ; sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử đã dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy, việc ban hành Luật Thương mại điện tử sẽ bảo đảm việc lấp đầy các khoảng trống pháp lý trong việc giám sát, kiểm soát lĩnh vực thương mại điện tử.
Đồng chí Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương
Các chính sách trong Luật Thương mại điện tử được xây dựng theo hướng nhằm khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; tạo động lực cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung, hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định 05 chính sách lớn. Cụ thể:
Chính sách 1: xử lý khoảng trống về các khái niệm trong quy định pháp luật hiện hành. Mục tiêu của Chính sách 1 là quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử và bảo đảm hài hòa với các luật hiện hành; đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tạo nền tảng pháp lý minh bạch, thuận lợi cho hoạt động quản lý, thực thi và phát triển thương mại điện tử.
Chính sách 2: quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, nhất là trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống thất thu thuế. Trên cơ sở kế thừa và phát triển từ các quy định hiện hành, mục tiêu của Chính sách 2 là xác định chính những mô hình hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, bảo đảm không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia; quy định đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, không phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản đang có hiệu lực, minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Chính sách 3: thể chế hóa và khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Mục tiêu của Chính sách 3 là tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử và yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử.
Chính sách 4: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng và chứng thực hợp đồng điện tử. Mục tiêu của Chính sách 4 là đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.
Chính sách 5: khuyến khích thương mại điện tử phát triển bền vững. Mục tiêu của Chính sách 5 là thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Tại phiên họp thẩm định, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí đối với các chính sách trong Luật Thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra một số góp ý đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nhằm bảo đảm tính phù hợp, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thương mại điện thử trong mối tương quan với các luật khác.
Đồng chí Phạm Đình Thưởng, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử góp ý tại phiên họp
Góp ý tại phiên họp, đồng chí Phạm Đình Thưởng, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, hoạt động bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream bán hàng, các hoạt động kinh doanh của cá nhân, các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển. Do đó, cần có các quy định quản lý, điều chỉnh các hoạt động trên. Đồng thời, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử; tăng cường quản lý bảo đảm 02 mục tiêu: thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần lưu tâm tới 2 yếu tố: thông tin quảng cáo và hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý tại phiên họp
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung chính sách để bảo đảm bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động hậu kiểm. Đối với Chính sách 2 và Chính sách 3, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát với các quy định pháp luật có liên quan, cân nhắc lại việc định danh người bán hàng qua VNeID.
Đồng chí Nguyễn Nam Tuấn Anh, Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ góp ý tại phiên họp
Đồng chí Nguyễn Nam Tuấn Anh, Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng chính sách trong bối cảnh thị trường giao dịch phát triển rất nhanh như hiện nay. Bên cạnh đó, đồng chí đánh giá cao sự tiếp thu góp ý của Bộ Công Thương, đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp thẩm định, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng chính sách Luật Thương mại điện tử. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn sự cần thiết của từng chính sách cụ thể, tránh trùng lặp hoặc chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành; xác định rõ phạm vi điều chỉnh của các chính sách, mở rộng để bao quát các trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Về tính thống nhất và tương thích với hệ thống pháp luật, Thứ trưởng chỉ đạo cần bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo với các luật, nghị định, thông tư khác như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật Quản lý thuế năm 2019... Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực thương mại điện tử; rà soát kỹ các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính để tránh gây khó khăn, vướng mắc. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tăng cường phối hợp, tham vấn các bộ, ngành có liên quan, cân nhắc kỹ các chính sách về thuế, tài chính, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại điện tử.
Song An