Abstract: This article analyzes the current situation and some limitations in the application of summary procedures in the settlement of criminal cases which have been amended, supplemented and prescribed in the Criminal Procedure Code of 2015, since then, proposes some solutions to overcome those limitations.
1. Dẫn nhập
Thủ tục rút gọn (TTRG) là một thủ tục đặc biệt được quy định trong tố tụng hình sự (TTHS) để rút ngắn về thời hạn tố tụng, giản lược một số khâu, một số thủ tục TTHS nhất định nhưng vẫn bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của TTHS, do cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với người bị buộc tội nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Quán triệt Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được ban hành, kịp thời khắc phục cơ bản những bất cập trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, trong đó, TTRG được hoàn thiện nhằm mục đích:
- Kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
- Giúp các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch của người phạm tội rõ ràng.
- Giúp cho cơ quan THTT không lãng phí thời gian, nhân lực và vật lực.
- Giúp cơ quan có thẩm quyền giảm bớt được khó khăn trong việc tổ chức tạm giữ, tạm giam.
2. Thực trạng và một số hạn chế trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn
2.1. Thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn
Từ đầu năm 2020, đất nước ta đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Để phòng, chống dịch bệnh, Nhà nước ta phải thực hiện nhiều biện pháp và tăng cường nhiều lực lượng chống dịch. Bên cạnh sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn nhân dân trong việc chấp hành giãn cách xã hội để chống dịch, nhiều đối tượng cũng lợi dụng tình hình này để tăng cường hoạt động tội phạm như: Tội phạm ma túy; chống người thi hành công vụ; buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; lừa đảo; đầu cơ các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm để trục lợi; đưa tin không đúng sự thật trên không gian mạng về dịch bệnh; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (giết người, cướp tài sản, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo, trộm cắp tài sản...) diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến nhóm đối tượng nghiện ma túy, “tín dụng đen”, cờ bạc, nợ nần[1]... Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội và làm việc trực tuyến, tội phạm trên không gian mạng, nhất là đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã gia tăng đáng kể; một số hành vi như trốn, chống đối, không chấp hành quy định cách ly, giãn cách xã hội, không khai báo, khai báo y tế gian dối... có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật cần được xác minh, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đứng trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, ngày 06/4/2020, Bộ Công an đã ra Công điện số 03/CĐ-BCA-V01 gửi Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp lựa chọn một số vụ án điểm thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm.
Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó, yêu cầu Tòa án các cấp chủ động phối hợp với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhằm tăng cường áp dụng TTRG để điều tra vụ án nói chung và liên quan đến vi phạm phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, qua đó, nhiều vụ án đã được nhanh chóng điều tra, xử lý, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Chẳng hạn: Vụ Đào Xuân Anh chống người thi hành công vụ ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh - từ khi xảy ra vụ việc đến khi đưa ra xét xử công khai là 06 ngày[2]; vụ Phan Văn Thống chống người thi hành công vụ ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên - từ khi xảy ra vụ việc đến ngày mở phiên tòa xét xử là 05 ngày; vụ Phạm Văn Hiếu chống người thi hành công vụ ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên được giải quyết trong 06 ngày; vụ Trần Minh Luận chống người thi hành công vụ ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên được giải quyết trong 10 ngày; vụ Nguyễn Tấn Thạch chống người thi hành công vụ ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên được giải quyết trong 14 ngày[3]; vụ Ninh Văn Đức chống người thi hành công vụ ở quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội được giải quyết trong 24 ngày[4]…
Qua các vụ án đã được áp dụng TTRG cho thấy: Các cơ quan THTT đã nỗ lực khắc phục những khó khăn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và áp dụng TTRG nói riêng, từ đó, đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ án hình sự, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước; các vụ án áp dụng TTRG đã bảo đảm quy định của pháp luật.
2.2. Một số hạn chế trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc áp dụng TTRG vẫn còn một số hạn chế nhất định đó là: Quy định của pháp luật vẫn còn chung chung gây khó khăn cho cơ quan và người THTT khi áp dụng. Mặc dù tên gọi là “thủ tục rút gọn”, tuy nhiên, trừ thời gian rút gọn còn hầu hết các thủ tục tố tụng hiện nay vẫn áp dụng theo thủ tục chung; số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều[5]; sự phối kết hợp giữa các cơ quan THTT đôi lúc chưa nhịp nhàng…
Các hạn chế trong việc áp dụng TTRG xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: (i) Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể để điều tra, truy tố, xét xử theo TTRG; (ii) Một bộ phận cơ quan và người THTT nhận thức chưa đầy đủ về mục đích và ý nghĩa việc quy định TTRG trong Bộ luật Tố tụng hình sự nên có tâm lý ngại áp dụng TTRG; (iii) Các hoạt động bổ trợ cho quá trình giải quyết vụ án chưa được phối hợp chặt chẽ; (iv) Chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án về áp dụng TTRG.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục rút gọn trong thời gian tới
Để TTRG có thể áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nữa trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về áp dụng TTRG. Thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là 20 ngày, do đó, nếu các thủ tục tố tụng diễn ra đồng bộ, khoa học thì việc kết thúc điều tra trong vòng 20 ngày không gặp nhiều khó khăn (thực tế như vụ án đã nêu ở trên thì từ khi vụ án xảy ra đến khi Viện kiểm sát truy tố là 03 ngày, Viện kiểm sát truy tố và Tòa án quyết định đưa ra xét xử trong cùng 01 ngày, 02 ngày sau đưa ra xét xử công khai, tổng thời gian giải quyết vụ án gói gọn trong 06 ngày). Tuy nhiên, trên thực tế, khi tiến hành thủ tục tố tụng để thu thập chứng cứ lại gặp rất nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian, ví dụ như việc chờ kết quả giám định tài sản nhanh nhất cũng một tuần, có khi kéo dài cả tháng; việc xác minh hoặc chờ kết quả trả lời tiền án, tiền sự của bị can nếu là người trong địa phương thì trong tuần, nhưng nếu là người địa phương khác thì mất cả tháng hoặc lâu hơn.
Hai là, cần rà soát các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xác định cụ thể các tội danh có thể áp dụng TTRG, nhằm kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm. Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xác định 09 tội danh có thể áp dụng TTRG, đó là: Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội buôn lậu (Điều 188); Tội đầu cơ (Điều 196); Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người (Điều 295); Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360). Tuy nhiên, do việc thu thập tài liệu chứng cứ và chứng minh tội phạm rất phức tạp và cần nhiều thời gian nên trong 09 tội danh ở trên, cho đến hiện nay, các cơ quan THTT mới chỉ áp dụng TTRG cho tội chống người thi hành công vụ. Việc xác định các tội danh có thể áp dụng TTRG là cố gắng rất lớn của cơ quan THTT trung ương. Tuy nhiên, để có thể áp dụng TTRG một cách rộng rãi và phổ biến hơn, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan ban, ngành liên quan cần phối hợp rà soát một cách toàn diện các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xác định tội phạm cụ thể có thể áp dụng TTRG.
Ba là, cần sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong việc áp dụng TTRG. Mặc dù, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định thẩm quyền áp dụng cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án ở các giai đoạn tố tụng điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của giải quyết vụ án, thời gian tố tụng rất ngắn và các thủ tục tố tụng phức tạp trong thu thập chứng cứ, nên thực tế muốn xét xử một vụ án theo TTRG, trước tiên phải xuất phát từ cơ quan điều tra, rồi đến sự kiểm sát các hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát, sau đó mới đến Tòa án xét xử. Hơn nữa, đây là một thủ tục đặc biệt nên cần có quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan ban, ngành liên quan. Từ đó, có sự thống nhất hướng dẫn các thủ tục từ khi Cơ quan điều tra áp dụng cho đến khi tổ chức xét xử, từ đó làm cho TTRG phổ biến hơn.
Bốn là, tăng cường điều tra viên, cán bộ điều tra cho Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUCA ngày 26/6/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công an các địa phương đã từng bước tăng cường kiện toàn cho lực lượng công an cấp huyện, công an cấp xã. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng nên số lượng vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện cũng tăng lên. Thực tế cho thấy, Điều tra viên, cán bộ điều tra vừa thụ lý vụ án theo TTRG, vừa tiến hành điều tra các vụ án khác, bên cạnh đó còn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác của đơn vị, trong khi điều tra vụ án theo TTRG với thời gian gói gọn trong 20 ngày, điều tra viên, cán bộ điều tra cần phải chuyên tâm, khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng. Do đó, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện được tăng cường điều tra viên, cán bộ điều tra sẽ giảm áp lực điều tra án, từ đó điều tra viên, cán bộ điều tra mới có thể chuyên tâm cho điều tra vụ án theo TTRG.
Năm là, lãnh đạo cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần chỉ đạo các bộ phận chức năng trong báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo năm cần xây dựng mục về công tác giải quyết vụ án theo TTRG, trong đó, nhận xét rõ về kết quả đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân của việc chưa hoặc ít áp dụng TTRG. Đây chính là một hình thức kiểm tra, giám sát cụ thể nhất trong việc giải quyết các vụ án theo TTRG, qua đó sẽ kịp thời phát hiện những khó khăn, hạn chế trong quá trình giải quyết vụ án, từ đó có giải pháp cụ thể để khắc phục, và áp dụng TTRG phổ biến hơn. Một hình thức khác mà các cơ quan THTT cũng nên nghiên cứu triển khai áp dụng là: “Cơ quan có thẩm quyền hàng năm nên biên tập và xuất bản tuyển tập những vụ án đã áp dụng TTRG trên phạm vi cả nước để điều tra viên, cán bộ điều tra và những người THTT khác nghiên cứu, học hỏi và biết vận dụng”[6], đây là cách làm rất đơn giản vừa là tài liệu nghiên cứu vận dụng, vừa là cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả.
Sáu là, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần phải xây dựng những tiêu chí liên quan đến số vụ áp dụng, số vụ không áp dụng TTRG để đưa vào tiêu chí xét thi đua hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị.
Có thể nhận thấy, qua thời gian áp dụng TTRG theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vào quá trình giải quyết vụ án hình sự đã chứng minh tính ưu việt của TTRG như: Thời gian rút ngắn, thủ tục thuận lợi hơn... Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt đó, thì TTRG cũng còn những hạn chế nhất định khi áp dụng trong thực tiễn. Do vậy, trong thời gian tới, để TTRG có thể áp dụng một cách rộng rãi, đáp ứng yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp thì việc khắc phục những hạn chế nêu trên là yêu cầu tất yếu.
Bảy là, nâng cao nhận thức của điều tra viên, cán bộ điều tra và những người THTT khác. Thực tế, còn một số điều tra viên, cán bộ điều tra cho rằng, việc áp dụng TTRG luôn bị sức ép do thời gian điều tra ngắn, trong khi các thủ tục tố tụng cũng tiến hành gần như vụ án được áp dụng theo thủ tục chung; trong thực tế, việc không áp dụng TTRG cũng không sao, vì có rất nhiều lý do để không áp dụng như vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, vụ án rơi vào ngày nghỉ lễ... nên cứ giải quyết vụ án theo thủ tục chung để có thời gian điều tra vụ án dài hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, thời gian điều tra vụ án theo thủ tục chung dài như thế vẫn còn có trường hợp oan sai xảy ra, trong khi thời gian điều tra vụ án theo TTRG quá ngắn nên có thể bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.
Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Công điện số 03/CĐ-BCA-V01 ngày 06/4/2020, Bộ Công an gửi Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
[2]. http://www.vksquangninh.gov.vn/tin-ho-t-d-ng-xd-nganh/cac-doan-th/3195-vien-kiem-sat-nhan-dan-huyen-tien-yen-phoi-hop-xet-xu-luu-dong-so-hoa-ho-so-truyen-hinh-truc-tuyen-vu-an-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-tai-chot-kiem-soat-dich-covid-19.
[3]. https://vkspy.gov.vn/vksnd-tinh-phu-yen—chu-dong-phoi-hop-ap-dung-thu-tuc-rut-gon-giai-quyet-nhanh-cac-toi-pham-lien-quan-den-phong-chong-dich-covid-19-82_26636.html.
[4]. https://vnexpress.net/ke-gay-su-tai-chot-phong-dich-bi-phat-mot-nam-tu-4359689.html.
[5]. http://www.vksquangninh.gov.vn/tin-ho-t-d-ng-xd-nganh/cac-doan-th/3195-vien-kiem-sat-nhan-dan-huyen-tien-yen-phoi-hop-xet-xu-luu-dong-so-hoa-ho-so-truyen-hinh-truc-tuyen-vu-an-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-tai-chot-kiem-soat-dich-covid-19.
[6]. Bùi Đức Hứa, “Thủ tục rút gọn trong điều tra vụ án hình sự”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.