1. Khái quát chung
Có nhiều khái niệm về thuế, Karl Marx (1818 - 1883) cho rằng “thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy nhà nước, là thủ đoạn đơn giản đến kho bạc thu được tiền hay tài sản của người dân để dùng vào việc chi tiêu của Nhà nước”[1]. Trong phạm vi nghiên cứu về thuế cũng như nội dung điều chỉnh của pháp luật, các chuyên gia pháp luật thuế cũng đã nhận định thuế là một trật tự hòa bình và được thiết lập giữa Chính phủ và xã hội nhằm thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách quốc gia về thuế, không phân biệt giữa các vùng lãnh thổ. Từ đó, có thể khái quát: Thuế là khoản nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Thuế ra đời và phát triển cùng với Nhà nước, là công cụ chủ yếu để Nhà nước thu ngân sách. Do đó, bản chất và công dụng xã hội của thuế gắn với bản chất của Nhà nước.
Với cách nhìn nhận khách quan về thuế, có thể thấy bản chất của thuế là loại quan hệ phân phối gắn với Nhà nước, quan hệ giữa Nhà nước với người nộp thuế. Bản chất này không thay đổi trong những xã hội có chế độ kinh tế, chính trị khác nhau. Bất kể xã hội nào cũng thể hiện quan hệ thu và nộp như nhau[2].
Nhìn rộng ra, có thể thấy, thuế là nghĩa vụ bắt buộc mà Nhà nước quy định cho các cá nhân, tổ chức trong từng hoàn cảnh cụ thể. Thuế có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không có sự phân biệt đối xử về giới tính.
Về bình đẳng giới, đây là một trong những quyền của con người. Phụ nữ có quyền sống theo ý mình và không sợ hãi. Bình đẳng giới cũng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển và xóa đói giảm nghèo. Trao quyền cho phụ nữ giúp cải thiện sức khỏe phụ nữ và năng suất lao động của gia đình và cộng đồng, đồng thời củng cố triển vọng của các thế hệ tương lai.
Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ các quyền con người của mình, có cơ hội đóng góp vào sự phát triển xã hội và được hưởng các kết quả chung[3]. Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới. Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu của thúc đẩy bình đẳng giới là hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định quyền bình đẳng của công dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, bình đẳng giới là vấn đề luôn được ưu tiên đặc biệt. Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Trên thực tế, phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới tồn tại ở hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Sự phân biệt đối xử phổ biến trong một số lĩnh vực: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các cơ hội kinh tế, lãnh đạo chính quyền... Sự phân biệt đối xử này xuất phát từ định kiến phụ nữ có ít quyền tự quyết hơn, ít nguồn lực hơn và ít ảnh hưởng hơn đến các quyết định liên quan đến xã hội và cuộc sống của họ. Nó đặt phụ nữ vào vị trí phải phục tùng và chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới.
Vì vậy, để tiến đến bình đẳng giới trong thực tế, Nhà nước đã đưa ra các chính sách và lồng ghép trong quy định pháp luật. Các quy định pháp luật về thuế cũng không ngoại lệ.
2. Những quy định pháp luật về thuế liên quan đến bình đẳng giới
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, thuế được phân loại thành thuế trực thu và thuế gián thu, có thể kể đến những loại thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài…
Bất bình đẳng giới thể hiện trong mọi sự sắp đặt của nền kinh tế. Do đó, nếu các cam kết về bình đẳng giới vẫn chưa được thể hiện trong các luật thuế, kinh doanh, lao động, tài sản và luật khác có liên quan tới các khía cạnh kinh tế thì bất bình đẳng giới vẫn còn tiếp tục và gây khó khăn cho phụ nữ[4]. Các quy định pháp luật về thuế, ưu đãi thuế và các chương trình hỗ trợ thu nhập nhìn chung không có nhiều tác động đến xóa bỏ mọi hình thức của bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và kinh tế. Nếu các cam kết về bình đẳng giới vẫn chưa được phản ánh trong các quy định về thuế, ưu đãi thuế, phân phối thu nhập, các chính sách về tài khóa sẽ càng gia tăng bất bình đẳng thu nhập và kinh tế.
Mọi loại thuế đều có tác động đến vấn đề giới, tuy nhiên, tác giả sẽ tập trung vào hai loại thuế chính là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, bởi đây là hai loại thuế trực thu quan trọng và có khả năng khắc phục tình trạng bất bình đẳng hơn.
Theo Luật Bình đẳng giới năm 2006 thì: Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng đưa ra các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm biện pháp ưu đãi thuế: “Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật” (điểm a khoản 2 Điều 12). Bộ luật Lao động năm 2019 về chính sách của Nhà nước: “Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế” (khoản 4 Điều 135). Bên cạnh đó, Điều 74 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định về người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ là người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“1. Sử dụng từ 10 lao động nữ đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động.
2. Sử dụng từ 100 lao động nữ đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động.
3. Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên”.
Tuy nhiên, Điều 21 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ…”. Theo quy định này, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhưng phải hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải - đây là những ngành nghề có thể nói là “nặng nhọc”, thường ít có phụ nữ tham gia trực tiếp làm việc thì mới đủ điều kiện được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, có thể nhận thấy sự ưu tiên về thuế thu nhập doanh nghiệp không phải được áp dụng rộng rãi cho toàn bộ các doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ mà chỉ được áp dụng trên phạm vi hẹp của những ngành nghề xưa nay vốn ít có lao động nữ tham gia.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không được hưởng lợi từ quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp này. Nguyên nhân là do các quy trình, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ và số lượng doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu để nhận ưu đãi cũng không nhiều, vì vậy, các doanh nghiệp thường “ngại” hoặc không muốn tiếp cận với chính sách ưu đãi này.
Tại Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ vẫn tiếp tục là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, hơn nữa, điều kiện việc làm “bấp bênh” hơn nam giới. Đa số các ngành nghề mà nam giới được ưu tiên tuyển dụng thường có kỹ năng cao hơn và thu nhập tốt hơn so với hầu hết các công việc dành cho phụ nữ[5]. Vì vậy, đối với thuế thu nhập cá nhân, thuế này có tác động đến nam và nữ khác nhau, mức thu nhập chung của nam giới thường cao hơn nữ giới, nữ giới cũng làm những công việc phi chính thức hay những công việc không được trả lương hoặc trả lương không đúng với sức lao động nhiều hơn nam giới. Chính điều này tác động đến mức tổng thu nhập của nữ giới và việc đóng thuế thu nhập của họ.
Thuế thu nhập cá nhân là thuế được tính trên thu nhập của các cá nhân từ tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác sau khi đã tính các khoản được giảm trừ. Nhìn một cách tổng quan, thuế thu nhập cá nhân tương đối bình đẳng giữa nam và nữ khi bất kể tình trạng hôn nhân hay cơ cấu gia đình, mỗi người có làm ra tiền đều có trách nhiệm khai thuế dựa trên thu nhập của họ và hệ thống này bảo đảm rằng số tiền chịu thuế của vợ, chồng và các thành viên trong gia đình được tách biệt và thu nhập tính thuế cộng dồn cho nhau.
Tuy nhiên, ngay cả với mục đích bảo đảm khả năng đóng thuế, việc giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc vẫn có thể vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới. Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam có quy định về khấu trừ phụ thuộc cho từng người phụ thuộc cụ thể, bao gồm: Trẻ em, thành viên cao tuổi trong gia đình, vợ hoặc chồng phụ thuộc tài chính và các cá nhân có đủ các điều kiện khác. Có hai trường hợp khấu trừ thuế có thể vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới: (i) Trường hợp cá nhân mất khả năng lao động, có thể coi là người tàn tật tham gia các công việc có lương thì vợ hoặc chồng được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng là vợ hoặc chồng theo diện người phụ thuộc. Khoản khấu trừ phụ thuộc này có thể khuyến khích những người mất khả năng lao động bỏ các công việc được trả lương của họ. (ii) Khi cả hai vợ chồng đều có thu nhập, việc áp dụng giảm trừ gia cảnh vẫn có thể gây bất lợi về giới, bởi vì, chỉ được áp dụng một trường hợp giảm trừ cho một người và người được áp dụng thường là người có thu nhập cao hơn - phần lớn khả năng là người chồng.
Cả hai trường hợp nêu trên đều có tác động tiêu cực đến bình đẳng giới đối với phụ nữ thực hiện các công việc có thu nhập tính thuế theo cách khác nhau. Như phân tích ở trên, việc áp dụng giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc như hiện nay sẽ gây phân biệt đối xử với phụ nữ khi họ phải “nhường” giảm trừ cho chồng - người có thu nhập cao hơn. Ngay cả khi vợ và chồng có thu nhập tương đương nhau, việc chỉ một người được áp dụng giảm trừ cũng tạo ra bất lợi cho người vợ hơn. Theo thống kê năm 2016 về các công việc không được trả lương theo giới tại Việt Nam, trung bình người phụ nữ phải dành 314 phút mỗi ngày để làm các công việc nhà, còn nam giới chỉ là 190 phút[6]. Như vậy, ngoài khối lượng thời gian lao động tạo ra thu nhập như nhau, người vợ phải dành thêm một khối lượng thời gian gần gấp đôi người chồng để thực hiện các công việc không được trả lương như chăm sóc nhà cửa, con cái… và người vợ vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân giống chồng, thậm chí là nhiều hơn khi gặp bất bình đẳng giới trong việc áp dụng giảm trừ cho người phụ thuộc.
Nhìn chung, việc giảm thuế suất chung đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp có thể gây ra tác động tiêu cực đối với phụ nữ. Điều này xảy ra khi đối tượng (doanh nghiệp và cá nhân) có thu nhập cao nhưng nộp thuế theo tỷ lệ thấp hơn những người có thu nhập thấp hơn, bởi vì phụ nữ nhìn chung có xu hướng thu nhập thấp và ít hơn nam giới nên việc giảm thuế suất như vậy sẽ có tác động tiêu cực tới phụ nữ nhiều hơn nam giới. Có thể thấy, mức độ bất bình đẳng thu nhập nói chung tăng lên, bất bình đẳng giới trong thu nhập sau thuế cũng tăng lên.
Tuy nhiên, nếu chỉ sửa đổi hệ thống thuế trong nước và quốc tế sẽ không thể xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Các quy định pháp luật, vấn đề thực thi pháp luật và chính sách cần phải được xem xét kỹ lưỡng trong mối liên hệ với bất bình đẳng giới, đồng thời, tất cả các luật thuế, ưu đãi thuế và chi tiêu trực tiếp cũng cần được kiểm tra, xem xét tác động của chúng tới vấn đề bất bình đẳng giới đang diễn ra hiện nay.
3. Một số đề xuất nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong pháp luật về thuế
Để các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam đóng góp được nhiều hơn cho bình đẳng giới và xóa bỏ khoảng cách giới trong thuế, có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần có các biện pháp thu ngân sách thông qua các biện pháp thuế công bằng và tiến bộ, từ đó, có nhiều nguồn lực tài chính hơn để giải quyết bất bình đẳng giới, giúp phân phối lại thu nhập với những công việc không được trả công, phân bổ chi tiêu công hợp lý để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, cung cấp nguồn nhân lực kinh tế, giáo dục, nhân lực cho thị trường và kéo gần khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ. Các mục tiêu bình đẳng giới sẽ đạt được hiệu quả hơn khi chính sách về thuế và chi ngân sách nhà nước được kết hợp để thúc đẩy và đóng góp vào mục tiêu tổng thể về bình đẳng giới thực chất.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn tác động của pháp luật về thuế đến bình đẳng giới cả trên thực tế và lý luận, từ đó, có thể sửa đổi, bổ sung và đưa ra những quy định về thuế phù hợp hơn cho mục tiêu bình đẳng giới của quốc gia.
Thứ hai, giảm bớt quy định pháp luật như miễn thuế và giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và sử dụng lao động thiểu số. Loại bỏ những ưu đãi này sẽ làm cho chính sách thuế đơn giản hơn và giúp giảm bớt việc lợi dụng hành vi trốn thuế. Tất nhiên, với việc thực hiện đề xuất này, cũng cần chuyển việc thực hiện các chính sách ưu đãi thuế sang các hoạt động khác của Nhà nước, như tăng cường tín dụng cho các đối tượng này… Hoặc nếu vẫn áp dụng các quy định pháp luật thuế trong ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thì nên giảm bớt các thủ tục hành chính và mở rộng các nhóm đối tượng ngành nghề được hưởng.
Thứ ba, đối với thuế thu nhập cá nhân, việc giảm trừ thuế cho đối tượng phụ thuộc có thể góp phần bình đẳng giới hơn trong các trường hợp: (i) Khuyến khích áp dụng giảm trừ gia cảnh cho người vợ hoặc chồng có thu nhập thấp hơn nếu có thể, từ đó, tạo động lực cho họ tham gia các công việc được trả lương nhiều hơn. (ii) Đưa ra quy định pháp luật về khoản giảm trừ thuế có thể hoàn lại như nhau cho hai vợ chồng, từ đó sẽ giảm áp lực cho người có thu nhập thấp, hạn chế họ nghỉ các công việc có mức lương thấp để làm các công việc không được trả lương (dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái…). Bên cạnh đó, cho phép mỗi người được tính giảm trừ gia cảnh với tỷ lệ phù hợp với hoàn cảnh gia đình hơn.
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. https://luatminhkhue.vn/thue-la-gi-quy-dinh-phap-luat-ve-thue.aspx, truy cập ngày 11/02/2022.
[2]. https://luatminhkhue.vn/thue-la-gi-quy-dinh-phap-luat-ve-thue.aspx, truy cập ngày 11/02/2022.
[3]. http://laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-vua-la-muc-tieu-vua-la-dong-luc-cua-phat-trien-1311474.html, truy cập ngày 11/02/2022.
[4]. UN Women, Bình đẳng giới và thuế ở Việt Nam: Các vấn đề đặt ra và khuyến nghị, năm 2016.
[5]. http://laodongxahoi.net/phan-biet-nam-nu-trong-tuyen-dung-lao-dong-rao-can-trong-tien-trinh-binh-dang-gioi-1310946.html, truy cập ngày 11/02/2022.
[6]. Actionaid Việt Nam, Công việc chăm sóc không lương tái phân bổ để phát triển bền vững, năm 2016.