Trong đời sống xã hội, khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp mà các bên không thể tự thương lượng, hòa giải thì việc khởi kiện ra Tòa án là một trong những cách thức phổ biến mà các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp và đây cũng là cơ sở để Tòa án khởi động quy trình tố tụng dân sự. Bằng bản án, quyết định của mình, Tòa án giải quyết nội dung tranh chấp, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý, xét xử, đã phát sinh không ít những khó khăn, vướng mắc mà trước hết xuất phát từ những quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, chưa có quy định về vấn đề cần giải quyết… Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ ra một số tồn tại, bất cập của quy định của pháp luật và đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự không nộp chi phí đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng và quyền khởi kiện lại vụ án dân sự. Cụ thể:
1. Quy định của pháp luật về việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự không nộp chi phí đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng
Để làm rõ quy định này, tác giả đưa ra và phân tích Vụ án dân sự thụ lý số 200/2011/TLST-DS ngày 10/6/2011 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất ” với nội dung cụ thể như sau: Theo Công văn số 1531/UB ngày 12/11/2015 của Ủy ban nhân dân xã X, huyện Y, thành phố Z xác minh nguồn gốc phần đất tranh chấp có 03 căn nhà hiện hữu như sau: 01 căn do ông Trần Văn M quản lý, sử dụng; 01 căn nhà do bà Trần Thị M1 quản lý, sử dụng và 01 căn do bà Trần Thị Mỹ H quản lý, sử dụng phù hợp với biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 19/5/2020 ghi nhận phần đất tranh chấp hiện có 03 căn nhà đã được cấp số nhà và 01 số công trình phụ trên đất. Các đương sự trong vụ án cùng xác nhận phần đất tranh chấp đã thay đổi hiện trạng không phù hợp so với Bản đồ hiện trạng vị trí ngày 26/12/2011 của Trung tâm đo đạc bản đồ, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh do Bản đồ hiện trạng vị trí ngày 26/12/2011 không thể hiện 03 căn nhà và một số công trình phụ trên đất tranh chấp. Vì vậy, Tòa án đã ra Thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng số 77/TB-TA ngày 17/11/2020 yêu cầu nguyên đơn là bà Trần Thị T nộp tiền tạm ứng chi phí thực hiện đo vẽ lại hiện trạng phần tài sản trên phần đất tranh chấp.
Ngày 04/4/2023, Tòa án nhân dân huyện Y ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 124/2023/QĐST-DS với lý do nguyên đơn là bà Trần Thị T không nộp tiền chi phí tố tụng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là bà Trần Thị T không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngày 06/4/2023, bà Trần Thị T kháng cáo với lý do: Phần đất tranh chấp của bà đã được Tòa án lập bản vẽ hiện trạng vị trí ngày 26/12/2011, đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ nên Tòa án yêu cầu bà T đo vẽ lại là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà, ngoài ra bà đã lớn tuổi (thuộc diện được miễn án phí), không có thu nhập nhưng chi phí đo vẽ là 21.106.206 đồng phải đóng lại quá lớn đối với bà.
Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 740/2023/QĐ-PT ngày 17/7/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Chi phí đo, lập bản vẽ hiện trạng đất không phải là chi phí tố tụng khác được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 và Mục 2 (các chi phí tố tụng khác) Chương IX Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên cần phải hủy bỏ Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 124/2023/QĐST-DS ngày 04/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Y, giao lại hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Từ ví dụ trên và căn cứ thực tiễn xét xử, có thể thấy, việc đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng và thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ có hai quan điểm chính như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng là một phần của thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ được quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bởi lẽ, thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ mục đích là để ghi nhận và mô tả đúng tính chất, nội dung hiện trạng của đối tượng tranh chấp, thể hiện hình dạng, kích thước, vị trí, số lượng, chất lượng… được thể hiện chi tiết, đầy đủ, toàn diện trong biên bản để cho người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng có cách nhìn, cách tiếp cận về đối tượng cần xem xét nhằm đưa ra được các quyết định rõ ràng, minh bạch.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng và thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ là hai thủ tục tố tụng hoàn toàn khác nhau về trình tự, thủ tục và được thực hiện bởi đơn vị có chức năng chuyên môn theo yêu cầu của đương sự hoặc Tòa án. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng không quy định về thủ tục cũng như chi phí đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng này.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất rằng, việc đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng là một phần của thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ được quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bởi lẽ, biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ phải ghi nhận tại thời điểm xem xét, thẩm định tại chỗ đất tranh chấp, các công trình, hiện vật có trên đất tranh chấp có hiện trạng thế nào? Tứ cận, vị trí, tọa độ ra sao? Diện tích là bao nhiêu?… Đó là những thông tin quan trọng để thi hành án nên cần phải được xác định một cách cụ thể, chi tiết và toàn diện nhất được thực hiện bởi đơn vị và bằng thiết bị chuyên môn, mà mắt thường không thể xác định được. Tại thời điểm đó, đơn vị đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng cung cấp sơ bộ cho thẩm phán để ghi vào biên bản, rồi sau đó phát hành bản vẽ hiện trạng để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đối chiếu bản vẽ và biên bản xem xét, thẩm định để tránh sai sót như tình huống nêu trên. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận. Nếu cho rằng việc đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng và thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ là hai thủ tục khác nhau, đương sự chỉ nộp tiền xem xét, thẩm định tại chỗ mà không nộp tiền tạm ứng chi phí đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng như vụ án nêu trên thì Tòa án không được đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nếu tiếp tục giải quyết thì vụ án không đủ căn cứ để tuyên án hoặc tuyên án thông qua các tài liệu, chứng cứ gián tiếp (sổ mục kê, đơn kê khai, giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất, giấy chứng nhận do chế độ cũ cấp...) không đúng với hiện trạng tại thời điểm giải quyết tranh chấp về vị trí ranh giới đất, tọa độ, tứ cận, diện tích nhà đất tranh chấp, sai số lớn so với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nêu trên, dẫn đến bản án, quyết định thiếu chính xác, khó thi hành án, hoặc bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới dễ bị Tòa án cấp trên hủy với lý do cần xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả cho rằng, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ phải bao gồm chi phí chi trả cho đơn vị thực hiện đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng. Do đó, khi ra thông báo nộp tiền chí phí xem xét, thẩm định tại chỗ, thẩm phán phải dự trù tổng chi phí bao gồm chi phí đo, lập bản vẽ sơ đồ hiện trạng để yêu cầu đương sự phải nộp và bảo đảm các thủ tục được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về quyền khởi kiện lại vụ án dân sự
Chi phí tố tụng là số tiền cần thiết và hợp lý mà đương sự phải nộp theo yêu cầu của Tòa án trước khi thụ lý vụ án, trong quá trình tiến hành tố tụng và kết thúc vụ án chuyển sang giai đoạn thi hành án được pháp luật quy định, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đương sự với yêu cầu khởi kiện của mình. Các chi phí tố tụng bao gồm: (i) Án phí, lệ phí (Điều 1 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Mục 1 Chương IX Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) được thu nhằm mục đích bù đắp một phần chi phí mà Nhà nước đã sử dụng cho hoạt động chung của Tòa án để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, xác lập quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. (ii) Các chi phí tố tụng khác (Mục 2 Chương IX Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) là những chi phí không phải là án phí hay lệ phí và chỉ bao gồm các loại chi phí như sau: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định (Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) được thu nhằm mục đích chi trả cho cá nhân, hội đồng (nhóm người), tổ chức có nhiệm vụ, chức năng chuyên môn thực hiện các thủ tục tố tụng và xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. (iii) Tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, tạm ứng chi phí tố tụng khác là số tiền mà Tòa án tạm tính, yêu cầu đương sự phải nộp để thực hiện các thủ tục tố tụng như thụ lý, ủy thác tư pháp, định giá… làm căn cứ giải quyết vụ án.
Trường hợp đương sự không nộp hoặc nộp không đủ và đúng thời hạn một trong các tạm ứng chi phí tố tụng này thì theo quy định tại điểm đ, g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án đều ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án giữa điểm đ và điểm g trong cùng khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại có sự khác biệt và ảnh hưởng lớn đến đương sự là đó là quyền khởi kiện lại vụ án. Cụ thể:
Tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Theo đó, quyền được khởi kiện lại đối với vụ án đã có quyết định đình chỉ, thuộc các trường hợp được liệt kê như sau: (i) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. (ii) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại. (iii) Đã có đủ điều kiện khởi kiện. (iv) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. (v) Các trường hợp khác theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
Đối với trường hợp (iii) thì tại điểm d khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã cho phép người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án khi người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án bởi nhiều lý do, trong đó, đương sự có khó khăn về kinh tế không thể nộp đủ, đúng trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án (khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Mặt khác, ngày 30/12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý đối với cá nhân là người yếu thế thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án... Điều này bảo đảm rằng, mọi người đều có cơ hội yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tăng cường tính dân chủ, công bằng trong xã hội mà không bị hạn chế bởi yếu tố tài chính.
Tuy nhiên, đối với trường hợp đương sự có khó khăn về tài chính như đã nêu trên, vụ án đã được thụ lý nhưng đương sự không thể nộp đủ và đúng thời gian số tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác, Tòa án cũng không thể đợi được đến khi đương sự có đủ tiền để nộp vì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định thời hạn giải quyết vụ án và tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác. Cho nên, buộc Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, trường hợp này, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tác giả cho rằng, quy định này có mặt hạn chế và chưa hợp lý, bởi số tiền tạm ứng chi phí tố tụng khác buộc phải nộp theo yêu cầu của Tòa án đa phần đều lớn hơn số tiền tạm ứng án phí và số tiền tạm ứng chi phí tố tụng khác này thì không thể được miễn, giảm vì nó khác với mục đích thu chi so với án phí, lệ phí Tòa án. Như vậy, vô hình chung sẽ tạo ra tình trạng không công bằng khi đương sự không thể yêu cầu Tòa án một lần nữa bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và mâu thuẫn với các nguyên tắc quy định tại điều 4, 5, 8, 9 Bộ luật Tố tụng dân sự hướng đến.
Vì vậy, tác giả đề xuất, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau: Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c, đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
ThS. Lê Đức Anh
Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
(Ảnh: Internet)
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)