Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, về mặt lý thuyết các nhà làm luật chia năng lực hành vi dân sự của các cá nhân thành các bậc: Người không có năng lực hành vi dân sự, năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị mất năng lực hành vi dân sự và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Về mặt nguyên tắc chỉ có những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới trở thành chủ thể hoàn hảo tham gia giao kết các hợp đồng trong lĩnh vực dân sự nói chung hay văn bản công chứng nói riêng. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, trong một số trường hợp nhất định có thể tự mình đứng ra giao kết một số giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cách thức giao kết giao dịch dân sự có nhiều nét mang tính đặc thù. Do hiện tại, những nội dung của pháp luật có liên quan được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Bộ luật Dân sự năm 2005,… tồn tại một vài điểm chưa tương thích, thiếu thống nhất, nên công chứng viên khi hành nghề còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số tháng 3 (264) năm 2014 xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Bàn về chủ thể là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi trong hoạt động công chứng” của tác giả Tuấn Đạo Thanh và Đặng Trung Kiên. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích hiện trạng pháp luật và những khó khăn thường gặp khi các công chứng viên tiến hành giải quyết các yêu cầu công chứng có đối tượng tham gia giao kết là người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi.
Như Quỳnh