1.1. Phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan hành chính nhà nước là yêu cầu có tính nguyên tắc trong việc thực hiện chức năng của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước
Theo dõi thi hành pháp luật là một nội dung của việc tổ chức thi hành pháp luật. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước mà đứng đầu là Chính phủ - cơ quan thực hiện quyền hành pháp[1]. Hiến pháp năm 2013 đã tạo dựng cơ sở pháp lý cho việc phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Trước hết, Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp có những nhiệm vụ “tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước” (khoản 1 Điều 96); Thủ tướng Chính phủ “lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật” (khoản 1 Điều 98) và theo quy định của khoản 1 Điều 99 Hiến pháp năm 2013, với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc”.
Đối với chính quyền địa phương, Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương”. Cụ thể hơn, Ủy ban nhân dân với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao (Điều 114 Hiến pháp năm 2013).
Trên cơ sở Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa một bước về các vấn đề liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật nói chung và theo dõi thi hành pháp luật nói riêng. Điều 32 và Điều 33 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, luật đã xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật trên địa bàn. Điều này được thể hiện rõ trong rất nhiều điều, khoản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 như Điều 21, Điều 22, Điều 28, Điều 29…
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) quy định nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, bên cạnh việc xác định phạm vi, trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật, nghị định cũng đã làm rõ một trong số những nguyên tắc của việc thực hiện hoạt động này là “bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định” (khoản 4 Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP).
Như vậy, có thể nói rằng, các cơ quan hành chính nhà nước ở những mức độ khác nhau đều có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Vì vậy, ở góc độ chung nhất, để hoạt động này được thống nhất, mang lại hiệu quả cao nhất góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ này là rất cần thiết.
1.2. Phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta đã được Hiến pháp năm 2013 xác định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2). Để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc này, các cơ quan khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình cần phải có sự phối hợp để bảo đảm hiệu quả của việc thực thi quyền lực nhà nước. Vì thế, việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong theo dõi thi hành pháp luật là một trong những nội dung thể hiện sự tuân thủ nguyên tắc của việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.
Trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp mà một trong những nội dung của nó là tổ chức thực hiện pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Để thực hiện chức năng của mình, Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho các cơ quan khác nhau trong bộ máy hành chính khi thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cũng thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp[2]; Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[3]. Nhiệm vụ của các cơ quan này là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo việc quyền con người, quyền công dân… Tuy nhiên, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là các cơ quan trong bộ máy nhà nước, vì thế, các cơ quan này vừa thực hiện chức năng quản lý theo phạm vi thẩm quyền của mình, vừa thực hiện chức năng của các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện quyền tư pháp theo quy định của pháp luật. Công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước cũng được thực hiện gắn với hai vai trò đó. Do vậy, sự phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong theo dõi thi hành pháp luật cũng gắn với những nội dung này.
1.3. Phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong theo dõi thi hành pháp luật, bảo đảm kết quả công tác theo dõi thi hành pháp luật được toàn diện
Một trong những nguyên tắc cơ bản của theo dõi tình hình thi hành pháp luật là “huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân”[4]. Nguyên tắc này bắt nguồn từ cơ sở “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[5]; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”[6]. Việc ghi nhận nguyên tắc “huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân” thể hiện vai trò to lớn của các chủ thể khác trong xã hội đối với công tác này.
Nội dung quan trọng nhất của theo dõi thi hành pháp luật là thu thập và xem xét, đánh giá việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội để giúp các cơ quan nhà nước điều chỉnh, cải cách nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật cũng như góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Một trong số những kênh thông tin giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đánh giá chính xác được hiệu quả của pháp luật nói chung cũng như hiệu quả của công tác thi hành pháp luật nói riêng là thông tin từ các đối tượng tác động của pháp luật. Người dân là đối tượng tác động trực tiếp của các quy định pháp luật. Trong các mối quan hệ pháp luật khác nhau, người dân tham gia với tư cách là chủ thể của các quan hệ đó sẽ có địa vị pháp lý khác nhau với những quyền và nghĩa vụ pháp lý khác nhau. Trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, những kết quả đạt được cùng với bất cập, hạn chế của công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng như các quy định cụ thể của pháp luật được phản ánh thông qua chính hành vi của các đối tượng này. Vì thế, các thông tin về tình hình thi hành hành pháp luật có được từ các đối tượng này sẽ rất hữu ích.
Ở nước ta hiện nay, mỗi người dân tham gia và là thành viên của một hoặc nhiều tổ chức khác nhau trong xã hội. Đó là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam… Các tổ chức này “đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình”[7]. Ý kiến của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chính là sự tổng hợp ý kiến của những thành viên trong các tổ chức đó. Mặt khác, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tổ chức rất đa dạng ở nhiều phạm vi và cấp độ khác nhau, vì thế, ý kiến của các tổ chức này đối với các vấn đề về pháp luật nói chung và vấn đề thi hành pháp luật nói riêng sẽ phản ánh được tiếng nói của đông đảo các tầng lớp khác nhau trong xã hội, có được thông tin tổng hợp từ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, việc xem xét, đánh giá về công tác thi hành pháp luật sẽ toàn diện hơn.
2. Thực trạng phối hợp theo dõi thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay
2.1. Thực trạng thể chế về cơ chế phối hợp theo dõi thi hành pháp luật
Trong những năm vừa qua, cùng với việc tổ chức thi hành pháp luật, thể chế về theo dõi thi hành pháp luật cũng đã từng bước được hoàn thiện. Trong các quy định về theo dõi thi hành pháp luật, các quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau, giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đều từng bước được thể hiện.
Việc phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan, tổ chức được xác định là một trong những nguyên tắc quan trọng của hoạt động này. Theo đó, Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã xác định nguyên tắc “bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật”[8] và “huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân”[9]. Những quy định chung về nguyên tắc này cho thấy, nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật không phải là nhiệm vụ riêng của hệ thống cơ quan hành chính. Vì vậy, để công tác theo dõi thi hành pháp luật đạt được hiệu quả cao, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức khác nhau trong xã hội là một yêu cầu tất yếu.
Để cụ thể hóa những nguyên tắc nói trên, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP cũng đã xác định trách nhiệm phối hợp giữa các chủ thể cụ thể trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Cụ thể, Điều 18 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Quy định này đã xác định việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức nói chung ở các cấp khác nhau.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhất là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (Thông tư số 14/2014/TT-BTP), để thực hiện cơ chế phối hợp theo dõi thi hành pháp luật, các địa phương đã ban hành quy chế phối hợp theo dõi thi hành pháp luật. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công thương... Đến thời điểm tháng 11/2017, đã có 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố[10].
Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, thể chế về cơ chế phối hợp theo dõi thi hành pháp luật chưa đầy đủ. Một trong những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác theo dõi thi hành pháp luật thời gian qua là thể chế vẫn còn thiếu và yếu. Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác theo dõi thi hành pháp luật là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, trong khi đó, nghị định này chưa điều chỉnh toàn diện công tác theo dõi thi hành pháp luật nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Thêm nữa, nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, nhưng đến nay nhiều cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa ban hành quy chế phối hợp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật[11]. Điều này chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Đặc biệt, các quy định về vai trò, trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng như các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được xác định cụ thể. Điều này làm cho công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khó được triển khai hiệu quả trên thực tế.
2.2. Thực tiễn phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau, giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát, giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội
Việc đánh giá thực tiễn việc phối hợp theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau, giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là công việc rất khó khăn bởi trên thực tế, chưa có một báo cáo cũng như một cuộc khảo sát nào về tình hình phối hợp công tác theo dõi thi hành pháp luật giữa các chủ thể này. Vì thế, đánh giá thực tiễn của cơ chế phối hợp này, tác giả sẽ đánh giá trên cơ sở nghiên cứu kế hoạch triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật của các địa phương, cơ quan, tổ chức.
Trước hết, có thể khẳng định rằng, kể từ khi triển khai Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP, sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được thực hiện khá toàn diện. Điều này thể hiện rất rõ trong kế hoạch triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Nghiên cứu kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các địa phương, đặc biệt là kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thấy, trong nội dung của các kế hoạch này đã xác định rất rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức mà đặc biệt là sự phân công rõ ràng các nhiệm vụ của từng cơ quan hành chính nhà nước.
Điểm đáng lưu ý là không có nhiều kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của các địa phương đã ban hành nêu cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân ở các cấp cũng như sự phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Trong các báo cáo về công tác theo dõi thi hành pháp luật không có con số thống kê hay báo cáo về sự tham gia của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, các báo cáo về công tác theo dõi thi hành pháp luật của địa phương gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp thành báo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm đều có các số liệu liên quan đến công tác xét xử của Tòa án nhân dân. Điều này chứng tỏ rằng, các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và Tòa án nhân dân đã có sự phối hợp nhất định trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Trong các báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trình tại các kỳ họp của Quốc hội đều có rất nhiều nội dung về những vấn đề liên quan đến tình hình thi hành pháp luật. Nội dung của hầu hết các báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu lên rất nhiều bất cập trong công tác thi hành pháp luật và có nhiều kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, dường như, những nội dung này ít được thể hiện trong các báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật của địa phương mà chủ yếu được đưa vào các báo cáo trình Quốc hội.
Tuy vậy, cũng cần thừa nhận rằng, trên thực tiễn, công tác phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, sự phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Ngoài việc tham gia cung cấp các thông tin về tình hình thi hành pháp luật, dường như vai trò của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế phối hợp với cơ quan hành chính nhà nước còn thiếu sự chủ động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của cơ chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật như thể chế chưa hoàn thiện, sự tích cực, chủ động của các cơ quan, đơn vị chưa cao... Trong đó, có thể nói rằng, nguyên nhân quan trọng nhất chính là thiếu những quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật xác lập cơ chế này. Qua nghiên cứu, chúng ta dễ dàng thấy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật mới chỉ tập trung vào xác lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau. Trong đó, các quy định tập trung xác định nội dung cần thực hiện, trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, đơn vị chủ trì các hoạt động này... Điều đó kéo theo tình trạng các kế hoạch triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của địa phương cũng tập trung vào cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau. Trong khi đó, các quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cũng như cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội dường như mới chỉ dừng ở việc xác định trách nhiệm chung, khái quát mà chưa có các quy định cụ thể trong từng hoạt động cụ thể của công tác này như đã trình bày ở trên. Điều này phải chăng là do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật được ban hành bởi các cơ quan hành chính nhà nước nên khó có thể quy định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khác mà đặc biệt Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
3. Một số kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau, giữa cơ quan hành chính với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân và giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, một trong những việc cấp thiết cần thực hiện là hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó, cần lưu ý một số điểm cụ thể như sau:
Một là, các quy định cụ thể về công tác tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật phải được ban hành ở cấp độ là văn bản luật. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi Quốc hội dễ dàng xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác trong bộ máy nhà nước nhất là Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Hai là, trong các văn bản quy phạm pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần phải quy định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đặc biệt là trách nhiệm phối hợp cụ thể của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng như vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Việc các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ quy định một cách khái quát về vai trò, trách nhiệm của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật không chỉ gây khó khăn trong việc các cơ quan nhà nước xây dựng các kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật mà còn trong việc các chủ thể này chủ động trong công tác của mình liên quan đến theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Bộ Tư pháp
[1]. Điều 94 Hiến pháp năm 2013.
[2]. Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[3]. Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
[4]. Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
[5]. Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
[6]. Điều 3 Hiến pháp năm 2013.
[7]. Điều 9 Hiến pháp năm 2013.
[8]. Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
[9]. Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
[10]. Bộ Tư pháp, Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017.
[11]. Bộ Tư pháp, Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017.