1. Quy định pháp luật về hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt
Trên thế giới, có nhiều quốc gia như Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Hungary… quy định các biện pháp như: Ghi âm, ghi hình bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; theo dõi, giám sát bí mật; nghe điện thoại bí mật; chặn và ghi âm các cuộc liên lạc viễn thông và internet; sử dụng trinh sát trực tiếp; sử dụng cộng tác viên bí mật; kiểm tra bí mật nơi ở, nơi làm việc… trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự. Những biện pháp này được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự của quốc gia đó hoặc được tách thành bộ luật riêng nhưng những thông tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp này cũng được sử dụng như những nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng cần có những thay đổi để phù hợp với xu thế chung nhưng vẫn luôn phải bảo đảm các yêu cầu về mặt chính trị. Việt Nam tham gia nhiều công ước quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm; trong đó, có những công ước khi tham gia, Việt Nam đã cam kết sẽ luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt. Vì vậy, việc đưa quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt vào Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) là một yêu cầu mang tính khách quan, tất yếu.
Hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt được quy định trong 06 điều luật cụ thể tại Chương XVI về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thuộc Phần thứ hai về khởi tố, điều tra vụ án hình sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là cần thiết, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng.
Hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223): Thời điểm được bắt đầu áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là sau khi khởi tố vụ án. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp này cho phép ghi nhận hình ảnh với độ phân giải cao, âm thanh chất lượng và những thông tin, tài liệu khác, đồng thời bảo đảm yếu tố bí mật với đối tượng áp dụng và những người không liên quan.
Thứ hai, các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 224): Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với các trường hợp: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là những loại tội phạm có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che dấu tội phạm tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, thiếu hợp tác với Cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hay hiệu quả thấp. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép Cơ quan điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ trực tiếp chứng minh tội phạm, qua đó xác định nhanh chóng, chính xác, toàn diện vụ án, chứng minh tội phạm và người phạm tội, truy nguyên tài sản mà người thực hiện phạm tội đã chiếm đoạt hoặc làm thất thoát.
Thứ ba, thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 225): Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan đến quyền bí mật đời tư của cá nhân nên không thể áp dụng tùy tiện, do vậy, quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung khác của văn bản tố tụng.
Để bảo đảm thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì Công an nhân dân, Quân đội nhân dân cần thành lập cơ quan chuyên trách tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cơ quan chuyên trách cần được biên chế cán bộ kỹ thuật để bảo đảm về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại đã được kiểm duyệt để ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật, thu thập dữ liệu điện tử bí mật. Những người có thẩm quyền quyết định và thi hành quyết định bao gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên ra quyết định và Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, những người trong cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật. Nếu để lộ những thông tin về việc tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tới đối tượng bị áp dụng trong vụ án sẽ khiến đối tượng cảnh giác, tìm cách đối phó, tạo ra những thông tin sai nhằm đánh lạc hướng cơ quan tố tụng.
Thứ tư, thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 226): Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là khoảng thời gian tối đa mà pháp luật cho phép để tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ áp dụng ở giai đoạn điều tra và sau khi khởi tố vụ án nên trong trường hợp vụ án phức tạp đòi hỏi cần thời gian để tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ thì có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.
Thứ năm, sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 227): Thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan tới bí mật đời tư của cá nhân nên cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành quyết định phải phân tích, đánh giá, chọn lọc những thông tin, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội, truy tìm đồng phạm, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, truy nguyên tài sản người phạm tội chiếm đoạt… và sử dụng làm chứng cứ phục vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời; nghiêm cấm việc sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác. Mặt khác, thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ. Đây là nguồn chứng cứ hết sức quan trọng có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm và được sử dụng để giải quyết vụ án. Để bảo đảm và phát huy vai trò kiểm sát các hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt và có cơ sở đánh giá chính xác biện pháp điều tra tố tụng trong giải quyết vụ án có còn cần thiết phải áp dụng tiếp tục hay không. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.
Thứ sáu, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 228): Trong trường hợp khi không cần thiết phải tiếp tục áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hoặc khi có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đối với những vụ án mà Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu để Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.
2. Các điều kiện bảo đảm hiệu quả đối với hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt
Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt còn gặp một số vấn đề khó khăn như: Tiến độ điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm còn chậm; một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện thông qua xác minh từ nguồn đơn thư tố giác của quần chúng và qua thanh tra, kiểm tra; chất lượng hồ sơ tố tụng chưa cao, nhiều vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt, đã từng có vụ án trên 10 năm mà vẫn chưa xét xử được; nhiều bị can, bị cáo bị đình chỉ điều tra hoặc phải thay đổi tội danh trong quá trình truy tố xét xử… Vì vậy, để tiến hành có hiệu quả hoạt động này, các cơ quan có thẩm quyền cần bảo đảm các điều kiện như sau:
Thứ nhất, cần bảo đảm yếu tố bí mật trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt. Khi xem xét áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại, thu thập dữ liệu điện tử) đều phải được bảo đảm bí mật. Điều này phân biệt với các biện pháp điều tra tố tụng thông thường khác quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như: Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 107); thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 196); hỏi cung bị can, trong đó quy định việc hỏi cung bị can phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (Điều 183); nhận biết giọng nói (Điều 191). Các biện pháp điều tra thông thường và các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể có cùng một hoạt động nhưng lại khác nhau về cách thức tiến hành, đối tượng tác động, mục đích sử dụng. Đặc biệt, nếu như các biện pháp điều tra thông thường được tiến hành công khai thì các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được tiến hành bí mật.
Các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền, tội phạm khác có tổ chức thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng. Đây đều là những loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ảnh hưởng đặc biệt lớn đến nền an ninh quốc gia, chế độ chính trị, kinh tế của đất nước. Đa số các đối tượng phạm tội đều cấu kết hình thành băng nhóm, đường dây, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động điều tra. Xét thấy trong quá trình tiến hành điều tra làm rõ các vụ án trên, nếu chỉ sử dụng các biện pháp điều tra tố tụng công khai thì không đạt hiệu quả cao, thậm chí nhiều vụ án có thể rơi vào bế tắc, không chứng minh được hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội. Vì vậy, cần thiết phải tiến hành các biện pháp điều tra bí mật để thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động phạm tội của các đối tượng. Việc luật hóa các biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một bước ngoặt lớn trong quá trình đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nêu trên. Không chỉ vậy, đây cũng là cơ sở, căn cứ pháp lý để Cơ quan điều tra bổ sung vào nguồn chứng cứ chứng minh tội phạm. Quá trình tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt phải được bảo đảm bí mật, không để những người không liên quan biết hoặc tham gia. Vấn đề này đã được quy định tại khoản 4 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Như vậy, số lượng người có liên quan đến việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được giới hạn rất ít.
Khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng nêu: “Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác”. Quy định này thể hiện tính bí mật của các thông tin, tài liệu thu thập được từ việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt cần nghiêm túc bảo đảm yếu tố bí mật, tránh lộ lọt thông tin, tài liệu, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.
Thứ hai, bảo đảm hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt được tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Mọi trình tự, thủ tục khi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã được quy định cụ thể tại các điều 224, 225, 226, 227, 228 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trước hết, chỉ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các loại tội phạm quy định tại Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đồng thời, quá trình tiến hành cần bảo đảm đúng thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của các cơ quan và người tiến hành tố tụng có liên quan. Bên cạnh đó, cần chú ý mối quan hệ phối hợp trong việc phê chuẩn quyết định và thực hiện quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát; mối quan hệ phối hợp trong việc tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt giữa cơ quan điều tra và cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt cũng cần tuân thủ quy định về thời hạn áp dụng, thời gian gia hạn; các trường hợp và thủ tục hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập bằng biện pháp này được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ ba, bảo đảm các điều kiện về phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật khi tiến hành hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt. Về bản chất, khi cơ quan chuyên trách tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đều phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật như: Thiết bị ghi âm, ghi hình; thiết bị, phần mềm nghe lén điện thoại; thiết bị trích xuất dữ liệu điện tử… Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần phải trang bị các phương tiện, thiết bị để phục vụ cho hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời, thiết bị để lưu trữ các thông tin, tài liệu thu thập được từ việc tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng cần được đầu tư, trang bị, bảo đảm lưu trữ được đầy đủ, chính xác. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt sẽ giúp cho hoạt động này được tiến hành khách quan, khoa học, phục vụ thu thập thông tin, tài liệu cho quá trình chứng minh tội phạm đầy đủ, chính xác.
Thứ tư, bảo đảm các điều kiện về mặt con người trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt. Yếu tố con người trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt được hiểu là những người có thẩm quyền trong hoạt động này, bao gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cùng cấp; cán bộ thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; cán bộ kỹ thuật tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Những người tham gia hoạt động tố tụng này đều phải bảo đảm đúng thẩm quyền, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trong quá trình tiến hành, cần tránh việc xảy ra sai sót, lộ lọt thông tin, tài liệu. Lưu ý, biện pháp thu thập bí mật dữ liệu điện tử đòi hỏi cơ quan chuyên trách phải cử cán bộ có trình độ chuyên môn về khoa học kỹ thuật, điện tử viễn thông để có thể thực hiện biện pháp này. Đồng thời, việc thực hiện hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan chuyên trách thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Việc bảo đảm yếu tố con người góp phần thực hiện có hiệu quả quá trình tiến hành hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ năm, bảo đảm thực hiện tốt hoạt động kiểm sát điều tra trong quá trình tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ngoài việc có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động điều tra vụ án hình sự thì còn liên quan trực tiếp đến bí mật đời tư cá nhân. Vì vậy, việc bảo đảm hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt chỉ phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự là rất cần thiết, tránh việc lợi dụng thực hiện biện pháp này vào mục đích khác. Bảo đảm thực hiện tốt hoạt động kiểm sát trong quá trình tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt góp phần giúp hoạt động này diễn ra khách quan, đúng quy định của pháp luật. Hoạt động kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát được thực hiện từ khi cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gia hạn áp dụng, sử dụng thông tin, tài liệu, kết quả đến khi hủy bỏ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
TS. Nguyễn Trung Kiên
Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)