Công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là một trong những hoạt động quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chức năng nói chung và Cơ quan điều tra (CQĐT) trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói riêng. Thực hiện tốt công tác này, CQĐT góp phần xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, mọi hành vi phạm tội đều bị khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiệu quả công tác này chưa cao. Tình trạng vi phạm pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT vẫn còn xảy ra nhưng chưa có biện pháp khắc phục một cách hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là về mặt nhận thức của một số lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ các cấp vẫn còn chưa đầy đủ, toàn diện và chưa thống nhất về khái niệm và đặc điểm pháp lý của tố giác, tin báo về tội phạm, dẫn đến việc vận dụng vào thực tiễn còn khác nhau. Với mong muốn thống nhất nhận thức, nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
1. Khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm
Hiện nay, trong khoa học pháp lý và khoa học điều tra hình sự có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm.
Quan điểm thứ nhất, xác định chỉ có tin báo do quần chúng nhân dân, phương tiện truyền thông, cơ quan, tổ chức cung cấp, kiến nghị về/hoặc liên quan đến tội phạm mới là tố giác, tin báo về tội phạm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, mọi thông tin liên quan đến tội phạm đều là tin báo, tố giác về tội phạm.
Quan điểm thứ ba nêu, “tố giác về tội phạm là việc công dân tố giác về hành vi tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, còn tin báo về tội phạm là những thông tin về tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự do cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội cung cấp cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết; do các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên hoặc do người phạm tội tự thú”[1].
Quan điểm thứ tư cho rằng, “tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện, tố cáo người phạm tội hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 100, Điều 101 và Điều 103 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[2]. Tin báo về tội phạm là việc các cơ quan, tổ chức báo tin hoặc đăng tin có nội dung phản ánh về tội phạm xảy ra cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 2, 5 Điều 100, Điều 101 và Điều 103 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003”[3].
Trái lại, có quan điểm xác định rằng, không thể phân biệt giữa tin báo và tố giác về tội phạm. Hoặc, có quan điểm đưa ra khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm không rõ đối tượng thực hiện hành vi. Theo quan điểm này, người báo tin, tố giác và kể cả CQĐT tiến hành xác minh nhưng cũng không xác định rõ ai là đối tượng gây ra. Ví dụ, một người đến CQĐT trong Công an nhân dân trình báo bị kẻ trộm đột nhập vào nhà lấy trộm 20.000 USD nhưng không xác định được ai là người đã trộm số tiền ấy. Sau đó, tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu CQĐT cũng không xác định được đối tượng nghi vấn. Cách hiểu này không đúng với bản chất của tố giác, tin báo về tội phạm. Bởi lẽ, dù rõ hay không rõ đối tượng, đó vẫn là tố giác, tin báo về tội phạm. Với cách hiểu trên, dễ dẫn đến tình trạng các CQĐT không tiếp nhận, giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm loại này và hệ quả của nó là việc đánh giá tình hình tội phạm chưa chính xác, bỏ sót tội phạm.
Một quan điểm nữa cũng không phân biệt rõ tố giác về tội phạm với tin báo về tội phạm. Đó là, tại Thông tư liên ngành số 03/TT-LN ngày 15/5/1992 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan (Thông tư liên ngành số 03/TT-LN) về hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã nêu: “Tin báo và tố giác về tội phạm là những thông tin về tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự do công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (gọi tắt là người, cơ quan, tổ chức) cung cấp cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết; do các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên hoặc do người phạm tội tự thú”. Khái niệm này có nhiều điểm chưa phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì chủ thể của tố giác về tội phạm chỉ có thể là cá nhân; chủ thể của tin báo về tội phạm chỉ có thể là cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức ở đây được hiểu là bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 lại không quy định cụ thể thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm.
Nhìn chung, các quan điểm trên chưa nêu rõ, đầy đủ về khái niệm tin báo và tố giác về tội phạm, chưa phân biệt rõ tố giác và tin báo, hoặc là nhấn mạnh tiêu chí không thuộc nội hàm của khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm. Chính vì vậy, ngày 02/8/2013 liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT). Tại khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT về giải thích từ ngữ đã xác định: “Tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết. Tin báo về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết”.
Tuy nhiên, đến Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong phần giải thích thuật ngữ không nêu thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm, vì các khái niệm này đã được quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể, khoản 1 và khoản 2 Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng”.
Theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, chủ thể của tố giác về tội phạm phải là công dân, nhưng trên thực tế, tố giác về tội phạm không chỉ do công dân Việt Nam, mà còn do người nước ngoài cung cấp. Do đó, nếu chỉ quy định công dân Việt Nam mới có quyền tố giác tội phạm là chưa đầy đủ. Khắc phục được thiếu sót này, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã thay thế “tố giác của công dân” thành “tố giác của cá nhân” để mở rộng diện người tố giác về tội phạm. Cá nhân ở đây bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài. Đối với tin báo về tội phạm, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định gồm có tin báo của cơ quan, tổ chức và tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, tin báo là thông tin về vụ việc phạm tội, ngoài cơ quan, tổ chức báo tin, thì cá nhân cũng báo rất nhiều tin về vụ việc mà mình biết cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã bổ sung cả tin báo về tội phạm của cá nhân[4].
2. Đặc điểm pháp lý của tố giác, tin báo về tội phạm
Tố giác, tin báo về tội phạm là những thông tin đầu tiên về tội phạm được phản ánh qua những nguồn tin khác nhau (như: (i) Tổ chức công tác trực ban hình sự để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; (ii) Theo dõi, thu thập tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; (iii) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; (iv) Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật để thu thập, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; (v) Lập “Hòm thư tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm”; (vi) Lập “Hộp thư điện tử tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan chức năng” trên trang thông tin điện tử; (vii) Lập, công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm). Tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Về cả phương diện lý luận và thực tiễn, chúng ta có thể khẳng định tố giác, tin báo về tội phạm mang đặc điểm pháp lý. Bởi lẽ:
Thứ nhất, tố giác, tin báo tội phạm phải được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và phải được cung cấp đến đúng các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận[5].
Thứ hai, tố giác, tin báo về tội phạm là cơ sở không thể thiếu được để các cơ quan chức năng tiến hành trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra. Trong khi đó, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng phải được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật, tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Điều này cũng là một trong những cơ sở để khẳng định tố giác, tin báo về tội phạm mang đặc điểm pháp lý.
Như đã phân tích, tố giác, tin báo về tội phạm là những nguồn thông tin phản ánh về tội phạm được cung cấp cho các cơ quan chức năng, trong đó có CQĐT. Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, thông tin về tội phạm được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập ở tất cả các giai đoạn, bằng những nguồn và biện pháp hợp pháp. Trong số những thông tin này có tố giác, tin báo về tội phạm mà pháp luật tố tụng hình sự quy định là cơ sở và căn cứ để khởi tố các vụ án hình sự.
Tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: (i) Tố giác của cá nhân; (ii) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (iii) Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; (iv) Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; (v) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; (vi) Người phạm tội tự thú”.
Ngoài ra, pháp luật tố tụng hình sự còn quy định rõ các hình thức của tố giác, tin báo về tội phạm một cách cụ thể. Tố giác về tội phạm của công dân đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được thể hiện và ghi nhận bằng những hình thức nhất định: bằng miệng, bằng văn bản, qua điện thoại. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Tố giác bằng văn bản thì cũng phải có chữ ký của người tố giác. Trường hợp tố giác qua điện thoại phải xác định được họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của người tố giác và nội dung tố giác. Chú ý, tố giác nặc danh về tội phạm, không phải là cơ sở để khởi tố vụ án hình sự mà chỉ là cơ sở để kiểm tra những thông tin có trong đơn thư nặc danh bằng cách tiến hành những biện pháp trinh sát và công khai. Kết quả kiểm tra xác minh tố giác nặc danh là cơ sở và căn cứ để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Tin báo về tội phạm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, do những cơ quan, tổ chức này phát hiện trong phạm vi hoạt động của mình hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho CQĐT bằng văn bản. Như vậy, tố giác, tin báo về tội phạm mang đặc điểm pháp lý. Đặc điểm pháp lý của tố giác, tin báo về tội phạm thể hiện:
Một là, tố giác, tin báo về tội phạm rất đa dạng về nguồn và nội dung
Như đã phân tích ở trên, tố giác, tin báo về tội phạm rất đa dạng về nguồn, có thể là tố giác của công dân, tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với từng tội phạm cụ thể thì tin báo, tố giác về tội phạm cũng có những đặc điểm riêng.
Ví dụ, tố giác, tin báo về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người chủ yếu từ phía người bị hại hoặc gia đình của họ. Tố giác, tin báo về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ chủ yếu từ kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phương tiện thông tin đại chúng.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nó xâm phạm đến các khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục... Do vậy, tố giác, tin báo về tội phạm có nội dung rất đa dạng, có tố giác, tin báo phản ánh về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, có tố giác, tin báo phản ánh về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng cũng có tố giác, tin báo vừa phản ánh về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, vừa phản ánh về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia...
Hai là, tố giác, tin báo về tội phạm mang tính cấp bách
Tố giác, tin báo về tội phạm thuộc nguồn tin ban đầu về tội phạm, do vậy nó mang tính cấp bách đối với các cơ quan chức năng khi tiếp nhận tin. Tính cấp bách cao hay thấp của tố giác, tin báo về tội phạm, trong các trường hợp khác nhau là khác nhau. Tính cấp bách ấy phụ thuộc vào khoảng thời gian dài hay ngắn từ thời điểm xảy ra vụ việc đến thời điểm chủ thể phát hiện và cung cấp tin cho các cơ quan chức năng; nội dung phản ánh của tố giác, tin báo về tội phạm. Thực tiễn, công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan chức năng cho thấy, hiệu quả của công tác này cao hay thấp phụ thuộc vào giải quyết yêu cầu về tính cấp bách của tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành khẩn trương các hoạt động điều tra, xác minh, kiến thức, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ cơ quan chức năng, mà nhất là lực lượng điều tra và một số yếu tố khác, như phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, khả năng che giấu tội phạm của đối tượng...
Ba là, tố giác, tin báo về tội phạm thường thiếu chính xác và không đầy đủ
Tố giác, tin báo về tội phạm do công dân, cơ quan và tổ chức cung cấp cho các cơ quan chức năng. Một đặc điểm cần chú ý, những thông tin này thường mang những nhận định chủ quan của chủ thể tố giác, báo tin và xuất phát từ những động cơ, mục đích khác nhau. Có người tố giác, báo tin về tội phạm xuất phát từ ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, có người vì động cơ mục đích khác. Sự hiểu biết, khả năng lưu giữ tin, trình bày của họ về vụ việc liên quan đến tội phạm cũng khác nhau. Chính vì vậy, những tố giác, tin báo ban đầu về tội phạm có nội dung, mức độ phản ánh khác nhau, nhưng thường thiếu chính xác và không đầy đủ. Trong nhiều trường hợp công dân, cơ quan và tổ chức phát hiện tội phạm một cách tình cờ, ngẫu nhiên, không có chủ định từ trước. Mặt khác, khi gây án, bọn tội phạm thường thực hiện với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có những hành vi che giấu, đánh lạc hướng cơ quan điều tra, hoặc do bị xúc động mạnh, hoảng loạn mà chủ thể tố giác, báo tin cho các cơ quan chức năng tri giác không đầy đủ, thậm chí sai lệch về vụ việc đã xảy ra. Chính vì vậy, dẫn đến trường hợp nhận thức và cung cấp tin về tội phạm của họ cho các cơ quan chức năng thiếu chính xác, không đầy đủ.
3. Một số kiến nghị
Một là, cần thống nhất nhận thức về khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm. Theo chúng tôi, trong số các quan điểm về tố giác, tin báo về tội phạm nêu trên thì quan điểm về tố giác, tin báo về tội phạm theo qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 là phù hợp nhất, đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của các quan điểm khác, sửa chữa những thiếu sót trong Thông tư liên ngành số 03/TT-LN, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT về khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm. Chính vì vậy, hơn ai hết lực lượng điều tra trong CAND - một trong những lực lượng chủ yếu được giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cần phải thống nhất nhận thức khái niệm này, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Hai là, cần thống nhất nhận thức tố giác, tin báo về tội phạm mang đặc điểm pháp lý và xác định rõ nội hàm những đặc điểm này. Vì vậy, xác định chính xác đặc điểm pháp lý của tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng, là cơ sở để xác định phạm vi, nội dung xác thực của tố giác, tin báo về tội phạm, chủ thể của các tố giác, tin báo về tội phạm[6], chủ thể và hệ thống các biện pháp, nguyên tắc để tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm đó./.
Công an TP. Cần Thơ
TS. Phan Thị Nhật Tài
Trường Đại học Duy Tân, TP. Đà Nẵng