Ngoài các đặc điểm này, so với các dạng trách nhiệm pháp lý khác của chủ thể kinh doanh đối với người tiêu dùng, trách nhiệm sản phẩm còn có những đặc điểm riêng. Trong phạm vi bài viết, tác giả đã tiếp cận khái niệm trách nhiệm sản phẩm thông qua các góc nhìn, quan điểm khác nhau của các nhà khoa học của các nước để từ đó đưa ra khái niệm chung nhất, đầy đủ nhất, đồng thời phân tích một cách chi tiết về các đặc điểm của trách nhiệm sản phẩm.
1. Khái niệm trách nhiệm sản phẩm
Trong khoa học pháp lý, mặc dù còn có những quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung trách nhiệm pháp lý là những ràng buộc mà chủ thể pháp luật phải tuân thủ và gắn liền với việc áp dụng các chế tài do pháp luật quy định khi chủ thể đó có hành vi vi phạm pháp luật[1].
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do tham gia vào nhiều mối quan hệ pháp lý khác nhau nên các chủ thể kinh doanh cũng phải thực hiện nhiều loại trách nhiệm khác nhau, trong đó có các trách nhiệm đối với người tiêu dùng (NTD). Với quan niệm như trên về trách nhiệm pháp lý, theo tác giả, có thể hiểu trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với NTD là các nghĩa vụ mà chủ thể kinh doanh phải thực hiện theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi NTD và gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi khi vi phạm các nghĩa vụ đó. Trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với NTD bao gồm nhiều loại nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Bộ luật Dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm… Trong đó, trách nhiệm sản phẩm (TNSP) là loại trách nhiệm đặc thù được luật quy định nhằm bảo đảm quyền được an toàn của NTD ở mức cao nhất khi sản phẩm đã thuộc quyền sở hữu của NTD, tránh việc chủ thể kinh doanh chối bỏ trách nhiệm sau khi sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường. Thậm chí, trong nhiều trường hợp chủ thể kinh doanh phải chịu TNSP ngay cả khi họ không có lỗi trong việc làm cho sản phẩm trở nên không an toàn gây thiệt hại cho NTD.
Theo Từ điển Kinh doanh: “TNSP là trách nhiệm của nhà sản xuất (hoặc nhà cung cấp) hàng hóa hoặc dịch vụ về việc bồi thường những thiệt hại xảy ra liên quan đến quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó như bị thương tật hoặc thiệt hại về tài sản” và “bên bị thiệt hại không phải chứng minh lỗi bất cẩn của nhà sản xuất (hoặc nhà cung cấp) vì lỗi này là do các khuyết tật vốn có của sản phẩm”[2] hay theo Từ điển Black’s Law: “TNSP là trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất hoặc nhà bán hàng đối với bất kỳ thiệt hại hoặc thương tích nào mà người mua, người sử dụng hoặc người thứ ba phải gánh chịu do sản phẩm có khuyết tật gây ra” và “TNSP có thể được dựa trên các lý thuyết về sự bất cẩn, trách nhiệm nghiêm ngặt hoặc vi phạm bảo hành”[3]. Như vậy, theo các khái niệm này, TNSP là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH), trong đó chủ thể chịu trách nhiệm là nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và căn cứ phát sinh trách nhiệm là do hàng hóa, dịch vụ có khuyết tật đã gây thiệt hại cho NTD.
Bàn về khái niệm TNSP, A. Mitchell Polinsky và Steven Shavell cho rằng: “TNSP là trách nhiệm của nhà sản xuất đối với các sản phẩm gây thiệt hại cho khách hàng” và “cơ sở pháp lý cho các vụ kiện về TNSP bao gồm trách nhiệm đối với khuyết tật do sản xuất, khuyết tật do thiết kế và không cảnh báo”[4]. Xác định phạm vi chủ thể chịu TNSP và chủ thể yêu cầu BTTH rộng hơn, Paul Stephen Dempsey định nghĩa: “TNSP là trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất hoặc nhà bán hàng đối với bất kỳ thiệt hại hoặc thương tật nào mà người mua, người sử dụng hoặc người thứ ba phải gánh chịu do sản phẩm có khuyết tật của họ cung cấp gây ra”[5]. Có thể thấy, theo các học giả này, TNSP cũng được xác định là trách nhiệm BTTH phát sinh do sản phẩm có khuyết tật đã gây thiệt hại cho NTD. Khuyết tật của sản phẩm có thể phát sinh trong quá trình thiết kế, sản xuất hoặc do không có các cảnh báo cần thiết cho NTD. Thậm chí, theo Viện Thông tin pháp lý của Trường Luật Cornell Hoa Kỳ: “TNSP liên quan đến trách nhiệm của bất kỳ hoặc tất cả các bên trong chuỗi sản xuất của bất kỳ sản phẩm nào đối với thiệt hại do sản phẩm đó gây ra”[6].
Ở một góc tiếp cận khác, theo Marler Clark: “Luật TNSP là chế định pháp luật điều chỉnh việc một người bị thiệt hại bởi một sản phẩm có khuyết tật có thể yêu cầu công ty thiết kế, sản xuất, bán, phân phối, cho thuê hoặc trang bị sản phẩm phải bồi thường cho mình”[7] hay theo David G. Owen: “Luật TNSP điều chỉnh trách nhiệm đối với việc bán hoặc chuyển giao thương mại một sản phẩm gây thiệt hại vật chất vì nó bị khuyết tật hoặc bị thông tin sai về các đặc tính”[8]. Như vậy, theo các học giả này, TNSP được tiếp cận dưới giác độ là một chế định pháp luật, là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của chủ thể kinh doanh đối với những thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật của họ cung cấp gây ra.
Mặc dù quan niệm, quan điểm và cách tiếp cận của các học giả nước ngoài về TNSP còn có điểm khác nhau, nhưng nhìn chung khái niệm TNSP có thể được tiếp cận dưới giác độ là một chế định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD hoặc là một loại trách nhiệm BTTH - trách nhiệm bồi thường của chủ thể kinh doanh đối với thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật của họ gây ra cho NTD.
Ở Việt Nam, hiện nay cũng có nhiều quan niệm về TNSP. Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “TNSP là khái niệm dùng để mô tả nghĩa vụ của người sản xuất hoặc của những người khác trong việc BTTH về người và của hoặc những thiệt hại khác do sản phẩm gây nên”. Theo đó, TNSP là một loại trách nhiệm BTTH. Để làm rõ nét đặc thù của TNSP so với các trách nhiệm BTTH khác, theo Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Trường Đại học Luật Hà Nội: “TNSP là trách nhiệm BTTH do hàng hóa có khuyết tật gây ra ngay cả trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không có lỗi”[9] hay “nội dung cơ bản của chế định TNSP là khi nhà sản xuất, phân phối bán sản phẩm có khuyết tật cho NTD và vì sự khuyết tật ấy mà trong quá trình sử dụng NTD phải chịu thiệt hại thì nhà sản xuất, phân phối sản phẩm phải chịu bồi thường toàn bộ thiệt hại mà NTD đã phải gánh chịu ngay cả khi nhà sản xuất, phân phối không có lỗi trong việc gây ra khuyết tật ấy”[10]. Như vậy, TNSP là một loại trách nhiệm BTTH đặc biệt vì chủ thể kinh doanh phải chịu trách nhiệm ngay cả khi không có lỗi trong việc tạo ra khuyết tật của sản phẩm.
Khác với các quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng, TNSP được hiểu bao gồm nhiều chế độ trách nhiệm khác nhau của chủ thể kinh doanh đối với NTD khi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường, các chế độ trách nhiệm này phát sinh trên cơ sở pháp luật của từng quốc gia. Xét về mặt lịch sử, theo nghĩa hẹp ở các quốc gia phát triển hiện nay, chế định TNSP được hiểu là các quy tắc trách nhiệm nghiêm ngặt áp dụng cho nhà sản xuất (hoặc phân phối) sản phẩm khi sản phẩm có khuyết tật gây ra thiệt hại cho NTD hoặc nạn nhân có liên quan khác. Theo nghĩa rộng, chế định này gồm ba bộ phận cấu thành là chế độ bảo hành sản phẩm, chế độ BTTH ngoài hợp đồng khi nhà sản xuất có lỗi và chế độ BTTH ngoài hợp đồng ngay cả khi nhà sản xuất, phân phối không có lỗi (trách nhiệm nghiêm ngặt)[11].
Qua nghiên cứu các quan niệm, quan điểm về TNSP, tác giả nhận thấy, theo nghĩa chung nhất, TNSP chính là trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra và điểm đặc thù của trách nhiệm này so với các loại trách nhiệm BTTH khác là chủ thể kinh doanh phải chịu trách nhiệm bồi thường ngay cả khi không có lỗi trong việc làm phát sinh khuyết tật của sản phẩm. Tuy nhiên, theo tác giả, khái niệm TNSP tiếp cận từ giác độ này có những hạn chế sau:
Thứ nhất, khái niệm TNSP chưa thể hiện được sự ràng buộc về mặt pháp luật mọi trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với NTD về sản phẩm do mình sản xuất, cung ứng cho thị trường, đặc biệt là những trách nhiệm phát sinh kể từ khi phát hiện khuyết tật của sản phẩm. Trách nhiệm đó thể hiện ở chỗ khi được đưa vào lưu thông trên thị trường, sản phẩm đương nhiên được coi là an toàn, không phụ thuộc vào việc chủ thể kinh doanh có công bố sản phẩm đó an toàn hay không. Với trách nhiệm này, để tránh hoặc giảm thiểu những hậu quả pháp lý mà sản phẩm có khuyết tật gây ra, chủ thể kinh doanh buộc phải nỗ lực tìm mọi cách để loại trừ khuyết tật của sản phẩm ngay từ trong quá trình thiết kế, sản xuất cho đến khi sản phẩm được cung ứng cho thị trường và cả sau khi sản phẩm đến tay NTD. Vì thế, ngay khi phát hiện khuyết tật của sản phẩm, chủ thể kinh doanh có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm trên thị trường, cảnh báo cho NTD, khắc phục khuyết tật của sản phẩm, thậm chí phải thu hồi toàn bộ sản phẩm có khuyết tật và BTTH nếu sản phẩm đã gây thiệt hại cho NTD…
Thứ hai, khái niệm TNSP chưa thể hiện được đầy đủ nội dung của nguyên tắc phòng ngừa và nguyên tắc bảo vệ kịp thời quyền lợi NTD, vì thế chưa thể bảo vệ quyền được sử dụng sản phẩm an toàn của NTD ở mức tối đa. Về vấn đề này, theo các chuyên gia của Pháp, thì vấn đề đảm bảo an toàn sản phẩm cần thiết phải áp dụng nguyên tắc phòng ngừa[12]. Theo đó, các quy định về TNSP phải có ý nghĩa phòng ngừa, TNSP không chỉ được nhìn nhận ở nghĩa vụ BTTH mà còn ở nghĩa vụ phòng ngừa không để xảy ra thiệt hại.
Như vậy, không thể chỉ hiểu một cách đơn giản TNSP là trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra mà nó phải bao gồm cả những loại trách nhiệm khác nhằm phòng ngừa sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho NTD, nhất là khi sản phẩm đã thuộc quyền sở hữu của NTD như các trách nhiệm ngừng cung cấp sản phẩm trên thị trường, cảnh báo NTD, khắc phục khuyết tật của sản phẩm, thu hồi sản phẩm có khuyết tật… Các trách nhiệm này phát sinh trên cơ sở quy định pháp luật của từng quốc gia và phát sinh kể từ thời điểm phát hiện khuyết tật của sản phẩm.
Thứ ba, với quan niệm TNSP là một loại trách nhiệm BTTH thì cũng như các chế độ trách nhiệm BTTH khác, TNSP chỉ đặt ra khi sản phẩm có khuyết tật đã gây thiệt hại cho NTD, còn nếu chưa xảy ra thiệt hại TNSP sẽ không được đặt ra. Nói cách khác, sự tồn tại thực tế của khuyết tật có thể không làm phát sinh TNSP nếu như không có thiệt hại thực tế xảy ra. Trong khi đó, nếu sản phẩm có khuyết tật thì cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đã trở nên không an toàn và có khả năng gây thiệt hại cho NTD và do đó để bảo vệ quyền lợi NTD thì các chủ thể kinh doanh phải thực hiện ngay các trách nhiệm theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm phát hiện khuyết tật của sản phẩm.
Thứ tư, theo nghiên cứu của nhiều công trình khoa học, chế định pháp luật về TNSP của các quốc gia được xây dựng chủ yếu dựa trên các học thuyết về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm, học thuyết về sự bất cẩn và học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt. Do đó, nếu xây dựng khái niệm TNSP gắn liền với đặc điểm các chủ thể kinh doanh phải chịu trách nhiệm bồi thường ngay cả khi không có lỗi trong việc tạo ra khuyết tật của sản phẩm thì khái niệm này chưa có tính khái quát cao, chưa bao quát được hết mọi trường hợp của TNSP.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, theo tác giả, khái niệm TNSP cần được tiếp cận theo hướng sau:
Theo nghĩa rộng, TNSP là tổng hợp các nghĩa vụ mà chủ thể kinh doanh phải tuân thủ nhằm bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm an toàn cho thị trường và gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi khi vi phạm các nghĩa vụ đó hoặc khi sản phẩm mà họ sản xuất, cung ứng cho thị trường được xác định là không bảo đảm an toàn.
Các nghĩa vụ này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật và trong tất cả các giai đoạn kể từ khi thiết kế, sản xuất cho đến khi phân phối sản phẩm cho NTD và ngay cả sau khi sản phẩm đã thuộc quyền sở hữu của NTD nhằm mục đích bảo vệ quyền được an toàn của NTD theo các nội dung được quy định trong Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về bảo vệ NTD[13]. Theo đó, Chính phủ nên áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng các biện pháp phù hợp, bao gồm những hệ thống pháp lý, những quy định về an toàn, các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế, các tiêu chuẩn tự nguyện và lưu trữ hồ sơ an toàn để đảm bảo sản phẩm là an toàn cho dự định sử dụng hoặc cho các mục đích sử dụng thông thường khác có thể thấy trước. Các chính sách cần đảm bảo hàng hóa được sản xuất bởi các nhà sản xuất là an toàn cho dự định sử dụng hoặc cho các mục đích sử dụng thông thường khác có thể thấy trước. Những người chịu trách nhiệm đưa hàng hóa ra thị trường, đặc biệt là nhà cung cấp, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ cần phải đảm bảo rằng những hàng hóa này sẽ không trở nên không an toàn và nguy hiểm do việc quản lý hoặc lưu trữ không đúng. NTD cần được hướng dẫn sử dụng hàng hóa đúng cách và được thông báo về những nguy hiểm liên quan đến dự định sử dụng hoặc cho các mục đích sử dụng thông thường khác có thể thấy trước. Các chính sách cần đảm bảo nếu nhà sản xuất hoặc nhà phân phối phát hiện được các mối nguy hiểm không lường trước, sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường, họ phải thông báo ngay cho NTD và các cơ quan quản lý có liên quan. Chính phủ cần áp dụng các chính sách theo đó, nếu sản phẩm bị phát hiện có khuyết tật nghiêm trọng và/hoặc tạo thành mối nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí ngay cả khi được sử dụng đúng, nhà sản xuất và/hoặc nhà phân phối cần phải thu hồi và thay thế hoặc sửa đổi, hoặc thay thế một sản phẩm khác. Nếu không thể làm điều này trong một khoảng thời gian hợp lý thì NTD cần được bồi thường thỏa đáng.
Theo nghĩa hẹp, TNSP là tổng hợp các trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với NTD do pháp luật quy định, phát sinh kể từ thời điểm sản phẩm mà họ sản xuất, cung ứng cho thị trường được xác định là không bảo đảm an toàn. Như vậy, TNSP không bao gồm tất cả mọi nghĩa vụ mà chủ thể kinh doanh phải tuân thủ nhằm bảo đảm sự an toàn của sản phẩm khi cung ứng cho thị trường mà chỉ bao gồm các nghĩa vụ, trách nhiệm đặt ra đối với chủ thể kinh doanh kể từ thời điểm sản phẩm mà họ đưa vào lưu thông trên thị trường được xác định là không đảm bảo an toàn cho NTD (có khuyết tật). Về bản chất, đó là hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất mà các chủ thể kinh doanh phải gánh chịu nhằm khắc phục những vấn đề xảy ra do họ đã sản xuất, cung ứng các sản phẩm không đảm bảo an toàn cho NTD. Các nghĩa vụ, trách nhiệm này được quy định khác nhau trong pháp luật về TNSP của mỗi quốc gia nhưng thường bao gồm các trách nhiệm ngừng cung cấp sản phẩm có khuyết tật, cảnh báo NTD về khuyết tật của sản phẩm, thu hồi sản phẩm có khuyết tật, khắc phục khuyết tật của sản phẩm, BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra… Các trách nhiệm này phát sinh kể từ thời điểm phát hiện ra khuyết tật của sản phẩm.
2. Đặc điểm của trách nhiệm sản phẩm
TNSP là một dạng trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với NTD, vì thế nó cũng mang các đặc điểm chung của loại trách nhiệm này như: (i) Là trách nhiệm do pháp luật quy định, thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ thể kinh doanh với NTD; (ii) Phát sinh trong mối quan hệ với NTD; (iii) Có xu hướng bất lợi đối với các chủ thể kinh doanh, tùy thuộc vào hành vi vi phạm mà các chủ thể kinh doanh phải gánh chịu những chế tài khác nhau. Ngoài các đặc điểm này, so với các dạng trách nhiệm pháp lý khác của chủ thể kinh doanh đối với NTD. TNSP có những đặc điểm riêng sau:
Thứ nhất, chủ thể thuộc diện chịu TNSP rất đa dạng, có thể là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối hoặc nhà bán hàng… Những chủ thể này có mối liên hệ trực tiếp hoặc không trực tiếp với NTD nhưng đều tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho NTD.
Sản phẩm có khuyết tật hay không thường do có lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất. Tuy nhiên, trong các giai đoạn tiếp theo của quá trình phân phối sản phẩm, dưới sự tác động của các chủ thể khác cũng có thể làm sản phẩm xuất hiện khuyết tật. Bởi lẽ, mặc dù sản phẩm được sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn nhưng nếu các chủ thể trung gian như nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán hàng… không thực hiện đúng quy trình bảo quản, vận chuyển, lưu giữ thì vẫn có thể làm sản phẩm xuất hiện các yếu tố không an toàn đối với NTD. Như vậy, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm đến NTD xuất hiện nhiều chủ thể có vai trò, ảnh hưởng khác nhau đến sản phẩm, có thể tác động làm cho sản phẩm xuất hiện khuyết tật và trở nên không an toàn đối với NTD. Vì vậy, các chủ thể này đều có thể phải chịu TNSP.
Để xác định một chủ thể nào đó có thuộc diện chịu TNSP hay không, các nhà làm luật chủ yếu dựa vào mối liên hệ của chủ thể đó với sản phẩm mà NTD đã mua hoặc sử dụng. Theo pháp luật về TNSP của các quốc gia, mối liên hệ này thường được thể hiện qua một trong các hình thức: Người sản xuất (có thể là người sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hoặc một bộ phận cấu thành sản phẩm); người thực hiện vai trò phân phối trung gian; người trực tiếp cung cấp sản phẩm cho NTD. Như vậy, đối với bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường đều luôn tồn tại chủ thể chịu TNSP.
Thứ hai, TNSP không thể hiện dưới một hình thức nhất định mà bao gồm nhiều dạng trách nhiệm khác nhau. Các trách nhiệm này được quy định không giống nhau trong pháp luật về TNSP của mỗi quốc gia nhưng thường bao gồm: trách nhiệm ngừng cung cấp sản phẩm có khuyết tật, trách nhiệm cảnh báo NTD về khuyết tật của sản phẩm, trách nhiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật, trách nhiệm khắc phục khuyết tật của sản phẩm, trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra…
Ngay sau khi phát hiện khuyết tật của sản phẩm, các chủ thể kinh doanh phải tiến hành các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm trên thị trường; thực hiện công bố sản phẩm có khuyết tật trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức khác nhằm nhanh chóng đưa thông tin đến NTD. Trường hợp sản phẩm có khuyết tật nhưng chưa gây tổn thất cho NTD thì chủ thể kinh doanh phải tiến hành sửa chữa hoặc thay thế nhằm khắc phục khuyết tật của sản phẩm, thậm chí phải thu hồi toàn bộ sản phẩm và gánh chịu chi phí phát sinh; trường hợp sản phẩm có khuyết tật đã gây thiệt hại cho NTD thì chủ thể kinh doanh phải bồi thường các thiệt hại xảy ra. Trong đó, các trách nhiệm nhằm phòng ngừa sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi NTD mà còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, vì nó giúp ngăn ngừa những thiệt hại có thể xảy ra cho NTD, đồng thời giảm thiểu trách nhiệm về kinh tế cho chủ thể kinh doanh.
Thứ ba, theo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, TNSP được quy định là một loại trách nhiệm nghiêm ngặt. Theo đó, căn cứ phát sinh TNSP không dựa vào lỗi của chủ thể kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng sản phẩm không đảm bảo an toàn cho thị trường mà dựa trên việc xác định sản phẩm có tồn tại hay không yếu tố không đảm bảo an toàn đối với NTD (khuyết tật). Đó là các yếu tố có thể gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng NTD. Các yếu tố này có thể phát sinh do lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất; hoặc do chủ thể kinh doanh đã không hướng dẫn, cảnh báo hoặc hướng dẫn, cảnh báo không đầy đủ những nguy hiểm có thể xảy ra cho NTD trong quá trình sử dụng; hoặc do chủ thể kinh doanh đã cung cấp các thông tin sai lệch về sản phẩm dẫn đến NTD vì tin vào các thông tin đó nên đã bị sản phẩm gây thiệt hại… Như vậy, theo trách nhiệm nghiêm ngặt, khi yêu cầu các chủ thể kinh doanh BTTH, NTD có nghĩa vụ chứng minh sản phẩm có khuyết tật và chính khuyết tật đó đã gây thiệt hại cho mình mà không cần chứng minh chủ thể kinh doanh có lỗi trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Nói cách khác, chủ thể kinh doanh vẫn phải BTTH ngay cả khi không có lỗi trong việc sản xuất, cung ứng sản phẩm có khuyết tật cho NTD. Tuy nhiên, yêu cầu về tính an toàn của sản phẩm không phải là không có giới hạn. Khi xác định giới hạn về tính an toàn của sản phẩm, pháp luật về TNSP của nhiều quốc gia trên thế giới thường dựa vào “mức độ kỳ vọng hợp lý của NTD”. Ngoài ra, tính an toàn của sản phẩm còn được giới hạn trong phạm vi mà điều kiện phát triển khoa học, kỹ thuật… tại mỗi giai đoạn cho phép nhận biết. Nếu khả năng nhận biết về tính không an toàn vượt quá mức độ mà sự phát triển khoa học, kỹ thuật tại thời điểm đó cho phép nhận biết thì sự không an toàn đó không bị coi là khuyết tật của sản phẩm.
Đại học An ninh nhân dân
[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội, 2012, Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 90.
[2]. Web Finance Inc, 2020, The Business Dictionary, http://www.busi-nessdictionary.com/definition/product-liability.html, truy cập ngày 07/7/2020.
[3]. Bryan A. Garner Editor in Chief, 2009, Black’s Law Dictionary 8th Edition, West Pulishing Co., http://www.republicsg.info/Dictionaries/2004_Black’s-Law-Dictionary-Edition-8.pdf, truy cập ngày 07/7/2020.
[4]. A. Mitchell Polinsky, Steven Shavell, 2010, “The Uneasy Case for Product Liability”, Havard Law Review, Vol. 123:1437, pg. 1.438 - 1.491.
[5]. Paul Stephen Dempsey, 2014, The Law of Products Liability, McGill University, pp. 2.
[6]. Legal Information Institute Cornell Law School, 2020, Product Liability, https://www.law.cornell.edu/wex/products_liability, truy cập ngày 07/7/2020.
[7]. Marler Clark, 2001, An Introduction to Product Liability Law, https://marlerclark.com/pdfs/intro-product-liability-law.pdf , pg. 1, truy cập ngày 07/7/2020.
[8]. David G. Owen, 2015, Products Liability Law (Third Edition), West Academic Publishing, pg. 1.
[9]. Trường Đại học Luật Hà Nội, 2012, Giáo trình Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 133.
[10]. Đinh Thị Mai Phương, 2008, Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, tr. 180.
[11]. Nguyễn Văn Cương, 2010, Chuyên đề “Các quan điểm lý luận, học thuyết chủ yếu về trách nhiệm sản phẩm với tư cách là công cụ bảo vệ người tiêu dùng ở một số nước”, Báo cáo tổng kết đề tài “Trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp - Công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng”, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Công thương, tr. 216; Nguyễn Thị Hải Hà, 2010, Trách nhiệm sản phẩm - Những vấn đề đặt ra trong thương mại quốc tế, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Ngoại thương Hà Nội, tr. 10.
[12]. Nhà pháp luật Việt - Pháp, 2010, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng”, tr. 20.
[13]. United Nations Conference on Trade and Development, 2016, United Nations Guidelines for Consumer Protection, New York and Geneva, pp. 11 - 12.