Ngày 20/6/2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua. Sau hai năm thực hiện cho thấy, Luật này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xử lý vi phạm hành chính ở nước ta. Tuy nhiên, quá trình thực hiện một số quy định cụ thể của Luật cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể đối với những quy định này sẽ góp phần hoàn thiện Luật, cũng như tạo hành lang pháp lý đầy đủ và vững chắc để hoạt động xử phạt hành chính ở nước ta được thực hiện thống nhất, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng trong xã hội, đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Để bổ sung thêm vốn kiến thức về vướng mắc thường gặp trong thực tiễn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, kính mời độc giả tìm đọc bài viết “Bàn về một số quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012” của tác giả Nguyễn Tuấn An, đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 64 trang tháng 2/2015. Theo đó, tác giả đã có những bình luận, phân tích sâu sắc và đưa ra đề xuất nhằm khắc phục, giải quyết khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành một số quy định như: Về việc xin gia hạn để xác minh, thu thập chứng cứ; về nguyên tắc một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính; về việc xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt không có khả năng thi hành.
Uyên Nhi