Theo thống kê từ một nghiên cứu gần đây, năm 2014 có 26%, năm 2015 có 35% người tiêu dùng trên thế giới hiện đang mua hàng trên các trang web nước ngoài. Dự kiến tổng doanh thu bán hàng ra nước ngoài trên toàn cầu sẽ tăng lên 2.000 tỷ USD vào năm 2018. Trong những năm tới, châu Á (và đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương) được dự đoán sẽ trở thành khu vực có doanh số mua hàng trực tuyến từ nước ngoài lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng doanh số mua hàng trực tuyến toàn cầu.[2] Tại Việt Nam, “làn sóng” mua hàng qua các trang thương mại điện tử nước ngoài đang ngày càng trở nên rất phổ biến.
Pháp luật Việt Nam chỉ điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa trực tuyến giữa người tiêu dùng Việt Nam và thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam. Như vậy, nếu chủ sở hữu trang thương mại điện tử hoặc mạng xã hội nước ngoài có đăng ký tên miền “.vn” thì thuộc đối tượng áp dụng của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 06/05/2013 và Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014... Giao dịch mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam trên các trang web bán hàng trực tuyến của nước ngoài thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, thuế… của nước sở tại và pháp luật quốc tế. Ví dụ: Tại Hoa Kỳ có Luật mẫu về Thông tin điện tử (Uniform Computer Information Transactions Act - UCITA) và bộ luật thương mại mẫu cùng kết hợp điều chỉnh vấn đề giao dịch thương mại điện tử; tại Úc, Luật Tiêu dùng (Consumer Law) áp dụng chung cho cả giao dịch thương mại điện tử và thương mại thông thường. Bài viết này sẽ không phân tích cụ thể về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng trực tuyến giữa người tiêu dùng Việt Nam và các thương nhân nước ngoài mà nhằm đề cập đến một số rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động này và phương pháp đề phòng.
Hiện nay người tiêu dùng thường có ba cách thức cơ bản mua hàng trực tuyến từ nước ngoài:
Một là, người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tiếp từ trang web bán lẻ của nước ngoài dưới tên miền nước ngoài hoặc tên miền Việt Nam. Với cách này người tiêu dùng sẽ vào các trang web bán lẻ của nước ngoài và trực tiếp lựa chọn đặt hàng, sau đó thương nhân nước ngoài sẽ giao hàng đến người tiêu dùng tại Việt Nam. Đây là giao dịch mua bán trực tuyến giữa bên mua ở Việt Nam với bên bán ở nước ngoài. Thương nhân nước ngoài chịu trách nhiệm vận chuyển hàng đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam.
Hai là, người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tiếp từ trang web bán lẻ của nước ngoài và tự thuê hãng vận chuyển đến nhận hàng từ thương nhân nước ngoài, gửi hàng về Việt Nam cho người tiêu dùng. Đây cũng là giao dịch mua bán trực tuyến giữa bên mua ở Việt Nam với bên bán ở nước ngoài nhưng thương nhân nước ngoài không chịu trách nhiệm vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam mà có sự tham gia của hãng vận chuyển theo chỉ định. Trong trường hợp này, người tiêu dùng Việt Nam đã tham gia hai giao dịch thương mại: mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài và thuê dịch vụ vận chuyển hàng hóa với hãng vận chuyển.
Ba là, người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua dịch vụ trung gian. Trung gian là thương nhân Việt Nam (cá nhân hoặc pháp nhân) điều hành các trang web bán hàng trực tuyến tại Việt Nam. Họ sẽ đứng ra liên hệ đặt hàng trên trang web bán lẻ nước ngoài theo đúng yêu cầu của người tiêu dùng và vận chuyển về Việt Nam để giao cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng không trực tiếp giao dịch trên trang web bán lẻ nước ngoài mà giao dịch với bên trung gian.
Một số rủi ro pháp lý
Việc mua hàng trực tuyến từ các trang web nước ngoài giúp cho người tiêu dùng Việt Nam sở hữu những hàng hóa chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ từ các hãng nổi tiếng trên thế giới, có quyền hưởng nhiều chương trình ưu đãi và chủ động lựa chọn, so sánh giá cả, kiểu dáng. Tuy nhiên, bản chất của mua hàng trực tuyến khác với giao dịch thương mại thông thường ở chỗ người mua không trực tiếp xem hàng, chỉ tìm hiểu, đánh giá sản phẩm qua những thông tin công bố trên trang web của người bán. Do đó, cùng với nhiều lợi ích mà phương thức này mang lại, người tiêu dùng cũng đã và đang phải đối mặt với những rủi ro pháp lý tiềm ẩn không chỉ gây ảnh hưởng về kinh tế mà đôi lúc còn ảnh hưởng đến thời gian và tinh thần của mình.
Rủi ro thứ nhất mà người tiêu dùng có thể gặp phải là bên bán chậm trễ hoặc không giao hàng trong khi tiền đã được thanh toán đủ. Trong khi các trang web bán hàng trong nước tự đảm nhận hoặc kết nối với dịch vụ vận chuyển hàng có tính phí cho khách hàng thì một số trang web nước ngoài chỉ chấp nhận giao hàng trong phạm vi quốc gia của họ. Do vậy, người tiêu dùng phải tự sắp xếp người nhận hộ tại quốc gia người bán hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng về Việt Nam. Thời gian giao hàng đến tay người tiêu dùng sẽ bằng tổng thời gian giao hàng thông thường trong nước sở tại cộng với thời gian vận chuyển hàng về Việt Nam. Trong suốt quá trình đó người tiêu dùng tại Việt Nam đều khó chủ động kiểm soát được tiến độ mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp và uy tín của bên bán và hãng vận chuyển.
Rủi ro thứ hai cũng giống trong trường hợp mua hàng trực tuyến trong nước, người tiêu dùng không thể kiểm tra chất lượng tại địa điểm xuất hàng của bên bán mà chỉ có thể đối chiếu chất lượng hàng hóa vào lúc nhận được hàng tại Việt Nam với các tiêu chuẩn mà bên bán đã công bố trên trang web. Giả sử phát hiện chất lượng, tính năng, kiểu dáng không đúng như đã đặt hàng thì với những giao dịch trong nước, người mua sẽ dễ dàng liên hệ với người bán để khiếu nại, việc đổi trả hàng hóa cũng có thể diễn ra nhanh chóng vì khoảng cách địa lý gần. Đối với việc mua hàng trực tuyến từ nước ngoài, người tiêu dùng vẫn có thể thực hiện khiếu nại chất lượng hàng hóa với người bán nhưng để được đổi trả hàng hoặc hoàn tiền là rất khó bởi các lý do:
- Người tiêu dùng khó chứng minh được rằng hàng hóa ngay từ lúc giao cho người nhận hộ (hoặc hãng vận chuyển) đã không đúng với thông tin như bên bán cam kết vì người tiêu dùng không trực tiếp nhận và kiểm tra, đối chiếu hàng hóa.
- Bên bán hàng ở nước ngoài có thể không chịu trách nhiệm về sự cố thất lạc hoặc ảnh hưởng chất lượng hàng hóa xảy ra trên đường vận chuyển trong trường hợp người tiêu dùng Việt Nam tự thuê hãng vận chuyển.
- Người vận chuyển có thể không chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu chất lượng hàng hóa thay cho người mua (người đặt hàng, người tiêu dùng).
- Người tiêu dùng không có cơ sở để so sánh hàng hóa lúc nhận được tại Việt Nam với hàng hóa lúc giao tại nước ngoài để chứng minh hàng hóa bị ảnh hưởng chất lượng trên đường vận chuyển.
- Giả sử người bán chấp nhận đổi trả hàng hóa thì thủ tục này khá phức tạp, kéo dài, điều kiện đổi trả hàng không khả thi cho người tiêu dùng ở Việt Nam, chi phí gửi trả lại hàng cho bên bán ở nước ngoài khá cao. Do đó, trên thực tế người mua thường chọn cách giữ lại hàng mặc dù không như mong muốn hoặc là bán lại cho người khác với giá rẻ hơn.
Rủi ro thứ ba là nguy cơ có thể lộ thông tin tài khoản cá nhân trong quá trình thanh toán. Không phải trang web bán hàng nào của nước ngoài cũng làm tốt việc bảo mật thông tin thẻ. Ngay cả Walmart - siêu thị lớn nhất của Hoa Kỳ và Amazon – mạng bán lẻ trực tuyến lớn của Hoa Kỳ cũng đã từng để xảy ra lộ thông tin thẻ tín dụng của hàng nghìn khách hàng[3]. Thực tiễn cho thấy trong nhiều vụ việc thông tin thẻ bị hacker ở nước ngoài đánh cắp và sử dụng thì người tiêu dùng ở Việt Nam đều khó đòi lại tiền trong thẻ đã bị mất; trừ trường hợp ngân hàng thu thập được bằng chứng hoặc khách hàng có bằng chứng xác đáng là đã bị lợi dụng thẻ, thì các tổ chức phát hành thẻ sẽ bồi hoàn tiền cho khách hàng[4].
Ngoài ra, còn có một số những hạn chế khác của việc mua hàng trực tuyến từ nước ngoài như: các khoản chi phí phát sinh một cách khó lường trước, bao gồm chi phí vận chuyển, thuế, lệ phí… làm cho giá của sản phẩm khi đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam có thể cao hơn nhiều so với giá mua ban đầu; hàng hóa khó có thể được bảo hành theo đúng chế độ của nhà sản xuất đã công bố trên website bán hàng.
Một số lời khuyên cho người tiêu dùng Việt Nam
Để đảm bảo an toàn cho việc mua hàng trực tuyến từ nước ngoài, chúng ta cần thận trọng tìm hiểu các điều kiện và điều khoản bán hàng bao gồm: chính sách giao hàng, đổi trả hàng, tỷ giá, bảo hành, quy trình khiếu nại… được công bố trên trang web bán hàng. Đó chính là cơ sở pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan. Nếu những quy định trên trang web chưa thực sự rõ ràng, chúng ta nên yêu cầu bộ phận hỗ trợ bán hàng giải đáp thông tin và giao kết thêm thỏa thuận bổ sung qua tin nhắn trên mạng xã hội, email… Chúng ta nên làm rõ bất cứ điều gì ở góc độ người mua mong muốn về dịch vụ, sản phẩm trước khi đặt hàng. Một số câu hỏi cần được đặt ra như: đó có phải là sản phẩm mang nhãn hiệu uy tín, có phải dịch vụ được thực hiện bởi các tổ chức chuyên nghiệp không? dịch vụ giao nhận hàng hóa như thế nào, phương thức giải quyết ra sao nếu sản phẩm bị thất lạc, bên bán có nhận trả lại hàng hóa không, trong thời gian bao lâu, có mất phí đóng gói khi trả lại sản phẩm không, dịch vụ sửa chữa, bảo hành như thế nào...và lưu những thông tin này lại.
Chúng ta nên lựa chọn những trang web thương mại điện tử tin cậy của nước ngoài, có uy tín, được nhiều người truy cập để giao dịch. Theo lời khuyên của Trung tâm an toàn Google thì khi một trang web cung cấp các sản phẩm với mức giảm giá lớn, trình bày có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp cũng như sử dụng các hình ảnh có chất lượng thấp từ trang web chính thức của chủ thương hiệu, trang web đó có thể đang bán hàng giả. Do vậy, chúng ta cũng nên thận trọng với một số trang web bán hàng giả bắt chước chủ thương hiệu bằng cách sao chép bố cục và sử dụng các hình ảnh tương tự hoặc dùng tên miền có chứa thương hiệu đó.
Trong lần đầu tiên giao dịch, chúng ta nên kiểm tra trước để đảm bảo chủ trang web là người bán hợp pháp. Ví dụ: tìm hiểu thêm về lịch sử doanh nghiệp của người bán và tìm kiếm trên web các bài đánh giá từ những người khác đã mua hàng của người bán này. Những người bán hợp pháp sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin liên hệ mà chúng ta có thể tham khảo nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc vấn đề nào với giao dịch của mình. Thông tin liên hệ này có thể bao gồm địa chỉ thực, số điện thoại liên hệ hoặc địa chỉ email.
Nhiều trang web bán hàng giả sẽ có URL gần giống chính thức, có thể bao gồm các cụm từ như [thương hiệu]onsale.com hoặc [thương hiệu].com. Chúng ta có thể tra cứu các tên miền này trên trang web quản lý tên miền của Việt Nam và nước ngoài hoặc Whois để biết chủ sở hữu đích thực của tên miền có đúng là chủ của thương hiệu đăng quảng cáo hay không.[5] Đồng thời, nên tìm hiểu thêm về chủ trang web bán hàng qua công cụ hỗ trợ tìm kiếm bằng cách gõ tên của trang web rồi cộng thêm các từ khóa như: “claim” (“yêu cầu”), “complaint” (“phàn nàn”), “fraud” (“gian lận”)… , chúng ta có thể nhận được nhiều kết quả đánh giá, phản hồi của các khách hàng khác về uy tín của chủ trang web. Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra nhận định cho riêng mình liệu có tiếp tục tham gia mua hàng trực tuyến trên trang web này hay không.
Chúng ta nên xem xét kỹ các thông số của hàng hóa định đặt, lưu ý đến sự khác biệt trong hệ đơn vị đo lường giữa các quốc gia để quy đổi và xác định đúng thông số của hàng hóa phù hợp. Khi chúng ta đã lựa chọn xong hàng và bấm nút gửi yêu cầu đặt hàng tức là đã hoàn tất đề nghị giao kết hợp đồng và sẽ phải tự chịu trách nhiệm nếu lựa chọn “nhầm”. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm về hàng hóa định đặt qua các công cụ tìm kiếm và so sánh giá cả, chất lượng với các hàng hóa cùng loại trên trang web nước ngoài khác để có lựa chọn phù hợp.
Chúng ta nên lựa chọn phương thức thanh toán an toàn thông tin và bảo vệ người mua. Thông thường, một trang web thanh toán an toàn sẽ không yêu cầu người thanh toán phải chia sẻ toàn bộ thông tin thẻ tín dụng. Người tiêu dùng cần tránh điền thông tin thẻ tín dụng trực tiếp vào các trang web bán hàng nhỏ lẻ, chưa có uy tín. Nếu họ yêu cầu cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch thì chúng ta cần ngay lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra. Ngay cả với những trang web lớn thì chúng ta vẫn nên thanh toán qua một dịch vụ trung gian phổ biến, chuyên nghiệp (như Paypal, Onepay, Banknet…) bởi như vậy sẽ không cần thiết điền trực tiếp thông tin thẻ tín dụng tại trang web bán hàng. Sau khi đã hoàn tất thanh toán, chúng ta cần lưu giữ chứng cứ về giao dịch mua hàng trực tuyến như: bản mềm hoặc bản chụp xác nhận đặt hàng thành công, hóa đơn thanh toán. Các tài liệu này sẽ là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng Việt Nam và bên bán hàng ở nước ngoài.
Mua hàng trực tuyến từ nước ngoài vừa đem lại lợi ích nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy vậy, chúng ta hãy cố gắng là những người tiêu dùng thật sự thông minh và kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro và tận hưởng những lợi thế của hình thức mua hàng này.
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội