Abstract: According to existing the provisions of the Civil Code of 2015, sex change right is called transgender. There are many viewpoints of discussion around “right” or “the”, calling “transgender” or “sex change”. In this article, the author provides a viewpoint of the right to transgender, and to makes recommendations about the concept of transgender and conditions of transgender in the Draft Law on Transgender.
1. Giới hay giới tính, đâu là chủ thể của quyền chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính?
Theo quan điểm của tác giả Vũ Vân, chuyển đổi giới tính hay xác định lại giới tính là những người có giới tính sinh học chưa định hình, đồng thời, tác giả này cho rằng phải gọi là Luật Chuyển giới mà không nên gọi là Luật Chuyển đổi giới tính[1]. Tác giả không đồng tình với quan điểm này vì một số lý do sau:
Thứ nhất, chủ thể hay còn gọi là người (cá nhân) có giới tính sinh học chưa định hình là đối tượng của việc xác định lại giới tính, không phải là chủ thể của quyền xác định lại giới tính. Bởi đơn giản, vì họ chưa xác định được giới tính là nam hay nữ nên cần các kiểm tra y tế về cả thể chất hoặc tinh thần để xác định chính xác giới tính. Có trường hợp, giới tính sinh học thể hiện ra bên ngoài là nam nhưng bên trong lại là nữ hoặc ngược lại, cũng có trường hợp, một cơ thể người nhưng bên trong lại có hai bộ phận sinh dục cả nam và nữ, chính vì những lý do này nên cần kiểm tra và kết luận y tế về sự tồn tại của các cơ quan sinh dục thuộc giới nào, nhiễm sắc thể, hoóc môn nào nhiều, nổi trội hơn và cả nhu cầu của chính chủ thể, nhu cầu về bản giới nào nhiều hơn, trọn vẹn hơn. Còn đối với quyền chuyển đổi giới tính thì không áp dụng cho những người nêu trên và kể cả Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính cũng xác định rõ, người có những đặc điểm nêu trên sẽ áp dụng thủ tục pháp lý, áp dụng việc xác định lại giới tính mà không phải là chuyển đổi giới tính.
Thứ hai, chuyển đổi giới không chính xác và dễ hiểu hơn so với chuyển đổi giới tính mà theo tác giả thì là ngược lại. Bởi lẽ, theo từ điển tiếng Việt, “giới” được hiểu là một lớp người trong xã hội được phân theo một đặc điểm chung nào đó như nghề nghiệp, địa vị xã hội (ví dụ như giới bình dân, giới thượng lưu…) hay giới cũng được dùng cho một đơn vị phân loại sinh vật, giới động thực vật. Trong khi đó, giới tính là những đặc điểm sinh học chung phân biệt nam với nữ, giống đực với giống cái. Như vậy, quyền chuyển đổi giới tính được sử dụng để chỉ những người có nhu cầu chuyển đổi từ giới tính nam đã được sinh học định hình chính xác sang giới tính nữ và ngược lại, họ có nhu cầu chuyển đổi từ giới tính nữ sang giới tính nam, mà không phải là chuyển từ một giới nào thuộc xã hội sang một giới khác. Điều mà họ quan tâm hay hướng đến là giới tính, từ tính trạng sinh học nam sang tính trạng sinh học nữ cho phù hợp với bản dạng giới theo cách này hoặc cách khác và ngược lại.
Tác giả đồng tình với các quan điểm cho rằng chuyển đổi giới tính là tình trạng mà một cá nhân có tình trạng biệt hóa giới tính bình thường nhưng lại tin rằng họ là thành viên của giới tính kia[2]. Họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi thuộc về giới tính kia ngược lại với sự biệt hóa giới tính bình thường đã thể hiện. Chuyển đổi giới tính là tình trạng tự chẩn đoán, không có xét nghiệm nào khác ngoài sự bất an giới tính, mà theo các nước thuộc khối châu Âu xác định thời hạn phải ít nhất 02 năm[3]. Tình trạng tự chẩn đoán được khẳng định bằng khảo sát tâm lý, bao gồm một giai đoạn “thử nghiệm sống thực” với giới tính mong muốn được chuyển đổi đối với xã hội.
2. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về người chuyển đổi giới tính
Có thể thấy, không chỉ Việt Nam, mà các nước trên thế giới rất quan tâm đến người chuyển đổi giới tính và các nước đều đặt ra điều kiện đối với chuyển đổi giới tính. Việc đặt ra điều kiện chuyển đổi giới tính nêu trên không được hiểu như một cách thức hạn chế quyền, mà cần được hiểu là xác định đúng đối tượng chủ thể hưởng quyền, tránh trường hợp chủ thể nhận thức sai lệch hoặc chạy theo xu hướng ở một thời điểm mà thực hiện các biện pháp không thể phục hồi hoặc thực hiện chuyển đổi giới tính vì một mục đích lợi dụng pháp luật không chính đáng (như né tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, trốn truy nã, lợi dụng việc chuyển đổi giới tính làm công cụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác).
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Tuy nhiên, Luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn đang ở giai đoạn dự thảo, điều này đồng nghĩa với việc quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân chưa có nội dung quy định cụ thể có hiệu lực và chưa thể thực thi trên thực tế. Bộ luật Dân sự năm 2015 đề cập “cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”, cách quy định này thực chất là hình thức hợp thức hóa các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới ở nước ngoài và rơi vào tình trạng hình thức của thể xác và tình trạng pháp lý tồn tại không giống nhau, trái ngược nhau (giữa cơ thể sinh học sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính với giấy tờ tùy thân, giấy tờ hộ tịch).
Đối với quyền xác định lại giới tính trên thực tế có những trường hợp cần can thiệp sớm để mang lại kết quả tốt hơn về mặt xã hội cũng như cơ thể sinh học cho người cần xác định lại giới tính. Còn đối với trường hợp song tính (có cả cơ quan sinh dục và sinh sản của cả nam lẫn nữ trên cùng một cơ thể) thì cần kiểm tra đối chiếu hoóc môn, nhiễm sắc thể và cùng với tâm tư, nhu cầu đời sống tình cảm của người này mà cần định hình hoặc chọn lựa cho phù hợp khi họ phát triển hoàn thiện về thể chất cũng như tinh thần nên không thể tiến hành khi tuổi còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức toàn diện.
Cũng cần nói thêm, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng cụm từ “quyền xác định lại giới tính” là không chính xác, theo quan điểm này thì không có sự “lại” nào ở đây, bởi họ khác biệt, dị tính và cần xã hội chấp nhận sự khác biệt ấy mà không phải buộc họ trở về giống số đông, phổ biến trong xã hội[4]. Tác giả không đồng tình với quan điểm này, vì đó là cách hiểu máy móc câu chữ về quyền xác định lại giới tính. Bởi lẽ, quyền xác định lại giới tính có nghĩa là về mặt hộ tịch ghi nhận tình trạng giới tính của họ không đúng với giới tính thật bên trong của cá nhân do có sự khiếm khuyết về mặt sinh học nên cần xác định lại và ghi nhận giấy tờ hộ tịch cho đúng với giới tính của họ. Còn nếu sự khiếm khuyết ấy không trái ngược với giấy tờ hộ tịch ghi nhận nhân thân về giới tính thì họ vẫn có quyền can thiệp y tế cho đúng với tạo hình giới tính và vẫn trùng khớp với nhân thân đã xác định trước đó mà không cần thực hiện thủ tục pháp lý về hộ tịch.
Việc xác định lại giới tính có thể áp dụng đối với cả người song tính, nếu họ chọn lựa một trong hai giới tính đang có thì có thể thực hiện quyền này hoặc không thực hiện quyền một cách tương ứng với việc chọn lựa rằng giới tính của mình không trùng khớp cần xác định lại hoặc trùng khớp với tình trạng ghi nhận về giới tính và không có nhu cầu thay đổi, xác định pháp lý lại. Việc ghi nhận quyền này đối với cả ba trường hợp trên (nữ thể hiện hình thức sinh dục nam, nam thể hiện hình thức sinh dục nữ hoặc song tính có mong muốn chọn lựa về một giới tính) cần được nhìn nhận ở góc độ tích cực là nó có ý nghĩa nhằm đảm bảo quyền được sống, yêu thương, thậm chí là quyền được làm cha hoặc làm mẹ của chính cá nhân đó như những người bình thường, bởi sự dị biệt của cơ thể là họ không mong muốn và vẫn mong muốn sống nghiêng về một giới tính.
Tuy nhiên, pháp luật của nhiều nước trên thế giới hiện nay chỉ ghi nhận tình trạng đơn tính mà chưa ghi nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của người song tính, lưỡng tính và xã hội còn thiếu sự thừa nhận về sự tồn tại đối với người song tính không có nhu cầu lựa chọn một trong hai giới tính mà chấp nhận tồn tại ở giữa với cả hai, họ không muốn thay đổi sự khác biệt của bản thân nghiêng về một hướng nào. Lúc này, trên giấy tờ tùy thân của họ không được thừa nhận về tình trạng song tính, lưỡng tính như những cá nhân đơn tính khác.
2.1. Điều kiện đối với người chuyển đổi giới tính
Đối với quyền chuyển đổi giới tính, tác giả cho rằng, quyền này cần có tính chất chờ đợi để đạt đến một ngưỡng nhất định về độ tuổi và phát triển tâm, sinh lý. Có nghĩa là, cá nhân cần có đủ sự phát triển về thể chất và tinh thần mới có thể đánh giá được bản dạng giới bên trong của mình và nuôi dưỡng, khao khát được tồn tại ở giới tính ngược lại so với cơ thể sinh học.
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính tại cùng một điều luật. Tuy nhiên, theo tác giả, dự thảo chưa mạnh dạn ghi nhận và thẳng thắn một cách nền tảng rằng, người có nhu cầu chuyển đổi giới tính có quyền chuyển đổi giới tính qua phương pháp can thiệp y học là điều trị nội tiết tố và phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Đây chính là quyền nền tảng tạo tiền đề cho các quyền khác như được đảm bảo tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, đảm bảo về bí mật đời tư…
Mặc khác, các nước trên thế giới cho phép chuyển đổi giới tính được phân thành hai nhóm: Bắt buộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được công nhận là người chuyển đổi giới tính và không bắt buộc thực hiện phẫu thuật vẫn được thừa nhận chuyển đổi giới tính bằng việc điều trị nội tiết tố. Các nước không bắt buộc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính như: Anh, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nga, Canada… Các nước bắt buộc phẫu thuật để được chuyển đổi giới tính như: Pháp, Úc, Cu Ba, Iran…[5]. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam quy định chuyển đổi giới tính thuộc nhóm nào trong hai nhóm kể trên? Bởi nội dung của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính không xác định rõ việc bắt buộc phẫu thuật hay không bắt buộc phẫu thuật để được chuyển đổi giới tính. Việc quy định điều kiện điều trị nội tiết tố và cả điều kiện để phẫu thuật chuyển đổi giới tính của dự thảo cần hiểu theo hướng là cho phép thực hiện một trong hai loại điều trị này đều được công nhận chuyển đổi giới tính hay điều kiện điều trị nội tiết tố chỉ là điều kiện trong quá trình chuẩn bị tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Vấn đề này cần được quy định rõ ràng trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định, người chuyển đổi giới tính phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hay một bệnh lý tâm thần nào khác trên cơ sở xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tuy nhiên, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ còn loại trừ cả người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong các đối tượng này, người hạn chế năng lực hành vi dân sự là do nghiện ma túy, chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, có chủ thể yêu cầu và tuyên bố của Tòa án. Người này trong chừng mực nào đó vẫn có khả năng nhận thức minh mẫn, sáng suốt và nhận thức bình thường, việc hạn chế năng lực hành vi dân sự chủ yếu là hạn chế thực hiện giao dịch dân sự của họ nhằm tránh phá tán tài sản của gia đình. Như vậy, có nên xem xét loại bỏ sự hạn chế quyền này đối với họ?
Về điều kiện được phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính, dự thảo liệt kê nhóm các điều kiện thứ nhất về việc có giới tính sinh học hoàn thiện, được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn và có xác nhận của chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và năng lực hành vi dân sự đầy đủ, từ đủ 18 tuổi trở lên, là người độc thân. Bên cạnh đó phải đáp ứng nhóm điều kiện thứ hai là đã điều trị nội tiết tố liên tục ngay trước khi thực hiện phẫu thuật và bảo đảm điều kiện phẫu thuật. Nhóm điều kiện thứ ba là được cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục xác nhận có đủ sức khỏe để phẫu thuật. Đối với các nhóm điều kiện này cần làm rõ một số vấn đề: (i) Ở nhóm điều kiện thứ nhất, cách liệt kê “… chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần…” cần được hiểu theo nghĩa “và” hay “hoặc” (tức là cần có xác nhận của cả hai người hay chỉ cần một trong hai), điều này cần được nêu rõ để tránh trường hợp hiểu sai nghĩa trong quá trình áp dụng, gây khó khăn cho người chuyển đổi giới tính. (ii) Ở nhóm điều kiện thứ hai, “đã điều trị nội tiết tố liên tục ngay trước khi thực hiện phẫu thuật” thì phải được quy định rõ liên tục là như thế nào và trong khoảng thời gian tối thiểu là bao lâu. Thời gian này có thể khác nhau tùy vào cơ địa và thể trạng của mỗi người, tuy nhiên, cần có chứng cứ khoa học và khuyến cáo y khoa hợp lý để đưa ra thời hạn tối thiểu đối với một cơ địa thuận lợi nhất là bao lâu: 06 tháng, 12 tháng hay 24 tháng như đa phần các nước trên thế giới áp dụng như một khoảng thời gian thử nghiệm sống thực với xã hội của người có nhu cầu chuyển đổi giới tính trước khi thực hiện các biện pháp can thiệp không thể phục hồi.
2.2. Điều kiện đối với cá nhân, tổ chức thực hiện điều trị chuyển đổi giới tính
Đối với chuyên gia tâm lý chịu trách nhiệm tư vấn trước, trong và sau phẫu thuật chuyển đổi giới tính để chịu trách nhiệm xác nhận một người có mong muốn chuyển đổi giới tính khi đáp ứng các điều kiện sau: Có trình độ cử nhân trở lên; có nghiên cứu và hiểu biết về người có mong muốn chuyển đổi giới tính; đang làm việc tại cơ sở được cấp giấy phép hoạt động có phạm vi hoạt động chuyên môn tư vấn tâm lý hoặc cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện hoặc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Đối với cá nhân được thực hiện điều trị nội tiết tố cho người yêu cầu chuyển đổi giới tính thì điều kiện được chia làm hai nhóm: Một là, đối với người được kê đơn nội tiết tố cho người yêu cầu chuyển đổi giới tính phải là bác sĩ làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nội khoa; có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nội khoa. Hai là, cá nhân được thực hiện tiêm nội tiết tố cho người yêu cầu chuyển đổi giới tính khi: Có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện tiêm theo đơn thuốc hợp lệ. Như vậy, điều kiện này thể hiện yêu cầu rất rõ, người kê đơn nội tiết tố phải là bác sĩ, người tiêm nội tiết tố có thể là điều dưỡng, y sĩ mà không bắt buộc là bác sĩ, nhưng tất cả những người này đều phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Đặc biệt, bác sĩ phải là người có chứng chỉ hành nghề chuyên về nội khoa và đang làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh nội khoa. Tuy nhiên, cần quy định rõ người này phải đang làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
Đối với cá nhân thực hiện phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục cho người chuyển đổi giới tính cần có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh ngoại khoa phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính.
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều trị nội tiết để chuyển đổi giới tính có thể là bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa hoặc có khoa nội, nội tiết và được cấp phép hoạt động theo quy định khám, chữa bệnh. Trong khi đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phẫu thuật ngực để chuyển đổi giới tính phải là bệnh viện có khoa hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và được cấp phép hoạt động theo quy định khám, chữa bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh được phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính có yêu cầu cao hơn, cần là bệnh viện có các khoa phẫu thuật tạo hình, nội tiết, tiết niệu, tâm thần và giấy phép hoạt động theo quy định khám, chữa bệnh.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về điều kiện chuyển đổi giới tính
Một là, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính cần quy định rõ chuyển đổi giới tính là một quyền của cá nhân có mong muốn chuyển đổi giới tính. Quyền năng này tạo điều kiện cho tất cả các quyền, nghĩa vụ khác của người chuyển đổi giới tính được liệt kê trong dự thảo.
Hai là, cần có quy định rõ về việc bắt buộc thực hiện điều trị nội tiết tố trước khi thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không bắt buộc. Đồng thời, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính có là điều kiện bắt buộc để công nhận đối với người chuyển đổi giới tính hay không. Bởi điều này rất quan trọng đối với những người có mong muốn chuyển đổi giới tính nhưng không đủ sức khỏe để thực hiện điều trị nội tiết tố hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Ba là, nếu việc điều trị nội tiết tố là bắt buộc trước khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc việc điều trị, theo dõi tâm lý trước khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính là bắt buộc thì phải quy định rõ thời gian tối thiểu của việc điều trị kéo dài và liên tục này là bao lâu.
Bốn là, người có thẩm quyền xác nhận tâm lý, tinh thần của người chuyển đổi giới tính trước khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính là ai, chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần hoặc có nên cần xác nhận của cả hai người kể trên? Điều này cần xác định rõ trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
Trường Đại học Trà Vinh
[1]. Vũ Vân, Nghiên cứu gia đình và giới, quyển 27, số 1, tr. 71 - 76.
[2]. Nguyễn Thành Như, Chuyển giới tính, Tạp chí Y học Việt Nam tháng 11, số 2/2010, tr. 93.
[3]. Council of Europe, Transsexualism, medicine and law, XXIII Colloquy on European, 1993.
[4]. Trương Hồng Quang, Quyền dân sự của cộng đồng người đồng tính, sonh tính và chuyển giới trong phần những quy định chung của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 10/2014, tr. 27.
[5]. Nguyễn Xuân Quang - Nguyễn Xuân Lý, Điều kiện chuyển giới về mặt pháp lý bắt buộc hoặc không bắt buộc phẫu thuật chuyển giới và kiến nghị cho pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 6 (303) năm 2017, tr. 30.