Trên thực tế, vẫn còn những trường hợp một người tồn tại nhiều tên khác nhau trên các giấy tờ tùy thân. Ví dụ, khi làm giấy khai sinh, một người mang tên Nguyễn A, nhưng khi đi học, người này thấy tên của mình không đẹp so với những người khác nên tự ghi vào bản sao khai sinh thành Nguyễn Văn A. Từ đó, Nguyễn A đi học với cái tên Nguyễn Văn A. Hàng loạt bằng cấp đều mang tên Nguyễn Văn A nhưng trong bản gốc khai sinh và sổ hộ khẩu thì vẫn mang tên Nguyễn A. Nay, người đó muốn thay đổi thành Nguyễn Văn A cho phù hợp với bằng cấp. Hoặc có trường hợp khác, đó là trùng tên khai sinh với người trong họ hàng nhưng lúc đặt tên cha mẹ không để ý. Đến khi nhận ra đó là hai anh em có quan hệ họ hàng có tên trùng nhau nên một trong hai người họ muốn thay đổi thành tên khác để khi gọi tên không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình theo phong tục. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích giới hạn của quyền thay đổi tên theo điểm a, g khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây: a. Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”.
Trước hết, theo điểm a khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giới hạn của việc thay đổi tên phải theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn. Vậy, như thế nào được cho là gây nhầm lẫn, trong thực tế, việc đặt tên là do ý chí chủ quan của cha mẹ, ông bà, người thân thích nhưng khi lớn lên, có những trường hợp cá nhân đó cảm thấy không tự tin với tên của mình trong giao tiếp, muốn thay đổi tên của mình, chẳng hạn tên con trai nhưng tên giống với con gái, tên đệm không được “đẹp” cho lắm... Điều này đã làm cho họ cảm thấy mặc cảm với bản thân và xã hội, khiến họ luôn có cảm giác bị kỳ thị, xa lánh… gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, tình cảm của họ. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thay đổi đối với những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền ở mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau, có nơi chấp nhận yêu cầu cho thay đổi tên, có nơi lại không chấp nhận.
Một vấn đề nữa, về tên “ảnh hưởng đến tình cảm gia đình” thì các văn bản pháp luật hiện hành cũng không quy định cụ thể trường hợp nào là ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Thực tiễn cho thấy, có nhiều trường hợp, việc đặt tên cho con của cha mẹ đã gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, như trường hợp đặt trùng tên với ông bà, người trong họ, hay người yêu cũ...
Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi tên cũng có hai quan điểm khác nhau:
(i) Quan điểm thứ nhất, theo hướng không chấp nhận việc thay đổi, vì cải chính ở trường hợp thứ nhất, thay đổi tên bản chất là việc hợp thức hóa bằng cấp. Việc cá nhân đó tự sửa thì họ tự chịu. Ở trường hợp thứ hai, cơ quan nhà nước không đồng ý vì lý do đưa ra trùng tên nhưng không thể chứng minh được có ảnh hưởng đến tình cảm gia đình hay không. Mặt khác, có họ hàng nhưng ở đời thứ 4, thứ 5 thì không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
(ii) Quan điểm thứ hai, theo hướng có xem xét đến từng trường hợp cụ thể nhưng thiên về việc chấp nhận những lý do như vậy. Họ nhìn nhận việc áp dụng pháp luật theo hướng “mềm dẻo”, “linh hoạt” hơn. Ở trường hợp cá nhân đó tự sửa vào bản sao khai sinh để đi học, đúng là do lỗi của họ, nhưng do sự nhận thức pháp luật của họ hạn chế, chứ không phải vì mục đích nào khác. Mặt khác, giải quyết được tận gốc vấn đề, không để công dân phải mất thời gian, mất các cơ hội (việc làm, đi xuất cảnh...). Và xem xét đây là quyền của công dân trên cơ sở họ tự chứng minh lý do phải thay đổi và những lý do như trên cũng có thể chấp nhận được nhưng cũng không làm mất đi các nghĩa vụ của họ[1].
Về tên “ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó” cần phải thay đổi. Thực tế, trong các trường hợp phân tích ở trên, người có tên đề nghị thay đổi, về mặt chủ quan họ đều cho rằng, tên gọi có ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, nghĩa vụ họ phải chứng minh ảnh hưởng như thế nào để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hay từ chối là việc rất quan trọng và mang tính chất cảm tính, không có quy chuẩn. Các văn bản dưới luật cũng không có quy định rõ ràng về vấn đề này nên cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp nhận hay từ chối đều mang tính chủ quan.
Về thay đổi tên theo điểm g khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”. Hiện nay, Luật Hộ tịch năm 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa có quy định cụ thể trường hợp khác là trường hợp nào, do đó rất khó để áp dụng.
Từ thực trạng nêu trên, tác giả cho rằng, cần xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh về quyền đối với họ tên, bởi vì từ khái niệm này sẽ giúp chúng ta biết được những đặc điểm pháp lý, bản chất của vấn đề. Việc đưa ra khái niệm quyền đối với họ tên là rất cần thiết để nắm bắt được những yếu tố pháp lý của quyền đối họ tên của cá nhân. Để từ đó, nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng.
Việc thay đổi tên của cá nhân đã được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn hầu như không có quy định nên thực tiễn áp dụng rất khó khăn, gây nhiều phiền hà cho người dân khi họ muốn thực hiện quyền thay đổi tên. Thiết nghĩ, khi một cá nhân muốn thay đổi tên khi họ tên đó gây ảnh hưởng, nhầm lẫn tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mà đưa ra được lý do hợp lý thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tạo điều kiện hỗ trợ họ, tạo ra sự linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, không nhất thiết phải hiểu theo cách cứng nhắc, vì như vậy sẽ vô tình đẩy họ vào những tình thế khó khăn từ việc không được thay đổi tên mà pháp luật quy định là quyền của công dân chứ không phải nghĩa vụ của họ.
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai