Tóm tắt: Từ các quy định của pháp luật Việt Nam về người làm chứng, bài viết phân tích sâu hơn các quy định có liên quan đến vai trò của người làm chứng trong lĩnh vực công chứng.
Abstract: From legal provisions of Vietnam with respect to witness, the paper deeply analyzes provisions relating to the role of witness in the notarial area.
Nhân chứng hay người làm chứng có vai trò quan trọng đặc biệt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong quan hệ pháp luật nói chung, người làm chứng là người có đủ điều kiện do pháp luật quy định, có mặt và trực tiếp làm chứng cho việc xảy ra của một sự kiện pháp lý nhất định. Trong quan hệ tố tụng, người làm chứng là người biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án và được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến để khai báo về những sự việc (tình tiết) cần được xác minh trong vụ án. Trong tố tụng hình sự, người làm chứng có thể là người trực tiếp hoặc qua người khác biết được những tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội[1]. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 cũng quy định rõ, người nào biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Vai trò của người làm chứng rất quan trọng vì lời khai của họ khi được thẩm vấn có thể là chứng cứ trong vụ án[2].
1. Người làm chứng theo pháp luật Việt Nam
Người làm chứng đã được xuất hiện trong pháp luật Việt Nam từ rất lâu. Trong lịch sử lập pháp tố tụng hình sự Việt Nam, Điều 714 Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) lần đầu tiên đã quy định về người làm chứng: “Những người làm chứng trong việc kiện tụng nếu xét ra ngày thường đôi bên kiện tụng là người thân tình hay có thù oán, thì không cho phép ra làm chứng. Nếu những người ấy giấu giếm ra làm chứng, thì khép vào tội không nói đúng sự thực. Hình quan, ngục quan biết mà dung túng việc đó đều bị tội”[3]. Trong Bộ luật Hình sự tố tụng áp dụng tại Bắc kỳ dưới thời Pháp thuộc, người làm chứng được quy định tại các điều 20 - 30. Điều 20 Bộ luật quy định: “Phàm người chứng đã liệt danh trong đơn khống và các người mà quan thẩm phán liệu nghĩ đến chất vấn trong khi thẩm cứu, thì đều phải bị đòi gọi đến Tòa án để chất vấn”[4]. Nghĩa vụ của người làm chứng được quy định tại Điều 22: “Phàm người chứng đã bị chiếu lệ đòi gọi, không có cớ gì hợp lẽ mà tự ý không đến hầu trước Tòa sơ cấp nghĩ xử việc vi cảnh, hoặc trước Tòa án tỉnh, hoặc trước Tòa đệ tam cấp hoặc trước quan thẩm cứu, thì có thể bị ép bắt phải đến hầu, và vì cớ không đến hầu phải bị xử phạt bạc từ 1 đồng đến 5 đồng, và phạt giam từ 1 ngày đến 5 ngày, hoặc hai thứ chỉ phải chịu một”[5].
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015, người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng (Điều 77). Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng (Điều 78). Theo Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng (Điều 66). Ngoài ra, chúng ta cũng thấy xuất hiện thuật ngữ pháp lý “người làm chứng” cũng như các quy định về quyền, nghĩa vụ của những cá nhân này trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 62).
Thuật ngữ “người làm chứng” còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ em bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh về việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật”[6]. Hoặc, khi đề cập đến cách thức thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng” (Điều 81). Ngoài ra, tại Luật Thi hành án dân sự, người làm chứng còn được vận dụng khi tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự (Điều 68); thu tiền của người phải thi hành án đang giữ (Điều 80); kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói (Điều 93)…
Từ những quy định trên, có thể đưa ra một vài nhận xét về cơ chế sử dụng người làm chứng theo pháp luật như sau: (i) Cơ chế sử dụng người làm chứng được sử dụng trong nhiều quan hệ pháp luật, trong đó chủ yếu là các hoạt động tố tụng; (ii) Có thể chia người làm chứng thành hai nhóm: Nhóm người làm chứng bị động (do biết được sự việc nên được mời làm chứng) và nhóm người làm chứng chủ động (được mời đến để làm chứng trong một số trường hợp nhất định); (iii) Một số quy định có liên quan đến người làm chứng như: Tiêu chuẩn của người làm chứng, những trường hợp không được làm chứng, cách thức triệu tập người làm chứng; quyền và nghĩa vụ của người làm chứng... cũng đã được pháp luật thực định ghi nhận một cách rõ ràng.
2. Bàn về vai trò của người làm chứng trong lĩnh vực công chứng
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Về bản chất pháp lý, công chứng viên cũng là một người làm chứng. Song điểm khác biệt giữa công chứng viên với những người làm chứng thông thường có lẽ nằm ở chỗ công chứng viên là một chức danh bổ trợ tư pháp, được đào tạo và bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước đứng ra làm chứng một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo “tính xác thực, hợp pháp” của hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng, công chứng viên vẫn phải cần tới sự trợ giúp của người làm chứng trong một số trường hợp nhất định. Để làm rõ thêm nhận định này, có thể tìm hiểu một số quy định có liên quan đến người làm chứng được ghi nhận trong những văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng qua từng thời kỳ.
Ngay tại một trong những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt nền móng cho chế định công chứng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các nhà lập quy đã khẳng định: “Công chứng viên phải hỏi nhân chứng, yêu cầu giám định, thu thập những tin tức, xác nhận các sự việc, yêu cầu đương sự trình bày những điều có liên quan đến việc thực hiện các việc làm công chứng”[7]. Như vậy, để có thể thực hiện tốt công việc của mình, công chứng viên có quyền yêu cầu nhân chứng khi tiến hành công chứng bất kể loại giao dịch nào được tạo lập bởi bất cứ hình thức chủ thể nào. Tuy nhiên, sau này phạm vi cũng như cơ chế sử dụng nhân chứng trong hoạt động công chứng cũng được tiết chế lại. Theo Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, cơ chế sử dụng nhân chứng chỉ xuất hiện khi công chứng viên chứng nhận một loại văn bản duy nhất là kháng nghị hàng hải[8]. Sau đó, khi Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước ra đời thay thế cho Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, cơ chế sử dụng nhân chứng chỉ sử dụng khi tiến hành công chứng di chúc mà thôi[9].
Đến khi Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực ra đời, cách thức quy định về người làm chứng đã có một thay đổi mang tính bước ngoặt. Thay vì quy định một cách chi tiết, cụ thể loại văn bản, giao dịch nào cần phải có người làm chứng, các nhà lập quy đã xác định từng trường hợp cần phải có người làm chứng, cách thức chỉ định người làm chứng, tiêu chuẩn của người làm chứng cũng như một số vấn đề khác có liên quan[10]. Cách thức quy định nêu trên tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện tại Luật Công chứng năm 2006[11]. Ở thời điểm hiện tại, quy định của pháp luật công chứng hiện hành liên quan đến người làm chứng cũng có một vài sự thay đổi nhất định. Tại điểm c khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 nghiêm cấm “người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực”. “Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định”[12].
Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón trỏ khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây: (i) Công chứng di chúc; (ii) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; (iii) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng”[13]. Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật[14].
Từ nội dung những quy định trên, có thể đưa ra một số nhận xét về người làm chứng trong hoạt động công chứng: (i) Vai trò của người làm chứng trong hoạt động công chứng luôn được pháp luật ghi nhận; (ii) Người làm chứng có thể xuất hiện trong hai trường hợp: Thứ nhất là, căn cứ theo loại hình giao dịch được xác lập mà theo quy định của pháp luật phải có người làm chứng. Thứ hai là, dựa trên tình trạng thể chất của cá nhân người yêu cầu công chứng, cho dù cá nhân này giao kết bất kỳ loại giao dịch nào; (iii) Người làm chứng trong hoạt động công chứng đóng vai trò là người làm chứng một cách chủ động, khác biệt hoàn toàn với vai trò của người làm chứng trong pháp luật tố tụng; (iv) Về mặt nguyên tắc, người ta có thể yêu cầu sự hiện diện của người làm chứng dựa theo hai cách. Cách thứ nhất, người yêu cầu công chứng mời. Cách thứ hai, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định người làm chứng; (v) Một số quy định khác có liên quan đến người làm chứng trong hoạt động công chứng như: Tiêu chuẩn của người làm chứng, cách thức thể hiện vai trò, trách nhiệm của người làm chứng... cũng đã được đề cập đến; (vi) Vai trò của người làm chứng trong hoạt động công chứng chỉ dừng lại ở mức độ trợ giúp cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ nội dung văn bản công chứng, quyền và nghĩa vụ của bản thân hay khi người yêu cầu công chứng gặp trở ngại trong việc biểu đạt ý chí mà thôi.
Tuy nhiên, hoạt động công chứng gắn liền với pháp luật nội dung điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy, không thể bỏ qua các quy định có liên quan đến người làm chứng được ghi nhận trong những văn bản pháp luật này. Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, vai trò của người làm chứng chỉ được đề cập tới trong việc lập di chúc: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”[15]. “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”[16]. “Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng”[17]. “Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”[18].
Từ các quy định nêu trên, tất cả các loại di chúc đều phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích của công chứng viên là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch bằng văn bản. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến có rất nhiều điểm tương đồng giữa người làm chứng được quy định trong pháp luật dân sự và người làm chứng trong pháp luật công chứng. Tuy nhiên, giữa hai cách quy định về người làm chứng còn tồn tại một số điểm khác biệt. Đơn cử, nếu trở thành người làm chứng theo pháp luật công chứng, phải “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, trong khi theo pháp luật dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn có thể đóng vai trò người làm chứng. Chúng tôi cho rằng, vai trò của người làm chứng trong hoạt động công chứng chỉ dừng lại ở việc trợ giúp cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ nội dung văn bản công chứng, quyền và nghĩa vụ của bản thân hay khi người yêu cầu công chứng gặp trở ngại trong việc biểu đạt ý chí. Tuy nhiên, từ những quy định của pháp luật liên quan tới người làm chứng trong việc lập di chúc, các nhà làm luật dường như có một cách nhìn khác về vai trò của người làm chứng trong tương quan so sánh với quy định được ghi nhận trong pháp luật công chứng. Nói theo cách khác, bên cạnh vai trò bảo đảm cho người lập di chúc hoàn toàn có thể hiểu được nội dung bản di chúc cũng như trợ giúp người lập di chúc biểu đạt ý chí của mình trên bản di chúc đó, chúng ta thấy, trong tình huống được dự liệu tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, người làm chứng đã đảm nhiệm một vai trò lớn hơn rất nhiều. Người làm chứng không những đã thể hiện, diễn đạt..., mà còn khẳng định thay ý chí của người lập di chúc thông qua việc “ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ” vào bản di chúc. Tuy nhiên, soi chiếu quy định vừa nêu dưới góc độ pháp luật công chứng và chứng thực hiện hành, chúng ta thấy tính khả thi của nội dung khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 là không cao[19]. Bên cạnh đó, trong trường hợp di chúc có người làm chứng, khi người thừa kế tiến hành phân chia di sản theo di chúc, công chứng viên có cần yêu cầu sự hiện diện của những người làm chứng hay không? Nếu có thì sẽ phải giải quyết ra sao nếu một hoặc cả hai người làm chứng đều đã chết hoặc đơn giản hơn là không thể liên lạc được?
Từ sự trình bày, phân tích một số quy định có liên quan đến vai trò của người làm chứng nói chung hay người làm chứng trong hoạt động công chứng kể trên, chúng tôi xin đưa ra một vài kiến nghị như sau:
- Tiêu chuẩn pháp lý cũng như cách thức chỉ định người làm chứng cần phải được các nhà làm luật dân sự và pháp luật công chứng quy định một cách thống nhất.
- Nhiệm vụ, quyền hạn cũng như vai trò của người làm chứng khi xác lập giao dịch cũng như trong quá trình thực hiện giao dịch đó cũng cần phải được ấn định một cách cụ thể.
- Cho phép mở rộng các trường hợp được yêu cầu sự hiện diện của người làm chứng nhằm bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác... không những của công chứng viên mà còn của những người tham gia xác lập giao dịch.
Phòng Công chứng số 1 TP. Hà Nội
Hoàng Văn Hữu
Phòng Công chứng Gia Khánh
[1]. Từ điển Luật học do Nxb. Từ điển Bách khoa - Nxb. Tư pháp ấn hành năm 2006.
[2]. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015.
[3]. Xem: Quốc triều hình luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 242.
[4]. Xem: Các bộ luật An Nam , Nxb. Đông Dương, Hà Nội, 1922, tr. 461.
[5]. Xem: Các bộ luật An Nam, Sđd, tr. 469.
[6]. Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014
[7]. Mục 8 Phần I Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng.
[8]. Điều 28 Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước.
[9]. Điều 28 Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước.
[10]. Điều 8 và Điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực.
[11]. Điều 9; khoản 3 Điều 12; Điều 41 và Điều 45 Luật Công chứng năm 2006.
[12]. Khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng năm 2014.
[13]. Điều 48 Luật Công chứng năm 2014.
[14]. Điều 52 Luật Công chứng năm 2014.
[15]. Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[16]. Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[17]. Khoản 2 Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[18]. Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[19]. Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.