1. Khái niệm và đặc điểm của án treo
Án treo là một chế định pháp lý hình sự được quy định rất sớm trong pháp luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, trước năm 1986 chưa có một khái niệm thống nhất về án treo mà án treo được hiểu theo nhiều quan điểm khác nhau như: Tại Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946 về tổ chức các Toà án quân sự, án treo được hiểu là tạm đình chỉ thi hành án: “Khi phạt tù Tòa có thể cho tội nhân được hưởng án treo nếu có những lý do đáng khoan hồng. Bản án xử treo sẽ tạm đình việc thi hành. Nếu trong 05 năm bắt đầu từ ngày tuyên án, tội nhân không bị Tòa án quân sự làm tội một lần nữa về một việc mới, thì bản án đã tuyên sẽ hủy đi, coi như không có. Nếu trong 05 năm ấy, tội nhân bị kết án một lần nữa trước một Tòa án quân sự thì bản án treo sẽ đem thi hành”[1].
Thông tư số 2308/NCPL ngày 01/12/1961 coi án treo là biện pháp hoãn hình có điều kiện: “Án treo là một biện pháp hoãn hình có điều kiện, áp dụng chủ yếu đối với những kẻ phạm tội nhẹ, bản chất không nguy hiểm, xét không thực cần thiết phải bắt thi hành ngay án phạt tù, nhằm mục đích khuyến khích họ tự nguyện lao động cải tạo với sự giúp đỡ tích cực của xã hội, đồng thời cảnh cáo họ còn nếu tiếp tục phạm tội trong thời gian thử thách thì tùy trường hợp sẽ buộc chấp hành án cũ trong mức độ cần thiết, ngược lại nếu trong thời gian thử thách họ không phạm tội gì mới, án treo sẽ được xóa bỏ”. Thậm chí có thời kỳ án treo được coi là hình thức xử lý nhẹ hơn hình phạt tù giam theo Thông tư số 19/TATC ngày 02/10/1974 của Tòa án nhân dân tối cao: “So sánh hậu quả phổ biến về mặt pháp lý cũng như hậu quả về mọi mặt khác của án tù giam và án tù treo (người bị án treo không bị cách lý khỏi xã hội, vẫn sống trong môi trường bình thường hàng ngày của họ mà cũng không bị hạn chế gì, tất cả các quyền lợi của người công dân, người bị án treo đều được hưởng, nếu họ là công dân viên chức, họ không bị buộc thôi việc, họ cũng chỉ bị án tích trong thời gian thử thách 05 năm) thì án treo phải được xem là hình thức giảm nhẹ hơn tù giam. Như, vẫn chuyển án tù treo sang án tù giam nặng thời gian ngắn hơn cũng là tăng nặng hình phạt. Ngược lại, chuyển án tù giam sang án tù treo dù thời gian dài hơn cũng là giảm nhẹ hình phạt”. Theo sự hướng dẫn này, án treo không đồng nghĩa là một loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự, mà án treo chỉ được coi là một hình thức xử lý nhẹ hơn tù giam. Mặc dù, án treo được hiểu với các tên gọi khác nhau nhưng qua các quy định trên án treo được áp dụng như một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Từ năm 1986 đến nay, án treo được quy định rõ là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện[2]. Khái niệm về án treo được quy định rõ tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo đó: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”[3]. Từ khái niệm trên, về bản chất án treo có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Thứ hai, án treo thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa trong chính sách hình sự của Nhà nước ta là “trừng trị kết hợp với giáo dục”. Do đó, trong bản án Tòa án tuyên cho bị cáo một mức án (loại hình phạt tù có thời hạn) tương xứng với tính chất, mức độ hình vi phạm tội và nhân thân của bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo không phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội mà được cải tạo tại cộng đồng xã hội nơi bị cáo công tác hoặc sinh sống trong thời gian chấp hành án đồng thời chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.
Thứ ba, người được hưởng án treo sẽ phải chịu một thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù đã tuyên, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
Thứ tư, trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Thứ năm, án treo không phải là hình phạt trong hệ thống các hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự. Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định 7 loại hình phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình và 7 loại hình bổ sung là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính. Trong số 14 loại hình phạt được quy định hoàn toàn không có án treo, điều này có nghĩa là án treo không phải là hình phạt.
2. Quan điểm có trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam khi áp dụng án treo hay không theo quy định của Bộ luật Hình sự
Việc trừ hay không trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam khi áp dụng án treo đối với người phạm tội là vấn đề còn đang tranh luận ở cả mặt lý luận và thực tiễn, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ nêu hai quan điểm chính, cũng như phân tích căn cứ áp dụng của từng quan điểm, trên cơ sở các quy định của pháp luật để đưa quan điểm chính xác nhất trong việc áp dụng án treo đối người phạm tội.
Quan điểm thứ nhất, thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo dựa trên căn cứ quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quan điểm này, cho rằng thời hạn tạm giữ, tạm giam chỉ được trừ trong trường hợp: “trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới”[4]. Ngoài trường hợp trên, thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo vì án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện chứ không phải hình phạt. Do đó, không thể áp dụng Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 tù có thời hạn để trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Quan điểm thứ hai, thời gian tạm giữ, tạm giam phải được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo căn cứ vào quy định khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự tù có thời hạn quy định thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Ở khía cạnh nào đó, quan điểm này đã bảo vệ quyền lợi đối với các trường hợp người chấp hành hình phạt tù nhưng cho hướng án treo chấp hành tốt, nhưng không được trừ đi thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam trước đó, so sánh với trường hợp bị cáo bị áp dụng hình phạt tù, cải tạo không giam giữ hay bị cáo buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo đều được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam là không công bằng.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện chứ không phải là một loại hình phạt như cải tạo không giam giữ tại Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay tù có thời hạn tại Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp bị cáo buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 tức là bị cáo không được hưởng án treo nữa nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời hạn bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù là phù hợp theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy, khi xác định có hay không việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam cần căn cứ vào Điều 65 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP. Hơn nữa, về thời gian thử thách án treo tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 4 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định: “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 01 năm và không được quá 05 năm”. Trong nhiều trường hợp khi áp dụng án treo đối với người phạm tội việc trừ thời hạn bị tạm giam, tạm giữ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo sẽ không đảm bảo thời hạn thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù. Như vậy, không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù cũng như không trừ vào thời bị tạm giam, tạm giữ vào thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Án treo là chế định không mới trong pháp luật hình sự nước ta, là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện trong những năm qua án treo đã phát huy hiệu quả trong công tác xử lý tội phạm với phương châm “trừng trị kết hợp với giáo dục”, thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tính ưu việt trong pháp luật hình sự khi không bắt người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội mà cũng đạt được mục đích giáo dục, cải tạo để người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc nhận thức đúng các quy định về án treo trong đó có quy định “thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo”nhằm đảm bảo tính chính xác theo quy định của pháp luật hiện hành khi áp dụng án treo trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự./.
Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1