1. Nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Ở nước ta hiện nay, việc tiếp tục tăng cường hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới: Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới; biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới; chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật; thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân (Điều 6).
Bên cạnh các nguyên tắc áp dụng chung cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì Luật Bình đẳng giới năm 2016 còn đưa ra ba nguyên tắc cụ thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Điều 14 như sau:
Thứ nhất, nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
Nguyên tắc này xuất phát từ quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Điều 39 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Theo đó, nam, nữ được đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng khi có đáp ứng quy định về độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016. Hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Công dân không phân biệt giới tính đều bình đẳng về cơ hội học tập. Trên cơ sở nhu cầu, đặc điểm và khả năng khác nhau của người học, người học có thể tham gia vào các cấp học, trình độ đào tạo khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính.
Thứ hai, nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
Nguyên tắc này xuất phát từ quyền lựa chọn ngành, nghề, việc làm được quy định tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Nền tảng của việc lựa chọn ngành, nghề, việc làm là được đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là đối với các ngành, nghề đặc thù có quy định điều kiện về chứng chỉ hành nghề. Các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về năng lực của thí sinh thể hiện qua điểm thi, không phân biệt giới tính của thí sinh ứng tuyển. Qua đó, nam, nữ đều có cơ hội ngang nhau trong việc lựa chọn học tập những ngành nghề, lĩnh lực phù hợp với sở thích, khả năng, năng khiếu của bản thân.
Thứ ba, nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Với tư cách là chủ thể hưởng thụ những giá trị mà giáo dục, đào tạo mang lại, nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nguyên tắc này được cụ thể hóa trong quy định của các văn bản pháp luật như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019. Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục năm 2019 không có quy định phân biệt về giới tính đối với các đối tượng được hưởng chính sách giáo dục. Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử (Điều 5). Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định nghiêm cấm hành vi “phân biệt đối xử về giới tính” đối với người lao động, trong đó có việc phân biệt đối xử về giới tính trong việc lựa chọn người lao động cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định về chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong việc tiếp cận, hưởng thụ các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng tại khoản 4 Điều 14: “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”.
2. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Giáo dục là vấn đề thiết yếu giúp nâng cao năng lực của con người. Đặc biệt, đối với phụ nữ, giáo dục lại càng quan trọng. Khi phụ nữ có kiến thức, họ sẽ góp phần vào sự phát triển của đất nước, qua đó nâng cao vị thế của mình trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, phụ nữ lại ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục, đào tạo hơn nam giới, đặc biệt ở các vùng cao, nông thôn, phụ nữ ít được bồi dưỡng, phát triển nghề, khoa học kỹ thuật. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ định kiến giới và phân biệt đối xử theo giới. Vì lẽ đó, tuy đã quy định quyền được giáo dục, đào tạo như nhau giữa nam và nữ, Luật Bình đẳng giới năm 2006 vẫn cần quy định thêm các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như tăng cường các chính sách bù đắp thích hợp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm như nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhóm phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số... Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bình đẳng giới năm 2006. Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định hai biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại khoản 5 Điều 14, cụ thể:
Thứ nhất, quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo:
Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập được quy định tại chỉ tiêu 1 của Mục tiêu 3: “Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 90% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020” và chỉ tiêu 2: “Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 40% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 20% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020”. Trong quá trình thực hiện, chỉ tiêu 1 đã được thay thế bằng chỉ tiêu: “Vào năm 2020, tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt ngang bằng với nam (98%), trong đó tỷ lệ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 94%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%”[1]. Chỉ tiêu 2 vẫn giữ nguyên.
Tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo được quy định tại các chỉ tiêu 2, 3 và 4 của Mục tiêu 5 với tỷ lệ cao hơn, trình độ đào tạo cũng được nâng lên nhằm hướng tới bình đẳng giới ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo: (i) Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030 (chỉ tiêu 2); (ii) Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030 (chỉ tiêu 3); (iii) Tỷ lệ nữ thạc sỹ trong tổng số người có trình độ thạc sỹ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi; tỷ lệ nữ tiến sỹ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030 (chỉ tiêu 4).
Thứ hai, lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật:
Biện pháp này được thể hiện trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 tại chỉ tiêu 3 của Mục tiêu 2: “Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020”. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã bỏ chỉ tiêu này và chuyển nội dung này sang Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và được quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
3. Thực trạng thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Theo Báo cáo về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2020 do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện, tỷ lệ nam và nữ biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 tại chỉ tiêu 1 đã đạt kế hoạch Chiến lược đề ra. Có thể thấy, tỷ lệ nam, nữ biết chữ hiện nay là tương đương nhau. Tuy nhiên, chênh lệch về trình độ giữa nam và nữ ngày càng gia tăng theo từng cấp học, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Theo Báo cáo đánh giá độc lập rà soát và đánh giá tác động về giới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tình trạng bỏ học sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đang khá phổ biến với trẻ em gái, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số. Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá không phải do kinh tế hay khoảng cách địa lý từ nhà tới trường học mà chủ yếu do áp lực từ bạn bè và các yếu tố xã hội khác. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sỹ là 44,3%, chưa đạt so với mục tiêu đề ra là 50% trong khi tỷ lệ nữ tiến sỹ là 28% vượt 3% so với chỉ tiêu đề ra. Như vậy, chỉ tiêu 2 của Mục tiêu 3 trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 không đạt ở nội dung tỷ lệ nữ thạc sỹ. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ vẫn là thiểu số trong các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ (STEM) và các ngành kỹ thuật nói chung.
Theo kết quả điều tra lao động - việc làm năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 17,4%, như vậy, chỉ tiêu này chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 (50%). Để hướng đến mục tiêu này, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã có một số sửa đổi, cùng với đó, một số chính sách, đề án đã được phê duyệt nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ nông thôn được tham gia học nghề. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Đào tạo nghề nông nghiệp trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc qua xây dựng nông thôn mới chủ yếu nhằm mục đích phát triển kỹ năng nông nghiệp hơn là chuẩn bị cho lực lượng lao động nông thôn làm việc phi nông nghiệp. Các hoạt động đào tạo nghề này hiện đang được đánh giá là không theo nhu cầu, thời gian đào tạo ngắn, ít mang tính ứng dụng thực tế đồng thời thời gian tổ chức lớp học không phù hợp[2].
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Trải qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng. Tuy nhiên, việc một số tiêu chí liên quan tới bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo vẫn chưa đạt đặt ra thách thức cho Việt Nam trong hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới. Theo quan điểm của tác giả, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần cải thiện tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập ở các cấp học mà không chỉ dừng lại ở tỷ lệ biết chữ của nam, nữ. Nội dung này đã được cụ thể hóa thành các tiêu chí trong Mục tiêu 5 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Cần có những nghiên cứu để làm rõ hơn nguyên nhân của tình trạng bỏ học sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, đặc biệt là với nhóm dân tộc thiểu số. Qua đó, xây dựng các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tình trạng bỏ học. Đồng thời, cần xây dựng các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp cản trở việc thực hiện quyền học tập của trẻ em.
Thứ hai, khi xây dựng chính sách bảo đảm quyền được học tập, nâng cao trình độ của lao động nữ cần tính đến đặc thù giới tính nữ thực tế. Nhóm đối tượng học tập ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chủ yếu thuộc nhóm đang làm việc tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu học tập nâng cao trình độ để phục vụ nhu cầu công việc. Việc học tập, bồi dưỡng của nhóm đối tượng này còn phải chịu sự chi phối của đơn vị công tác. Do đó, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ lao động nữ đi học để nâng cao trình độ thì còn cần xây dựng các quy định về cử người lao động đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ có nhạy cảm giới.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn, chương trình học cần bám sát nhu cầu của xã hội, phù hợp với đặc thù của lao động nữ. Việc dạy nghề cần hướng tới đào tạo nghề trung hạn và dài hạn. Lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn không nên chỉ dừng lại ở việc đào tạo thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn trao đổi khoa học kỹ thuật về phương thức sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cần được thực hiện theo hướng đào tạo chuyên sâu hơn. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nghề theo hướng chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp để phù hợp với nguyện vọng tìm kiếm việc làm hiện nay. Việc đào tạo nghề cần tính đến các nhu cầu và vai trò xã hội khác nhau của phụ nữ.
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 02/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
[2]. Theo Báo cáo đánh giá độc lập rà soát và đánh giá tác động về giới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.