1. Dẫn nhập
Hiện nay, để phù hợp và đáp ứng với nhu cầu của thực tiễn xã hội, việc xét xử giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam đang dịch chuyển từ mô hình “tố tụng thẩm vấn” sang tiếp thu các yếu tố của mô hình “tố tụng tranh tụng”. Nói cách khác, việc xét xử các vụ án dân sự hiện nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả tranh tụng giữa các bên đương sự tại Tòa án. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, vốn được quan niệm là những người yếu thế và thường gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia quá trình xét xử giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong quá trình tranh tụng, phụ nữ lại thường gặp phải những khó khăn, hạn chế về thể chất, sức khỏe, tâm lý… Trên thực tế, việc tranh tụng thường được các luật sư nam tham gia thực hiện nhiều hơn so với luật sư nữ. Nói như vậy không có nghĩa là phụ nữ không được quyền tham gia hay không được tôn trọng khi thực hiện các hoạt động tranh tụng tại Tòa án. Để bảo đảm sự công bằng, vô tư, khách quan, pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm sự bình đẳng giới khi tham gia hoạt động tranh tụng tại Tòa án. Thậm chí, điều này còn được ghi nhận là một trong những nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng dân sự Việt Nam[1]. Từ đó, việc nghiên cứu về nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng tại Tòa án càng trở nên cần thiết và rất quan trọng.
2. Nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng tại Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm là một nguyên tắc hiến định[2]. Hay có thể thấy rằng, vấn đề bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được xác định là một trong những nội dung rất quan trọng và được ghi nhận trong đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất tại Việt Nam - Hiến pháp năm 2013. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tại Việt Nam.
Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rất chặt chẽ, chi tiết về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử với mục đích không những bảo đảm cho các đương sự khi tham gia tranh tụng được tự do thể hiện ý chí, nguyện vọng và khả năng tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án mà còn có vai trò giữ gìn, bảo vệ kỷ cương, pháp chế xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Còn về mặt lịch sử, nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng đã từng được ghi nhận lần đầu trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) với tên gọi là nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự[3]. Về bản chất, tranh tụng tại phiên tòa được hiểu là việc các đương sự “… trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án”[4].
Nếu nhìn rộng hơn, việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng diễn ra không chỉ trong quá trình tranh tụng tại Tòa án mà trước đó đã được thể hiện ngay từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Pháp luật thời kỳ trước khi thống nhất đất nước ghi nhận: “Tố quyền là một quyền pháp định (pouvoir légal) để cho ta sử dụng khi cần đến”[5]. Vì mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật nên đều có quyền sử dụng tố quyền (quyền khởi kiện) khi cần đến. Còn hiện nay, quyền khởi kiện vụ án dân sự là một trong những quyền dân sự cơ bản, một quyền năng mà pháp luật thừa nhận đối với các chủ thể trong giao lưu dân sự[6] và đó còn là một trong những nguyên tắc rất quan trọng của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam[7]. Về nguyên tắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình[8]. Như vậy, tại Việt Nam, không phân biệt nữ giới hay nam giới, mọi cá nhân đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm. Thậm chí, quyền tự do khởi kiện hiện nay đã được mở rộng đến những cơ quan chuyên trách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em, phụ nữ, như: “Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”[9]. Điều này cho thấy, sự bình đẳng trong xã hội và bình đẳng giới khi tham gia các hoạt động tố tụng dân sự tại Việt Nam ngày càng được pháp luật quan tâm.
Như vậy, quyền bình đẳng trong hoạt động tố tụng được bắt đầu ngay từ khi khởi kiện cho đến khi Tòa án ra bản án, quyết định. Bởi lẽ, sau khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự để giải quyết thì các đương sự đều được đối xử bình đẳng không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc. Nói cách khác, “trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội”[10]. Nhiệm vụ của Tòa án trong tố tụng dân sự là nhân danh quyền lực nhà nước để bảo đảm cho mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng một cách bình đẳng. Với tinh thần đó, khi đã trở thành đương sự trong tố tụng dân sự, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Tòa án, không phân biệt nam, nữ…[11]. Vì vậy, trong suốt quá trình tham gia tố tụng dân sự, chủ thể nào cũng có quyền hạn và nghĩa vụ để có thể thực hiện được việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Về nguyên tắc, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án[12]. Ví dụ, nếu nguyên đơn có quyền đưa ra yêu cầu khởi kiện thì bị đơn lại có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được quyền đưa ra yêu cầu độc lập để Tòa án phải xem xét, giải quyết trong cùng một vụ án dân sự. Hay trong suốt quá trình tham gia tố tụng, các đương sự đều có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút lại yêu cầu của họ. Tòa án phải có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự[13].
Còn trong hoạt động tranh tụng, hiện nay, nguyên tắc bình đẳng giới thể hiện rất rõ ràng và cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này”[14]. Đây là cơ sở để các đương sự được tự do thực hiện quyền hạn tranh tụng của mình mà không bị hạn chế, trừ trường hợp việc tranh tụng của đương sự không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vì thế, về nguyên tắc, đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện hay người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tham gia tranh tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Còn “nếu trong vụ án đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ sẽ tranh luận với nhau”[15]. Tuy nhiên, để có thể thuyết phục Hội đồng xét xử và chứng minh cho các yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp thì đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ và đồng thời, cũng phải có nghĩa vụ thông báo cho nhau về các loại tài liệu, chứng cứ đã giao nộp. Bởi lẽ, “khi các bên đưa việc tranh chấp của họ ra Tòa, thì Tòa án chỉ là người trọng tài, giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách khách quan và đúng pháp luật chứ Tòa án không thể làm thay, chứng minh thay cho đương sự với những yêu cầu của họ”[16]. Đồng thời, khi tranh tụng, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác[17]. Không những vậy, để hoạt động tranh tụng diễn ra nghiêm minh, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”[18]. Việc hỏi của Tòa án trong quá trình xét xử chủ yếu nhằm làm sáng tỏ nội dung của vụ việc và Tòa án không được phép hạn chế thời gian hay nội dung tranh tụng của các bên đương sự chỉ trừ trường hợp các nội dung tranh tụng trái quy định của pháp luật và không liên quan đến vụ án dân sự[19]. Để quá trình tranh tụng diễn ra hiệu quả, đúng pháp luật thì tất cả các bên tham gia tranh tụng sẽ phải thực hiện theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì vậy, quá trình tranh tụng được tiến hành công khai, bình đẳng giữa các bên đương sự và hoàn toàn không có sự phân biệt, ưu tiên giữa nam giới hay nữ giới. Điều này cho thấy, nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng rất công bằng, minh bạch và thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Bởi lẽ, không giới hạn đối tượng hay thành phần tham gia tranh tụng và cho dù nữ giới có thể yếu thế hơn nam giới nhưng khi tranh tụng thì phụ nữ vẫn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, những nội dung hay lập luận, lý lẽ của nữ giới đưa ra khi tranh tụng đều được Tòa án xem xét, tôn trọng và được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Quy định này phù hợp với tư tưởng dân chủ, tiên tiến, hiện đại trong xã hội ngày càng văn minh và quan tâm đầy đủ đến quyền con người. Bởi lẽ, nếu như trong xã hội phong kiến trước đây, khi thân phận, địa vị của người phụ nữ thường bị coi thường, hạ thấp thì họ không thể nào tự mình thực hiện được những hành động để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trước các cơ quan công quyền phong kiến.
Tóm lại, nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng tại Tòa án là một nguyên tắc rất quan trọng và việc thực hiện nguyên tắc này giúp cho các đương sự, đặc biệt là những người yếu thế như phụ nữ có thể chủ động, linh hoạt và có cơ hội để trực tiếp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án.
3. Một số kiến nghị
Hiện nay, từ thực tiễn của việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng tại Tòa án cho thấy, hoạt động tranh tụng vẫn đang tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Do đó, hiệu quả của tranh tụng chưa cao và vì thế, nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng tại Tòa án vẫn chưa thực sự thực được hiện hiệu quả. Chính vì vậy, nhóm tác giả cho rằng, để khắc phục các hạn chế, bất cập trên thì cần xem xét các giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần xác định phần tranh tụng giữa các đương sự là trọng tâm của quá trình xét xử và giảm dần phần hỏi của thẩm phán tại phiên tòa.
Kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực cho đến nay, hoạt động tranh tụng tại Việt Nam ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn tranh tụng tại Việt Nam cho thấy, còn có trường hợp hoạt động tranh tụng tại các Tòa án diễn ra khá chiếu lệ, qua loa và các đương sự cũng chưa thật sự ý thức được trách nhiệm và giá trị của tranh tụng. Bởi lẽ, thời gian dành cho phần “hỏi” thường chiếm nhiều thời gian hơn phần “tranh tụng”, nhiều thẩm phán dường như vẫn quen với lề lối xét xử trước đây nên vẫn ưu tiên và xác định phần hỏi là trọng tâm trong quá trình xét xử. Vì thế, đến phần tranh tụng, không ít trường hợp các bên đương sự và Hội đồng xét xử cảm thấy không còn gì để phát biểu nên phần này qua loa, chiếu lệ và rồi nhanh chóng chuyển sang các nội dung tiếp theo. Tuy nhiên, như đã phân tích, quá trình tranh tụng rất quan trọng, vì đó là cơ sở để Hội đồng xét xử trực tiếp xem xét và còn để các bên đương sự có cơ hội trực tiếp đối chất, tranh luận với nhau. Về nguyên tắc, phần tranh tụng không bị giới hạn về thời gian, nhưng trên thực tế, do phần “hỏi” trước đó đã chiếm khá nhiều thời gian và nhiều vấn đề của vụ án, vậy nên, đến phần tranh tụng thì không còn nhiều vấn đề phải trao đổi. Từ đó, theo nhóm tác giả, cần xem xét lại vấn đề này và có sự điều chỉnh phù hợp. Trong đó, cần tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nhiều hơn cho đội ngũ thẩm phán để có thể dần thay đổi thói quen, suy nghĩ khi xét xử, từ đó, giảm bớt vai trò trung tâm của thẩm phán và đề cao vai trò của đương sự thông qua hoạt động tranh tụng. Trọng tâm của tố tụng tranh tụng cần phải xác định qua việc tranh tụng mới là nội dung quan trọng nhất của quá trình xét xử tại Tòa án. Hay nói cách khác, “việc tranh tụng trong tố tụng dân sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự”[20]. Chính vì vậy, cần quán triệt tinh thần của nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng. Có như vậy, hoạt động tranh tụng mới đi vào thực chất và những chủ thể yếu thế như phụ nữ mới thực hiện hiệu quả việc tranh tụng, để từ đó, quá trình xét xử giải quyết vụ án dân sự của Tòa án đạt chất lượng tốt hơn.
Thứ hai, cần chú ý đến kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tranh tụng tại Tòa án.
Nếu như trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011)[21] thường gọi nguyên tắc này là nguyên tắc “tranh luận”, thì đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã chuyển sang tên gọi “tranh tụng” vì có lẽ để phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp chuyển từ mô hình “tố tụng thẩm vấn” sang “tố tụng tranh tụng” giống như các nước thuộc hệ thống pháp luật Common law (Anh - Hoa Kỳ). Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, thuật ngữ “tranh luận” hay “tranh tụng” vẫn được sử dụng chưa thống nhất và gây ra một số khó hiểu cho những người nghiên cứu, giới học thuật và những người áp dụng pháp luật. Căn cứ Điều 24 và Điều 247 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì xác định đây là hoạt động “tranh tụng”, tuy nhiên, điều luật trực tiếp điều chỉnh việc tiến hành tranh tụng là Điều 260 và Điều 261 của Bộ luật này thì lại gọi là “tranh luận”. Khác với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) sử dụng các thuật ngữ rất rõ ràng và thống nhất từ đầu đến cuối. Trong đó, Điều 23a, Điều 232 và Điều 233 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đều chỉ sử dụng thuật ngữ “tranh luận”. Tuy nhiên, trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 phần nguyên tắc gọi là “tranh tụng” nhưng đến nội dung điều chỉnh thì lại gọi là “tranh luận”. Về bản chất, hai thuật ngữ này có thể cùng diễn đạt vấn đề các đương sự thực hiện việc tranh luận với nhau để “bảo vệ ý kiến, luận điểm của mỗi bên và bác bỏ ý kiến, luận điểm của phía bên kia, dưới sự điều khiển, quyết định của Tòa án với vai trò trung gian”[22]. Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa, chúng có sự khác nhau và đối với việc xây dựng, ban hành và áp dụng pháp luật đòi hỏi phải tuyệt đối chính xác, rõ ràng, chuẩn mực. Bởi vì, nếu pháp luật không chặt chẽ, rõ ràng sẽ gây ra sự nhầm lẫn và khó khăn khi áp dụng. Từ đó, theo nhóm tác giả, cần nhanh chóng rà soát, thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “tranh tụng” và “tranh luận”, để từ đó, các quy định pháp luật tố tụng dân sự được xây dựng theo một chỉnh thể thông suốt, khoa học, thống nhất và ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly
Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2]. Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
[3]. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2014), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 67.
[4]. Khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5]. Nguyễn Huy Đẩu (1962), Luật Dân sự tố tụng Việt Nam, xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, tr. 37.
[6]. Đàm Thị Hoa (2016), Quyền tự do khởi kiện vụ án dân sự theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 01.
[7]. Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[8]. Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[9]. Khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[10]. Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[11]. Nguyễn Thị Hoài Phương (2011), Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài - Cơ chế hiện hữu bảo vệ quyền dân sự, Sách chuyên khảo, Nxb. Lao động, tr. 30.
[12]. Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[13]. Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[14]. Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[15]. Nguyễn Thị Hoài Phương (2011), Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài - Cơ chế hiện hữu bảo vệ quyền dân sự, Sách chuyên khảo, Nxb Lao động. tr. 50.
[16]. Tưởng Duy Lượng (2009), Pháp luật Tố tụng dân sự và thực tiễn xét xử, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 191.
[17]. Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[18]. Khoản 3 Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[19]. Khoản 3 Điều 247 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[20]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 53.
[21]. Điều 23a Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định về bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự.
[22]. Luật Minh Khuê (2021), Tranh tụng là gì? Phân tích nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, nguồn truy cập: https://luatminhkhue.vn/tranh-tung-la-gi—-khai-niem-tranh-tung-duoc-hieu-nhu-the-nao—.aspx , truy cập ngày: 23/6/2022.