Thực tiễn tố tụng hình sự nước ta trong những năm qua cho thấy việc bảo đảm và thực hiện quyền bào chữa của bị cáo đã và đang có những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt, sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, giúp các chủ thể tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng của con người, được ghi nhận rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp năm 2013. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều xem quyền bào chữa là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của người bị buộc tội nói chung, bị cáo nói riêng. Thực tiễn tố tụng hình sự nước ta trong những năm qua cho thấy việc bảo đảm và thực hiện quyền bào chữa của bị cáo đã và đang có những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
1. Thực tiễn bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo
1.1. Những kết quả đạt được
Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, việc tham gia tố tụng của người bào chữa đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, giúp các chủ thể tiến hành tố tụng (THTT) giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả sau:
Một là, các Tòa án đã tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo có thể thực hiện quyền bào chữa ngay từ thời điểm nhận hồ sơ vụ án. Đa số các Tòa án thực hiện đầy đủ trách nhiệm yêu cầu chỉ định người bào chữa trong các trường hợp luật định, tạo điều kiện để người bào chữa tham gia tố tụng, bảo đảm cho họ thực hiện các quyền tố tụng. Tại phiên tòa, các thẩm phán điều hành thủ tục xét xử đúng với tinh thần cải cách tư pháp, bị cáo, người bào chữa được tôn trọng, tạo điều kiện để thực hiện quyền bào chữa. Tòa án cũng bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc nguyên tắc tranh tụng, do đó, chất lượng bào chữa ngày càng được nâng lên.
Hai là, theo Báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (từ năm 2009 đến ngày 31/12/2018), đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia vào các lĩnh vực hành nghề, năm sau tăng hơn năm trước. Cụ thể, đội ngũ luật sư đã tham gia vào hơn 133.000 vụ án hình sự. Đáng chú ý, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan THTT yêu cầu. Chất lượng bào chữa ngày càng được nâng cao. Cũng theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2011 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, năm 2011, các đoàn luật sư đã tham gia vào 17.507 vụ án hình sự (trong đó, có 9.740 vụ án hình sự được mời, 7.767 vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan THTT). Hay, theo số liệu tổng hợp dựa trên cơ sở báo cáo chưa đầy đủ của các tổ chức hành nghề luật sư, trong 05 năm (từ năm 2013 đến năm 2018), Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã thực hiện được tổng số 94.501 dịch vụ pháp lý, trong đó tham gia các vụ án hình sự: 12.093 vụ (trong đó có 4.246 vụ án theo yêu cầu của các cơ quan THTT, chiếm tỷ lệ trên 35%). Như vậy, số vụ án có người bào chữa tham gia tố tụng mặc dù còn chiếm một tỷ lệ khá hạn chế nhưng đã và đang có xu hướng tăng nhanh. Điều này cho thấy một dấu hiệu đáng mừng, đồng thời cũng phản ánh phần nào sự dân chủ, sự tiến bộ trong xã hội nói chung, Ngành Tư pháp nói riêng.
Ba là, đối với vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi đã được bảo đảm tuyệt đối, 100% số vụ án có người bào chữa tham gia, Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê cho thấy từ năm 2013 đến năm 2017, số vụ án bị cáo dưới 18 tuổi mời người bào chữa nằm trong khoảng 20-25% và có xu hướng giảm (năm 2013: 24,38%; 2014: 22,62%; năm 2016: 20,55%). Mặc dù đây là thành phố lớn, khả năng, điều kiện tiếp cận dịch vụ, thực hiện quyền bào chữa của bị cáo là cao hơn so với trung bình của cả nước.
Bốn là, việc tham gia tố tụng của người bào chữa đã góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, giúp cơ quan tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Mặc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng sự tham gia của người bào chữa nói chung đã đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, có những trường hợp Tòa án đã xử nhẹ hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát hoặc tuyên bị cáo không phạm tội hay yêu cầu điều tra bổ sung… Thậm chí, có những người bào chữa có ý chí quyết tâm cao, theo vụ án đến cùng, tham gia nhiều cấp xét xử đối với cùng một vụ án, kết quả đạt được nhiều khi là cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm chấp nhận mặc dù trước đó cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã không chấp nhận. Ngoài ra, nhiều vụ án đã có đủ cơ sở pháp lý để kết tội bị cáo nhưng sự tham gia của người bào chữa cũng giúp cho hội đồng xét xử (HĐXX) làm sáng tỏ thêm tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, động cơ, mục đích, nguyên nhân phạm tội, giúp HĐXX cân nhắc, xem xét để ra một bản án công minh, đúng pháp luật, giúp bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình, chấp hành bản án một cách tự giác, nghiêm minh.
1.2. Hạn chế
Thứ nhất, trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, người bào chữa còn gặp phải nhiều khó khăn từ phía các cơ quan THTT. Việc cấp đăng ký, thông báo người bào chữa, tham dự hỏi cung bị can, việc gặp và làm việc với bị can, bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án… Người THTT chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của người bào chữa khi tham gia tố tụng để đảm bảo sự khách quan trong hoạt động tố tụng, chưa tạo điều kiện để người bào chữa tham gia tố tụng. Còn có những quy định của các cơ quan THTT chưa phù hợp, chưa đồng bộ với quy định của luật dẫn đến cách hiểu và vận dụng pháp luật của những người THTT cũng rất khác nhau (nhiều lúc, nhiều nơi còn tùy tiện), còn nhiều trường hợp bị can từ chối người bào chữa ngay từ khi làm thủ tục tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra, dù rằng trước khi bị bắt họ tha thiết mời luật sư tham gia. Mọi khó khăn từ phía các cơ quan THTT mà không riêng gì Tòa án đều có ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo bởi trước khi trở thành bị cáo, chính bản thân người đó đã tham gia tố tụng với các tư cách khác nhau. Pháp luật quy định cho họ có quyền bào chữa ngay từ đầu chứ không phải chỉ trong giai đoạn xét xử.
Nhiều trường hợp các cơ quan THTT còn yêu cầu người bào chữa phải nộp giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề hoặc những giấy tờ khác mà pháp luật không quy định, thậm chí có trường hợp còn đòi hỏi người bào chữa cung cấp giấy yêu cầu của khách hàng phải có thị thực của chính quyền địa phương. Việc gặp gỡ và làm việc với bị cáo đang bị tạm giam cũng gặp phải không ít cản ngại, cụ thể: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ 01/01/2018, quy định người bào chữa có quyền gặp người bị tạm giữ, tạm giam mà không kèm theo bất kỳ một điều kiện gì. Thế nhưng, ở nhiều nơi, nhiều lúc, người bào chữa gặp bị cáo luôn bị cơ quan điều tra gây khó, ví dụ như: Cơ quan điều tra yêu cầu trại tạm giam chỉ giải quyết cho người bào chữa gặp bị cáo khi có điều tra viên giám sát.
Quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án của người bào chữa cũng gặp không ít khó khăn. Lẽ thường, một khi đã là quyền của người bào chữa thì sẽ là nghĩa vụ tương ứng của các cơ quan THTT (Viện kiểm sát, Tòa án). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lúc, nhiều nơi, kiểm sát viên, thẩm phán gây khó khi các luật sư thực hiện quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu…
Thứ hai, trường hợp bị cáo tự bào chữa cho mình thì chất lượng việc bào chữa còn hạn chế. Về mặt thực tiễn thực hiện quyền tự bào chữa của bị cáo hiện nay cho thấy, bị cáo thường chủ yếu kêu oan, không nhận tội nhưng không có khả năng sử dụng chứng cứ, lý lẽ để chứng minh hoặc không có khả năng cung cấp tài liệu để bào chữa. Một số khác lại bào chữa bằng lý do không mấy thuyết phục như hoàn cảnh gia đình, tinh thần thái độ thành khẩn… để xin giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo… Xuất phát từ vốn hiểu biết pháp luật, khả năng tranh luận của bị cáo, nhiều bị cáo không biết thế nào là tranh luận, không biết phải làm gì nên dẫn đến tình trạng không nói hoặc nói rất ít. Đặc biệt, đối với bị cáo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… thì trình độ dân trí không đủ để thực hiện quyền này.
Thứ ba, hạn chế từ phía người bào chữa. Trong hoạt động của mình, nhiều người bào chữa (chủ yếu là bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý) có trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thấp, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa đủ bản lĩnh, tâm lý khi tham gia bào chữa cho bị cáo. Có trường hợp người bào chữa không mạnh dạn, kịp thời đề nghị với các cơ quan THTT về những chứng cứ có lợi, chưa thực hiện triệt để việc tham gia lấy lời khai, chưa chú ý đầu tư nghiên cứu hồ sơ, cáo trạng… để có căn cứ chuẩn bị cho việc bào chữa. Đối với những trường hợp bào chữa chỉ định, việc bào chữa còn mang tính hình thức, qua loa. Không ít người bào chữa lại tham gia với một thái độ hời hợt, qua loa. Tinh thần trách nhiệm với nghề, với bị cáo mà mình bào chữa còn chưa cao. Không ít các trường hợp vắng mặt tại phiên tòa với lý do “rất bận”, chỉ gửi bài bào chữa hay có mặt tại phiên tòa chỉ để giúp bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng suy cho cùng, đây là thực tế đáng báo động nhất không chỉ trong vấn đề bào chữa chỉ định.
Bên cạnh việc hạn chế về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm thì vấn đề về tính chuyên nghiệp, đạo đức của một bộ phận người bào chữa cũng là vấn đề đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Không ít người bào chữa đã có những hành vi, phát ngôn không đúng, mang đậm ý kiến chủ quan sai lệch… làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, mất lòng tin, sự tôn trọng từ HĐXX nên các luận điểm, chứng cứ bào chữa ít được coi trọng. Có người bào chữa không kìm chế được cảm xúc, có những cư xử không đúng mực tại phiên tòa.
Thứ tư, tỷ lệ vụ án có người bào chữa tham gia còn thấp. Theo số liệu thống kê, năm 2014, 80% số vụ án hình sự không có người bào chữa cho bị cáo. Nhìn chung, những nơi có nhiều người bào chữa tham gia tố tụng (nhất là luật sư) vẫn tập trung ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… Trong khi ở một số địa phương, con số này là tương đối nhỏ, thậm chí là không đáng kể như: Hà Giang, Tuyên Quang, Kon Tum… Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2016, số vụ án có sự tham gia của người bào chữa trong tổng số các vụ án hình sự mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ 9,35% (1.112/11.893) và các vụ án có người bào chữa chủ yếu là các trường hợp bào chữa theo yêu cầu của Tòa án (bào chữa chỉ định).
Thứ năm, hạn chế trong bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa. Việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa còn nhiều hạn chế như: Có vụ án bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử sau 10 ngày trước ngày mở phiên tòa nhưng phiên tòa vẫn tiến hành xét xử bình thường mà không có ý kiến của bị cáo; các lý lẽ, chứng cứ người bào chữa đưa ra chưa được HĐXX coi trọng, có biểu hiện ưu tiên cho Viện kiểm sát, hạn chế quyền tranh luận của người bào chữa. Có trường hợp tại phiên tòa, kiểm sát viên không đứng dậy khi tranh luận với người bào chữa, xưng hô sai quy định nhưng thẩm phán đã không nhắc nhở. Một số trường hợp khác, người bào chữa bị chủ tọa hạn chế về mặt thời gian; hoặc tạo điều kiện cho người bào chữa trình bày nhưng sau đó lại tuyên bố không chấp nhận ý kiến đó mà không nêu lý do, cũng không yêu cầu Viện kiểm sát đối đáp lại… Những vấn đề trên khiến người bào chữa không thực hiện được, thực hiện không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo.
1.2. Một số nguyên nhân của hạn chế
Một là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã trao rất nhiều quyền cho người bào chữa, tuy nhiên, một số quyền quy định mang tính chung chung, hình thức, chưa cụ thể hoặc không được bảo đảm khi thực hiện. Ví dụ, quy định về việc cơ quan có thẩm quyền phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà người bào chữa được phép tham gia. Tuy nhiên, trong thực tế như đã chỉ ra, nhiều trường hợp người bào chữa chỉ được thông báo trước vài giờ. Hay như quyền thu thập chứng cứ, tài liệu của người bào chữa cũng gặp vô vàn khó khăn khi thực hiện trên thực tế.
Hai là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn chưa quy định một số vấn đề cần thiết hoặc có quy định nhưng chưa phù hợp. Cụ thể, pháp luật hiện hành chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp, hỗ trợ, cung cấp các chứng cứ, tài liệu cũng như chế tài cho việc cản trở, không thực hiện việc cung cấp chứng cứ, tài liệu nêu trên. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ dừng lại ở việc quy định cho người bào chữa có quyền đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà chưa quy định trong trường hợp người bào chữa muốn thu thập chứng cứ, tài liệu khác không có trong hồ sơ vụ án và cần sự phối hợp, cung cấp từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ như thế nào. Việc tống đạt, thông báo một số văn bản tố tụng của Tòa án cũng chưa có quy định trách nhiệm thông báo cho người bào chữa như quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn… Đặc biệt, trong khi bị can có quyền được biết kết quả quả hoạt động điều tra bổ sung thông qua việc giao nhận kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra, bản cáo trạng mới. Nhưng bị cáo lại không có quyền này mặc dù Tòa án có thể tự mình hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Những thiếu sót này, ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền bào chữa, bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo.
Ba là, sự có mặt của người bào chữa tại phiên tòa có vai trò vô cùng to lớn, quyết định đến kết quả bào chữa, nhưng theo quy định hiện hành, nếu người bào chữa đã được triệu tập lần hai mà vắng mặt, kể cả trường hợp người bào chữa đã gửi bản bào chữa cho Tòa án hay chưa thì Tòa án đều vẫn mở phiên tòa. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của người bào chữa tại phiên tòa, nhất là trong những trường hợp bào chữa chỉ định, cần quy định về vấn đề này theo hướng chặt chẽ hơn, yêu cầu người bào chữa phải gửi bản bào chữa nếu không thể tham gia phiên tòa khi đã triệu tâp hợp lệ lần thứ 2. Tiếp theo, trong trường hợp người bào chữa vắng mặt, người này vẫn cần có quyền được xem biên bản phiên tòa nói riêng, các biên bản về hoạt động tố tụng mà mình được phép tham gia nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, người bào chữa chỉ được xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của người đó…
2. Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, bổ sung cơ chế bảo đảm cho việc giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị cáo. Theo đó, giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị cáo là một quy định bắt buộc của Tòa án. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là vấn đề “giải thích” chứ không phải “thông báo”. Thực tế cho thấy, hầu hết các Tòa án chỉ thông báo về quyền, nghĩa vụ của bị cáo một cách qua loa. Cùng với đặc điểm về hiểu biết pháp luật, tâm lý… của bị cáo nên hầu hết các bị cáo không hiểu rõ, hiểu hết những quyền của mình, trong đó có quyền bào chữa. Chính vì vậy, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động này. Cụ thể, nên bổ sung quy định “Việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo phải được lập biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án”.
Thứ hai, bổ sung quy định về việc gửi, thông báo các văn bản tố tụng cho người bào chữa. Hiện nay, pháp luật chưa quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tống đạt, thông báo cho người bào chữa một số văn bản liên quan đến quyền lợi của bị cáo: quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn… Đây là những quyết định ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của bị cáo và cần phải thông báo cho người bào chữa để thực hiện chức năng bào chữa của mình.
Thứ ba, thiếu chế tài trong trường hợp có sự vi phạm quyền của người bào chữa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận khá đầy đủ về quyền cũng như nghĩa vụ của người bào chữa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa trong khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm, gây khó dễ cho người bào chữa. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hoạt động bào chữa. Do đó, cần bổ sung chế tài cho việc vi phạm quyền của người bào chữa theo hướng ghi nhận đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thứ tư, các điều 232, 238 và 245 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị can được biết kết quả hoạt động điều tra bổ sung thông qua việc giao nhận kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra, bản cáo trạng mới mà không quy định cho bị cáo quyền tương tự trong trường hợp Tòa án tự bổ sung, thu thập chứng cứ hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung (theo điều 252, 284). Kết quả điều tra bổ sung sẽ chứa đựng những chứng cứ, tài liệu, thông tin mà bị cáo cần phải biết để chủ động trong việc bào chữa. Nếu không quy định cho bị cáo quyền này sẽ gây nên thiệt thòi cho bị cáo. Do đó, nên bổ sung vào khoản 7, Điều 252: “Kết quả xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án phải được thông báo cho bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có liên quan. Bị cáo, người bào chữa có quyền đọc, ghi chép, sao chụp các tài liệu đó” và thêm vào khoản 4 Điều 284 với nội dung tương tự.
Thứ năm, hoàn thiện quy định về thủ tục đăng ký bào chữa. Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục đăng ký bào chữa. Theo đó, người bào chữa chỉ cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền THTT. Tuy nhiên, quy định này còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc cấp đăng ký bào chữa là người nào trong các cơ quan THTT. Điều này dẫn đến những khó khăn cho người bào chữa, nếu có vi phạm cũng không có cơ sở xử lý trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm. Theo đó, cần bổ sung quy định về chủ thể có thẩm quyền cấp đăng ký bào chữa, trách nhiệm của các chủ thể đó.
Thứ sáu, sửa đổi quyền xem biên bản các hoạt động tố tụng của người bào chữa. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 73, người bào chữa có quyền “Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa”. Thực tế, có nhiều trường hợp người bào chữa vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì sẽ không được xem biên bản các hoạt động đó của chủ thể tiến hành tố tụng. Đây là một điểm bất hợp lý và làm giảm điều kiện, chất lượng thực hiện quyền bào chữa của người bào chữa. Trên cơ sở tham khảo quy định pháp luật tố tụng hình sự của Đức, cần bổ sung quy định này như sau: “Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa và những biên bản về hoạt động tố tụng lẽ ra phải có sự tham gia của mình nhưng vì lý do chính đáng mà không thể tham gia”.
Tòa án quân sự khu vực Quân chủng Hải quân