Bài viết “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự” của ThS. Võ Minh Trí & ThS. Phan Thị Chánh Lý phân tích về việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, đồng thời có một số kiến nghị nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội.
Quyền bào chữa của người bị buộc tội[1] là một trong những quyền hiến định. Kế thừa các bản hiến pháp trước (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn về quyền bào chữa tại các Điều 31, Điều 103[2] và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản tố tụng hình sự (TTHS) khác có liên quan. Đồng thời, bảo đảm quyền bào chữa là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS Việt Nam. Trong giai đoạn điều tra, việc thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội giúp cho Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp hoạt động điều tra được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, kịp thời, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Trong TTHS, điều tra được coi là giai đoạn trung tâm, giai đoạn mà mọi tình tiết của vụ án có thể được phát hiện, đánh giá, xem xét một cách khách quan, toàn diện. Theo quy định của Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bị hại và các đương sự khác, thì người bị buộc tội không những được quyền tự bào chữa mà còn có quyền nhờ người khác bào chữa, hoặc bị can được cơ CQĐT yêu cầu người bào chữa để bào chữa trong những trường hợp luật định. Người bào chữa có những ưu thế riêng, họ là người có hiểu biết sâu sắc về pháp luật, họ không bị ức chế, bị đè nặng về tâm lí như người bị buộc tội, vì họ không có nguy cơ gánh chịu hình phạt như người bị buộc tội. Chính những ưu thế này, người bào chữa đã giúp cho người bị buộc tội đưa ra những yêu cầu, lí lẽ, quan điểm đối lập với CQĐT. Vì vậy, trong giai đoạn điều tra nếu có sự tham gia của người bào chữa sẽ có tác dụng nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động điều tra của điều tra viên (ĐTV), hạn chế sự tùy tiện, chủ quan của ĐTV.
Nội dung quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra có được bảo đảm thực hiện hay không theo chúng tôi phụ thuộc vào việc thực hiện các quyền tố tụng của người bị buộc tội theo quy định của pháp luật TTHS, trong đó đặc biệt theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
1. Thực trạng bảo đảm các quyền của người bị buộc tội
Trong những năm qua, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (VAHS), lực lượng làm nhiệm vụ điều tra cần bảo đảm thực hiện các quyền của người bị buộc tội chủ yếu sau đây:
Một là, bảo đảm quyền để người bị buộc tội biết rõ họ bị buộc tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh gì, được quy định như thế nào trong Bộ luật Hình sự
Bởi lẽ, người bị buộc tội không thể thực hiện được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa nếu không biết rõ họ bị truy cứu TNHS về tội danh gì, vì họ không xác định được mục tiêu và các công việc cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, để bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trước hết ĐTV phải bảo đảm cho người bị buộc tội biết được họ bị truy cứu TNHS về tội danh gì, trên cơ sở được giao nhận quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, quyết định khởi tố bị can, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, cũng như các quyết định khác trong tố tụng, được giải thích quyền và nghĩa vụ trong quá trình ĐTV tiến hành các hoạt động điều tra.
Hai là, người bị buộc tội được biết họ bị buộc tội bởi những tài liệu, chứng cứ nào, nguồn, biện pháp và chủ thể thu thập
Bảo đảm cho người bị buộc tội biết họ bị truy cứu bởi những tài liệu, chứng cứ nào là một trong những khía cạnh quan trọng để bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Bởi vì, để buộc tội một can phạm nào đó cần phải có chứng cứ buộc tội vững chắc và ngược lại để gỡ tội cho người bị buộc tội cũng cần đầy đủ chứng cứ gỡ tội theo hướng có lợi cho họ. Nội dung chủ yếu của việc bào chữa của người bị buộc tội hoặc của người bào chữa cho người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra là phủ nhận các chứng cứ buộc tội của CQĐT, đưa ra các chứng cứ gỡ tội, hoặc giảm nhẹ TNHS, hoặc loại trừ TNHS. Vì vậy, người bị buộc tội cần biết rõ chứng cứ buộc tội họ là chứng cứ gì, thu thập trong trường hợp nào, biện pháp và người thu thập. Liên quan tới việc bảo đảm quyền này của người bị buộc tội CQĐT phải bảo đảm người bị buộc tội được thực hiện các quyền xin thay đổi ĐTV, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch nếu có căn cứ cho rằng họ không vô tư, không khách quan trong quá trình tố tụng và tham gia tố tụng, được nhận bản kết luận điều tra khi kết thúc giai đoạn điều tra, được thông báo về nội dung quyết định giám định, kết luận giám định, được quyền đưa ra lí lẽ, lập luận phủ định chứng cứ và quan điểm của ĐTV. Ngoài ra, trong quá trình điều tra CQĐT, ĐTV bên cạnh việc chú ý thu thập những tài liệu, chứng cứ buộc tội còn chú ý thu thập những tài liệu, chứng cứ theo hướng gỡ tội, hoặc giảm nhẹ TNHS trường hợp người bị buộc tội không phải là người có am hiểu sâu sắc về pháp luật, hoặc có các nhược điểm liên quan đến khả năng trình bày, bảo vệ quan điểm của mình. Để bảo đảm quyền này, lực lượng làm nhiệm vụ điều tra phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thông báo người bào chữa và các quyền của người bào chữa khi tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra VAHS còn có những hạn chế nhất định:
- Một số ĐTV năng lực còn hạn chế nên dẫn đến hiện tượng còn có tâm lí e ngại sự tham gia của người bào chữa, cho rằng sự có mặt của người bào chữa sẽ làm cản trở hoặc gây khó khăn cho hoạt động điều tra của ĐTV. Bộ Công an chưa có hướng dẫn cụ thể về vị trí chỗ ngồi của người bào chữa trong quá trình lấy lời khai hoặc hỏi cung bị can, cũng như trong các hoạt động điều tra khác của ĐTV.
- Đối với những trường hợp bào chữa chỉ định vì nhiều lí do khác nhau mà có trường hợp việc bào chữa thường chỉ mang tính hình thức, qua loa, đại khái. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chi trả chi phí cho người bào chữa trong trường hợp bào chữa theo chỉ định.
2. Một số đề xuất
Theo quy định của pháp luật, để bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra, lực lượng làm nhiệm vụ điều tra cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, bất kì người bị buộc tội nào cũng được CQĐT, ĐTV bảo đảm điều kiện cần thiết để bảo đảm thực thi quyền bào chữa của mình. Không phân biệt người bị buộc tội phạm tội gì, tính chất tội phạm như thế nào[3], không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo… của người bị buộc tội, bất kì tổ chức hoặc cá nhân nào cũng không có quyền giới hạn quyền bào chữa của người bị buộc tội. Bất kì người bị buộc tội nào cũng có quyền đưa ra lí lẽ, lập luận, chứng cứ chứng minh mình vô tội, miễn TNHS, giảm nhẹ TNHS hoặc theo hướng khác có lợi cho người bị buộc tội.
Hai là, quyền bào chữa của người bị buộc tội phải được CQĐT, ĐTV bảo đảm trong suốt giai đoạn điều tra, kể từ thời điểm người bị buộc tội chưa có quyết định khởi tố bị can cho đến khi có bản kết luận điều tra, kết thúc giai đoạn điều tra.
Ba là, CQĐT, ĐTV bảo đảm cho người bị buộc tội và người bào chữa được hưởng tất cả các quyền cụ thể được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt là Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bị hại và các đương sự khác và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. ĐTV cần phải nhận thức rằng, sự tham gia của người bào chữa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ĐTV điều tra, khám phá vụ án một cách khách quan, toàn diện, tránh được những sai sót đáng tiếc không đáng có trong công tác điều tra. Để có được nhận thức này, ĐTV bên cạnh việc nâng cao trình độ, bản lĩnh còn cần áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kĩ thuật, biện pháp điều tra đặc biệt theo quy định của pháp luật, cũng như các biện pháp nghiệp vụ khác hỗ trợ trong công tác điều tra.
Bốn là, Bộ Công an cần có có hướng dẫn cụ thể về vị trí chỗ ngồi của người bào chữa trong quá trình lấy lời khai hoặc hỏi cung bị can, cũng như trong các hoạt động điều tra khác của ĐTV, cũng như phối hợp với cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể về chi trả chi phí cho người bào chữa trong trường hợp bào chữa theo chỉ định. Ngoài ra, CQĐT, ĐTV phải kiểm tra, hướng dẫn người bào chữa thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của họ trong trường hợp bào chữa theo chỉ định, chống qua loa, đại khái, mang tính hình thức.
Công an TP. Cần Thơ
ThS. Phan Thị Chánh Lý
Đại học Trà Vinh
[1]. Người bị buộc tội có thể bao gồm: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
[2]. Ví dụ, khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.
[3]. Ít nghiệm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.