Thi hành án hành chính là một dạng thức cụ thể của hoạt động thi hành án (cùng với thi hành án dân sự và thi hành án hình sự). Tương tự như đặc điểm của thi hành án nói chung, thi hành án hành chính là hoạt động diễn ra sau quá trình xét xử, giải quyết của Tòa án; trên cơ sở các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật làm căn cứ tiến hành các hoạt động thi hành án. Bản chất của hoạt động thi hành án hành chính cho đến nay vẫn còn những quan niệm khác nhau, tuy nhiên, về cơ bản, các tác giả khi nghiên cứu về thi hành án hành chính có cùng chung nhận định về “tính hành chính” và “tính tư pháp” đan xen do tính chất rất đặc thù của hoạt động này[2] xuất phát từ mối quan hệ tranh chấp hành chính giữa một bên là cơ quan nhà nước hoặc chủ thể mang quyền lực nhà nước, được giao quyền thực thi công vụ với một bên là tổ chức, cá nhân “phi nhà nước” chịu sự tác động, ảnh hưởng từ quyết định hành chính, hành vi hành chính do các chủ thể nêu trên ban hành. Đối tượng phải thi hành án hành chính khác biệt so với các loại hình thi hành án còn lại: Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện, phán quyết của Tòa án (hoạt động tư pháp) hướng tới buộc các chủ thể mang quyền lực nhà nước phải thực thi nhiệm vụ, công vụ (hoạt động quản lý hành chính) liên quan đến các quyết định, hành vi này nhằm bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đã bị xâm phạm. Do đó, cơ chế, thủ tục thi hành án hành chính là cơ chế thi hành có tính chất tự nguyện. Đặc điểm này là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất, trực tiếp nhất đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình tổ chức thi hành án hành chính.
Qua bài viết “Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong thi hành án hành chính” tác giả Nguyễn Sơn Hải đưa ra khái luận về vấn đề quyền con người, quyền công dân và mối tương quan với hoạt động thi hành án hành chính, nêu ra một số tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động thi hành án hành chính hiện nay.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.