Abstract: The article is concerned with the research and discussion on the exercise of the inmate's right to use scriptures as stipulated in the Law on Beliefs and Religions of 2018 and Decree No. 162/2017/ND-CP dated December 30, 2017 of the Government detailing a number of articles and measures to implement the Law on Beliefs and Religions, thereby proposing a number of solutions to ensure the effective implementation of the prisoner's right to use scriptures.
1. Dẫn nhập
Khi một người phạm tội, theo quy định của pháp luật người đó sẽ bị áp dụng hình phạt tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, trong đó có trường hợp họ bị cách ly khỏi xã hội. Với bản chất nhân đạo đưa ra trong chính sách pháp luật đối với người phạm tội, đặt ra yêu cầu là người phạm tội phải được giáo dục, cải tạo để hoàn thiện nhân cách, khi đó sách là một trong những kênh truyền tải nội dung giáo dục, cải tạo phù hợp nhất đối với phạm nhân. Với phạm nhân có tín ngưỡng, tôn giáo (có đạo) thì kinh sách là một trong những nhịp cầu nối dài đến tri thức ngay cả ở trại giam, giúp thắp lên ngọn lửa của sự tử tế, soi đường cho những con người từng lầm đường lạc lối sớm trở về với cộng đồng và sống tích cực hơn. Việc đọc sách, trong đó có kinh sách không những là nhu cầu giải trí tất yếu mà còn có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn, trang bị nhiều tri thức để giúp phạm nhân khi trở về với đời thường để trở thành công dân có ích, xóa nhòa những mặc cảm quá khứ lầm lỗi.
Đối với những phạm nhân đang chấp hành án trong các trại giam, họ tạm thời bị hạn chế quyền công dân trong thời gian này nhưng họ vẫn có những quyền con người. Sử dụng kinh sách là quyền tín ngưỡng, tôn giáo của con người được bảo đảm thực hiện trong khi thụ án.
2. Cơ sở pháp lý về quyền sử dụng kinh sách của phạm nhân
Khoản 5 Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.
Điều 4 Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162/2017/NĐ-CP) quy định: “Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”.
Điểm i khoản 1 Điều 1 Thông tư số 17/2020/TT-BCA ngày 18/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, quy định: “… Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động, sinh hoạt chung, phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần. Phạm nhân theo tôn giáo đăng ký với cơ sở giam giữ phạm nhân việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quy định và không làm ảnh hưởng đến người khác. Cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho phạm nhân sử dụng”.
Như vậy, căn cứ quy định trên, người đang chấp hành án có quyền sử dụng kinh sách theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù đã được ghi nhận trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành trên thực tế, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an thường xuyên tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như những người trực tiếp làm công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân tại các hội thảo, tọa đàm… để có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về thực hiện quyền này của phạm nhân ngày càng phù hợp hơn trong môi trường trại giam, vừa bảo đảm an ninh, an toàn trại giam, vừa bảo đảm tự do tín ngưỡng của phạm nhân này không được ảnh hưởng đến những phạm nhân khác.
3. Vai trò của việc thực hiện quyền sử dụng kinh sách của phạm nhân
Thứ nhất, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo luật định, đồng thời đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân.
Tôn giáo được xem là một nhu cầu tình cảm, thậm chí “là một hình thức cảm xúc trong quan hệ của con người đối với các lực lượng xa lạ của tự nhiên và xã hội đang thống trị họ”1 Bởi vậy, các nhà kinh điển luôn lưu ý rằng không được xúc phạm đến tình cảm, niềm tin tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào, chung cũng như riêng. Lênin đã từng cảnh báo: “Ai làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo thì người đó sẽ gây ra một sự thiệt hại lớn lao”2.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những xem tôn giáo là một bộ phận của văn hóa, mà còn xem đó là một nhu cầu của cuộc sống. Người nói, tôn giáo do “loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”3. Việc ghi nhận tôn giáo là “nhu cầu tinh thần” trong các Nghị quyết của Đảng là khẳng định của Đảng về sự tôn trọng nhu cầu đời sống tâm linh của con người, một nhu cầu đích thực, chính đáng, trong đó có bộ phận phạm nhân có đạo. Thể hiện sự quan tâm và bảo đảm cho những lợi ích thiết thân, chính đáng của phạm nhân có tín ngưỡng, tôn giáo cũng giống như việc bảo vệ các quyền lợi khác của con người như ăn, ở, mặc, bảo vệ sức khỏe, tinh thần... Điều này sẽ giúp phạm nhân tin tưởng vào chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp họ yên tâm cải tạo khi mà nhu cầu, quyền lợi chính đáng của họ được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, phát huy những giá trị tốt đẹp trong kinh sách, khắc phục sự thiếu hụt trong đời sống tinh thần của phạm nhân, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn lương cho phạm nhân bên cạnh các biện pháp cải tạo khác.
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII ngày 16/7/1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mục “Chính sách văn hóa đối với tôn giáo” nêu rõ: “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện... trong tôn giáo”4. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức đúng đắn về tính hướng thiện, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cần được khai thác, phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm này nhằm khơi dậy những giá trị tốt đẹp, phát huy tính tích cực, điểm tương đồng của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội. Kinh sách là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên một loại hình tôn giáo, trong đó hàm chứa nội dung tư tưởng của tôn giáo ấy về cơ bản cần khuyến khích tư tưởng nhân ái, hướng thiện, sống tốt đời đẹp đạo trong kinh sách, điều này sẽ góp phần bù đắp những khoảng trống trong đời sống tinh thần ở trại giam, tạo nên không khí bình yên, thân thiện, nhân ái ngay trong môi trường cải tạo của phạm nhân, đồng thời giảm tỷ lệ tội phạm tái diễn sau cải tạo.
Thứ ba, tăng cường sự gắn kết trong môi trường cải tạo của phạm nhân.
Tôn giáo và đoàn kết dân tộc luôn là vấn đề được các quốc gia quan tâm. Với một đất nước nhiều thành phần dân tộc, nhiều tín ngưỡng khác nhau như ở Việt Nam thì vấn đề này luôn được coi trọng. Trong trại giam, có nhiều phạm nhân đến từ nhiều vùng miền, là thành phần dân tộc khác nhau, có tín ngưỡng, tôn giáo cũng khác nhau. Việc họ được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định bên cạnh quá trình cải tạo trong trại giam góp phần củng cố niềm tin, tạo sự phấn khởi, đoàn kết. Việc phạm nhân được đọc, tiếp cận kinh sách, được bảo đảm thực hiện quyền đó cũng tránh được các luận điệu, các suy nghĩ tiêu cực về vấn đề này, từ đó, góp phần tạo nên một môi trường cải tạo thân thiện, mang nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần phục hồi, hoàn thiện những nhân cách đã từng bị tổn thương, chưa tròn chịa. Thêm vào đó, khi đọc kinh sách thì phạm nhân sẽ đoàn kết với nhau hơn vì bản thân là những người hướng đạo, có chung mong muốn hối cải và sớm trở về cuộc sống lương thiện.
4. Thực tiễn thực hiện quyền sử dụng kinh sách của phạm nhân và một số vấn đề đặt ra
4.1. Thực tiễn thực hiện quyền sử dụng kinh sách của phạm nhân
Thực tế cho thấy, phạm nhân họ tạm thời bị mất quyền công dân trong thời gian giáo dục, cải tạo trong trại giam nhưng vẫn có những quyền con người, họ được quyền sử dụng sách, đối với phạm nhân theo đạo hoặc có nhu cầu về kinh sách thì họ cũng có quyền tiếp cận theo quy định của pháp luật, của cơ quan quản lý trại giam các cấp cũng như cán bộ tại cơ sở cải tạo. Khi nói đến hoạt động đọc kinh sách thì chúng ta hình dung ngay đến mô hình thư viện trại giam, ở đó có nhiều đầu mục sách, trong đó có kinh sách. Theo đó, một thư viện trại giam hoạt động theo phương thức đóng, chỉ phục vụ chủ yếu cho những người trong chính phạm vi khu vực trại giam mình hoạt động. Đối tượng bạn đọc của thư viện thường là những phạm nhân bị giam giữ và một số ít các cán bộ đang hoạt động tại trại giam. Các phạm nhân sẽ có những ngày, những giờ trong tuần được phép tự do đến thư viện để đọc sách và cũng tùy từng nơi với các cơ chế khác nhau thì sẽ cho phạm nhân được mượn sách về phòng giam để đọc.
Thực tế việc bảo đảm quyền tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân đang thi hành án trong thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 20/5/2020, các trại giam thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an đang quản lý, giam giữ tổng số hơn 130.000 phạm nhân, phần lớn phạm nhân trước khi bị bắt, giam giữ, thi hành án phạt tù có hoạt động cúng lễ thờ tổ tiên, dòng họ hoặc có tín ngưỡng khác theo truyền thống văn hóa của từng dân tộc. Trong tổng số phạm nhân, có hơn 11.000 phạm nhân theo tôn giáo. Cụ thể: 3.859 phạm nhân theo Công giáo, 336 phạm nhân theo Tin Lành, 5.862 phạm nhân theo Phật giáo, 392 phạm nhân theo Phật giáo Hòa Hảo, 532 phạm nhân theo Cao Đài, 37 phạm nhân theo Hồi giáo, hơn 40 phạm nhân theo các tôn giáo khác5.
Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù. Đó là, thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…; tạo mọi điều kiện để phạm nhân có tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Thông tư số 17/2020/TT-BCA ngày 18/2/2020 ban hành nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân. Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân theo quy định của pháp luật. Tất cả phạm nhân, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo được quản lý, giam giữ, tổ chức lao động cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quá trình chấp hành án phạt tù. Tuyệt đối không phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân bảo đảm không để xảy ra xung đột, kỳ thị, xa lánh giữa các phạm nhân có tín ngưỡng, tôn giáo với các phạm nhân không có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc giữa các phạm nhân theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy trại giam, các hành vi liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như: Ép buộc, cản trở phạm nhân theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; bói toán, cúng lễ, truyền đạo hoặc các hành vi mê tín, dị đoan; cất giấu, sử dụng sách, báo, ấn phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo chưa qua kiểm duyệt, có nội dung độc hại trái quy định pháp luật hoặc có hành vi ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân khác. Qua đó, tạo môi trường cải tạo thân thiện, tích cực cho phạm nhân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định pháp luật. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phạm nhân sử dụng, nghiên cứu kinh sách, các loại sách, báo, ấn phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo tại thư viện dành cho phạm nhân trong trại giam để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Phạm nhân được nhận và sử dụng các loại sách, báo, ấn phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo được phát hành hợp pháp do thân nhân gửi đến sau khi được kiểm duyệt6.
4.2. Một số vấn đề đặt ra khi thực hiện quyền sử dụng kinh sách của phạm nhân
Thứ nhất, cần bổ sung, cập nhật các ấn phẩm kinh sách phù hợp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo khác nhau của phạm nhân, trong đó chú ý khâu kiểm duyệt. Nội dung nào được tiếp cận là phù hợp và được phép thì cần có sự đầu tư biên soạn của các nhà chuyên môn kết hợp chuyên gia tội phạm học. Đây cũng là một bài toán để bảo đảm đầu sách, báo, ấn phẩm, tài liệu được phong phú và phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, để phạm nhân thấy hào hứng hơn, có động lực hơn sau mỗi khoảng thời gian lao động lại lên thư viện đọc kinh sách giải trí, cứu rỗi tâm hồn.
Thứ hai, việc quản lý quá trình tiếp cận, đọc và sử dụng kinh sách là vấn đề cần được coi trọng bên cạnh việc nắm bắt được tâm tư, mong muốn, sự tiến triển của các phạm nhân thì cần cảnh giác trước việc lợi dụng các nội dung tư tưởng trong kinh sách để bóp méo, xuyên tạc, lôi kéo, cấu kết hoặc chia rẽ các phạm nhân khác phục vụ ý đồ cá nhân, ý đồ khác đi ngược lại mục đích nhân đạo, hướng thiện của hoạt động này, vì vậy, những quy định trong phòng đọc, trong việc mượn, trong việc truyền bá cần được cụ thể hóa để các phạm nhân thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề quản lý cần được thúc đẩy và ưu tiên bên cạnh nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản giáo.
Thứ ba, cần coi trọng đúng mức hoạt động này bên cạnh những hoạt động thường xuyên khác, để phát huy tác động tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trình cải tạo phạm nhân, từ đó có phương án tiếp tục có những cải tiến, đầu tư thỏa đáng, phù hợp theo luật định.
5. Một số giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền sử dụng kinh sách của phạm nhân
Thứ nhất, cần có sự thống nhất cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, chiến sỹ tại các trại giam, coi đây là một trong những hình thức giáo dục phạm nhân. Việc thống nhất, hiểu sâu, làm thấu sẽ tránh được các kẽ hở, các thiếu hụt trong hoạt động bảo đảm thực hiện quyền đọc kinh sách cho phạm nhân.
Thứ hai, lãnh đạo các trại giam cần tạo điều kiện tốt nhất để hệ thống thư viện trong trại giam từng cấp có sách, báo, kinh sách phục vụ được tất cả mọi đối tượng phạm nhân, trong đó có phạm nhân có đạo có nhu cầu đọc trong những giờ rảnh rỗi. Đối với các trại giam, nếu xây dựng một thư viện hoặc phòng đọc sách, báo, kinh sách để phục vụ tập trung thì rất khó khăn trong công tác quản lý và không tận dụng được hết thời gian rảnh rỗi của phạm nhân vào việc đọc sách, báo, kinh sách. Chính vì vậy, phương án xây dựng “Tủ sách hướng thiện” ngay trong các buồng giam giữ phạm nhân để tiện cho công tác quản lý, phát huy tính tự quản của phạm nhân trong mỗi buồng giam và tạo điều kiện cho phạm nhân tận dụng hết thời gian rảnh rỗi vào việc đọc sách, báo, kinh sách là hoàn toàn phù hợp.
Thứ ba, gắn việc phục vụ sách, báo cho phạm nhân, trong đó có kinh sách đối với phạm nhân có đạo thành một nhiệm vụ không thể tách rời trong công tác giáo dục phạm nhân của mỗi cán bộ quản giáo. Đây là một trong những nhiệm vụ được đưa vào nội dung đánh giá thi đua hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ quản giáo hàng năm để bảo đảm hoạt động này được triển khai nghiêm túc, thường xuyên và hiệu quả.
Thứ tư, tập trung lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong trại giam và Phòng Giáo dục - Hồ sơ của trại giam tích cực triển khai các hoạt động phục vụ sách, báo, coi đây là lực lượng xung kích giúp triển khai thành công công tác phục vụ sách, báo cho phạm nhân, nhất là việc tổ chức các hình thức phục vụ khác như: Trưng bày báo xuân, hội thi về sách…, trong đó, chú ý đa dạng các đầu sách và không thể thiếu kinh sách dành cho phạm nhân có đạo.
Thứ năm, đưa phong trào đọc sách, báo trong phạm nhân trở thành một phong trào thi đua vừa mang tính khích lệ, động viên, vừa mang tính bắt buộc để phạm nhân tích cực tham gia đọc sách, báo cũng như phạm nhân có đạo tích cực đọc kinh sách nâng cao đời sống tinh thần, củng cố văn hóa, nhân cách cho bản thân.
Thứ sáu, tích cực phối kết hợp với thư viện các cấp tăng cường nguồn lực sách, báo phục vụ phạm nhân, đồng thời tổ chức các hoạt động phục vụ khác như tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, thi tìm hiểu pháp luật, kỹ năng sống, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc Việt Nam…, tạo sân chơi lành mạnh cho phạm nhân có dịp thể hiện những kết quả của mình sau khi đọc sách, đồng thời, cũng là những tuyên truyền viên xuất sắc trong công tác tuyên truyền sách, tuyên truyền pháp luật, đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp… của dân tộc Việt Nam đến tất cả các phạm nhân đang sống, học tập, cải tạo trong trại. Đây là một hình thức cho phạm nhân tham gia công tác giáo dục cho chính bản thân họ và những phạm nhân khác đang thi hành án cùng họ, từ đó, thúc đẩy phạm nhân, tìm hiểu sách, báo, kinh sách có nội dung tích cực.
Thứ bảy, tăng cường các biện pháp quản lý thực hiện quyền đọc kinh sách hiệu quả. Khi đó, việc định hướng bởi các cán bộ quản giáo có hiểu biết các vấn đề tôn giáo sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đọc loại sách này hiệu quả, bảo đảm tính chính trị, định hướng và khâu quản lý. Bên cạnh đó, nâng cấp, nhân rộng mô hình thư viện phù hợp, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần quản lý hoạt động đọc sách nói chung và kinh sách nói riêng của phạm nhân ngày càng hiệu quả.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
2. V. I Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 37, tr. 221.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 431.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 67.
5. Xem: Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân, https://binhphuoc.gov.vn/vi/snv/ton-giao/bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-cho-pham-nhan-196.html, ngày 05/6/2020.
6. Xem: Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân, https://binhphuoc.gov.vn/vi/snv/ton-giao/bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-cho-pham-nhan-196.html, ngày 05/6/2020.