1. Thực trạng bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Trên quan điểm mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, quyền con người ở Việt Nam nói chung không phục vụ cho riêng bất kỳ nhóm người nào. Do đó, Việt Nam không xây dựng một hệ thống quyền riêng cho dân tộc đa số (Kinh) hay các dân tộc thiểu số (53 dân tộc còn lại). Tuy nhiên, với đặc trưng của một quốc gia đa dân tộc, Việt Nam đặc biệt coi trọng các chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách này được thể hiện một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được thể hiện trong đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên cơ sở tuân thủ các công ước và tuyên bố quốc tế. Ví dụ: Điều 27 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) nêu rõ: “Ở các quốc gia có các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những thành viên của các nhóm thiểu số đó, cùng với các thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hóa riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”[1]. Điều 1 Tuyên bố về quyền của những người thuộc nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 đã quy định: “1. Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó. 2. Các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này”[2]. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982, từ đó đến nay, Việt Nam đã 05 lần bảo vệ báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000, 2012 và 2023.
Là đất nước có nhiều dân tộc thiểu số, tại Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để bảo đảm, thúc đẩy quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Ngoài ra, Điều 41 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số. Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; trách nhiệm của Nhà nước trong việc có chính sách và tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; bảo vệ, phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của dân tộc; duy trì và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống… Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 05/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”; Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và lấy ngày 19/4 hàng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở hệ thống các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, quan tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, việc thực hiện quyền văn hóa và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho các dân tộc thiểu số được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, toàn quốc có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh/thành phố với quy mô 101.918 học sinh. Bên cạnh đó, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78 (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (trực thuộc Ủy ban Dân tộc) có nhiệm vụ dạy học sinh dân tộc nội trú với quy mô hơn 3.000 học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng cao qua từng năm học. Trung bình, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú có tỷ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú hàng năm là trên 97%. Trong số học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, 13% vào cử tuyển hoặc vào các trường dự bị đại học, khoảng 30% vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề[3]. Các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện theo chương trình và các bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc hiện hành (08 chương trình Chăm, Khơ-me, Ra-glai, Ba-na, Ê-đê, HMông, Mnông, Thái; 06 bộ sách giáo khoa các tiếng Chăm, Khơ-me, Ra-glai, Ba-na, HMông, Ê-đê). Hiện tại đã triển khai dạy và học 06 thứ tiếng dân tộc thiểu số tại 21 tỉnh, thành trong cả nước và đang dạy thực nghiệm 06 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, có nhiều di sản thuộc về cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Đời sống văn hóa, tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Năm 2023, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt trung bình 56,1%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận internet đạt 61,3% (năm 2019) tăng hơn 09 lần so với năm 2015. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình trung bình đạt 94,9%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh trung bình đạt 94%. Từ năm 2015 đến năm 2019, số chức sắc tôn giáo là người dân tộc thiểu số và số cơ sở sinh hoạt tôn giáo đã tăng lần lượt từ 8.080 người và 4.630 cơ sở lên 12.586 người và 10.239 cơ sở[4]. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc miền núi, vùng cao thông qua việc tăng số lượng đài phát thanh và thời lượng phát sóng các chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hóa đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
2. Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh chuyển đổi số
Trong bối cảnh của chuyển đổi số, công nghệ số đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của xã hội loài người, mang theo cả cơ hội và hệ lụy tới việc thực thi và thụ hưởng quyền con người nói chung và quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số nói riêng trên phạm vi toàn cầu. Việc kết nối dễ dàng giữa con người với con người được thúc đẩy bởi công nghệ số, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử giúp mọi người chụp ảnh, quay video về mọi sự kiện ở bất kỳ đâu. Thông tin được mã hóa, hình ảnh từ vệ tinh và các biện pháp kỹ thuật khác vượt qua rào cản để con người không chỉ tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả mà còn có khả năng giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền. Điều này đồng nghĩa với việc quyền tự do bày tỏ, tìm kiếm, tiếp cận và truyền đưa thông tin (Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị - ICCPR) được đảm bảo tốt hơn tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp mà nhân loại đã từng trải qua.
Theo thống kê, Việt Nam hiện xếp hạng 86/193 quốc gia về Chính phủ số, Chính phủ điện tử; xếp thứ 76/193 quốc gia về dịch vụ công trực tuyến; xếp thứ 87/193 quốc gia về dữ liệu mở. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam theo số liệu ước tính năm 2021 của Google Temasek tăng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á và 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài tăng 20%. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính, đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2025 đạt khoảng 20%[5]. Về xã hội số, đầu năm 2023, nước ta có khoảng 77,93 triệu người sử dụng internet (chiếm 79,1% tổng dân số); số người sử dụng mạng xã hội khoảng 70 triệu người (chiếm 71% tổng dân số). Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu (tương đương với 164,0% tổng dân số)[6].
Việc cung cấp các kênh liên lạc và kết nối gần như vô hạn thông qua công nghệ số có thể thúc đẩy việc trao quyền cho công dân từ thương mại đến thành phố thông minh và hành chính hay tham gia vào xã hội dân sự và đời sống công cộng. Chính phủ số giúp cho việc hoạt động của Chính phủ trở nên hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn và giảm thiểu được vấn nạn tham nhũng.
Quá trình chuyển đổi số toàn diện đã và đang tác động đa chiều tới việc thực hiện và bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay. Việc chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi chưa từng có cho việc tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân tộc thiểu số về việc thực hiện các quyền của họ, đặc biệt là quyền văn hóa. Trước đây, thông tin chỉ được truyền đạt thông qua các hoạt động cộng đồng và cuộc họp buôn làng có số người tham gia hạn chế. Phương tiện in ấn như tài liệu tuyên truyền và tờ rơi không hiệu quả do chi phí cao và lãng phí. Việc phát hành tài liệu in ấn gặp khó khăn trong việc lưu trữ và bảo quản, cũng như cập nhật nội dung pháp luật. Nhờ vào công nghệ số hiện đại, những “rào cản” này đã được giải quyết một cách triệt để. Công việc tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin bây giờ có thể tiếp cận một cách rộng rãi hơn thông qua internet và mạng xã hội. Điều này đã mang lại sự linh hoạt trong việc phổ biến thông tin, làm cho quá trình này hiệu quả hơn và dễ dàng theo dõi sự thay đổi trong nội dung pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về quyền văn hóa đối với người dân tộc thiểu số được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt thông qua việc sử dụng nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực từ các ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội. Cổng thông tin điện tử và các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi video (zalo, viber...) cùng mạng xã hội (facebook, zalo, youtube...) đã được sử dụng bởi các bộ, ngành trung ương và địa phương để thông tin và phổ biến pháp luật của từng lĩnh vực cho người dân. Mạng xã hội đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng và tiếp cận dễ dàng được các địa phương lựa chọn để lan tỏa, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền văn hóa tới cộng đồng một cách nhanh chóng và rộng rãi. Hiệu quả của việc tuyên truyền này đã được chứng minh vượt xa so với việc áp dụng phương thức truyền thống trước đây.
Bên cạnh những tác động tích cực, nổi trội, chuyển đổi số đang đặt ra nhiều vấn đề mới đối với việc thực hiện quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số. Chuyển đổi số đặt ra yêu cầu phải có hạ tầng và nền tảng số hiện đại, đồng bộ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của đồng bào đối với quyền văn hóa nói riêng và các quyền con người nói chung. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa được đầu tư đúng mức cho việc phát triển hạ tầng số. Việc đăng tải và thiếu sự phong phú của các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm để giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân thông qua cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử diễn ra chậm. Nhiều cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử không sử dụng được phần mềm và ứng dụng công nghệ trực tuyến trong việc tuyên truyền và phổ biến như diễn đàn trao đổi trực tuyến; không có tính năng hỏi đáp trực tuyến để giúp người dân tiếp cận thông tin về pháp luật một cách hiệu quả và thuận tiện. Vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu vẫn chưa được thực hiện thường xuyên hoặc rộng rãi; việc số hóa các dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Việc kiểm soát thông tin trên môi trường số đang ngày càng phức tạp. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua mạng xã hội đang bị ảnh hưởng lớn bởi những thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật.
Hiện tại, tình trạng lan truyền các loại thông tin giả, sai sự thật về việc thực hiện các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có quyền văn hóa trên internet ngày càng phức tạp, có nhiều nội dung thông tin gây ra sự biến tướng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng xấu thiết lập nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp; giả danh người nổi tiếng; giả danh công an, quân đội và các kênh truyền thông chính thống của Nhà nước nhằm lan truyền tin tức giả mạo hoặc sai sự thật. Nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chính sách và pháp luật của Nhà nước được lan rộng khắp nơi; được mọi tầng lớp xã hội tiếp cận, chia sẻ và bình luận... gây ra tổn hại về kinh tế cho các tổ chức và cá nhân; gây ra hoang mang trong dư luận xã hội. Nguy hiểm hơn, những thông tin này còn gây tổn thương cho các hệ thống tuyên truyền của các cơ quan và tổ chức nhà nước. Thông tin pháp luật sai lệch đã được sử dụng và chuyển thành sản phẩm tuyên truyền bởi nhiều cá nhân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, phóng viên. Điều này đã vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu gây nhiễu loạn thông tin. Việc kiểm soát thông tin tuyên truyền trên internet và mạng xã hội trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết với vai trò quyết định đến hiệu quả nâng cao nhận thức về quyền văn hóa của đồng bào trong thời đại số.
Chuyển đổi số đã đặt ra nhiều vấn đề mới đối với việc thực hiện quyền văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Môi trường số, trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ ở các ngành và lĩnh vực, đã trở thành môi trường hoạt động phổ biến, không thể thiếu của người dân. Bên cạnh những tác động tích cực mang lại cho cuộc sống và công việc hàng ngày của người dân, môi trường số cũng gây ra nhiều vấn đề mới liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bản quyền. Tình trạng tuân thủ không chính xác hoặc thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến bản quyền văn hóa trên môi trường số phổ biến ngày càng nhiều. Hành vi sao chép, làm giả các sản phẩm văn hóa của dân tộc thiểu số không chỉ làm suy giảm giá trị của các nghề thủ công truyền thống mà còn khiến cho những nét văn hóa riêng biệt của từng dân tộc bị mai một và suy thoái.
3. Một số giải pháp bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quyền con người nói chung và quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số nói riêng, luôn gắn với quyền phát triển một cách dân chủ của đất nước.
Quyền con người là mục tiêu và là bản chất của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, trong tuyên truyền, giáo dục phải làm rõ và nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa quyền con người và quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số. Quyền phát triển của mỗi người, mỗi cộng đồng phải gắn với quyền phát triển một cách dân chủ của đất nước và gắn với đại đoàn kết dân tộc vì chỉ có thông qua các thể chế dân chủ mới tạo lập được sự đoàn kết các giai tầng xã hội, tạo lập được các cơ hội bình đẳng cho việc bảo đảm, bảo vệ và thực hiện các quyền con người, trong đó có quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Hai là, tiếp tục thực hiện việc kiểm kê, đánh giá toàn diện các di sản văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người.
Mục đích nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc thiểu số ở địa phương để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống một cách lâu dài, bền vững. Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số của địa phương; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của người dân.
Ba là, rà soát lại các văn bản pháp lý đối với văn hóa các dân tộc thiểu số để tiếp tục thể chế hóa tốt hơn sự đa dạng mà thống nhất về quyền văn hóa.
Rà soát và xây dựng luật pháp, chính sách đầu tư để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống cũng như xây dựng văn hóa mới phù hợp với các dân tộc thiểu số và nhằm xây dựng các thể chế văn hóa phù hợp ở các cộng đồng dân cư thuộc các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, vùng biên giới, hải đảo đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, là động lực thúc đẩy và tăng cường bảo đảm quyền văn hóa của đồng bào.
Bốn là, đầu tư hạ tầng công nghệ số đồng bộ, thuận tiện sử dụng để quản lý, cập nhật dữ liệu về di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Số hóa di sản văn hóa là chủ trương được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, chuyển đổi số di sản được coi là xu hướng tất yếu, đây là giải pháp căn cốt để tối ưu hóa khả năng lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững. Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa… Đây là nền tảng để di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn một cách trọn vẹn, góp phần vào việc bảo đảm quyền văn hóa của đồng bào, giúp phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững./.
Trần Toàn Trung
Học viện Hành chính Quốc gia
Đỗ Ngọc Nhung
Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật Quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb. Lao động - Xã hội, H. 2011, tr. 14.
[2]. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật Quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb. Lao động - Xã hội, H. 2011, tr. 444.
[3]. Bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, https://binhphuoc.gov.vn/vi/stttt/ thong-tin-doi-ngoai/dam-bao-quyen-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-1900.html.
[4]. Bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, https://binhphuoc.gov.vn/vi/stttt/ thong-tin-doi-ngoai/dam-bao-quyen-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-1900.html.
[5]. Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, https://www. vietnamplus.vn/tang-truong-kinh-te-so-cua-viet-nam-dung-dau-dong-nam-apost854133.vnp.
[6]. Internet Việt Nam năm 2023: Số liệu mới nhất và xu hướng phát triển, https:// www.vnetwork.vn/news/internet-viet-nam-2023-so-lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phattrien/.
(Nguồn: Ấn phẩm “Các vấn đề pháp lý mới trong bối cảnh chuyển đổi số” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)