Để làm rõ lý lịch tư pháp của cá nhân trong các quan hệ xã hội, khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp quy định rõ về quyền của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập và quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này đặt ra một hệ thống quy định về thủ tục cấp và sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp nhằm đảm bảo tính minh bạch, đáng tin cậy trong các hoạt động xã hội và kinh doanh.
Thực tiễn triển khai quy định về cấp phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua cho thấy, nhiều bất cập đã và đang xảy ra trong quá trình tổ chức thực hiện quy định này như: Việc lạm dụng yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, doanh nghiệp dẫn đến cá nhân tham gia quan hệ pháp luật với các tổ chức này phải có Phiếu lý lịch tư pháp, đặc biệt là Phiếu lý lịch tư pháp số 2 dẫn đến nhiều trường hợp phải xin cấp phiếu lý lịch tư pháp không cần thiết; một số trường hợp bí mật về thông tin lý lịch tư pháp không được bảo đảm; thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp kéo dài vượt quá thời gian quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp[1]. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên và trên cơ sở nghiên cứu, xử lý đối với nội dung báo chí phản ánh theo yêu cầu tại Công văn số 81/TCTCCTTHC ngày 18/10/2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ[2], ngày 02/11/2023, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 5297/BTP-VP gửi Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thảnh phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp[3], theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp.
2. Không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự của cơ quan, đơn vị mình.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị thông tin kịp thời về Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) để tổng hợp, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền./.
Hoàng Hưng
[1] Nguồn trích dẫn: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208207&classid=2, truy cập ngày 05/11/2023.
[2] Nguồn trích dẫn: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208800, truy cập ngày 06/11/2023.
[3] Toàn văn Công văn số 5297/BTP-VP ngày 02/11/2023 của Bộ Tư pháp tại file đính kèm.