1. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định lấy Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Ngày Pháp luật). Để cụ thể hóa quy định trên, tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã hướng dẫn nội dung tổ chức Ngày Pháp luật[1]. Bên cạnh đó, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP còn quy định trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật. Như vậy, quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật cần có sự gắn kết giữa việc phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và coi đây là giải pháp quan trọng, căn cơ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật, đưa hoạt động này đi vào thực chất.
2. Thực trạng hưởng ứng Ngày Pháp luật thời gian qua
Một là, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật đã được quan tâm, chú trọng hơn gắn với triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Nhờ vậy, đã kịp thời định hướng về chủ đề, nội dung, hình thức để bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện một cách sâu rộng, đồng bộ trong cả nước. Chủ đề Ngày Pháp luật đã gắn giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, thi hành pháp luật và các sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước[2]. Trên cơ sở đó, hằng năm, hầu hết bộ, ngành, đoàn thể trung ương và 100% địa phương đều ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị hoặc lồng ghép trong Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hai là, nội dung các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ở nhiều nơi khá đa dạng và phong phú, tập trung khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Ngày Pháp luật, của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội, gắn với giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật; phổ biến các luật, pháp lệnh mới được thông qua, quy định của pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Nhìn chung, nội dung Ngày Pháp luật không chỉ thông tin, phổ biến pháp luật mà đã gắn với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật mà trọng tâm là định hướng về chính sách ngay từ giai đoạn soạn thảo văn bản nhất là các quy định mới, dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế. Thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo lấy ý kiến về dự thảo văn bản luật, nhất là văn bản luật quan trọng, liên quan nhiều đến người dân[3], những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận; thông tin về các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giáo dục ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật...
Ba là, hình thức, cách thức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật bám sát điều kiện thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước, của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương như: Tổ chức lễ mít tinh, cổ động trực quan; đối thoại chính sách, pháp luật; hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm, trưng bày; tổ chức xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự phỏng vấn chuyên sâu về Ngày Pháp luật; tổ chức phiên tòa giả định[4], xét xử lưu động[5]; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng, thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật[6]… Nhiều hoạt động đã phát huy hiệu ứng và sự lan tỏa rộng lớn do ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet, tận dụng, khai thác triệt để thế mạnh của cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở…
Bốn là, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật ở nhiều địa phương đã có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, từ các cơ quan hành chính nhà nước đến Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật ở các cấp… gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, tổ chức. Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thắng lợi và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc triển khai những nhiệm vụ trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định pháp luật.
Năm là, qua triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong toàn xã hội; từng bước trở thành ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, góp phần khích lệ cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Ngày Pháp luật thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế sau đây:
- Một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vận dụng thiếu linh hoạt, ít sáng tạo; nội dung, hình thức tổ chức còn chưa đa dạng mà chủ yếu là tổ chức hoạt động thông tin, phổ biến pháp luật, tập trung tập huấn pháp luật, phổ biến trực quan qua pa-nô, khẩu hiệu, trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan…
- Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật ở một số nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thậm chí còn lúng túng, thiếu chủ động. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đô thị, còn chưa đồng đều tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Có nhiều nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ nhận thức về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật của một số cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, chưa sát sao, có nơi công tác này chỉ giao cho cơ quan tư pháp thực hiện. Công tác tham mưu ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật chủ động, thiếu kịp thời; chưa phát huy đầy đủ vai trò của tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương trong tham mưu, đề xuất tổ chức triển khai thực hiện; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, trong đó có Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật trong hưởng ứng Ngày Pháp luật còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, chưa đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật. Kinh phí triển khai thực hiện còn hạn hẹp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
3. Một số giải pháp gắn kết, bảo đảm tính đồng bộ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trong hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”[7]. Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng trong bối cảnh mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW[8], Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, trong đó cần xác định quan điểm việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là công việc thường xuyên, liên tục, hằng ngày; là trách nhiệm của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên và từng người dân gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật không chỉ dừng lại ở sự tôn vinh pháp luật, mà quan trọng hơn, nó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, góp phần nâng cao văn hóa pháp lý, dân trí pháp luật; phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật.
Thứ hai, rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đổi mới, đa dạng hóa về nội dung, hình thức, cách thức hưởng ứng Ngày Pháp luật, không chỉ có các hoạt động thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật mà còn đồng thời tổ chức hoạt động phục vụ xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành, bảo vệ pháp luật.
Thứ ba, phát huy tinh thần tự giác, tiên phong, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực tham gia, hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nâng cao ý thức đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ; xác định tiêu chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu là một trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật thiết thực nhất.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng Đề án đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân theo hướng lượng hóa kết quả đầu ra cụ thể, xác định rõ hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với các hình thức hưởng ứng đa dạng, nội dung phong phú, gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, thi hành pháp luật là một trong các tiêu chí để đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức, định hướng kịp thời, nhanh nhạy chủ đề, nội dung, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Thứ sáu, nâng cao tinh thần trách nhiệm; phát huy đầy đủ vai trò Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm đầu mối tham mưu của cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế. Nghiên cứu, ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc đưa nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật là một nội dung trong chương trình phối hợp, bảo đảm thiết thực, tránh hình thức và đúng định hướng, yêu cầu.
Thứ bảy, quan tâm đầu tư nguồn lực (con người, kinh phí) phù hợp bảo đảm cho tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Gắn hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án... có liên quan để tận dụng, tiết kiệm nguồn lực. Tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội (xã hội hóa), huy động sự tham gia, hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động hướng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Thứ tám, chú trọng sơ kết, tổng kết, làm điểm mô hình, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả và sát thực với từng địa bàn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương để từ đó nhân rộng; đồng thời, quan tâm khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Xem Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã hướng dẫn nội dung tổ chức Ngày Pháp luật.
[2]. Năm 2013: “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Năm 2014: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Năm 2015: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Năm 2016: “Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Năm 2017: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Năm 2018: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Năm 2020: “Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2020, toàn ngành Tư pháp nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy lùi đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
[3]. Dự thảo Hiến pháp, dự thảo Luật Thanh niên, dự thảo Bộ luật Dân sự, dự thảo Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, dự thảo Bộ luật Lao động, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)…
[4]. Tỉnh đoàn Bình Thuận; Ủy ban nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân và Huyện đoàn Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; Thành đoàn Hải Phòng; Tỉnh đoàn và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Linh và Đoàn Thanh niên Trường THPT Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị,
[5]. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương; Tòa án nhân dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình; Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội…
[6]. Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Thái Bình, Quảng Nam, Tây Ninh, Phú Yên,
[7]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
[8]. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.