Abstract: In order to effectively protect coppyright on the internet, Thailand has recently amended several laws that emphasize the role of the service providers (ISPs). These are valuable lessons for Vietnam under circumstances that coppyright infringements on the internet are also occurring critically in our country.
1. Bảo hộ quyền tác giả trước các xâm phạm trên internet tại Thái Lan
Việc gia tăng một cách nhanh chóng lượng người sử dụng internet là xu hướng chung của thế giới và Thái Lan cũng không phải là ngoại lệ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của internet thì các vụ việc xâm phạm quyền tác giả trên internet cũng tăng lên mạnh mẽ. Đa số người dân Thái Lan chưa có nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa quyền tác giả với đời sống nói chung. Vì vậy, ở Thái Lan đang có nhiều cơ quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho người dân về quyền tác giả như Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Thương mại (DIP), Hiệp hội các nhà sản xuất phim ảnh Thái Lan (TECA), Đại học Băng Cốc, Cảnh sát Vương quốc Thái Lan, Hiệp hội phim ảnh Hoa Kỳ (MPAA), Hiệp hội thời trang Băng Cốc...
Trước năm 2015, Thái Lan không có luật riêng để xử lý các vi phạm quyền tác giả trên internet. Năm 2015, Thái Lan đã sửa đổi Luật Quyền tác giả năm 1994. Luật Quyền tác giả năm 2015 đã có thêm các quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trên internet (Internet service provider - ISP). Cho đến nay, Thái Lan chưa gia nhập Công ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới - WIPO (WCT) hay Công ước về biểu diễn và bản ghi âm của WIPO (WPPT). Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan cũng đã thảo luận việc sửa đổi luật theo hướng gia nhập cả 2 điều ước quốc tế này.
1.1. Trách nhiệm của người xâm phạm
Trong trường hợp tác giả bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả trên internet tại Thái Lan trước năm 2015, mặc dù không có cơ sở pháp lý rõ ràng nhưng các biện pháp sau có thể được thực hiện: (i) Truy cứu trách nhiệm hình sự thông qua cơ quan nhà nước (ví dụ như Cục Xử lý tội phạm công nghệ (TCSD) và Cục Xử lý tội phạm kinh tế (ECD) của Cảnh sát Vương quốc Thái Lan); (ii) Yêu cầu ISP xóa bỏ trang thông tin có nội dung xâm phạm quyền tác giả thông qua các tổ chức tư nhân (như Hiệp hội các nhà sản xuất phim ảnh Thái Lan (TECA)…); (iii) Tác giả tự mình yêu cầu ISP xóa bỏ thông tin xâm phạm quyền của mình. Các biện pháp này không phải được áp dụng lần lượt mà tác giả bị thiệt hại có thể sử dụng kết hợp các phương pháp để chống lại hành vi vi phạm.
Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định trước khi Luật Quyền tác giả được sửa đổi, thì tác giả có thể khởi kiện dân sự đối với người có hành vi vi phạm. Có nghĩa là, trong trường hợp có thể xác định được người đã thực hiện hành vi vi phạm quyền tác giả trên internet cư trú tại Thái Lan thì tác giả có thể khởi kiện để truy cứu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xác định người vi phạm rất khó khăn, nên việc cũng không dễ dàng để áp dụng hiệu quả biện pháp này.
Trong trường hợp khởi kiện dân sự tại Tòa án sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế (IPIT) thì thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế và luật áp dụng được xác định như sau: Đầu tiên, nếu trang web được quản lý vận hành bởi doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan và có thể truy cập được tại Thái Lan thì tác phẩm được coi là phát hành tại Thái Lan. Do đó, IPIT sẽ áp dụng Luật Quyền tác giả Thái Lan đối với doanh nghiệp Thái Lan có trách nhiệm trong việc vi phạm quyền tác giả. Tiếp theo, nếu trong trường hợp trang web được quản lý, vận hành bởi doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan và có một số nội dung không thể truy cập tại Thái Lan, nhưng trang web được thiết lập bởi ISP có trụ sở tại Thái Lan thì IPIT cũng có thẩm quyền và sẽ áp dụng Luật Quyền tác giả Thái Lan để giải quyết vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Còn nếu trang web được quản lý vận hành bởi doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan, nhưng không thể truy cập được tại Thái Lan và cũng không được thiết lập bởi ISP có trụ sở tại Thái Lan thì IPIT vẫn có thẩm quyền xét xử, nhưng luật áp dụng sẽ là luật của nước nơi tác phẩm được phát hành hoặc nước nơi ISP tồn tại.
Truy cứu trách nhiệm hình sự: Ở Thái Lan, cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả trên internet là Cục Xử lý tội phạm công nghệ (TCSD) và Cục Xử lý tội phạm kinh tế (ECD) của Cảnh sát Vương quốc Thái Lan. Do đó, việc yêu cầu điều tra cưỡng chế có thể được gửi đến TCSD hoặc ECD. Cho đến nay, thì việc điều tra cưỡng chế đối với hành vi vi phạm quyền tác giả trên internet chưa được thực hiện nhiều nhưng trong trường hợp có thể xác định được địa điểm thực tế đang tiến hành quản lý vận hành trang web thì có thể điều tra với địa điểm này và cũng có thể tịch thu máy tính cá nhân và các trang thiết bị có liên quan được sử dụng để quản lý, vận hành trang web. Đặc biệt là nếu máy chủ của ISP được sử dụng như web chủ để đăng tải các bản copy lậu thì server đó có thể bị TCSD hay ECD tịch thu như một chứng cứ của vụ việc[1].
Cơ chế tự chủ động với vi phạm quyền tác giả trên internet: Tại Thái Lan, có các tổ chức nghề nghiệp đang hoạt động trong việc phòng chống xâm phạm quyền tác giả trên internet như Hiệp hội các nhà sản xuất phim ảnh (TECA), Liên minh kinh doanh phần mềm (BSA)... Trong trường hợp bị thiệt hại do sự xâm phạm quyền tác giả trên internet thì chủ sở hữu quyền tác giả có thể trao đổi với các tổ chức này và có thể nhận được các hỗ trợ như: Một là, thúc ép ISP xoá bỏ trang thông tin vi phạm quyền tác giả. Việc thúc ép này sẽ do các tổ chức cả công và tư thực hiện. Hai là, yêu cầu sự đồng ý từ cyberlocker site. TECA đã thành công trong việc thỏa thuận với một số cyberlocker site trong việc không tiếp nhận file MP3 được dùng cho chuyển đổi tác phẩm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, vì có thể dễ dàng thay đổi tên file nên sự thỏa thuận trên cũng chưa hẳn bảo đảm được sự không tồn tại của các file MP3[2].
1.2. Trách nhiệm của ISP
Trước khi Luật Quyền tác giả sửa đổi năm 2015 ra đời, trong trường hợp có tác phẩm bị sao chép, đăng tải trên chương trình do ISP quản lý, thì cá nhân đã thực hiện hành vi sao chép và đăng tải đó sẽ trở thành chủ thể của quan hệ xâm phạm quyền tác giả. ISP không được quy định là chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý và cũng không có nghĩa vụ xóa trang thông tin vi phạm hay cung cấp thông tin người có hành vi xâm phạm. Điều này áp dụng cho cả phần mềm trao đổi file như P2P hay điện toán đám mây.
Có thể thấy, pháp luật Thái Lan về bảo hộ quyền tác giả trên internet trước năm 2015 chưa đầy đủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, chính sách liên quan xử lý xâm phạm quyền tác giả trên internet cũng chưa đầy đủ nhưng cũng không phải là hoàn toàn không có giải pháp nào. Việc xóa bỏ các trang thông tin có nội dung xâm phạm quyền tác giả bởi các tổ chức nghề nghiệp hay sự điều tra cưỡng chế bởi cơ quan cảnh sát theo quy định của Luật Quyền tác giả cũng đã được tiến hành. Theo quy định của pháp luật Thái Lan trước khi sửa đổi Luật Quyền tác giả, thì ISP không có trách nhiệm gì với các vi phạm quyền tác giả xảy ra trên internet. Do đó, việc xóa bỏ trang thông tin vi phạm xét cho cùng là sự phối hợp tự giác chứ không phải nghĩa vụ của ISP.
Việc ISP xoá bỏ trang thông tin vi phạm với tư cách hành vi phối hợp với chủ sở hữu quyền tác giả không phải là hành vi được tiến hành thường xuyên và chủ sở hữu quyền tác giả cũng không thể có được thông tin từ ISP về họ tên, địa chỉ IP để xác định người có hành vi vi phạm. ISP cũng có thể từ chối việc nêu danh tính của chủ website. Việc nhờ Cảnh sát Vương quốc Thái Lan cung cấp thông tin danh tính và địa chỉ IP để xác định người có hành vi vi phạm trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn. Cảnh sát Vương quốc Thái Lan cũng được cho là không có xu hướng thực hiện các thủ tục yêu cầu Toà án ra lệnh cung cấp thông tin với ISP[3].
Mặc dù việc xóa thông tin vi phạm quyền tác giả là sự phối hợp tự nguyện của ISP như đã trình bày, nhưng trên thực tế khi chủ sở hữu quyền tác giả có yêu cầu xóa thì họ sẽ phải gửi giấy yêu cầu cho ISP. Trong giấy yêu cầu phải thể hiện các nội dung như chứng minh về quyền sở hữu của người yêu cầu với đối tượng bị xâm hại và nội dung yêu cầu ISP xóa thông tin xâm phạm quyền tác giả đó. Để chứng cứ chứng minh người yêu cầu là chủ sở hữu quyền tác giả hợp pháp người yêu cầu xoá thông tin xâm phạm quyền tác giả có thể sử dụng bản sao giấy đăng ký quyền tác giả do Cục Sở hữu trí tuệ (DIP) cấp; hoặc bản sao giấy đăng ký quyền tác giả được cấp bởi cơ quan khác; hoặc quyết định của Toà án tuyên bố người yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp quyền tác giả; hoặc bản nháp, lời tựa, điều tra bối cảnh...
Cho đến năm 2015, các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trên internet chưa đầy đủ như đã trình bày ở trên. Trước tình hình đó, một số nước gửi yêu cầu tới Chính phủ Thái Lan phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để có thể xử lý thích đáng các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên internet. Nội dung các yêu cầu tập trung vào việc pháp điển hóa trách nhiệm xóa bỏ thông tin xâm phạm quyền tác giả của ISP, hệ thống hóa TCSD... Đáp lại yêu cầu đó, Thái Lan đã tiến hành sửa đổi Luật Quyền tác giả. Luật Quyền tác giả năm 2015 của Thái Lan được sửa đổi theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn bảo hộ theo yêu cầu của các điều ước quốc tế như WCT, WPPT. Có nghĩa là, trong Luật sửa đổi, Thái Lan đã đưa vào các điều khoản để quy định trách nhiệm của ISP, quy định hành vi lẩn tránh áp dụng các biện pháp kỹ thuật của tác giả với mục đích: (i) Giải quyết vi phạm quyền tác giả trên mạng bằng cách cung cấp cơ chế để giải quyết các vi phạm trực tuyến, bao gồm trách nhiệm của ISP; (ii) Thông qua việc cấm các biện pháp bảo vệ công nghệ (TPMs) và bảo vệ thông tin quản lý quyền (RMI), các nghĩa vụ chính của WCT và WPPT mà Thái Lan vẫn chưa chấp nhận hoặc phê chuẩn; (iii) Để giải quyết các hành vi ghi hình trái phép một tác phẩm nghe nhìn trong một rạp chiếu phim, Luật sửa đổi cũng quy định quyền của người biểu diễn và đưa ra một ngoại lệ mới để tiếp cận các tác phẩm cho những người “không thể tiếp cận” được một tác phẩm do khuyết tật về thị giác, thính giác, “trí tuệ” hoặc “học tập”[4].
Sự ra đời của Luật Quyền tác giả sửa đổi ngoài những cơ chế nêu trên, đã có những bổ sung quan trọng để đối phó với những hành vi vi phạm trong thời đại công nghệ. Đó chính là đặt ra trách nhiệm của ISP trong quy trình tố tụng dành cho chủ sở hữu quyền tác giả để khởi kiện tại Tòa án chống lại hành vi xâm phạm quyền của mình. Trong đơn khởi kiện, tác giả phải nêu rõ các thông tin về ISP; chi tiết về tác phẩm bị xâm phạm; bằng chứng cho thấy vi phạm về sản phẩm có bản quyền đã được tìm thấy trên hệ thống náy tính của ISP; thiệt hại có thể xảy ra do hành vi xâm phạm tác phẩm có bản quyền nêu trên; kiến nghị cụ thể đối với ISP để ngăn chặn tình trạng trên như việc loại bỏ tác phẩm được thực hiện bởi hành vi vi phạm ra khỏi hệ thống, hoặc bất cứ hành vi khác mà họ cho là nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm dưới những hình thức khác. Khi nhận được yêu cầu trên, Tòa án sẽ tiến hành hoạt động điều tra. Nếu có căn cứ cho rằng đã xảy ra hành vi vi phạm và có đủ nguyên nhân cần thiết để xem xét các kiến nghị của chủ sở hữu bản quyền, thì Tòa án sẽ yêu cầu ISP thực thi các kiến nghị nhằm loại bỏ các tác phẩm vi phạm bản quyền ra khỏi hệ thống. Nhà cung cấp dịch vụ phải tuân theo lệnh đó trong khung thời gian được chỉ định bởi Tòa án (Điều 32/3).
Luật Tội phạm máy tính năm 2007 cũng đang được sửa đổi. Dự luật quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng có thể cấu thành một loại tội phạm theo Luật Tội phạm máy tính. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang tiếp tục được thảo luận kỹ Quốc hội và cả Chính phủ. Do quy định này đã bị lược bỏ sau đó nhưng một số nghị sĩ và Chính phủ tiếp tục có ý kiến đưa điều luật này quay trở lại5. Đến tháng 01/2017, Luật Tội phạm máy tính sửa đổi được thông qua quy định: Khi xảy ra hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì một quan chức khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và Xã hội, có thể nộp đơn yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu xóa bỏ các dữ liệu vi phạm đó trên hệ thống máy tính. Tức là khi chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra hành vi vi phạm, người này có thể cung cấp địa chỉ và thông tin về nơi xảy ra hành vi vi phạm này cho một nhân viên của MDES để tiến hành điều tra và thu thập bằng chứng. Sau khi được Bộ trưởng phê duyệt, nhân viên sẽ gửi đơn lên Tòa yêu cầu chặn hoặc xóa nội dung của trang web. Tuy nhiên, trong một trường hợp khẩn cấp, nhân viên này có thể đệ trình lên Tòa án trước khi có sự đồng ý của MDES. Nếu trường hợp này xảy ra, nhân viên phải báo cáo vấn đề cho Bộ trưởng càng sớm càng tốt sau khi đã đệ trình lên Tòa án. Cuối cùng, nếu Tòa án thông qua yêu cầu, viên chức có thể chặn trang web hoặc yêu cầu ISP thực hiện (Điều 18, Điều 19).
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua thực tiễn lập pháp trên của Thái Lan có thể thấy, vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số đang hết sức được quan tâm và quy chế pháp lý bảo hộ quyền đang ngày càng được hoàn thiện hơn. Đây cũng là một trong những bài học đáng giá cho các nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương tự Thái Lan như Việt Nam học tập.
Thứ nhất, khắc phục các thiếu sót của pháp luật hiện hành, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không quy định trực tiếp về việc bảo hộ quyền tác giả trên internet, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa xác định được đối tượng là quyền tác giả trên internet, các dạng xâm phạm quyền tác giả trên internet, trách nhiệm của người xâm phạm, trách nhiệm của ISP, biện pháp bảo hộ... Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 là cần thiết để bảo hộ hiệu quả quyền tác giả nói riêng và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ nói chung trên internet, với các trọng tâm sau:
- Quy định rõ về các đối tượng của quyền tác giả bị xâm phạm trên internet, đặc định hóa một cách tối đa các dạng vi phạm để có biện pháp bảo hộ hữu hiệu. Đây là vấn đề đầu tiên để chủ sở hữu quyền tác giả, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan biết được trách nhiệm, quyền hạn của mình với các đối tượng được công bố trên internet.
- Quy định rõ về các dạng ISP, trách nhiệm của ISP trong việc bảo hộ quyền tác giả. Đây chính là vấn đề trọng tâm mà vừa qua là Thái Lan đã quy định. ISP chính là người gác cổng, người bảo vệ trong môi trường kỹ thuật số, nên không thể bảo hộ được quyền tác giả nếu không quy định gì về trách nhiệm của ISP. Đi kèm với trách nhiệm thì cần có các chế tài nếu ISP không thực hiện chức năng của mình trong việc bảo hộ quyền tác giả. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng truyền thông. Nhưng các quy định trong Thông tư liên tịch này còn quá sơ sài, chưa nói rõ trách nhiệm của các loại ISP trong việc cung cấp thông tin người vi phạm, trách nhiệm xóa thông tin vi phạm, các dạng trách nhiệm dân sự, hình sự cụ thể và căn cứ miễn các trách nhiệm đó. Có thể nói, Việt Nam hiện nay khá giống với tình hình của Thái Lan trước khi sửa đổi Luật Quyền tác giả năm 2015. Do đó, kinh nghiệm của các nước đi trước sẽ là nguồn tham khảo quý giá khi chúng ta hoàn thiện quy định về trách nhiệm của ISP trong bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số.
Ngoài việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ thì các luật chuyên ngành có liên quan cũng cần cụ thể hóa trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự với hành vi xâm phạm quyền tác giả trên internet để có cơ sở pháp lý bảo hộ hiệu quả hơn. Nếu việc sửa các luật là không khả thi trong ngắn hạn thì Việt Nam có thể đưa các quy định này vào văn bản dưới luật như kinh nghiệm Trung Quốc đã làm.
Thứ hai, tăng cường vai trò chủ động và năng lực của các hội, hiệp hội liên quan đến quyền tác giả tại Việt Nam như Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam... trong việc đại diện cho chủ sở hữu tác phẩm hoặc hỗ trợ chủ sở hữu tác phẩm trong việc giải quyết các vụ việc vi phạm, gây sức ép lên các ISP không có tinh thần phối hợp. Với sự phát triển mau lẹ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì những vi phạm quyền tác giả trên internet sẽ ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Tương lai này đòi hỏi sự nhập cuộc tích cực, chủ động hơn của các hội, hiệp hội bảo vệ quyền tác giả để có thể sát cánh cùng chủ sở hữu quyền tác giả bảo hộ hiệu quả các quyền này.
Thứ ba, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo hộ quyền tác giả trên internet. Việc quy định khuôn khổ và trách nhiệm pháp lý là vô cùng cần thiết, nhưng trên thực tế sẽ không thể bảo hộ được quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số nếu không có các biện pháp kỹ thuật đi kèm. Việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật này sẽ chỉ thiết thực và hiệu quả nếu chúng ta có quy định trách nhiệm hoặc quy chế phối hợp giữa cơ quan chức năng với các công ty dịch vụ, kỹ thuật hoặc bản thân các hội, hiệp hội về quyền tác giả.
Tóm lại, bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số là nhu cầu cấp bách mà mọi quốc gia đều phải đối diện. Tuy mỗi nước có chế độ chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau nhưng đều có chung nhận thức và hướng giải quyết khi xiết chặt các quy định liên quan đến trách nhiệm của ISP cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tăng cường vai trò chủ động của bản thân tác giả và các hội, hiệp hội bảo vệ quyền tác giả. Do đó, với một nước đang phát triển và có trình độ công nghệ ở mức hạn chế như Việt Nam thì những bài học về hoàn thiện pháp luật và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vừa tầm như Thái Lan sẽ là những bài học đáng tham khảo với chúng ta.
& ThS. Hoàng Thanh Phương *
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Theo kết quả phỏng vấn một điều tra viên của ECD ngày 01/12/2011, xem tại: http://www.bunka.go.jp/seisaku/chosakuken/ kaizokuban/handbook/pdf/24_tai_singai_handbook_ver2.pdf (truy cập ngày 20/9/2017).
[2]. Liên minh quyền sở hữu trí tuệ quốc tế (IIPA), “Báo cáo Điều 301, Bản đặc biệt năm 2011”, tr.325.
[3].Xemhttp://www.bunka.go.jp/seisaku/chosakuken/kaizokuban/handbook/pdf/24_tai_singai_handbook_ver2.pdf (truy cập ngày 20/9/2017).
[4]. IIPA, “2016 Special 301 Report on Copyright Protection and Enforcement”, p.52 (xem tại: http://www.iipawebsite.com/rbc/2016/2016SPEC301THAILAND.PDF,truy cập ngày 11/11/2017).
[5]. IIPA, “2016 Special 301 Report on Copyright Protection and Enforcement”, p.55 (xem tại : http://www.iipawebsite.com/rbc/2016/2016SPEC301THAILAND.PDF,truy cập ngày 11/11/2017).