Trong bài viết tác giả Đỗ Phương Thảo đã đi sâu phân tích một số nội dung chính như: (i) Sự cần thiết phải bảo hộ đối tượng chuyển giao của hợp đồng nhượng quyền thương mại; (ii) Thực trạng pháp luật về bảo vệ đối tượng chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền thương mại; (iii) Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại.
1. Sự cần thiết phải bảo hộ đối tượng chuyển giao của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng là sự thỏa thuận làm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên nhằm đạt đến những mục tiêu nhất định. Để giao kết và thực hiện hợp đồng, một trong những yếu tố mà các bên phải làm rõ đó chính là đối tượng của hợp đồng. Với bản chất là tài sản/hàng hóa phải giao hoặc công việc/dịch vụ phải làm, đối tượng hợp đồng không chỉ giúp cho các bên đạt được mục tiêu khi giao kết hợp đồng, mà còn là một trong những căn cứ giúp các bên có cách thức, biện pháp phù hợp để kiểm soát quá trình chuyển giao/thực hiện đối tượng ấy. Thực tế cho thấy, không xác định được chính xác đối tượng hợp đồng sẽ đồng nghĩa với việc chuyển giao tài sản/hàng hóa hoặc việc thực hiện công việc/cung ứng dịch vụ không diễn ra theo đúng mong muốn của các bên khi xác lập quan hệ hợp đồng. Đồng thời, các bên sẽ khó có thể thiết lập được một cơ chế bảo vệ một cách hiệu quả đối tượng của hợp đồng trong quá trình thực hiện và sử dụng nó nhằm thỏa mãn lợi ích của các bên khi tham gia vào mối quan hệ này. Ở góc độ quản lý nhà nước, việc ghi nhận chính xác đối tượng hợp đồng sẽ giúp Nhà nước lựa chọn cách thức tác động phù hợp đối với mỗi quan hệ hợp đồng, thông qua đó, kiểm soát, bảo vệ đối tượng của hợp đồng cũng như bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, lợi ích của xã hội một cách hiệu quả tương ứng với bản chất của mỗi loại giao dịch/hợp đồng cụ thể.
Trong hoạt động thương mại, việc xác định chính xác đối tượng hợp đồng không chỉ có ý nghĩa đối với thương nhân mà còn có ý nghĩa đối với Nhà nước trong quá trình điều tiết hoạt động thương mại. Ý nghĩa này càng thể hiện rõ rệt trong những quan hệ hợp đồng mà đối tượng hợp đồng không đơn thuần chỉ là tài sản/hàng hóa hữu hình hay công việc/dịch vụ cụ thể, trong đó, hợp đồng nhượng quyền thương mại là một điển hình. Sở dĩ nói như vậy là vì, với bản chất là hoạt động chuyển giao cách thức kinh doanh, bên nhượng quyền và nhận quyền cùng kinh doanh chung một sản phẩm với phương thức như nhau, cùng sử dụng chung danh tiếng mà bên nhượng quyền đã dày công vun đắp, đối tượng chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền không phải là hàng hóa/dịch vụ có thể xác định được một cách đơn giản. Điều đặc biệt ở chỗ, đối tượng chuyển giao (phương thức kinh doanh) trong quan hệ nhượng quyền không phải là hàng hóa như trong hợp đồng mua bán hàng hóa bởi các bên không hề chuyển giao quyền sở hữu đối tượng đó cho nhau, cũng không phải là dịch vụ mà bên nhượng quyền cung ứng cho bên nhận quyền, bởi bên nhượng quyền chỉ cam kết cho bên nhận quyền sử dụng danh tiếng, cách thức kinh doanh của mình để cung ứng sản phẩm ra thị trường, mà không cung ứng bất cứ dịch vụ nào cho bên nhận quyền.
Cụ thể, đối tượng chuyển giao (quyền thương mại) mà bên nhượng quyền chuyển giao cho bên nhận quyền là một tập hợp các yếu tố có sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhau tạo nên “thương hiệu” của sản phẩm mà bên nhượng quyền cung ứng, bao gồm: (i) Các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ như tên thương mại, nhãn hiệu, bản quyền, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và những yếu tố mang tính chất của quyền sở hữu trí tuệ như bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, phong cách phục vụ và (ii) Các yếu tố khác tạo nên bản sắc riêng của phương thức kinh doanh nhượng quyền khi được sử dụng kết hợp với các yếu tố sở hữu trí tuệ nêu trên như: Đồng phục nhân viên, cung cách phục vụ của nhân viên, cách thiết kế, bài trí cửa hàng…
Việc xác định đúng đối tượng của hợp đồng nhượng quyền là một trong những yếu tố giúp cho bên nhượng quyền tiến hành các biện pháp kiểm soát bên nhận quyền trong việc sử dụng “quyền thương mại” mà bên nhượng quyền đã chuyển giao, đồng thời giúp toàn bộ hệ thống có thể bảo vệ một cách hữu hiệu nhất đối tượng mà các bên chuyển giao cho nhau trước bên thứ ba bất kỳ trong xã hội.
2. Thực trạng pháp luật về bảo vệ đối tượng chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền thương mại
Trong pháp luật Việt Nam hiện hành về hoạt động nhượng quyền, không đề cập trực tiếp mà chỉ gián tiếp nhắc tới đối tượng mà bên nhượng chuyển giao cho bên nhận thông qua khái niệm hoạt động nhượng quyền thương mại. Theo đó, đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại đã được mô tả bằng phương pháp liệt kê bao gồm các yếu tố sở hữu trí tuệ và các yếu tố khác để cấu thành nên mô hình kinh doanh thành công của bên nhượng quyền. Như vậy, cách thức xác định đối tượng của hợp đồng nhượng quyền được quy định trong Luật Thương mại năm 2005 cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là: (i) Chưa mô tả được đầy đủ các yếu tố cấu thành nên đối tượng chuyển giao giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền; (ii) Chưa thể hiện được mối quan hệ khăng khít, nhuần nhuyễn giữa các yếu tố cấu thành nên đối tượng của hợp đồng nhượng quyền trong một chỉnh thể thống nhất.
Từ những bất cập trong pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề nhận diện đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại đã dẫn đến những hạn chế trong quá trình thiết lập cơ chế bảo vệ đối tượng này trong quá trình vận hành hệ thống nhượng quyền. Điểm mấu chốt ở đây là, giữa Luật Thương mại và Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chưa thực sự đồng bộ trong việc định danh và bảo vệ quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền. Điều này đã dẫn đến tình trạng pháp luật về bảo vệ đối tượng của hợp đồng nhượng quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay vừa “yếu” lại vừa “thiếu”, thể hiện ở hai khía cạnh: (i) Trong nội dung của quyền thương mại, tồn tại những yếu tố sở hữu trí tuệ được liệt kê trong Luật Thương mại năm 2005, đồng thời được bảo vệ bởi quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) nhưng cơ chế bảo hộ chưa thực sự hiệu quả; (ii) Trong gói quyền thương mại mà các bên chuyển nhượng cho nhau khi thực hiện hoạt động nhượng quyền xuất hiện những đối tượng mà Luật Thương mại năm 2005 chưa ghi nhận và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) cũng không bảo hộ.
2.1. Vấn đề bảo vệ các yếu tố sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Luật Thương mại năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019)
Trong nội dung quyền thương mại mà các bên nhượng và bên nhận quyền chuyển giao cho nhau, có những yếu tố cấu thành mang tính truyền thống, nghĩa là hầu hết trong mọi hệ thống nhượng quyền, các yếu tố này đều xuất hiện trong tập hợp các yếu tố tạo nên sự thành công của thương hiệu nhượng quyền. Bản thân những yếu tố này hiện nay được liệt kê trong Luật Thương mại năm 2005 như là một bộ phận của “quyền thương mại” và được Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) bảo vệ như một tài sản trí tuệ độc lập hoàn toàn với quan hệ nhượng quyền. Những yếu tố này bao gồm: Tên thương mại và nhãn hiệu đã được liệt kê trong Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 như sau: “Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền”. Thực trạng pháp luật về vấn đề bảo vệ tên thương mại và nhãn hiệu đặt trong mối quan hệ nhượng quyền cụ thể như sau:
Một là, tên thương mại là yếu tố có vai trò quan trọng cấu thành nên quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền. Đây là một trong các dấu hiệu giúp cho khách hàng có thể nhận diện các hệ thống nhượng quyền trên thị trường. Chức năng phân biệt này của tên thương mại cũng đã được ghi nhận trong định nghĩa về đối tượng này theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: Là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh[1]. Quan trọng hơn, đằng sau tên thương mại tưởng chừng đơn thuần đó là toàn bộ uy tín, giá trị và vị thế của thương nhân sáng tạo ra hệ thống nhượng quyền. Chính vì vậy, tên thương mại luôn hiện diện trong đối tượng của hợp đồng nhượng quyền và là một trong các yếu tố mà bên nhượng và bên nhận có nhu cầu chuyển giao quyền sử dụng cho nhau và cùng kinh doanh dưới một tên thương mại chung để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành điều chỉnh vấn đề chuyển nhượng và chuyển giao quyền sử dụng tên thương mại còn rất hạn chế. Cụ thể, đối với vấn đề chuyển nhượng quyền thương mại thì khoản 3 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) có đưa ra điều kiện để chuyển nhượng là: “Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó”. Nếu theo quy định này, khi một chủ thể kinh doanh chuyển nhượng tên thương mại cũng đồng nghĩa với việc chủ thể đó sẽ phải chấm dứt hoạt động và toàn bộ cơ sở kinh doanh được chuyển sang cho bên nhận chuyển nhượng. Như vậy, nhu cầu chuyển giao tên thương mại của các thương nhân trong hệ thống nhượng quyền sẽ không thể thực hiện được, bởi lẽ, sau khi chuyển nhượng tên thương mại, các thương nhân nhượng quyền sẽ tiếp tục cùng nhau kinh doanh dưới một tên thương mại chung nhưng với tư cách pháp lý và tài chính hoàn toàn độc lập. Chưa dừng lại ở đó, vấn đề chuyển giao quyền sử dụng tên thương mại giữa các thương nhân nói chung cũng như thương nhân nhượng quyền nói riêng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng trở thành một hạn chế làm triệt tiêu nhu cầu chuyển giao tên thương mại của thương nhân nhượng quyền khi “quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao”[2]. Mặc dù những hạn chế này là nhằm tránh gây ra sự nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh đối với người tiêu dùng trên thị trường nhưng đặt trong mối quan hệ nhượng quyền thương mại, nó lại trở thành rào cản đối với các thương nhân trong việc chuyển giao quyền thương mại để xây dựng một hệ thống kinh doanh mang tính đồng bộ và thống nhất.
Từ những phân tích trên đây có thể thấy, trong mối quan hệ với Luật Thương mại năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) với tư cách là một trong những luật bổ trợ lại chưa thực sự phát huy được vị trí, vai trò hỗ trợ của mình. Không những thế, các quy định mang tính cấm và hạn chế quyền chuyển giao và quyền chuyển nhượng đối với tên thương mại còn đặt các thương nhân nhượng quyền trước nguy cơ vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành.
Hai là, trong các yếu tố thuộc “quyền thương mại” mà các bên chuyển giao cho nhau, nhãn hiệu là đối tượng sở hữu công nghiệp mang tính phổ biến nhất. Hầu hết, trong các giao dịch nhượng quyền, các bên đều thỏa thuận chuyển giao cho nhau quyền sử dụng nhãn hiệu của sản phẩm mà hệ thống nhượng quyền phân phối. Sở dĩ, có hiện tượng này là bởi vì một trong các yêu cầu đặt ra với sản phẩm nhượng quyền là phải đạt một sự đồng nhất về chất lượng, giá cả, hình thức của sản phẩm đến một giới hạn mà tại giới hạn đó khách hàng không thể phân biệt được sản phẩm của hệ thống nhượng quyền này được cung cấp bởi các thương nhân hoàn toàn độc lập với nhau về tài chính cũng như tư cách pháp lý. Trong khi đó, vai trò của nhãn hiệu là để phân biệt, đặc định hàng hóa, dịch vụ của các thương nhân với nhau. Do đó, việc các thương nhân trong một hệ thống nhượng quyền phải cùng kinh doanh dưới một nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ là vô cùng cần thiết để đảm bảo điều kiện mang tính bản chất của quan hệ nhượng quyền. Không giống tên thương mại, việc bảo hộ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu không theo cơ chế tự động mà phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Như vậy, việc một nhãn hiệu có được bảo hộ hay không phụ thuộc vào việc chủ thể sở hữu nó có nhu cầu được pháp luật bảo hộ hay không. Tất nhiên, không phải dấu hiệu bất kỳ đều được pháp luật bảo hộ mà phải phụ thuộc vào việc dấu hiệu đó có đáp ứng được các điều kiện bảo hộ hay không. Cụ thể, các điều kiện đó là: “Dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc”[3]. Những điều kiện này là chưa thực sự hợp lý. Sự bất hợp lý này sẽ là một hạn chế đối với nhu cầu bảo hộ rộng lớn của các thương nhân. Bởi lẽ, quy định này vô hình trung đã loại bỏ mùi vị và âm thanh cũng như những dấu hiệu mang tính độc đáo ra khỏi phạm vi các dấu hiệu được bảo hộ dưới danh nghĩa một nhãn hiệu vì những dấu hiệu này mặc dù có chức năng phân biệt nhưng lại “không thể nhìn thấy được”. Đặc biệt, trong mối quan hệ nhượng quyền, khi mà sự thành công của cả hệ thống được tạo dựng từ sự độc đáo trong mô hình kinh doanh của thương nhân nhượng quyền thì việc thương nhân nhượng quyền sử dụng các dấu hiệu có hàm lượng sáng tạo cao như âm thanh, mùi vị để tạo nên quyền thương mại là một điều tất yếu. Trong trường hợp này, để có thể ghi dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng về quá trình cung ứng sản phẩm của mình, các thương nhân nhượng quyền sẽ có nhu cầu đăng ký và sử dụng những dấu hiệu đặc biệt trên với danh nghĩa một nhãn hiệu. Nhu cầu chính đáng này của thương nhân nhượng quyền sẽ không thể được đáp ứng bởi các quy định bảo hộ mang tính giới hạn của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành. Hậu quả là, cả hệ thống nhượng quyền sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sao chép ý tưởng một cách tràn lan vì không có cơ chế để được bảo vệ. Do đó, trong mối tương quan với pháp luật thương mại dưới góc độ hoạt động nhượng quyền, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam không những chưa phát huy được vai trò hỗ trợ cho sự vận hành của pháp luật thương mại mà còn tạo ra những cản trở nhất định đối với quá trình các quy định của pháp luật thương mại đi vào thực tế đời sống.
2.2. Một số yếu tố sở hữu trí tuệ được chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền nhưng chưa được pháp luật ghi nhận và bảo hộ
Trong nội dung quyền thương mại các bên chuyển nhượng cho nhau trên thực tế có những đối tượng không được Luật Thương mại năm 2005 liệt kê tại Điều 284 như là một bộ phận của “quyền thương mại” và đồng thời không được Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) bảo hộ với danh nghĩa là một tài sản trí tuệ. Những yếu tố có thể kể đến đó là: Những yếu tố mang tính sáng tạo ở trình độ cao như cách thiết kế bài trí cửa hàng, cung cách phục vụ, cách thức trải nghiệm sản phẩm hay chỉ đơn thuần là đồng phục của nhân viên hoặc đơn giản nhất là cách thức đặt một tấm lót dưới mỗi bát phở khi phục vụ khách hàng mà hệ thống “Phở 24” đã từng sử dụng. Vì không được ghi nhận và bảo hộ bằng các quy định của pháp luật hiện hành nên sự sáng tạo này của hệ thống nhượng quyền “Phở 24” đã bị sao chép bởi thương hiệu “Phở 5 sao” mà không có cơ chế để xử lý. Vụ tranh chấp giữa hai thương hiệu phở của Việt Nam vào năm 2007 là một minh chứng rõ nét cho thấy trực trạng pháp luật về bảo vệ quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền còn nhiều bất cập.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) cần bổ sung những quy định về một số trường hợp ngoại lệ hợp lý dành riêng cho việc khai thác, sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ với tư cách là bộ phận của quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền. Cụ thể, đối với những quy định về điều kiện chuyển nhượng tên thương mại hoặc quy định về cấm hoạt động chuyển giao quyền sử dụng tên thương mại trong Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành năm 2015 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) cần bổ sung thêm cụm từ “trừ trường hợp đối với hoạt động nhượng quyền thương mại”. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng để thực hiện hoạt động chuyển giao quyền thương mại trong một số trường hợp thương nhân nhượng quyền phải chấp nhận thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, cần sửa đổi quy định về một trong các điều kiện để dấu hiệu được bảo hộ dưới danh nghĩa một nhãn hiệu là phải đảm bảo “nhìn thấy được” và phải tồn tại dưới dạng “chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc” tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019). Bởi lẽ, nếu để nguyên quy định như Điều 72 thì phạm vi các dấu hiệu được bảo hộ dưới danh nghĩa một nhãn hiệu sẽ rất hẹp trong khi sự sáng tạo của thương nhân nhượng quyền về vấn đề này là không giới hạn. Vì vậy, quy định tại Điều 72 nên sửa đổi theo hướng bỏ yêu cầu phải là dấu hiệu “nhìn thấy được”, đồng thời cũng không nên liệt kê các dạng tồn tại của nó. Điều này sẽ giúp mở rộng được tối đa phạm vi các dấu hiệu được bảo hộ với danh nghĩa một nhãn hiệu, kích thích sự tự do sáng tạo của thương nhân nhượng quyền, đồng thời phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs).
Thứ ba, để khắc phục tình trạng trong một số trường hợp các thương nhân nhượng quyền không có cơ chế để bảo vệ những yếu tố cấu thành nên quyền thương mại như: Bí quyết kinh doanh, cách thức bài trí cửa hàng, cách thức thiết kế không gian cửa hàng, cung cách phục vụ, cách thức trải nghiệm sản phẩm... có thể lựa chọn một trong hai phương thức sau:
Phương thức thứ nhất, bổ sung các đối tượng đã đề cập trên đây vào đối tượng bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019) và xây dựng các quy định cụ thể để bảo hộ các đối tượng này. Tuy nhiên, cách làm này không thực sự mang lại hiệu quả và giải quyết được những bất cập một cách triệt để. Bởi lẽ, các yếu tố cần được bảo hộ là kết quả của sự sáng tạo và sự sáng tạo của con người nói chung cũng như thương nhân nói riêng là vô cùng phong phú và đa dạng. Do vậy, nếu lựa chọn phương thức này sẽ dẫn đến hậu quả là có thể phải liên tục sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm phù hợp với sự phát triển của các yếu tố cấu thành nên quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền.
Phương thức thứ hai, bảo hộ quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền với tư cách là cả một gói quyền. Bằng cách bổ sung “quyền thương mại” vào Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như một đối tượng điều chỉnh của văn bản này. Tất nhiên để được bảo hộ đối với “gói quyền thương mại” của mình, thương nhân nhượng quyền phải làm thủ tục đăng ký bảo hộ với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng phương thức này sẽ tạo ra cơ chế để Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh đối tượng quyền thương mại như một đặc thù riêng trong quan hệ nhượng quyền. Từ đó, giúp cho thương nhân nhượng quyền có thể bảo vệ đối tượng đã được chuyển giao cho các thương nhân nhận quyền một cơ chế bảo vệ thật sự hữu hiệu.
Đại học Thương mại Hà Nội
[2]. Khoản 1 điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019).
[3]. Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, năm 2019).